Đề cương ôn tập học kì 1 lớp 6 môn Khoa học tự nhiên

Đề cương ôn tập học kì 1 lớp 6 môn Khoa học tự nhiên Kết nối tri thức năm 2023 - 2024 hệ thống kiến thức được học môn KHTN 6 học kì 1, để các em học sinh củng cố kiến thức được học. Nội dung ôn tập bám sát chương trình học để các em học sinh nắm được cấu trúc đề thi chuẩn bị cho bài thi cuối học kì 1 lớp 6.

NỘI DUNG ÔN TẬP CUỐI HỌC KÌ I MÔN: KHOA HỌC TỰ NHIÊN 6

I/ Lý thuyết

- Ôn tập từ bài 1 đến bài 23 theo hướng dẫn sau đây:

Chủ đề 1. Mở đầu về Khoa học tự nhiên.

1. Trình bày khái niệm Khoa học tự nhiên là gì? Nêu các lĩnh vực của KHTN dựa vào đối tượng nghiên cứu? Vai trò của KHTN đối với đời sống? Lấy 03 ví dụ về vật sống và 03 ví dụ về vật không sống?

2. Kể tên một số dụng cụ đo thường dùng khi học tập môn KHTN? Nêu một số quy định an toàn khi học trong phòng thực hành? Nêu cấu tạo, cách sử dụng kính lúp và kính hiển vi quang học?

Chủ đề 2. Các phép đo.

1. Lấy 01 ví dụ chứng tỏ giác quan của chúng ta có thể cảm nhận sai một số hiện tượng? Nêu cách đo, đơn vị đo và dụng cụ thường dùng để đo khối lượng, chiều dài, thời gian?

2. Nhiệt độ là gì? Nêu cách xác định nhiệt độ trong thang nhiệt độ Celsius? Sự nở vì nhiệt của chất nào được dùng làm cơ sở để đo nhiệt độ?

Chủ đề 3. Chất quanh ta.

1. Nêu 03 ví dụ về vật thể tự nhiên, 03 ví dụ về vật thể nhân tạo?

2. Kể một số tính chất của chất mà em đã học. Nêu khái niệm về sự nóng chảy; sự sôi; sự bay hơi; sự ngưng tụ, đông đặc.

3. Nêu một số tính chất của oxygen mà em đã học (gợi ý: về trạng thái, màu sắc, tính tan,...). Lấy 01 ví dụ cho thấy vai trò của oxygen đối với sự sống, sự cháy và quá trình đốt nhiên liệu.

4. Nêu thành phần của không khí. Trình bày vai trò của không khí đối với tự nhiên. Trình bày các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí (gợi ý: các chất gây ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm không khí, biểu hiện của không khí bị ô nhiễm).

5. Nêu một số biện pháp bảo vệ môi trường không khí.

Chủ đề 4. Một số vật liệu, nguyên liệu, nhiên liệu, lương thực – thực phẩm thông dụng.

1. Trình bày tính chất và ứng dụng của một số vật liệu, nhiên liệu, nguyên liệu, mà em đã được học.

Gợi ý:

+ Một số vật liệu (kim loại, nhựa, gỗ, cao su, gốm, thuỷ tinh, ...);

+ Một số nhiên liệu (than, gas, xăng dầu, ...);

+ Một số nguyên liệu (quặng, đá vôi, ...);

2. Nêu cách sử dụng một số nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu an toàn, hiệu quả và trình bày sơ lược về an ninh năng lượng.

3. Kế tên 05 loại lương thực và 05 loại thực phẩm thông dụng. Nêu vai trò của lương thực, thực phẩm. Nêu cách bảo quản lương thực, thực phẩm.

Chủ đề 5. Tách chất ra khỏi hỗn hợp.

1. Trình bày một số cách đơn giản để tách chất ra khỏi hỗn hợp (lắng, gạn, lọc, cô cạn, chiết) và lấy ví dụ về ứng dụng của các cách tách đó.

2. Trình bày mối quan hệ giữa tính chất vật lí của một số chất thông thường với các phương pháp tách chúng ra khỏi hỗn hợp.

Gợi ý: Các tính chất vật lí khác nhau về khối lượng riêng, kích thước hạt, khả năng bay hơi, khả năng hòa tan,… được sử dụng như thế thế nào để tách chất ra khỏi hỗn hợp.

Chủ đề 6. Tế bào – đơn vị cơ sở của sự sống.

1. Nêu khái niệm tế bào, chức năng của tế bào. Vì sao nói tế bào là đơn vị cấu trúc của sự sống?

2. Nêu hình dạng và kích thước của một số loại tế bào (ví dụ tế bào hồng cầu, tế bào thần kinh ở người, tế bào vi khuẩn,…).

3. So sánh cấu tạo tế bào động vật, tế bào thực vật; tế bào nhân thực và tế bào nhân sơ.

4. Trình bày sự lớn lên và sinh sản của tế bào (từ 1 tế bào → 2 tế bào → 4 tế bào...

→ n tế bào) và nêu ý nghĩa của sự lớn lên và sinh sản đó.

Chủ đề 7. Từ tế bào đến cơ thể.

1. Trình bày mối quan hệ từ tế bào hình thành nên mô, cơ quan, hệ cơ quan và cơ thể. Từ đó, nêu các khái niệm mô, cơ quan, hệ cơ quan, cơ thể. Lấy ví dụ minh hoạ.

2. So sánh cấu tạo cơ thể đơn bào và cơ thể đa bào. Lấy 03 ví dụ minh hoạ về cơ thể đơn bào; 03 ví dụ về cơ thể đa bào.

3. Vẽ hình cơ thể đơn bào (Tảo hoặc trùng roi).

4. Mô tả các cơ quan cấu tạo cây xanh, mô tả cấu tạo cơ thể người.

II/ Bài tập: Xem lại toàn bộ các bài tập trong SBT từ bài 1 đến bài 23.

III/ Bài tập tham khảo

Phần 1. Trắc nghiệm

Câu 1. Chọn đáp án phù hợp khi nối thông tin ở hai cột bên dưới:

a. Lọc

(1) Sự tách chất dựa vào sự khác nhau về tính bay hơi.

b. Chiết

(2) Sự tách chất dựa vào sự khác nhau về mức độ nặng nhẹ.

c. Cô cạn

(3) Sự tách chất dựa vào sự khác nhau về kích thước hạt.

d. Lắng

(4) Sự tách chất dựa vào sự khác nhau về khả năng tan trong các

dung môi khác nhau.

A. a - 1, b - 3, c - 4, d - 2.

B. a - 3, b - 4, c - 1, d - 2.

C. a - 3, b - 1, c - 4, d - 2.

D. a - 3, b - 2, c - 1, d - 4.

Câu 2. Khi sử dụng nhiệt kế y tế thủy ngân để đo nhiệt độ cơ thể người, người ta phải thực hiện các thao tác sau (chưa được sắp xếp đúng thứ tự):

a. Đặt nhiệt kế vào nách trái, rồi kẹp cánh tay lại để giữ nhiệt kế.

b. Lấy nhiệt kế ra khỏi nách để đọc nhiệt độ.

c. Dùng bông lau sạch thân và bầu nhiệt kế.

d. Kiểm tra xem thủy ngân đã tụt hết xuống bầu nhiệt kế chưa, nếu chưa thì vẩy nhiệt kế cho thủy ngân tụt xuống.

Hãy sắp xếp các thao tác trên theo thứ tự hợp lí nhất.

A. b, a, c, d.

B. d, c, a, b.

C. d, c, b, d.

D. a, b, c, d.

Câu 3. Sự chuyển thể nào sau đây xảy ra tại nhiệt độ xác định?

A. Ngưng tụ.

B. Hóa hơi.

C. Sôi.

D. Bay hơi.

Câu 4. Nhận định nào đúng khi nói về hình dạng và kích thước tế bào?

A. Các tế bào đều có chung hình dạng và kích thước.

B. Các tế bào thường có hình dạng khác nhau nhưng và kích thước giống nhau.

C. Các tế bào thường có hình dạng khác nhau và kích thước khác nhau.

D. Các tế bào chỉ khác nhau về kích thước, chúng giống nhau về hình dạng.

Câu 5. Chất nào sau đây là chất tinh khiết?

A. Không khí.

B. Cà phê sữa.

C. Nước biển.

D. Khí oxygen.

Câu 6. Việc làm nào sau đây là quá trình tách chất dựa theo sự khác nhau về kích thước hạt?

A. Giặt giẻ lau bảng bằng nước từ vòi nước.

B. Dùng nam châm hút bột sắt từ hỗn hợp bột sắt và lưu huỳnh.

C. Lọc nước bị vẩn đục bằng giấy lọc.

D. Ngâm quả dâu với đường để lấy nước dâu.

Câu 7. Vật liệu nào sau đây được sử dụng làm lốp xe, đệm?

A. Nhựa.

B. Thủy tinh.

C. Cao su.

D. Kim loại.

Câu 8. Vật sống nào sau đây không có cấu tạo cơ thể là đa bào?

A. Em bé.

B. Cây hoa mai.

C. Con bướm.

D. Tảo lục.

Câu 9. Hỗn hợp nào sau đây không được xem là dung dịch?

A. Hỗn hợp nước đường. B. Hỗn hợp nước muối.

C. Hỗn hợp bột mì và nước khuấy đều. D. Hỗn hợp nước và rượu.

Câu 10. Trước khi đo thời gian của một hoạt động ta thường ước lượng khoảng thời gian của hoạt động đó để

A. lựa chọn đồng hồ đo phù hợp. B. đặt mắt đúng cách.

C. đọc kết quả đo chính xác. D. hiệu chỉnh đồng hồ đúng cách

Phần 2. Tự luận

Câu 1. Gas là một chất rất dễ cháy, khi gas trộn lẫn với oxygen trong không khí nó sẽ trở thành một hỗn hợp dễ nổ. Hỗn hợp này sẽ bốc cháy và nổ rất mạnh khi có tia lửa điện hoặc đánh lửa từ bật gas, bếp gas.

a) Chúng ta nên làm gì sau khi sử dụng bếp gas để đảm bảo an toàn?

b) Giả sử gia đình em có sử dụng bếp gas, khi đi học về, mở cửa nhà ra mà ngửi thấy mùi gas thì em nên làm gì?

Câu 2. Hãy nêu cách để có được nước muối sạch khi muối ăn lẫn một số hạt sạn không tan trong nước.

Câu 3. So sánh cấu tạo tế bào động vật và tế bào thực vật.

Câu 4. Hãy hoàn thành các yêu cầu sau:

a) Nêu hai đặc điểm khi nói về cơ thể đơn bào.

b) Nêu hai đặc điểm khi nói về cơ thể đa bào.

c) Nêu điểm giống nhau giữa cơ thể đơn bào và cơ thể đa bào.

Tham khảo lời giải trọn bộ 3 bộ sách mới môn KHTN lớp 6 chi tiết như sau:

  • KHTN lớp 6 Kết nối tri thức
  • KHTN lớp 6 Kết nối tri thức
  • KHTN lớp 6 Kết nối tri thức

Ngoài ra các bạn có thể tham khảo các dạng Đề thi học kì 1 lớp 6 và Đề thi học kì 2 lớp 6 theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD&ĐT ban hành. Tìm Đáp Án liên tục cập nhật Lời giải, đáp án các dạng bài tập Chương trình mới cho các bạn cùng tham khảo.