Viết đoạn văn phân tích hai câu thơ: "Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa"

Viết đoạn văn phân tích hai câu thơ: "Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa" hay nhất


      Trong đoạn “Cảnh ngày xuân” (trích “Truyện Kiều”), Nguyễn Du đã vẽ nên bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân: “Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Thảm cỏ non trải rộng tới tận chân trời là gam màu nền cho bức tranh xuân. Điểm xuyết, chấm phá trên nền xanh bất tận ấy là sắc tinh khôi, thanh khiết của hoa lê nở lác đác khoe sắc, khoe hương. Lấy cảm hứng từ hai câu thơ cổ Trung Quốc: “Phương thảo liên thiên bích – Lê chi sổ điểm hoa”, Nguyễn Du chỉ thêm một chữ “trắng” cho cành lê mà bức tranh mùa xuân đã khác. Không gian như khoáng đạt,trong trẻo và nhẹ nhàng hơn, cảnh đẹp mà có hồn, chứ không tĩnh tại, chết đứng. Bằng nghệ thuật đảo ngữ “trắng điểm”, thi nhân đã tạo nên một điểm nhấn cho bức tranh, tô đậm sắc trắng của hoa lê nổi bật trên nền xanh non của cỏ. Màu sắc có sự hài hòa tới mức tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống; khoáng đạt, trong trẻo; nhẹ nhàng, thanh khiết. Nguyễn Du quả là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ. Chỉ với hai câu thơ, bằng một vài nét chấm phá, mà thi nhân đã phác họa nên một bức tranh thiên nhiên tươi sáng, diễm lệ và hấp dẫn lòng người. Ẩn sau những vần thơ là cả một tâm hồn nhạy cảm của tác giả trước vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên, là niềm say mê yêu đời, yêu cuộc sống đến tha thiết!

Nguồn: Sưu tầm



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến