Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

(...) Nét độc đáo nữa của thơ Tố Hữu là thơ ông đậm đà bản sắc dân tộc. Có nhà thơ lớn nào mà lại không mang trong hồn mình máu thịt của quê hương, đất nước...


Dàn ý

A. Mở bài:

- Nói đôi nét về tác giả Tố Hữu và những sáng tác của ông.

- Nêu nhận định trong thơ Tố Hữu đậm chất dân tộc.

B. Thân bài:

Nói qua về phong cách nghệ thuật cũng như đôi nét về thơ ca của Tố Hữu.

1. Giải thích như thế nào được gọi là tính dân tộc

- Tính dân tộc được hiểu là một đặc tính nhưng đồng thời cũng là thước đo giá trị của một tác phẩm văn học. Những tác phẩm văn chương lớn từ trước cho đến nay. Mà những tác phẩm vừa mang tính nhân loại, vừa mang tính dân tộc sâu sắc.

- Trong văn học, tính dân tộc được thể hiện ở cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Về nội dung, một tác phẩm mang tính dân tộc phải thể hiện được những vấn đề nóng bỏng liên quan đến vận mệnh dân tộc, thể hiện được khát vọng, tình cảm và ý chí của một dân tộc. Về hình thức, tác phẩm đó tiếp thu một cách sáng tạo tinh hoa văn hóa của dân tộc. Nếu hiểu như thế thì thơ Tố Hữu mang phong cách nghệ thuật “đậm đà bản sắc dân tộc”.

2. Những biểu hiện của tính dân tộc trong thơ ca Tố Hữu

- Tố Hữu là người sử dụng một cách điêu luyện các thể thơ dân tộc.

+ Thể loại lục bát được tác giả sử dụng thành công và được coi là thể loại sở trường của Tố Hữu. Trong cuộc đời cầm bút của mình, Tố Hữu đã có nhiều bài lục bát xuất sắc như: Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du, Khi con tu hú, Bài ca quê hương.

+ Tố Hữu còn sử dụng thuần thục ngoài lục bát còn có thể song thất lục bát. Bài thơ dài Ba mươi năm đời ta có Đảng làm người đọc nhớ đến những câu thơ trong Đại Nam quốc sử diễn ca.

+ Tố Hữu còn sử dụng thành công các thể thơ bảy chữ và bốn chữ như: Bác ơi! Theo chân Bác hoặc Lượm, Voi.

- Tố Hữu là người có biệt tài trong việc sử dụng những hình tượng quen thuộc trong thơ ca dân tộc.

+ Nhà thơ sử dụng thành công những hình ảnh đối đáp kiểu dân gian:

Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

+ Trong thơ Tố Hữu, ta thường gặp những hình ảnh bình dị, ấm áp tình đời:

Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

hoặc:

Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non.
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.

+ Nhiều khi, tác giả Tố Hữu như đã tạo ra được nhiều câu thơ đẹp lộng lẫy như những áng thơ cổ điển (Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du). Nếu nói hơi thở của văn học dân gian đậm nét sẽ khiến thơ Tố Hữu mang vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển thì chất bác học của thơ cổ điển đã góp phần tạo nên sự sang trọng cho những câu thơ:

Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

- Âm điệu thơ

+ Có thể dễ dàng nhận thấy thơ Tố Hữu đầy nhạc. Đó vừa là nhạc của thơ, vừa là nhạc của cõi lòng:

Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa
Một buổi trưa, nắng dài bãi cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát.

+ Thơ Tố Hữu sáng tạo trong việc ngắt nhịp để tạo nên hiệu quả thẩm mĩ

+ Lại có khi, Tố Hữu tạo nhạc bằng cách gieo vần, sử dụng từ láy:

Nỗi niềm chi rứa Huế ai
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên.

+ Đọc thơ Tố Hữu, ta thường nghe giọng Huế ngọt ngào. Đây là điều mà Hoài Thanh đã nhận ra sớm nhất khi ông khẳng định thơ Tố Hữu là tiếng thơ đầy “tình thương mến”:

Huế ai, quê mẹ của ta ơi!
Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín mười
Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng
Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi

C. Kết luận

- Khái quát lại vấn đề


Bài mẫu

        Tố Hữu là một trong những nhà thơ lớn của dân tộc. Ông là một tượng đài về thể thơ lục bát. Nhắc tới ông, người đọc liền nghĩ ngay tới “Việt Bắc” - một bản tình ca dạt dào cảm xúc để lại trong lòng người đọc một cảm xúc khó diễn tả được. Mỗi câu thơ như vẽ ra một khung cảnh rất đỗi bình dị của quê hương, đất nước, con người mà nơi ấy ân nghĩa, sự thủy chung như làm điểm nhấn nổi bật trên tất cả. Bài thơ “Việt Bắc” cũng thể hiện tính dân tộc sâu sắc.

        “Việt Bắc” được sáng tác vào tháng 10/1954, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa kết thúc thắng lợi, các cơ quan trung ương của Đảng và Chính phủ từ Việt Bắc về lại thủ đô Hà Nội. Tố Hữu cũng là một trong số những cán bộ kháng chiến từng sống gắn bó nhiều năm với Việt Bắc, nay từ biệt chiến khu để về xuôi. Bài thơ được viết trong buổi chia tay lưu luyến đó.

        Tính dân tộc được thể hiện ở hai phương diện, nội dung và hình thức. Trước hết về mặt nội dung bài thơ thể hiện ở những khía cạnh sau, hình ảnh chiếc “áo chàm” rất đỗi giản dị, tự nhiên:

“Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

        “Áo chàm” là hình ảnh hoán dụ cho người dân Việt Bắc anh hùng nhưng chân thực. Câu thơ như đang ca ngợi tình người của con người Việt Nam. Từ những con người xa lạ không quen biết, chiến tranh đã kéo đẩy họ lại gần với nhau để giờ đây kỉ niệm tưởng chừng ngắn ngủi như lại dài đằng đẵng ấy vô thức còn đọng lại trong tâm trí của họ. Bài thơ là cuộc đối thoại “mình - ta” vừa ngọt ngào, vừa sâu lắng:

"Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”

        Khoảng thời gian 15 năm xảy ra biết bao nhiêu biến cố, thăng trầm của lịch sử để cho tình nghĩa giữa chiến sĩ và người dân Việt Bắc ngày một gắn bó keo sơn.

        Bên cạnh đó, hình ảnh chiến sĩ cách mạng hiện lên cũng rất chân thực, mang đậm tính dân tộc. Trong giờ phút chia ly, họ bịn rịn không nỡ rời xa:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

        Chỉ một cái “cầm tay” nhưng sao khó nói nên lời tới vậy. Cầm tay như truyền thêm cả sức mạnh, cả hơi ấm của người ở lại cho người ra đi. Họ một lòng một dạ thủy chung son sắt:

“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”

        Hình ảnh “mình” lặp đi lặp lại mang dụng ý của tác giả. Người chiến sĩ và người dân Việt Bắc họ như hòa quyện lại làm một không phân biệt rạch ròi được. Ân nghĩa sâu nặng giữa họ không thể đong đếm. Rời xa Việt Bắc người chiến sĩ mang trong mình bao nỗi nhớ, nhớ về thiên nhiên hùng vĩ, nhớ về tình người Việt Bắc. Tuy nhiên họ vẫn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời.

        Song song với hình ảnh con người, hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ Việt Bắc cũng hiện lên cũng mang đậm tính dân tộc. Bức tranh tứ bình đã được ngòi bút của Tố Hữu tô vẽ thêm thắt một cách sinh động và hấp dẫn, lôi cuốn:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

        Con người và thiên nhiên như hòa quyện lại với nhau. Thiên nhiên làm nền cho sự xuất hiện của con người. Nếu như câu lục là thiên nhiên thì câu bát là sự xuất hiện của con người. Tưởng chừng như hai hình ảnh này không liên quan đến nhau nhưng không phải như vậy. Mà con người tô điểm cho thiên nhiên thêm đẹp, thêm rực rỡ hơn. Con người xua đi cái lạnh giá của thiên nhiên, hòa mình vào với thiên nhiên để làm những công việc thường ngày nhưng hết sức đẹp đẽ, nên thơ.

        Việt Bắc trong thơ Tố Hữu còn hiện lên với những địa danh lịch sử hào hùng, tráng lệ: Tân Trào, Hồng Thái, Ngòi Thia sông Đáy, sông Lô, Núi Hồng….

        Có thể thấy, cảnh và người trong bài thơ Việt Bắc hiện lên rất thân thương giản dị mà giàu tình người, đậm đà tính dân tộc sâu sắc.

        Tính dân tộc thể hiện sâu sắc nhất ở mặt hình thức. Một là, thể thơ lục bát truyền thống với kết cấu lời đối đáp của đôi trai gái, giữa kẻ ở lại và người về xuôi. Lục bát là thể thơ dân tộc nó đã quá quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Trong bài thơ, tác giả đã sử dụng ngôi xưng “mình-ta” để bộc lộ hết tâm tư tình cảm của mình:

“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”

        Tính dân tộc còn được thể hiện ở phương diện ngôn ngữ, nhạc điệu: Ngôn ngữ vừa giản dị, gần gũi với đời thường lại dễ thuộc, dễ nhớ kết hợp với nhạc điệu uyển chuyển, nhẹ nhàng có lúc thủ thỉ, tâm tình, lúc thì đằm thắm mượt mà lúc lại ngọt ngào êm dịu.

“Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già”

        Ngoài ra, hình ảnh thơ cũng thấm nhuần tính dân tộc. Ta từng bắt gặp nhiều hình ảnh giản dị trong thơ của các nhà thơ khác nhưng với thơ Tố Hữu ta lại thấy nó rất tự nhiên, thoải mái lại rất tinh tế: Hình ảnh “trám bùi”, “măng mai”. “trăng”, “nắng”, “bản” gần gũi biết bao!!

        Tóm lại, bài thơ “Việt Bắc” - đỉnh cao của văn học Việt Nam và cũng là bài thơ để đời của Tố Hữu. “Việt Bắc” là khúc ca về thiên nhiên, con người Việt Bắc, là tiếng hát ân nghĩa thủy chung son sắt của người cách mạng với người dân Việt Bắc, là tình yêu, tình thương của Tố Hữu dành cho Việt Bắc. Bằng ngôn ngữ giản dị, gắn liền với đời thường kết hợp với thủ pháp nghệ thuật như lặp từ, hoán dụ đã lột tả được nỗi nhớ da diết của tác giả với mảnh đất đầy kí ức và kỉ niệm. Song song với đó, thể thơ lục bát kết hợp một cách nhuần nhuyễn đã đưa đẩy cảm xúc của Tố Hữu lên đỉnh cao để có thể sáng tác ra được một bài thơ tuyệt vời đến như vậy. Và “Việt Bắc” là một bài thơ thể hiện đậm đà tính dân tộc.

Nguồn: Sưu tầm



Bài giải liên quan

Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến