Đề ôn thi vào lớp 6 môn Tiếng việt
Đề ôn thi vào lớp 6 môn Tiếng việt năm 2019 - 2020 - Đề 2 bao gồm 2 phần Trắc nghiệm và tự luận cho các em học sinh cùng các bậc phụ huynh tham khảo cho con em mình ôn luyện, chuẩn bị kiến thức cho kì thi tuyển sinh vào lớp 6 trường Chuyên năm học mới đạt hiệu quả cao. Mời thầy cô cùng các em học sinh tham khảo.
Đề bài: Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (4,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bằng cách khoanh tròn vào chữ cái (A,B,C…) đầu dòng câu trả lời đúng.
"Mảng thành phố hiện ra trước mắt tôi đã biến màu trong bước chuyển huyền ảo của rạng đông. Mặt trời chưa xuất hiện nhưng tầng tầng lớp lớp bụi hồng ánh sáng đã tràn lan khắp không gian như thoa phấn trên những tòa nhà cao tầng của thành phố, khiến chúng trở nên nguy nga, đậm nét. Màn đêm mờ ảo đang lắng dần rồi chìm vào đất. Thành phố như bồng bềnh nổi giữa một biển hơi sương.”
(Buổi sáng ở Thành phố Hồ Chí Minh – Nguyễn Mạnh Tuấn)
Câu 1: Đoạn văn trên có mấy câu?
A. Một câu.
B. Hai câu.
C. Ba câu.
D. Bốn câu.
Câu 2: Thành phần chủ ngữ của câu: "Mảng thành phố hiện ra trước mắt tôi đã biến màu trong bước chuyển huyền ảo của rạng đông.” là:
A. Mảng thành phố.
B. Mảng thành phố hiện ra.
C. Mảng thành phố hiện ra trước mắt tôi.
Câu 3: Từ "thành phố” thuộc loại từ nào?
A. Từ đơn.
B. Từ láy.
C. Từ ghép tổng hợp.
D. Từ ghép phân loại.
Câu 4: Câu ghép: "Mặt trời chưa xuất hiện nhưng tầng tầng lớp lớp bụi hồng ánh sáng đã tràn lan khắp không gian như thoa phấn trên những tòa nhà cao tầng của thành phố, khiến chúng trở nên nguy nga, đậm nét.” có mấy vế câu?
A. Hai vế câu.
B. Ba vế câu.
C. Bốn vế câu.
D. Năm vế câu.
Câu 5: Dòng nào sau đây đều là từ láy?
A. Nguy nga, tầng tầng lớp lớp, không gian.
B. Nguy nga, tầng tầng lớp lớp, bồng bềnh.
C. Bồng bềnh, hoạt động, nguy nga.
Câu 6: Câu: "Thành phố như bồng bềnh nổi giữa một biển hơi sương.” sử dụng biện pháp tu từ nào?
A. Nhân hóa.
B. So sánh.
C. Điệp ngữ.
Câu 7: Từ "huyền ảo” thuộc từ loại gì?
A. Danh từ.
B. Động từ.
C. Tính từ.
D. Đại từ.
Câu 8: Dòng nào sau đây có cấu tạo là cụm danh từ.
A. Nổi giữa một biển hơi sương.
B. Những tòa nhà cao tầng của thành phố.
C. Đang lắng dần rồi chìm vào đất.
PHẦN II. TỰ LUẬN (16,0 điểm)
Câu 1: (1,0 điểm)
Cho câu văn sau: “Người Việt Nam ta - con cháu vua Hùng - khi nhắc đến nguồn gốc của mình, thường xưng là con Rồng, cháu Tiên.”
a, Các từ “nguồn gốc”, “con cháu” thuộc kiểu từ ghép nào?
b, Tìm hai từ cùng nghĩa với từ "nguồn gốc” trong câu trên.
Câu 2: (3,0 điểm)
Xác định chủ ngữ, vị ngữ và trạng ngữ trong các câu sau? Cho biết mỗi câu thuộc kiểu câu đơn hay câu ghép?
a, Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.
b, Những con chim bông biển trong suốt như thuỷ tinh lăn tròn trên những con sóng.
c, Bây giờ, sen trên hồ đã gần tàn nhưng vẫn còn lơ thơ mấy đoá hoa nở muộn.
Câu 3: (2,5 điểm)
Các câu sau thiếu bộ phận chính nào? Hãy sửa lại theo hai cách cho đúng.
a, Những học sinh chăm ngoan, học giỏi trong học kỳ vừa qua.
b, Khi mặt trời từ từ dưới biển nhô lên khỏi rặng núi xa xa.
Câu 4: (2,5 điểm)
Trong bài thơ "Về ngôi nhà đang xây”, tác giả Đồng Xuân Lan đã viết:
" Ngôi nhà tựa vào nền trời sẫm biếc
Thở ra mùi vôi vữa nồng hăng
Ngôi nhà giống bài thơ sắp làm xong
Là bức tranh còn nguyên màu vôi, gạch.”
Hãy viết một đoạn văn ngắn cảm nhận giá trị tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.
Câu 5: (7,0 điểm)
“Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”
Đêm khuya, tiếng cò mẹ bỗng văng vẳng đâu đây. Em lắng nghe câu chuyện của cò mẹ. Dựa vào nội dung bài ca dao trên, bằng sự sáng tạo và trí tưởng tượng của mình, em hãy kể lại bằng văn xuôi câu chuyện cảm động đó.