Bộ đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt năm 2020 - 2021 có đáp án chi tiết là tài liệu tham khảo hay dành cho quý thầy cô và các vị phụ huynh lên kế hoạch ôn tập đề Tiếng Việt lớp 3 học kì 2 cho các em học sinh.

Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt - Đề 1

A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Ở lại với chiến khu (Trang 13 - TV3/ Tập 2)

2. Chú ở bên Bác Hồ (Trang 16 - TV3/Tập 2)

3. Nhà bác học và bà cụ (Trang 31 - TV3/Tập 2)

4. Mặt trời mọc ở đằng.... tây! (Trang 52 - TV3/Tập 2)

5. Buổi học thể dục (Trang 89 - TV3/Tập 2)

6. Gặp gỡ ở Lúc-xăm-bua (Trang 98 - TV3/Tập 2)

7. Mặt trời xanh của tôi (Trang 125 - TV3/Tập 2)

8. Sự tích chú Cuội cung trăng (Trang 131 - TV3/Tập 2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

NGHỆ NHÂN BÁT TRÀNG

Em cầm bút vẽ lên tay

Đất cao lanh bỗng nở đầy sắc hoa:

Cánh cò bay lả bay la

Lũy tre đầu xóm, cây đa giữa đồng.

Con đò lá trúc qua sông

Trái mơ tròn trĩnh, quả bòng đung đưa...

Bút nghiêng, lất phất hạt mưa

Bút chao, gợn nước Tây Hồ lăn tăn.

Hài hoà đường nét hoa văn

Dáng em, dáng của nghệ nhân Bát Tràng.

(Hồ Minh Hà, Nét vẽ... màu men)

1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ gì? (0.5 điểm)

A. Bốn chữ

B. Năm chữ

C. Lục bát

D. Tự do

2. Hình ảnh “đất cao lanh bỗng nở đầy sắc hoa” ý nói gì? (0.5 điểm)

A. Từ đất cao lanh trồng được những bông hoa rực rỡ sắc màu.

B. Những hình ảnh được vẽ trên đất cao lanh rất đẹp

C. Từ đất cao lanh nặn được những bông hoa.

D. Cao lanh là cuốn bí kíp dạy ta cách trồng hoa

3. Người nghệ nhân đã vẽ lên đất cao lanh những cảnh và vật gì? (0.5 điểm)

A. Ngôi nhà, cây dừa, trái táo, quả đào.

B. Cánh cò, luỹ tre, cây đa, con đò, con sông, trái mơ, quả bòng, hạt mưa, gợn sóng Tây Hồ.

C. Mưa rào, con tàu, quả na, trăng, mây.

D. Cơn mưa, cánh én, luỹ tre, cây đa, mái đình, con đường, cánh đồng, gợn sóng Tây Hồ

4. Hai câu thơ “Bút nghiêng lất phất hạt mưa. / Bút chao gợn nước Tây Hồ lăn tăn” ý nói gì? (0.5 điểm)

A. Người nghệ nhân đã vất vả vẽ trong cơn mưa

B. Người nghệ nhân đã vẽ bên Hồ Tây

C. Người nghệ nhân tự mình đứng trong mưa, ngắm nhìn Hồ Tây để rồi vẽ lên những tác phẩm chân thực và sinh động nhất.

D. Người nghệ nhân đã vẽ ra những vẻ đẹp rất tinh tế chỉ bằng vài nét bút nghiêng hoặc chỉ bằng vài cái chao bút

5. Con hãy ghép những mảnh ghép sau để được những kết hợp phù hợp: (0.5 điểm)

1. Những cánh cò trắng

a. dập dờn

2. Cây đa thân thuộc

b. lăn tăn

3. Con đò nhỏ

c. sừng sững

4. Những con sóng nhỏ

d. bồng bềnh

6. Câu văn nào dưới đây có sử dụng biện pháp nhân hoá? (0.5 điểm)

☐ Những cánh cò bay lả bay la trên cánh đồng lúa.

☐ Những cánh cò chấp chới trên cánh đồng lúa.

☐ Những cánh cò phân vân trên cánh đồng lúa.

☐ Con đò như một chiếc lá trúc trên sông.

☐ Con đò dịu dàng trôi theo dòng nước.

☐ Con đò bồng bềnh trên mặt nước.

7. Bài thơ ca ngợi điều gì? (1 điểm)

8. Điền dấu phẩy, dấu chấm thích hợp vào chỗ trống? (1 điểm)

Mùa thu ☐ (1) cô bé gặp biết bao sắc vàng kì diệu : những bông cúc vàng tươi rực rỡ ☐ (2) những cánh bướm vàng dập dờn trong nắng ☐ (3) những tia nắng thu vàng như những sợi tơ tằm đang thêu lên tất cả đất trời ☐ (4) cây cỏ ☐ (5) Mùa thu thật là đẹp!

9. Điền tiếp vào chỗ trống để có hình ảnh so sánh (1 điểm)

a) Hoa phượng nở đỏ rực ....

b) Dòng sông uốn lượn hiền hòa ....

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Cây Răng Sư Tử

Trên cánh đồng nọ có một loài cây có những chiếc lá dài, xanh thẫm với những chiếc răng cưa nhọn hoắt như những chiếc răng nanh sư tử. Người ta gọi nó là cây Răng Sư Tử.Tay nó ôm bông hoa có cánh vàng như nắng. Hạ đến bông hoa trút bỏ cái trâm cài đầu vàng óng, chiếc áo trắng màu nắng được thay bằng cái áo trắng muốt, mịn như lông ngỗng, trông đầy kiêu hãnh.

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Viết một đoạn văn ngắn (từ 5 đến 7 câu) kể lại buổi biểu diễn nghệ thuật mà em được xem.

Đáp án Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt

A. KIỂM TRA ĐỌC

I/ Đọc thành tiếng

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu

1. (0.5 điểm) C. Lục bát

2. (0.5 điểm) B. Những hình ảnh được vẽ trên đất cao lanh rất đẹp

Hình ảnh “đất cao lanh bỗng nở đầy sắc hoa” có ý nói từ đất cao lanh nặn ra được những vật bằng gốm sứ, trên bề mặt đó ta có thể vẽ ra hình ảnh những bông hoa rất đẹp.

3. (0.5 điểm) B. Cánh cò, luỹ tre, cây đa, con đò, con sông, trái mơ, quả bòng, hạt mưa, gợn sóng Tây Hồ.

4. (0.5 điểm) D. Người nghệ nhân đã vẽ ra những vẻ đẹp rất tinh tế chỉ bằng vài nét bút nghiêng hoặc chỉ bằng vài cái chao bút

Hai câu thơ “Bút nghiêng lất phất hạt mưa. / Bút chao gợn nước Tây Hồ lăn tăn” ý nói người nghệ nhân thật sự rất tài hoa và tinh thế trong khi vẽ. Chỉ bằng vài nét bút nghiêng hoặc vài cái chao bút đã vẽ ra cơn mưa sinh động, đã vẽ được những sợn góng lăn tăn ở Tây Hồ.

5. (0.5 điểm)

1 – a: Những cánh cò trắng dập dờn

2 – c: Cây đa thân thuộc sừng sững

3 – d: Con đò nhỏ bồng bềnh

4 – b: Những con sóng nhỏ lăn tăn

6. (0.5 điểm)

Những câu có sử dụng biện pháp nhân hoá đó là:

- Những cánh cò phân vân trên cánh đồng lúa.

- Con đò dịu dàng trôi theo dòng nước.

Bởi vì phân vân và dịu dàng vốn là những từ ngữ dùng để chỉ hành động, đặc điểm của con người.

7. (1 điểm)

Bài thơ ca ngợi sự tài hoa của những người nghệ nhân Bát Tràng, bằng đôi tay khéo léo của mình đã vẽ nên những cảnh đẹp của cảnh vật trên đất nước ta lên đồ gốm.

8. (1 điểm)

Mùa thu, cô bé gặp biết bao sắc vàng kì diệu : những bông cúc vàng tươi rực rỡ, những cánh bướm vàng dập dờn trong nắng, những tia nắng thu vàng như những sợi tơ tằm đang thêu lên tất cả đất trời, cây cỏ. Mùa thu thật là đẹp !

9. (1 điểm)

a) Hoa phượng nở đỏ rực như một mâm xôi gấc khổng lồ.

b) Dòng sông uốn lượn hiền hòa như một dải lụa mềm mại.

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung: Đảm bảo đủ các ý sau (4 điểm) - Mỗi ý một điểm

- Đó là buổi biểu diễn nghệ thuật gì: kịch, ca nhạc, múa, xiếc,...?

- Buổi biểu diễn được tổ chức ở đâu? Khi nào?

- Em cùng với những ai xem?

- Buổi biểu diễn có những tiết mục nào?

- Em thích tiết mục nào nhất? Hãy nói cụ thể về tiết mục đó.

* Về hình thức:

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

Bài viết tham khảo:

Tối thứ bảy tuần trước, em được bố mẹ cho đi xem biểu diễn ca múa nhạc tại Cung Văn hoá Thiếu nhi của thành phố. Đúng mười chín giờ ba mươi phút, buổi biểu diễn bắt đầu. Lúc này khán giả đã ngồi chật tất cả các hàng ghế. Trên sân khấu, đèn bật sáng trưng. Cô dẫn chương trình ra giới thiệu về buổi biểu diễn và sau đó là một bản đồng ca hùng tráng vang lên, mở đầu cho đêm diễn. Tiếp sau đó là các bài đơn ca, các tiết mục múa được trình diễn xen kẽ nhau. Tiếng đàn, tiếng hát khi thì êm ái, du dương, khi lại sôi nổi, rộn ràng. Em vô cùng thích thú khi được xem buổi biểu diễn. Về tới nhà mà em còn nhớ mãi hai ca sĩ hát bài Bà Rằng bà Rí, một bài dân ca Bắc Bộ nói về nỗi khổ của một cô gái bị ép duyên phải lấy một anh chồng bé tẹo.

Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt - Đề 2

A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Ở lại với chiến khu (Trang 13 - TV3/ Tập 2)

2. Chú ở bên Bác Hồ (Trang 16 - TV3/Tập 2)

3. Nhà bác học và bà cụ (Trang 31 - TV3/Tập 2)

4. Mặt trời mọc ở đằng.... tây! (Trang 52 - TV3/Tập 2)

5. Buổi học thể dục (Trang 89 - TV3/Tập 2)

6. Gặp gỡ ở Lúc-xăm-bua (Trang 98 - TV3/Tập 2)

7. Mặt trời xanh của tôi (Trang 125 - TV3/Tập 2)

8. Sự tích chú Cuội cung trăng (Trang 131 - TV3/Tập 2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

MỘT CON CHÓ HIỀN

Có một cô gái quê nghèo, tội nghiệp tên là Phô-xơ. Từ nhỏ cô đã phải đi hành khất kiếm sống. Tối tối, cô ngủ trong vựa cỏ tại nhà một chủ quán. Bị mọi người xa lánh, ruồng bỏ, cô chỉ còn biết kết bạn với con chó của ông chủ quán.

Con chó của ông chủ quán rất nhỏ, dịu hiền như một con người. Bốn chân của nó màu đen trong khi toàn thân phủ một bộ lông trắng muốt. Giờ đây, khi kể lại cho các bạn nghe, tôi vẫn như trông thấy con chó tội nghiệp kia. Con chó nhỏ nhoi là sinh vật duy nhất lúc đó thường ném cho cô Phô-xơ những ánh nhìn thân thiện. Cô Phô-xơ dành cho con chó những miếng ăn ngon lành nhất của mình hằng ngày.

Mùa đông, con chó nằm ngủ dưới chân cô. Cô Phô-xơ đau lòng vô cùng khi thấy nó bị đánh đập. Cô dạy cho nó thói quen không vào các nhà ăn trộm những mẩu xương nhỏ, đành lòng ăn những mẩu bánh nghèo cô dành cho. Mỗi khi cô buồn, nó lại tới trước mặt cô, nhìn sâu vào trong mắt cô, tựa hồ nó quyến luyến cô gái nghèo. Nhưng rồi bà chủ đã quyết định đánh bả cho nó chết. Và con chó nhỏ đã chết trong tay cô gái nghèo... Cô đã khóc thương nó và chôn nó dưới gốc thông, như thể nó là đứa con cô đẻ ra vậy.

(Theo Ô-nô-rê Đờ Ban-dắc)

1. Tìm những chi tiết trong bài nói lên cảnh ngộ của cô Phô-xơ? (0.5 điểm)

☐ Là một cô gái mồ côi may mắn được vợ chồng ông chủ quán trọ cưu mang, giúp đỡ

☐ Là một cô gái quê nghèo, từ nhỏ đã phải đi hành khất kiếm sống

☐ Bị mọi người đánh đập, đuổi đi

☐ Buổi tối ngủ trong vựa cỏ tại nhà một chủ quán

☐ Bị mọi người xa lánh, ruồng bỏ, chỉ có thể kết bạn với con chó của chủ quán

2. Vì sao cô Phô-xơ lại thân thiết và gần gũi với chú chó của chủ quán? (0.5 điểm)

A. Vì chủ quán giao cho cô nhiệm vụ phải chăm sóc chú chó hằng ngày.

B. Vì trong khi những người khác xa lánh cô thì chú chó là sinh vật duy nhất thường nhìn cô bằng ánh nhìn thân thiện.

C. Vì cô Phô-xơ là một bác sĩ thú y, thường xuyên thăm nom sức khoẻ cho chú chó.

D. Vì chú chó rất nghe lời cô Phô-xơ, cô thường dạy chú chó những màn biểu diễn xiếc chuyên nghiệp.

3. Con hãy tìm trong bài những chi tiết về cách mà cô Phô-xơ đối xử với chú chó: (0.5 điểm)

☐ Dạy dỗ nó, dành cho nó những miếng ăn ngon lành nhất trong ngày của mình.

☐ Dạy chú chó nhiều màn biểu diễn xiếc chuyên nghiệp

☐ Đau lòng khi thấy nó bị đánh đập

☐ Thường tắm và chải lông cho chú chó cho tới khi mượt mà

☐ Khi chú chó bị chết, cô Phô-xơ khóc thương và đem chôn nó dưới gốc cây thông, như thể nó là đứa con cô đẻ ra vậy

4. Tìm những chi tiết trong bài cho thấy chú chó cũng có tình cảm đặc biệt với cô Phô-xơ: (0.5 điểm)

☐ Luôn dành cho cô những ánh nhìn thân thiện

☐ Hung dữ với những kẻ đã bắt nạt cô Phô-xơ

☐ Nằm dưới chân cô, nhìn sâu vào mắt cô mỗi khi cô buồn

☐ Thường lấy trộm đồ ăn của ông bà chủ rồi đem đến cho cô Phô-xơ

5. Theo con, vì sao giữa cô gái và chú chó nhỏ lại tồn tại tình cảm yêu thương đặc biệt đó? (0.5 điểm)

A. Vì cô Phô-xơ đã nuôi chú chó đó từ nhỏ.

B. Vì cô thường cho chú chó ăn nhiều thức ăn ngon

C. Vì cô và chú chó đều có cảnh ngộ tội nghiệp, đáng thương và cả hai đều giàu lòng yêu thương.

D. Vì cô Phô-xơ đã tận tình chăm sóc khi chú chó bị bệnh, nó hiểu được tình cảm đó nên cũng hết mực quấn quýt và yêu mến cô Phô-xơ

6. Câu chuyện này muốn nói với em điều gì? (0.5 điểm)

A. Hãy kết thân với những người giàu có để được giúp đỡ.

B. Sống độc lập, không nên dựa dẫm vào người khác.

C. Con người sống cần phải có ước mơ và biết vươn lên trong cuộc sống

D. Con người ta sống phải biết yêu thương, chia sẻ với những số phận bất hạnh, tội nghiệp.

7. Trong các câu sau đây, câu nào thuộc kiểu câu Ai thế nào? Xác định chủ ngữ của câu? (1 điểm)

☐ Con chó của ông chủ quán rất nhỏ, dịu hiền như một con người

☐ Cả cô Phô-xơ và con chó nhỏ đều rất đáng thương.

☐ Con chó nhỏ đã chết trong tay cô gái nghèo

☐ Cô đã khóc thương nó, chôn nó dưới gốc thông.

☐ Cô Phô-xơ tốt bụng và nhân hậu.

8. Điền từ thích hợp vào chỗ trống để câu văn sau có hình ảnh so sánh (1 điểm)

a. Bàn chân của nó đen mượt như ….. trong khi toàn thân phủ một bộ lông trắng muốt như ……..

b. Chú chó như ……. đã an ủi Phô-xơ mỗi khi cô gặp chuyện buồn.

9. Điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống để có đoạn văn tả một chú chó. (1 điểm)

Nhà em có một chú chó nhỏ, em gọi nó là Cún Bông. Cún Bông có bộ lông... (1) trông rất... (2) Hai cái tai nhỏ... (3), đôi mắt... (4) Mỗi khi em đi học về, nó thường chạy ra tận cổng đón em, đuôi vẫy... (5) tỏ vẻ... (6). Em rất... (7) Cún Bông.

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Bài tập làm văn

Một lần, Cô-li-a phải viết bài văn kể những việc đã làm giúp mẹ. Bạn rất lúng túng nên đã kể cả việc chưa bao giờ làm như giặt quần áo. Mấy hôm sau, mẹ bỗng bảo bạn đi giặt quần áo. Lúc đầu, bạn rất ngạc nhiên, nhưng rồi vui vẻ làm vì đó là việc bạn đã nói trong bài văn.

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Viết một bức thư ngắn (khoảng 10 câu) cho một bạn được ngoài để làm quen và bày tỏ tình thân ái.

Đáp án Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt

A. KIỂM TRA ĐỌC

I/ Đọc thành tiếng

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu

1. (0.5 điểm)

Những chi tiết trong bài nói lên cảnh ngộ của cô Phô-xơ đó là:

- Là một cô gái quê nghèo, từ nhỏ đã phải đi hành khất kiếm sống

- Buổi tối ngủ trong vựa cỏ tại nhà một chủ quán

- Bị mọi người xa lánh, ruồng bỏ, chỉ có thể kết bạn với con chó của chủ quán

2. (0.5 điểm) B. Vì trong khi những người khác xa lánh cô thì chú chó là sinh vật duy nhất thường nhìn cô bằng ánh nhìn thân thiện.

3. (0.5 điểm)

Những chi tiết nói về cách mà cô Phô-xơ đối xử với chú chó nhà chủ quán đó là:

- Dạy dỗ nó, dành cho nó những miếng ăn ngon lành nhất trong ngày của mình

- Đau lòng khi thấy nó bị đánh đập

- Khi chú chó bị chết, cô Phô-xơ khóc thương và đem chôn nó dưới gốc cây thông, như thể nó là đứa con cô đẻ ra vậy

4. (0.5 điểm)

Những chi tiết trong bài cho thấy chú chó cũng có tình cảm đặc biệt với cô Phô-xơ đó là:

- Luôn dành cho cô những ánh nhìn thân thiện

- Nằm dưới chân cô, nhìn sâu vào mắt cô mỗi khi cô buồn

5. (0.5 điểm) C. Vì cô và chú chó đều có cảnh ngộ tội nghiệp, đáng thương và cả hai đều giàu lòng yêu thương.

6. (0.5 điểm) D. Con người ta sống phải biết yêu thương, chia sẻ với những số phận bất hạnh, tội nghiệp.

7. (1 điểm)

Trong những câu đã cho, câu thuộc kiểu câu Ai thế nào? đó là (Phần chủ ngữ là phần được gạch chân, in đậm):

- Con chó của ông chủ quán rất nhỏ, dịu hiền như một con người

- Cả cô Phô-xơ và con chó nhỏ đều rất đáng thương.

- Cô Phô-xơ tốt bụng và nhân hậu.

8. (1 điểm)

Gợi ý:

a. Bàn chân của nó đen mượt như nhung trong khi toàn thân phủ một bộ lông trắng muốt như bông.

b. Chú chó như một người bạn đã an ủi Phô-xơ mỗi khi cô gặp chuyện buồn.

9. (1 điểm)

Học sinh điền từ hợp lí cho từng ô trống thì được điểm tốt đa.

Gợi ý:

Nhà em có một chú chó nhỏ, em gọi nó là Cún Bông. Cún Bông có bộ lông trắng muốt trông rất đẹp mắt. Hai cái tai nhỏ dựng đứng, đôi mắt tròn xoe. Mỗi khi em đi học về, nó thường chạy ra tận cổng đón em, đuôi vẫy rối rít tỏ vẻ mừng rỡ. Em rất yêu quý Cún Bông.

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung: Đảm bảo đủ các ý sau (4 điểm)

- Lí do để em viết thư cho bạn ( 1 điểm)

+ Em biết tin về bạn hoặc nước bạn qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình, phim ảnh,...

+ Em biết về nước bạn qua các bài học.

- Nội dung bức thư: (3 điểm - mỗi ý một điểm)

+ Em tự giới thiệu về mình.

+ Hỏi thăm bạn

+ Bày tỏ tìm cảm của em đối với bạn.

* Về hình thức:

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

Bài viết tham khảo:

Việt Nam, ngày 16 tháng 6 năm 2020

Bạn Na-ka-ru-ma thân mến!

Mình tên là Nguyễn Ngọc Ái Phương học sinh lớp 3A trường Tiểu học Ngô Gia Tự, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Thật tình cờ mình thấy bạn xuất hiện trên tivi với bức tranh thật có ý nghĩa về nội dung “Tác hại của chất phóng xạ”. Hình ảnh hai quả bom nguyên tử mà đế quốc Mĩ đã ném xuống Nhật Bản hồi Chiến tranh thế giới thứ hai chắc hẳn không bao giờ phai mờ trong kí ức của bạn. Bức tranh mang một thông điệp thật lớn lao phản đối chiến tranh và ước mơ của tuổi thơ được sống trong hạnh phúc hòa bình.

Mình cũng rất thích môn vẽ Na-ka-ru-ma ạ! Qua bức tranh bạn vẽ, mình thật ngưỡng mộ tài năng và nghị lực phi thường của bạn. Tác hại của chất phóng xạ đã làm cho đôi chân của bạn không bình thường nhưng ý chí của bạn thật đáng cho trẻ em trên toàn thế giới khâm phục. Qua bức thư này, mình muốn làm quen với bạn, để từ đây chúng mình có thể trao đổi với nhau qua những bức thư ngắn ngủi như thế này Na-ka-ru- ma nhé! Mình xin dừng bút đây. Chúc bạn thành công trong nghệ thuật hội họa.

Bạn gái làm quen

Nguyễn Ngọc Ái Phương

Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt - Đề 3

A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Ở lại với chiến khu (Trang 13 - TV3/ Tập 2)

2. Chú ở bên Bác Hồ (Trang 16 - TV3/Tập 2)

3. Nhà bác học và bà cụ (Trang 31 - TV3/Tập 2)

4. Mặt trời mọc ở đằng.... tây! (Trang 52 - TV3/Tập 2)

5. Buổi học thể dục (Trang 89 - TV3/Tập 2)

6. Gặp gỡ ở Lúc-xăm-bua (Trang 98 - TV3/Tập 2)

7. Mặt trời xanh của tôi (Trang 125 - TV3/Tập 2)

8. Sự tích chú Cuội cung trăng (Trang 131 - TV3/Tập 2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

THI NHẠC

Hôm nay, sau bao năm dốc toàn tâm lực dạy dỗ, giáo sư Vàng Anh tổ chức thi nhạc cho những học trò ông hằng yêu quý. Họ là Ve sầu, Dế Mèn, Gà Trống, Vịt, Hoạ Mi. Ông nghe tim đập hồi hộp.

Ve Sầu với đôi mắt nâu lấp lánh trình bày tác phẩm tốt nghiệp của mình bằng bản giao hưởng "Mùa hạ". Gian phòng tràn ngập một âm thanh sáng chói, vi-ô-lông réo rắt, màu hoa phượng đỏ rực, nắng sáng trắng với bầu trời xanh mênh mông... Bản nhạc đã dứt từ lâu mà giáo sư Vàng Anh vẫn còn ngây người vì xúc động.

Gà Trống mở đầu khúc nhạc nhan đề "Bình minh" đầy hứng khỏi. "Tờ réc ... tờ re ... te te". Dế Mèn khoẻ khoắn và trang nhã trong bộ đồ màu nâu cánh gián bắt đầu với bản giao hưởng "Mùa thu". Những chiếc lá khô rơi trong nắng, nắng lung linh như những đợt suối nguồn. Lá vàng phủ hai bờ, tiếng gió xào xạc nói với lá. Giai điệu mùa thu khiến đôi mắt giáo sư nhoè đi vì sung sướng.

Nàng Hoạ Mi xuất hiện với tà áo tha thướt trình bày bản giao hưởng "Mùa xuân". Những giọt mưa xuân nhẹ rơi, mầm cây hé nở, hoa đào rộ lên hoa mắt...

Cuối cùng là phần trình diễn của Vịt với tác phẩm "Ao nhà". Phong cách biểu diễn lôi cuốn làm mọi người hào hứng vô tay nhịp theo "Quạc cò... quạc quạc !". Âm nhạc diễn tả buổi sáng đẹp trời, mặt ao trong trẻo gợn lăn tăn.

Hội thi kết thúc, giáo sư Vàng Anh đứng lên, đôi mắt dịu dàng lướt trên mặt những đứa học trò ngoan. Giọng xúc động, giáo sư nói :

- Các con ! Ta rất vui lòng vì sự thành công của các con, cảm ơn các con đã cho ta niềm vui này. Ngày mai các con sẽ trở về với những miền quê yêu dấu của các con, chẳng còn ở bên ta nữa, nhưng lòng ta sẽ mãi dõi theo.

(Theo Nguyễn Phan Hách)

1. Những học trò nào của giáo sư Vàng Anh đã tham gia vào cuộc thi nhạc? (0.5 điểm)

☐ Ve Sầu

☐ Sơn Ca

☐ Hoạ Mi

☐ Thiên Nga

☐ Vịt

☐ Gà Trống

☐ Dế Mèn

2. Dòng nào sau đây nêu đúng tên các bản nhạc mà học trò của giáo sư Vàng Anh đã biểu diễn trong cuộc thi? (0.5 điểm)

A. Bình minh, Trưa vắng, Chiều về, Hoàng hôn, Đêm xuống

B. Bình minh, Mùa xuân, Mùa hạ, Mùa thu, Mùa đông

C. Mùa hạ, Bình minh, Mùa thu, Mùa xuân, Ao nhà

D. Mưa xuân, Nắng hạ, Lá thu, Gió Đông, Đất trời

3. Con hãy ghép các mảnh ghép sau sao cho được tên tác phẩm với học trò đã thể hiện tác phẩm đó? (0.5 điểm)

1. Ve Sầu

a. Bình Minh

2. Gà Trống

b. Ao nhà

3. Dế Mèn

c. Mùa xuân

4. Hoạ Mi

d. Mùa hạ

5. Vịt

e. Mùa thu

4. Những từ ngữ, chi tiết nào cho thấy giáo sư Vàng Anh rất yêu mến và trân trọng tài năng của các học trò? (0.5 điểm)

☐ Tim ông đập hồi hộp khi các học trò lên biểu diễn.

☐ Ông hào hứng vỗ tay khi các học trò biểu diễn

☐ Ông ngây người vì xúc động khi Ve Sầu biểu diễn xong bản nhạc “Mùa hạ”

☐ Mắt giáo sư nhoè đi vì sung sướng khi nghe bản nhạc “Mùa thu” của Dế Mèn

☐ Ông tỉ mỉ nhận xét và góp ý từng phần biểu diễn của từng học trò.

☐ Ông nhìn học trò dịu dàng, xúc động rồi nói ông rất vui vì sự thành công của họ và lòng ông mãi dõi theo họ.

5. Dòng nào sau đây có chứa các từ ngữ liên quan đến chủ đề Âm nhạc? (0.5 điểm)

A. Thi, tác phẩm, nhan đề, mùa hạ, thành công

B. Bản giao hưởng, âm thanh, vi-ô-lông, réo rắt, bản nhạc, khúc nhạc, giai điệu.

C. Dạy dỗ, học trò, trình bày, tốt nghiệp, hứng khởi

D. mùa xuân, buổi sáng, mưa thu, gió đông, thời tiết

6. Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng nhiều nhất trong bài? (0.5 điểm)

A. So sánh

B. Nhân hoá

C. Điệp từ

D. Điệp ngữ

7. Hãy điền tên các bản nhạc vào dòng miêu tả tương ứng dưới đây (1 điểm)

………….: Đầu hứng khởi với những âm thanh “Tờ réc ... tờ re ... te te”

………….: Những chiếc lá khô rơi trong nắng, nắng lung linh như những đợt suối nguồn. Lá vàng phủ hai bờ, tiếng gió xào xạc nói với lá.

………….: Gian phòng tràn ngập một âm thanh sáng chói, vi-ô-lông réo rắt, màu hoa phượng đỏ rực, nắng sáng trắng với bầu trời xanh mênh mông.

………….: Những giọt mưa xuân nhẹ rơi, mầm cây hé nở, hoa đào rộ lên hoa mắt

………….: âm nhạc diễn tả buổi sáng đẹp trời, mặt ao trong trẻo gợn lăn tăn.

8. Hãy điền từ còn thiếu vào chỗ trống để hoàn chỉnh những câu sau? (1 điểm)

a. Ve Sầu, Gà Trống, Dế Mèn, Vịt, Hoạ Mi đều hồi hộp vì …………..

b. Mắt giáo sư Vàng Anh nhoè đi vì ………….

c. Giáo sư Vàng Anh nói : "Ta cảm ơn các con vì ……………."

d. "Ngày mai các con chẳng ở bên ta nữa, nhưng lòng ta mãi dõi theo vì ………….

9. Điền dấu phẩy vào chỗ thích hợp trong đoạn văn sau :

Âm nhạc là một môn nghệ thuật có khả năng thật kì diệu. Những nốt nhạc trầm bổng những giai điệu du dương có sức lay động mạnh mẽ đến tâm hồn con người. Âm nhạc mang đến cho con người niềm vui và tình yêu cuộc sống. Khi ta vui âm nhạc giúp tâm hồn ta bay bổng hơn. Khi ta buồn âm nhạc an ủi giúp lòng ta thanh thản. Khi ta gặp bất hạnh âm nhạc xoa dịu nỗi đau trong tâm hồn ta.

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Chú ở bên Bác Hồ

Chú Nga đi bộ đội

Sao lâu quá là lâu !

Nhớ chú, Nga thường nhắc :

Chú bây giờ ở đâu ?

Chú ở đâu, ở đâu ?

Trường Sơn dài dằng dặc ?

Trường Sa đảo nổi, chìm ?

Hay Kon Tum, Đắk Lắk ?

Mẹ đỏ hoe đôi mắt

Ba ngước lên bàn thờ:

- Đất nước không còn giặc

Chú ở bên Bác Hồ.

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Viết một đoạn văn kể về một ngày hội mà em biết.

Đáp án Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt

A. KIỂM TRA ĐỌC

I/ Đọc thành tiếng

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu

1. (0.5 điểm) Những học trò của giáo sư Vàng anh đã tham gia vào cuộc thi nhạc đó là: Ve Sầu, Dế Mèn, Gà Trống, Vịt, Hoạ Mi.

2. (0.5 điểm) C. Mùa hạ, Bình minh, Mùa thu, Mùa xuân, Ao nhà

3. (0.5 điểm)

1 – d: Ve Sầu – Mùa hạ

2 – a: Gà Trống – Bình minh

3 – e: Dế Mèn – Mùa thu

4 – c: Hoạ Mi – Mùa xuân

5 – b: Vịt – Ao nhà

4. (0.5 điểm)

Những từ ngữ, chi tiết cho thấy giáo sư Vàng Anh rất yêu mến và trân trọng tài năng của các học trò đó là:

- Tim ông đập hồi hộp khi các học trò lên biểu diễn.

- Ông ngây người vì xúc động khi Ve Sầu biểu diễn xong bản nhạc “Mùa hạ”

- Mắt giáo sư nhoè đi vì sung sướng khi nghe bản nhạc “Mùa thu” của Dế Mèn

- Ông nhìn học trò dịu dàng, xúc động rồi nói ông rất vui vì sự thành công của họ và lòng ông mãi dõi theo họ.

5. (0.5 điểm) B. Bản giao hưởng, âm thanh, vi-ô-lông, réo rắt, bản nhạc, khúc nhạc, giai điệu.

6. (0.5 điểm) B. Nhân hoá

Biện pháp nghệ thuật được sử dụng nhiều nhất trong bài là nhân hoá. Tác giả đã gọi và kể về các con vật trong bài bằng những từ ngữ vốn chỉ được dùng để gọi hoặc tả con người.

7. (1 điểm)

Bình minh: Đầu hứng khởi với những âm thanh “Tờ réc ... tờ re ... te te”

Mùa thu: Những chiếc lá khô rơi trong nắng, nắng lung linh như những đợt suối nguồn. Lá vàng phủ hai bờ, tiếng gió xào xạc nói với lá.

Mùa hạ: Gian phòng tràn ngập một âm thanh sáng chói, vi-ô-lông réo rắt, màu hoa phượng đỏ rực, nắng sáng trắng với bầu trời xanh mênh mông.

Mùa xuân: Những giọt mưa xuân nhẹ rơi, mầm cây hé nở, hoa đào rộ lên hoa mắt

Ao nhà: âm nhạc diễn tả buổi sáng đẹp trời, mặt ao trong trẻo gợn lăn tăn.

8. (1 điểm)

a. Ve Sầu, Gà Trống, Dế Mèn, Vịt, Hoạ Mi đều hồi hộp vì sắp sửa bước vào cuộc thi.

b. Mắt giáo sư Vàng Anh nhoè đi vì xúc động.

c. Giáo sư Vàng Anh nói : "Ta cảm ơn các con vì các con đã cho ta niềm vui này."

d. "Ngày mai các con chẳng ở bên ta nữa, nhưng lòng ta mãi dõi theo vì ta luôn yêu quý các con.".

9. ( 1 điểm)

Âm nhạc là một môn nghệ thuật có khả năng thật kì diệu. Những nốt nhạc trầm bổng, những giai điệu du dương có sức lay động mạnh mẽ đến tâm hồn con người. Âm nhạc mang đến cho con người niềm vui và tình yêu cuộc sống. Khi ta vui, âm nhạc giúp tâm hồn ta bay bổng hơn. Khi ta buồn, âm nhạc an ủi, giúp lòng ta thanh thản. Khi ta gặp bất hạnh, âm nhạc xoa dịu nỗi đau trong tâm hồn ta.

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung: Đảm bảo đủ các ý sau

- Đó là hội gì? (0.25 điểm)

- Hội được tổ chức khi nào? Ở đâu? (0.5 điểm)

- Mọi người đi xem hội như thế nào? (0.5 điểm)

- Hội được bắt đầu bằng hoạt động gì? (1 điểm)

- Hội có những trò vui gì? (chơi cờ, đấu vật, kéo co, đua thuyền, ném còn, ca hát, nhảy múa,...) (1 điểm)

- Cảm tưởng của em về ngày hội đó như thế nào? (0.75 điểm)

* Về hình thức:

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

Bài viết tham khảo: Về hội Lim ở Bắc Ninh

Quê em ở Bắc Ninh, nơi có di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đó chính là làn điệu dân ca quan họ. Hàng năm, vào ngày 13 tháng Giêng hội Lim được tổ chức tại Tiên Du, Bắc Ninh. Trong khi lễ hội được diễn ra, có rất nhiều hoạt động. Cũng như các lễ hội khác, hội Lim được chia thành phần lễ và phần hội. Phần lễ tổ chức các nghi thức truyền thống như cúng, tế. Đến phần hội mới là phần du khách mong chờ. Trên hồ, sẽ có các liền anh, liền chị ở trên thuyền rồng hát quan họ. Những làn điệu trao duyên mượt mà, trong trẻo nghe sao mà da diết thế. Rất nhiều người đứng trên bờ cổ vũ và chụp hình. Trong khi phần hội diễn ra cũng có rất nhiều các trò chơi như chọi gà,đấu vật,ném còn… Du khách đến đây cũng có thể mua hoặc thuê trang phục của các liền anh chị để chụp hình hoặc mua rất nhiều đồ lưu niệm xinh xắn. Hội Lim không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn mang giá trị kinh tế to lớn cho tỉnh Bắc Ninh.

Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt - Đề 4

A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Ở lại với chiến khu (Trang 13 - TV3/ Tập 2)

2. Chú ở bên Bác Hồ (Trang 16 - TV3/Tập 2)

3. Nhà bác học và bà cụ (Trang 31 - TV3/Tập 2)

4. Mặt trời mọc ở đằng.... tây! (Trang 52 - TV3/Tập 2)

5. Buổi học thể dục (Trang 89 - TV3/Tập 2)

6. Gặp gỡ ở Lúc-xăm-bua (Trang 98 - TV3/Tập 2)

7. Mặt trời xanh của tôi (Trang 125 - TV3/Tập 2)

8. Sự tích chú Cuội cung trăng (Trang 131 - TV3/Tập 2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Ong thợ

Trời hé sáng, tổ ong mật nằm trong gốc cây bỗng hóa rộn rịp. Ong thường thức dậy sớm, suốt ngày làm việc không chút nghỉ ngơi. Ong Thợ vừa thức đã vội vàng bước ra khỏi tổ, cất cánh tung bay. Ở các vườn chung quanh, hoa đã biến thành quả. Ong Thợ phải bay xa tìm những bông hoa vừa nở. Con đường trước mắt Ong Thợ mở rộng thênh thang. Ông mặt trời nhô lên cười. Hôm nào Ong Thợ cũng thấy ông mặt trời cười. Cái cười của ông hôm nay càng rạng rỡ. Ong Thợ càng lao thẳng về phía trước.

Chợt từ xa một bóng đen xuất hiện. Đó là thằng Quạ Đen. Nó lướt về phía Ong Thợ, xoẹt sát bên Ong Thợ toan đớp nuốt. Nhưng ong Thợ đã kịp lách mình. Thằng Quạ Đen đuổi theo nhưng không tài nào đuổi kịp. Đường bay của Ong Thợ trở lại thênh thang.

(Theo Võ Quảng)

1. Tổ ong mật nằm ở đâu? (0.5 điểm)

A. Trên nóc nhà

B. Trên cành cây

C. Trên ngọn cây

D. Trong gốc cây

2. Vừa thức giấc Ong Thợ đã làm gì? (0.5 điểm)

A. Đi vào đồng ruộng tưới nước cho hoa màu.

B. Bay đi tìm những bông hoa vừa nở

C. Bay quanh tổ

D. Chơi đùa cùng các bạn ong khác.

3. Vì sao Ong Thợ phải bay đi xa để tìm những ông hoa mới nở? (0.5 điểm)

A. Vì quanh tổ không có hoa.

B. Vì hoa ở gần không tươi

C. Vì ở các vườn chung quanh hoa đã biến thành quả

D. Vì hoa ở xa sẽ cho mật ngon hơn

4. Quạ Đen đuổi theo Ong Thợ để làm gì? (0.5 điểm)

A. Để bắt Ong Thợ ăn thịt.

B. Để rủ Ong Thợ đi săn cùng.

C. Để giúp Ong Thợ kiếm mật hoa.

D. Để trò chuyện với Ong Thợ.

5. Theo em, Ong Thợ là một chú ong như thế nào? (1 điểm)

6. Khoanh vào chữ đặt trước câu có hình ảnh nhân hóa? (0.5 điểm)

A. Ông mặt trời nhô lên cười.

B. Con đường trước mặt Ong Thợ mở rộng thênh thang.

C. Chợt từ xa một bóng đen xuất hiện.

D. Ở các vườn chung quanh, hoa đã biến thành quả.

7. Câu “Ong Thợ bay xa tìm những bông hoa vừa nở.” Thuộc mẫu câu nào mà em đã học? (0.5 điểm)

A. Câu kể “Ai là gì?”

B. Câu kể “Ai thế nào?”

C. Câu kể “ Ai làm gì?”

D. Con gì? là gì?

8. Trong câu “Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim.” Tác giả nhân hóa cây gạo bằng cách nào? (0.5 điểm)

A. Dùng từ chỉ hoạt động của người để nói về cây gạo.

B. Dùng từ gọi người để gọi cây gạo

C. Nói với cây gạo như nói với người.

D. Sự vật tự xưng

9. Gạch dưới bộ phận trả lời cho câu hỏi Ở đâu? trong câu: (0.5 điểm)

“Ngoài vườn, chim chóc đang hót líu lo.”

10. Em hãy đặt một câu có sử dụng biện pháp nhân hóa.(1 điểm)

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Mùa thu trong trẻo

Trong hồ rộng, sen đang lụi tàn. Những chiếc lá to như cái sàng màu xanh sẫm đã quăn mép, khô dần. Họa hoằn mới còn vài lá non xanh, nho nhỏ mọc xòe trên mặt nước. Gương sen to bằng miệng bát con, nghiêng như muốn soi chân trời. Tiếng cuốc kêu thưa thớt trong các lùm cây lau sậy ven hồ…

Nguyễn Văn Chương

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Hãy viết một đoạn văn ngắn kể về một trận thi đấu thể thao.

Đáp án Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt

A. KIỂM TRA ĐỌC

I/ Đọc thành tiếng

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu

1. (0.5 điểm) D. Trong gốc cây

2. (0.5 điểm) B. Bay đi tìm những bông hoa vừa nở

3. (0.5 điểm) C. Vì ở các vườn chung quanh hoa đã biến thành quả

4. (0.5 điểm) A. Để bắt Ong Thợ ăn thịt.

5. (1 điểm) GV dựa vào câu trả lời của học sinh để cho điểm

Gợi ý:

Ong Thợ là một chú ong cần mẫn, chăm chỉ cũng rất thông minh và dũng cảm.

6. (0.5 điểm) A. Ông mặt trời nhô lên cười.

7. (0.5 điểm) C. Câu kể “ Ai làm gì?”

8. (0.5 điểm) A. Dùng từ chỉ hoạt động của người để nói về cây gạo.

9. (0.5 điểm)

“Ngoài vườn, chim chóc đang hót líu lo.”

10. (1 điểm) GV dựa vào câu trả lời của học sinh để cho điểm

Gợi ý:

- Nắng ghé vào cửa lớp xem chúng em học bài.

- Cô hồng nhung lặng lẽ tỏa hương thơm ngát cả khu vườn.

- Lá ơi, hãy cứ xanh tươi nhé!

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung: Đảm bảo đủ các ý sau (4 điểm)

- Đó là môn thể thao nào? (0.25 điểm)

- Em tham gia hay chỉ xem thi đấu? (0.5 điểm)

- Buổi thi đấu được tổ chức ở đâu? Tổ chức khi nào? (0.5 điểm)

- Em cùng xem với những ai? (0.5 điểm)

- Buổi thi đấu diễn ra như thế nào? (1 điểm)

- Không khí nơi diễn ra buổi thi đấu ra sao? (0.5 điểm)

- Kết quả thi đấu ra sao? (0.5 điểm)

- Cảm nghĩ của em về buổi thi đấu? (0.75 điêm)

* Về hình thức: (2 điểm)

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

Bài viết tham khảo:

Cuối tuần vừa rồi trường em tổ chức trận chung kết bóng đá. Trận đấu là sự đối đầu giữa lớp 3A chúng em và lớp 4A. Em cùng với các bạn tới cổ vũ các bạn trong lớp thi đấu. Chiều chủ nhật hôm ấy đúng 14h trận đấu được diễn ra tại sân bóng của trường em. Khi trọng tài vừa thổi còi bắt đầu, cầu thủ hai bên đều thi đấu vô cùng máu lửa, nhiệt huyết. Từng pha sút bóng rồi cản phá khiến trận đấu trở nên vô cùng gay cấn. Sang hiệp 2, các cầu thủ thi đấu cẩn trọng và cầm chừng hơn. Trên khán đài thì chưa lúc nào ngớt tiếng reo hò, cổ vũ. Ai cũng muốn tiếp lửa cho các cầu thủ trên sân. Trận đấu kết thúc với phần thắng thuộc về lớp 3A chúng em. Em rất vui vì hôm ấy đã có mặt trên khán đài để cổ vũ các bạn trên sân.

Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt - Đề 5

A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Ở lại với chiến khu (Trang 13 - TV3/ Tập 2)

2. Chú ở bên Bác Hồ (Trang 16 - TV3/Tập 2)

3. Nhà bác học và bà cụ (Trang 31 - TV3/Tập 2)

4. Mặt trời mọc ở đằng.... tây! (Trang 52 - TV3/Tập 2)

5. Buổi học thể dục (Trang 89 - TV3/Tập 2)

6. Gặp gỡ ở Lúc-xăm-bua (Trang 98 - TV3/Tập 2)

7. Mặt trời xanh của tôi (Trang 125 - TV3/Tập 2)

8. Sự tích chú Cuội cung trăng (Trang 131 - TV3/Tập 2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Chuyện của loài kiến

Xưa kia, loài kiến chưa sống thành đàn. Mỗi con ở lẻ một mình tự đi kiếm ăn. Thấy kiến bé nhỏ, các loài thú thường bắt nạt. Bởi vậy, loài kiến chết dần chết mòn.

Một con kiến đỏ thấy giống nòi mình sắp bị chết, nó bò đi khắp nơi, tìm những con kiến còn sống sót, bảo:

- Loài kiến ta sức yếu, về ở chung, đoàn kết lại sẽ có sức mạnh.

Nghe kiến đỏ nói phải, kiến ở lẻ bò theo. Đến một bụi cây lớn, kiến đỏ lại bảo:

- Loài ta nhỏ bé, ở trên cây bị chim tha, ở mặt đất bị voi chà. Ta phải đào hang ở dưới đất mới được.

Cả đàn nghe theo, cùng chung sức đào hang. Con khoét đất, con tha đất đi bỏ. Được ở hang rồi, kiến đỏ lại bảo đi tha hạt cây, hạt cỏ về hang để dành, khi mưa khi nắng đều có cái ăn.

Từ đó, họ hàng nhà kiến đông hẳn lên, sống hiền lành, chăm chỉ, không để ai bắt nạt.

(Theo Truyện cổ dân tộc Chăm)

1. Khi xưa, loài kiến sống như thế nào? (0.5 điểm)

A. Sống theo đàn

B. Sống theo nhóm

C. Sống phân chia theo cấp bậc

D. Sống lẻ một mình

2. Việc sống đơn lẻ của loài kiến đã dẫn tới kết quả gì? (0.5 điểm)

☐ Nội bộ loài kiến thường xuyên cãi cọ, mất đoàn kết.

☐ Những chú kiến bé thường bị loài thú bắt nạt

☐ Các chú kiến tự mình lao động và giàu lên trông thấy

☐ Loài kiến rơi vào tình trạng chết dần chết mòn

3. Trước việc giống nòi của mình đang chết dần chết mòn, kiến đỏ đã đưa ra những ý kiến gì? (0.5 điểm)

☐ Yêu cầu những chú kiến còn sống phải nghe lời mình, tôn mình làm thủ lĩnh.

☐ Tập hợp những chú kiến còn sống về ở chung với nhau.

☐ Đề nghị mọi người đào hang dưới đất làm nhà.

☐ Đề nghị mọi người chú ý rèn luyện sức khoẻ không để bị loài nào bắt nạt nữa

4. Để thuyết phục mọi người, kiến đỏ đã đưa ra những lí lẽ gì? Em hãy nối cột A với cột B cho phù hợp để được ý kiến và lý giải tương ứng của kiến đỏ. (0.5 điểm)

A

B

1. Tập hợp về ở chung

a. loài ta nhỏ bé, ở trên cây bị chim tha, ở mặt đất bị voi trà, đào hang dưới đất sẽ an toàn hơn.

2. Đào hang dưới đất làm tổ

b. loài ta sức yếu, đoàn kết lại sẽ có sức mạnh

5. Trước ý kiến của kiến đỏ, những con kiến khác có phản ứng như thế nào? (0.5 điểm)

A. Phản đối và không phục.

B. Tuy không cho là phải nhưng vẫn nghe lời kiến đỏ vì không còn cách nào khác

C. Cho rằng kiến đỏ nói phải nên cùng nhau đoàn kết làm theo

D. Cho rằng kiến đỏ là kẻ hống hách, tự cao cần phải tiêu diệt.

6. Hãy sắp xếp các ý sau đây để được thứ tự các công việc mà đàn kiến đã làm? (0.5 điểm)

a) Tha hạt cây, hạt cỏ về để dành đồ ăn

b) Những con kiến bé nhỏ tập hợp thành đàn

c) Con khoét đất, con tha đất đi bỏ, chung sức đào hang

7. Nhờ đoàn kết tập hợp thành đàn, cùng nhau làm tổ, cùng nhau dự trữ đồ ăn, kết cục của họ hàng nhà kiến ra sao? (0.5 điểm)

A. Họ hàng nhà kiến giàu lên trông thấy, con nào cũng béo múp.

B. Chúng lại xảy ra tranh cãi xem con nào mới xứng đáng làm thủ lĩnh.

C. Chúng chết dần chết mòn vì tranh nhau đồ ăn dự trữ

D. Họ hàng nhà kiến đông hẳn lên, họ sống hiền lành, chăm chỉ và không để ai bắt nạt.

8. Câu “Đàn kiến đông đúc.” thuộc mẫu câu nào em đã được học. (0.5 điểm)

A. Câu kể Ai thế nào?

B. Câu kể Ai làm gì?

C. Câu kể Ai là gì?

D. Câu đã cho không phải là câu kể.

9. Chuyện của loài kiến cho em bài học gì? (1 điểm)

10. Hãy lựa chọn đáp án thích hợp để hoàn chỉnh những câu có sử dụng biện pháp so sánh sau (1 điểm)

a. Dải mây trắng, mỏng, mềm mại như ..........

b. Cây phượng vĩ nở hoa đỏ rực trông như ...........

c. Mặt biển buổi sáng trong xanh như ...

d. Ông mặt trời nhô lên khỏi mặt biển đỏ rực giống như .........

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Buổi học thể dục

Thầy giáo nói : "Giỏi lắm ! Thôi, con xuống đi !" Nhưng Nen-li còn muốn đứng trên chiếc xà như những người khác.

Sau vài lần cố gắng, cậu đặt được hai khuỷu tay, rồi hai đầu gối, cuối cùng là bàn chân lên xà. Thế là cậu đứng thẳng người lên, thở dốc, nhưng nét mặt rạng rỡ vẻ chiến thắng, nhìn xuống chúng tôi.

A-MI-XI

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Viết đoạn văn ngắn kể về một người lao động trí óc mà em biết.

Đáp án Đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

1. (0.5 điểm) D. Sống lẻ một mình

2. (0.5 điểm)

Việc sống đơn lẻ của loài kiến đã dẫn đến hậu quả:

- Những chú kiến bé thường bị loài thú bắt nạt

- Loài kiến rơi vào tình trạng chết dần chết mòn

3. (0.5 điểm)

Trước việc giống nòi của mình đang chết dần chết mòn, kiến đỏ đã đưa ra những ý kiến:

- Tập hợp những chú kiến còn sống về ở chung với nhau.

- Đề nghị mọi người chú ý rèn luyện sức khoẻ không để bị loài nào bắt nạt nữa

4. (0.5 điểm)

Kiến đỏ đã thuyết phục mọi người như sau:

1 – b: Tập hợp về ở chung – loài ta sức yếu, đoàn kết lại sẽ có sức mạnh.

2 – a: Đào hang dưới đất làm tổ - loài ta nhỏ bé, ở trên cây bị chim tha, ở mặt đất bị voi trà, đào hang ở dưới đất sẽ an toàn hơn.

5. (0.5 điểm) C. Cho rằng kiến đỏ nói phải nên cùng nhau đoàn kết làm theo

6. (0.5 điểm)

Thứ tự những việc mà đàn kiến đã làm để xây dựng họ hàng nhà mình là:

b) Những con kiến bé nhỏ tập hợp thành đàn

c) Con khoét đất, con tha đất đi bỏ, chung sức đào hang

a) Tha hạt cây, hạt cỏ về để dành đồ ăn

7. (0.5 điểm) D. Họ hàng nhà kiến đông hẳn lên, họ sống hiền lành, chăm chỉ và không để ai bắt nạt.

8. (0.5 điểm) A. Câu kể Ai thế nào?

9. (1 điểm)

Câu trả lời phải đảm bảo ý: Bài học từ câu chuyện của loài kiến: Đoàn kết là sức mạnh.

10. (1 điểm)

a. Dải mây trắng, mỏng, mềm mại như dải lụa.

b. Cây phượng vĩ nở hoa đỏ rực trông như chiếc ô đỏ khổng lồ.

c. Mặt biển buổi sáng trong xanh như viên ngọc biếc.

d. Ông mặt trời nhô lên khỏi mặt biển đỏ rực giống như quả cầu lửa.

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả (4 điểm)

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung: Đảm bảo đủ các ý sau (4 điểm)

- Người đó là ai? Ai nghề gì?

- Người đó hằng ngày làm những việc gì?

- Người đó làm việc như thế nào?

- Cảm nghĩ của em về công việc của người đó?

* Về hình thức:

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

Bài viết tham khảo:

Trong nhà em có bố mẹ đều là người lao động trí óc, nhưng em thích công việc của mẹ hơn cả. Mẹ em là biên tập viên của một công ty sách. Công việc hàng ngày của mẹ rất bận rộn. Thường thường, 7h sáng mẹ chở em đi học rồi đến cơ quan làm việc. Công việc của mẹ là biên tập, chỉnh sửa những bản thảo cho hoàn chỉnh để sau này xuất bản thành cuốn sách. Để làm được công việc ấy thì đòi hỏi mẹ phải có sự kiên nhẫn và dành nhiều thời gian để đọc, nghiên cứu, tìm tòi phát hiện ra lỗi sai để chỉnh sửa. Mặc dù công việc của mẹ rất thầm lặng nhưng em thấy nó vô cùng có ích. Bởi vì có những người như mẹ thì những cuốn sách mới trở nên dễ đọc hơn, người đọc mới hiểu hết những kiến thức trong đó. Mặc dù công việc của mẹ rất bận nhưng mẹ vẫn luôn dành thời gian chăm sóc gia đình và hướng dẫn em học bài. Mẹ là một tấm gương sáng để em học tập và noi theo. Em cũng sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành người trí thức như mẹ em.

Ngoài Bộ đề thi học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt năm 2020 - 2021, các em học sinh có thể tham khảo môn Toán lớp 3 nâng cao và bài tập môn Toán lớp 3 đầy đủ khác, để học tốt môn Toán hơn và chuẩn bị cho các bài thi đạt kết quả cao.