Đề thi giữa học kì 2 lớp 8 môn Ngữ văn Cánh diều - Đề 1 có đầy đủ đáp án, bảng ma trận, là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho thầy cô trong quá trình ra đề thi và ôn luyện kiến thức cho các bạn học sinh. Đây cũng là tài liệu hay giúp học sinh làm quen nhiều dạng đề kiểm tra giữa kì 2 môn Ngữ văn 8 khác nhau. Mời các bạn tham khảo.

1. Ma trận đề thi giữa học kì 2 Văn 8 Cánh diều

TT

Kỹ năng

Nội dung/Đơn vị kiến thức

Mức độ nhận thức

Tổng

% điểm

Nhận biết

Thông hiểu

Vận dụng

Vận dụng cao

TNKQ

TL

TNKQ

TL

TNKQ

TL

TNKQ

TL

1

Đọc hiểu

Truyện ngắn, truyện lịch sử/ Thơ Đường luật/

4

0

4

0

2

0

60

2

Viết

Phân tích một tác phẩm truyện/ Phân tích một tác phẩm thơ/ Nghị luận về một vấn đề của đời sống

0

1*

0

1*

0

1*

0

1*

40

Tổng

20

10

20

10

0

30

0

10

100%

Tỉ lệ %

30 %

30%

30%

10%

Tỉ lệ chung

60%

40%

2. Đề thi giữa học kì 2 Văn 8 Cánh diều

PHÒNG GD&ĐT …………

TRƯỜNG ………………….

(Đề thi gồm trang)

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC II Môn: NGỮ VĂN 8

(Thời gian làm bài: 90 phút)

Phần I. Đọc hiểu (5,0 điểm)

CÂU CHUYỆN CUỐI CÙNG

A Lềnh

Chiều hôm sau, đúng hẹn, nó cùng thằng Náng đi chơi rừng.

Mùa đông, trời mù sương, mưa phùn bay lất phất. Thằng Náng đi trước, Páo Tủa theo sát sau, hai thằng ưỡn ngực đi trông oách lắm. Thời tiết như thế này, cáo, cầy thường hay ra chỗ quang đãng vào tầm đó. Ngước nhìn lên sườn núi, hai thằng thấy một bụi rậm động đậy. Thằng Náng nói khẽ:

- Có con gì kìa!

Bụi rậm trở lại im ắng. Páo Tủa bảo:

- Chả có gì! Hoặc là lợn nhà người ta thả rông hoặc là đàn chim khướu tìm chỗ ngủ qua đêm! Mày thích thì lên mà xem!

Trong khi thằng Náng lò dò đi lên, thì Páo Tủa theo con đường mòn đi tiếp. Con đường mòn này sẽ dẫn vào dám ruộng hoang trong khe núi.

Chợt có một con chim đầu rìu xuất hiện trên đường. Con chim sặc sỡ, lộng lẫy quá! Nó khoác trên mình bộ lông màu xanh biếc hoà với màu đỏ chói. Cái lưỡi rìu dựng ngược trên lưng như con rồng đất. Páo Tủa doạ cho nó bay đi. Nhưng nó cứ nhảy nhót đằng trước, vừa nhảy, lại vừa như muốn đợi Páo Tủa. Chắc là mày muốn hi sinh rồi! Tao sẽ bắn làm mày bị thương nhẹ thôi, để tao còn mang về chơi. Páo Tủa lên cò súng, nhằm bắn, thì nó lại nhảy nhót từng bước phía trước như không có chuyện gì. Nó đột ngột dừng lại, nhìn lơ láo như đang suy tính điều gì. Páo Tủa nâng súng lên vai, mắt trái nhắm lại. Con chim tiếp tục nhảy nhót đi. Trêu ngươi nhau suốt một đoạn đường. Đến chỗ con đường hụt dốc xuống, nó dừng trong giây lát. Páo Tủa nâng ngay súng lên, ngón tay trỏ phải bắt đầu xiết cò, thì… brừ! Con chim bay vọt lên không trung xám một màu chì. Trước họng súng của Páo Tủa, bất thần xuất hiện một cái đầu trẻ con! Ối cha mẹ ôi! Không kịp nữa rồi! Đoàng oằng! Tai Páo Tủa như có vô vàn con côn trùng kêu rỉ rả giữa mùa hè trong khu rừng đại ngàn! Thằng oắt con giật bắn mình đổ vật xuống! Lần này thì chết thật rồi! Cha mẹ ôi! Chạy đằng nào cho thoát! Chỉ có chạy đằng giời! Páo Tủa đã quăng khẩu súng đi đâu mất, rồi từ từ khuỵu xuống, mồ hôi hột túa ra. Páo Tủa cảm thấy mình đang bốc khói nghi ngút, hơi thở và máu trong người đều đông cứng.

Thằng Náng xách một con khướu chạy đến. Nó cười cười nom đến ghét.

- Mày bắn được con gì đấy?

Páo Tủa nhổ toẹt một bãi nước bọt.

- Bắn bắn cái con khỉ!

- Hở! Mày bắn chết người à?

Páo Tủa dồn cơn bực tức vào cái khuôn mặt cười cười nhăn nhở trước mặt mình.

- Tao mà không nhanh tay ngóng nong súng lên trời, thì…. Nó hỏi một câu ngớ ngẩn:

- Nó chết chưa?

Páo Tủa định giáng một quả đấm vào mặt thằng Náng, nhưng đến nửa chừng thì kịp dừng lại. Thằng oắt con bị ngã té. Nó lồm cồm bò dậy đi về phía Páo Tủa và thằng Náng, hình như cú ngã làm nó xấu hổ, nên nó cười cười. Thằng Náng giữ thằng bé lại.

- Mày chưa chết à? Suýt nữa thì mày làm mỗi săn cho thằng này rồi! Đi đâu thế, nhóc con?

Thằng bé không hay biết gì việc Páo Tủa nhằm bắn nó. Nó hồn nhiên như không.

- Em đi tìm con lợn xổng ạ! Anh bắn được con chim! Giỏi quá!

Páo Tủa nhòm tận mặt thằng hằng bé xem nó sống lại như thế nào. Thiếu chút nữa là viên đạn của Páo Tủa đã găm đúng trán thằng oắt con rồi! Đầu óc Páo Tủa sáng dần ra.

- Đi đường trời mù sương, mày phải có một cây gậy dài, nhá! Nhất là đuổi lợn, lại càng cần phải có gậy dài, hay một cây sào! Ít ra thì cũng phải có một cành cây có lá để xua sương cho khỏi ướt quần áo! Nghe chưa? Đó là kinh nghiệm của những người đi đường rừng đấy!

Nó ngoan ngoãn:

- Vâng ạ, em nhớ rồi!

Chờ cho nó đi xa rồi, Páo Tủa mới tìm nhặt lại khẩu súng. Cái nòng súng ngậm đầy đất, và, đũng quần Páo Tủa cũng ngậm đầy bùn nhão. Páo Tủa càng phủi, bùn đất càng rây ra tay. May cho mày nhé, chưa phải đi ngồi tù, súng ạ! Thằng Náng đòi đi tiếp. Páo Tủa thì quay ngoắt về. Nó được con khướu, nên ham. Còn Páo Tủa được đầy một đũng quần bùn đất, nên ngao ngán. Cuối cùng đường về vẫn thắng thế.

Ngay ngày hôm sau, số đạn còn lại, Páo Tủa tháo hết đầu đem chia các-tút cho lũ trẻ con trong xóm chơi. Páo Tủa vẫn đủ kiên nhẫn để lau chùi khẩu súng thật cẩn thận, rồi đưa cho bố:

- Bố ơi! Con không thích chơi súng nữa đâu! Bố cất, hoặc bán đi. Nếu bán được tiền, bố mua cho con một cây khèn, bố nhá!

- Con làm sao thế? Chơi súng thì mắt mới tinh, chả nói thế là gì! Đòi chân tay mới nhanh nhẹn, con chả bằng được, giờ lại bỏ!

- Con không thích nữa! Có thế thôi! Con sẽ sắm một cây nỏ như thằng Náng là được rồi!

Không còn súng, Páo Tủa cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản biết bao.

Ước gì được nấy, một cây khèn đen bóng mà xuất hiện bên vách liếp. Trí tuệ, niềm tin yêu, thần tượng cao thượng của Páo Tủa đang ngồi khều bếp làm hoa lửa nổ lép bép, và nở một nụ cười.

- Ngày mai có một đoàn khách sẽ đến làng ta đấy! Khách du lịch ấy mà, toàn người phương Tây. Con trai ta sẽ lấy cây khèn ra mà trổ tài nhá. Tiếng khèn mới là lời mời bạn bè, mới là câu chuyện tâm giao làm cho những con người xa lạ đều hiểu nhau!

Páo Tủa chỉ còn biết lặng lẽ lau lại cây khèn cho thật bóng, và mang bộ quần áo khoác bóng như da trăn ra chuẩn bị, để ngày mai đón khách đường xa, đi bộ theo con đường mòn uốn lượn, đến với làng mình như một cuộc hành hương. Ngôi làng của Páo Tủa cheo leo, vắt vẻo trên sườn núi cao khuất trời mây, bởi có tiếng khèn mời gọi nên khách từ phương trời xa đang lũ lượt tới. Và lớn thêm chút nữa, Páo Tủa cũng sẽ mang tiếng khèn ra khỏi làng để khoe với bạn bè muôn phương.

4/2008

(Chuyện con suối Mường Tiên - NXB Kim Đồng, 2011)

Câu 1. Nhân vật chính trong truyện là ai?

A. Náng

B. Páo Tủa

C. Thằng bé

D. Bố của Páo Tủa

Câu 2. Đâu không phải là sự kiện có trong truyện?

A. Náng cùng Páo Tủa mang súng đi chơi rừng

B. Páo Tủa suýt bắn nhầm vào thằng bé

C. Páo Tủa đi gặp gia đình thằng bé xin lỗi

D. Páo Tủa quyết định không chơi súng săn

Câu 3. Từ nào sau đây là từ tượng hình?

A. Lồm cồm

B. Chuẩn bị

C. Ngoan ngoãn

D. Nhẹ nhõm

Câu 4. Dòng nào nêu đúng chủ đề của truyện?

A. Những thay đổi trong lao động sản xuất của người dân tộc miền núi

B. Những thay đổi trong thói quen săn bắn của người dân tộc miền núi

C. Những thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức của người dân tộc miền núi

D. Những thay đổi trong tập quán sinh hoạt văn hoá của người dân tộc miền núi

Câu 5. Chi tiết nào thể hiện rõ nhất trạng thái sợ hãi cực độ của Páo Tủa?

A. Ối cha mẹ ôi! Không kịp nữa rồi! Đoàng oằng!

B. Tai Páo Tủa như có vô vàn con côn trùng kêu rỉ rả giữa mùa hè trong khu rừng đại ngàn!

C. Páo Tủa đã quăng khẩu súng đi đâu mất, rồi từ từ khuỵu xuống, mồ hôi hột túa ra.

D. Páo Tủa cảm thấy mình đang bốc khói nghi ngút, hơi thở và máu trong người đều đông cứng.

Câu 6. Câu nói: “Bố ơi! Con không thích chơi súng nữa đâu! Bố cất, hoặc bán đi. Nếu bán được tiền, bố mua cho con một cây khèn, bố nhá!” cho thấy Páo Tủa đã có sự thay đổi nào trong suy nghĩ?

A. Páo Tủa thấy được sự nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng khi dùng súng săn.

B. Páo Tủa thấy yêu thích cây khèn để học những bản nhạc hay.

C. Páo Tủa không muốn phải vất vả đi săn muông thú trong rừng cùng bạn nữa.

D. Páo Tủa thấy dùng súng săn mãi cũng chẳng bắn được thú rừng nào.

Câu 7. “Không còn súng, Páo Tủa cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản biết bao”. Chi tiết này cho thấy Páo Tủa là cậu bé như thế nào?

A. Cậu bé có lòng yêu thương, muốn bảo vệ động vật.

B. Cậu bé có suy nghĩ chín chắn, có tâm hồn nhân hậu.

C. Cậu bé có lòng yêu thương, biết lo lắng cho gia đình.

D. Cậu bé biết tính toán, rất sợ phải gánh trách nhiệm.

Câu 8. Nhận xét nào không đúng về nghệ thuật xây dựng truyện?

A. Ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên, gần gũi, mộc mạc.

B. Xây dựng tình huống truyện kịch tính, hấp dẫn.

C. Cách kể chuyện giàu hình ảnh, lời văn đậm chất thơ

D. Miêu tả tâm lí nhân vật chân thực, tinh tế.

Câu 9. Em hãy đặt lại nhan đề cho truyện và giải thích vì sao lại đặt như thế? (1,0 điểm)

Câu 10. “Ngôi làng của Páo Tủa cheo leo, vắt vẻo trên sườn núi cao khuất trời mây, bởi có tiếng khèn mời gọi nên khách từ phương trời xa đang lũ lượt tới. Và lớn thêm chút nữa, Páo Tủa cũng sẽ mang tiếng khèn ra khỏi làng để khoe với bạn bè muôn phương.”. Theo em, tác giả muốn gửi thông điệp nào qua đoạn kết của truyện? Trả lời trong khoảng từ 10 đến 12 dòng. (2,0 điểm)

II. Phần viết: 5,0 điểm

Đề: Phân tích văn bản Câu chuyện cuối cùng của Mã A Lềnh để làm rõ chủ đề của truyện ngắn.

3. Đáp án đề kiểm tra Văn 8 giữa học kì 2 Cánh diều

Phần

Câu

Nội dung đáp án

Thang điểm cụ thể

I

1

B. Páo Tủa

0,25 điểm

2

C. Páo Tủa đi gặp gia đình thằng bé xin lỗi.

0,25 điểm

3

A.Lồm cồm

0,25 điểm

4

C. Những thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức

của người dân tộc miền núi.

0,25 điểm

5

D. “Páo Tủa cảm thấy mình đang bốc khói

nghi ngút, hơi thở và máu trong người đều đông cứng”.

0,25 điểm

6

A. Páo Tủa thấy được sự nguy hiểm và hậu

quả nghiêm trọng khi dùng súng săn.

0,25 điểm

7

B. Páo Tủa là cậu bé có suy nghĩ chín chắn,

giàu lòng nhân hậu.

0,25 điểm

8

C. Cách kể chuyện giàu hình ảnh, đậm chất

thơ

0,25 điểm

9

HS đặt tên truyện theo suy nghĩ riêng nhưng cần phù hợp với nội dung, chủ đề của truyện và giải thích được lí do đặt tên, ví dụ:

- Đặt tên: “Páo Tủa”, “Páo Tủa đi săn”, “Chuyện của Pảo Tủa” - tập trung vào nhân vật chính và nhấn mạnh đến sự kiện Páo Tủa gặp tình huống bất ngờ trong rừng, tình huống đó đã làm thay đổi nhận thức và hành động của Páo Tủa.

- Đặt tên “Bài học của Páo Tủa” - nhấn mạnh sự thay đổi trong nhận thức của Páo Tủa về sự sai lầm trong việc dùng súng đi săn của mình.

…..

- 1,0 điểm: HS đặt tên phù hợp với chủ đề của truyện, lí giải rõ ràng, thuyết phục.

- Từ 0,5 - 1,0 điểm: HS đặt tên phù hợp với chủ đề của truyện nhưng lí giải chưa thật rõ ràng, thuyết phục.

- 0,25 điểm: HS đặt tên

phù hợp với chủ đề của truyện nhưng chưa giải thích được lí do.

- 0 điểm: HS không đặt được tên phù hợp với chủ đề của truyện hoặc

không làm bài.

10

10

HS rút ra những thông điệp khác nhau từ đoạn kết câu chuyện nhưng cần hợp lí, thuyết phục, cụ thể:

- Hình thức: đảm bảo đoạn văn dung lượng 10-12 dòng.

- Nội dung: HS diễn đạt theo suy nghĩ riêng của mình, ví dụ:

+ Hãy hướng đến những việc làm tốt đẹp, mang tinh thần tích cực thay vì những việc làm gây tổn thương, mất mát.

+ Thế hệ trẻ hãy góp phần xây dựng quê hương vùng cao bằng cách phát huy những giá trị mang bản sắc dân tộc mình.

+ Hãy cùng nhau lan toả, quảng bá nét đặc trưng của quê hương đến bạn bè bốn phương bằng âm thanh đẹp đẽ của núi rừng.

+ Hoặc nêu được một thông điệp của cá nhân rất độc đáo mà vẫn hợp lí ( khuyến khích và cho điểm sáng tạo

- Từ 1,75 - 2,0 điểm: đảm bảo yêu cầu về hình thức, nêu được ít nhất một thông điệp phù hợp, trình bày có sức thuyết phục, thể hiện được nhận thức, tư duy vấn đề sâu sắc.

- Từ 0,75 - 1,5 điểm: đảm bảo yêu cầu về hình thức, nêu được ít nhất một thông điệp phù hợp nhưng trình bày chưa thật thuyết phục.

- 0,5 điểm: nêu được một thông điệp phù hợp.

- 0 điểm: HS không nêu

được thông điệp hoặc không trả lời.

II

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận về một

tác phẩm truyện.

0,25 điểm

b. Xác định đúng yêu cầu của đề:

- Đề: Phân tích truyện “Câu chuyện cuối cùng” của Mã A Lềnh.

0,25 điểm

c. Yêu cầu nội dung

HS có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:

- Dẫn dắt và giới thiệu nhan đề, tác giả, thể loại và nhận xét chung về tác phẩm.

- Nêu được chủ đề và phân tích các biểu hiện để làm rõ chủ đề của tác phẩm:

+ Phân tích đề tài và đặc sắc của cốt truyện trong việc làm sáng tỏ chủ đề, ví dụ: phân tích

đề tài cuộc sống người dân tộc nơi vùng cao với câu chuyện của cậu bé Páo Tủa để làm rõ chủ đề: Những thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức của người dân tộc miền núi.

+ Phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật nhằm làm rõ chủ đề của truyện, ví dụ: Phân tích nhân vật Páo Tủa với các chi tiết về lời nói, việc làm, hành động, suy nghĩ, tâm trạng,… thể hiện sự thay đổi trong nhận thức và phẩm chất nhân vật.

+ Phân tích tác dụng của các nét đặc sắc nghệ thuật trong truyện như bút pháp miêu tả (ngoại hình và nội tâm); xây dựng tình huống truyện; lựa chọn chi tiết ý nghĩa; ngôn ngữ kể chuyện;…

- Khái quát được giá trị nội dung và nghệ

thuật của truyện; nêu được tác động của truyện đối với bản thân.

- Từ 3,5 - 4,0 điểm: bài làm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của đáp án; biết cách phân tích tác dụng của các yếu tố hình thức, nội dung để thuyết phục, làm sáng tỏ ý kiến.

- Từ 2,5- 3,25 điểm: bài

làm đáp ứng đa số các yêu cầu của đáp án; bước đầu biết cách phân tích tác dụng của các yếu tố hình thức, nội dung.

- Từ 1,0 - 2,25 điểm: bài làm đáp ứng 1/2 các yêu cầu của đáp án; bước đầu biết cách phân tích tác dụng của các yếu tố hình thức, nội dung.

- Dưới 1,0 điểm: bài làm đáp ứng được một phần nhỏ của so với nội dung yêu cầu.

- 0 điểm: không làm bài hoặc làm sai hoàn toàn.

d. Chính tả, ngữ pháp: đảm bảo đúng chính

tả, dùng từ, đặt câu.

0,25 điểm

e. Sáng tạo: có sự tinh tế, sắc sảo trong lựa

chọn chi tiết truyện và kĩ năng lập luận, phân tích dẫn chứng.

0,25 điểm

...............

Để chuẩn bị cho kì thi giữa kì 2 sắp tới, các bạn học sinh cần thực hành luyện đề để làm quen với nhiều dạng đề khác nhau cũng như nắm được các dạng bài thường có trong đề thi. Mời các bạn tham khảo các đề thi giữa kì 2 lớp 8 mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 8 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt.