Tình yêu làng và lòng yêu quê hương, tinh thần kháng chiến của người nông dân được thể hiện sâu sắc trong truyện ngắn Làng của Kim Lân. Hãy phân tích nhân vật ông Hai để làm sáng tỏ điều đó.

Làng của Kim Lân là một khúc ca về tình yêu quê hương đất nước mà những người lao động nghèo là những thanh âm trong trẻo, réo rắt nhất, để lại bao dư âm lắng đọng trong lòng độc giả.


Dàn ý

I. Mở bài

Giới thiệu về truyện ngắn Làng, về nhân vật ông Hai:

- Truyện ngắn được viết năm 1948, là một trong số những truyện ngắn xuất sắc của thời kì kháng chiến chống Pháp, với ông Hai là nhân vật chính của truyện.

- Tình yêu làng, yêu cách mạng tha thiết của ông Hai được thể hiện một cách chân thực, chất phác và giản đơn nhưng cũng đặc biệt thiêng liêng.

- Nhân vật ông Hai là tiêu biểu cho hình ảnh người nông dân yêu nước trong thời kì kháng chiến.

II. Thân bài

Tình cảm, tính cách, phẩm chất của Ông Hai được tác giả diễn tả hết sức chân thật qua mỗi tình huống.

1. Trong bối cảnh sống tản cư xa làng

- Vì kháng chiến, gia đình ông Hai phải đi tản cư: ông Hai hăng hái lao động cùng anh em giữ làng, miễn cưỡng đi cùng vợ.

- Ở nơi tản cư:

+ Ông buồn chán, nhớ làng quê, sinh ra lầm lì cáu gắt.

+ Ông Hai hay khoe làng: đi đâu ông cũng kể về làng chợ Dầu của ông “một cách say mê và náo nức lạ thường”, khoe làng có phòng thông tin, con đường lát đá, nhà ngói san sát. Ông khoe cho thỏa cái miệng và nỗi nhớ trong lòng, hầu như không quan tâm người nghe có hưởng ứng câu chuyện của mình không.

⇒ Khoe làng là cách bản năng nhất thể hiện tình yêu, nỗi nhớ và niềm tự hào về quê hương của ông Hai.

- Tình yêu Làng gắn liền với yêu nước, yêu cách mạng:

+ Trước cách mạng: ông tự hào khoe làng giàu và đẹp với cái sinh phần của viên tổng đốc làng.

+ Sau cách mạng: ông chỉ nói về những buổi tập quân sự, những hào giao thông,… Ông thường đến phòng thông tin nghe lỏm tin kháng chiến, vui mừng với những thắng lợi của quân và dân ta.

2. Khi nghe tin làng theo giặc

- Khi nghe được tin: ông sững sờ “lặng đi tưởng như không thể thở được”, lảng tránh khỏi đám đông.

- Diễn biến tâm lí giằng xé của ông Hai:

+ Ông nghi ngờ tin đồn sai sự thật, rồi lại tức giận thầm chửi rủa đám người theo giặc, điểm lại từng người một trong làng, lo sợ con cái ông cũng bị hắt hủi, khinh bỉ.

+ Ông xấu hổ, sợ hãi không dám ra đường, chỉ ở trong nhà nghe ngóng.

+ Có lúc ông muốn về làng vì bị người ta hắt hủi, coi khinh. Nhưng ông suy nghĩ: “làng theo Tây thì phải thù” và chỉ biết trò chuyện với đứa con út để khẳng định: ông luôn tin và trung thành với cách mạng, với cụ Hồ, quyết không theo giặc.

⇒ Qua diễn biến tâm lí giằng xé của ông Hai, ta nhận thấy tình yêu sâu đậm của ông dành cho quê hương làng chợ Dầu, đồng thời thấy sự trung thành tuyệt đối với Đảng, cách mạng và Bác Hồ.

3. Niềm vui của ông Hai khi tin làng theo giặc được cải chính

Khi ông chủ tịch làng đến thông báo tin cải chính:

+ Ông phấn khởi đem quà về cho các con

+ Ông đi từng nhà, gặp từng người chỉ để nói với họ tin: Tây đốt nhà ông, làng ông không theo giặc.

+ Ông kể cho mọi người nghe về trận chống càn quét ở làng chợ Dầu với niềm tự hào.

⇒ Sự hào hứng, hân hoan ấy đã thể hiện được tinh thần yêu nước của ông Hai, một tình cảm chân thành của người nông dân chất phác, một người yêu làng, yêu nước, yêu cách mạng đến độ vui mừng thông báo nhà mình bị giặc đốt cháy sạch.

4. Đưa ra nhận xét về nghệ thuật

- Nhà văn Kim Lân đã xây dựng tình huống truyện vô cùng đặc biệt, mỗi tình huống đều khắc họa được diễn biến tâm lý của nhân vật một cách chân thực.

- Ông miêu tả cụ thể diễn biến tâm lý của nhân vật qua những đoạn độc thoại nội tâm, những hành động giàu cảm xúc.

- Ngôn ngữ nhân vật vừa mang đặc trưng vùng miền, vừa mang đậm tính thuần phác, đôn hậu chung của người nông dân.

III. Kết bài:

- Đưa ra kết luận về nhân vật ông Hai và truyện ngắn Làng:

+ Nhân vật ông Hai là một bức chân dung sống động, riêng biệt về người nông dân Việt Nam những ngày đầu kháng chiến: bình dị nhưng có lòng yêu làng, yêu nước chân thành, sâu nặng, cao quý.

+ Truyện ngắn Làng của Kim Lân: nội dung truyện gần gũi, đơn giản nhưng thể hiện được những ý nghĩa to lớn, sâu sắc; nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình, sống động.


Bài mẫu 1

        Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 đã xây dựng thành công hình ảnh những con người Việt Nam kiên cường, bất khuất với một tinh yêu quê hương đất nước tha thiết, sâu nặng. Bên cạnh hình ảnh những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên mặt trận còn có những con người hi sinh lặng thầm nơi hậu phương đế góp phần vào thắng lơi của kháng chiến. Đó là những người nông dân có lòng yêu nước thiết tha, bình dị, sâu sắc. Truyện ngắn Làng của Kim Lân đã xây dựng thành công hình ảnh nhân vật ông Hai - một người nông dân chân chất nhưng mang nặng tình yêu làng và lòng yêu quê hương, có tinh thần kháng chiến mạnh mẽ.

        Phải đi tản cư do làng bị địch chiếm đóng nhưng ông lại không lúc nào nguôi nỗi nhớ về làng mình. Đó là nỗi nhớ da diết của một con người cả đời gắn bỏ sâu nặng với mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên. Tình yêu ấy được Kim Lân cảm nhận một cách sâu sắc và thể hiện hết sức giản dị, chân thành.

        Những ai đã đọc Làng đều cảm nhận được ở ông Hai tình yêu, sự gắn bó sâu sắc với làng xóm, với quê hương. Đối với người nông dân chất phác ấy, tình cảm với làng quê, thôn xóm là tình cảm tự trong tim, ngấm sâu vào máu thịt. Cũng như bao người dân lao động khác, cả một đời ông Hai gắn bó với mảnh đất quê nghèo mà nặng sâu ân tình. Cái làng Chợ Dầu ấy đã trở thành nguồn vui sống của ông. Tác giả đã để cho ông Hai bộc lộ tình yêu đó một cách chân thật, nồng nhiệt, vừa có những .nét quen thuộc vừa có những nét riêng biệt chỉ có ở ông Hai. Yêu làng, ông yêu tất cả những gì thuộc về làng, thậm chí yêu cả những cái mà ông và biết bao người đã phải khổ sở vì nó. Ông Hai tự hào vì làng Chợ Dầu của ông có những ngôi nhà ngói san sát, sầm uất, đường trong làng toàn lát bằng đá xanh, trời mưa đi từ đầu làng đến cuối xóm bùn không dính đến gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm và thóc tốt thượng hạng, không có lấy một hat thóc đất... Ông tự hào về tất cả những nét độc đáo, những thứ đả làm nên bề dày lịch sử của làng ông.

        Nhưng tình yêu làng của người nông dân ấy không bất biến mà thay đổi theo thời gian, theo sự biến chuyển của thời đại. Kháng chiến nổ ra mang theo những luồng tư tưởng mới chiếu rọi tâm hồn ông. Giờ đây, đối với ông Hai, cái lăng cụ Thượng, cái sinh phần kia đều đáng căm thù; niềm tin về làng là những ngày khởi nghĩa dồn dập, những buổi tập quán sự có cụ râu tóc bạc phơ cũng vào gậy tham gia; những hố, những ụ, những hào ,chòi phát thanh. Tất cả những điều đó, từ những cái nhỏ nhặt cho đến điều lớn lao, đều trở thành đối tượng của tình yêu tha thiết, đậm sâu trong ông. Qua những lời khoe của ông Hai, ta có cảm tưởng như cảnh vật, làng xóm đã hằn in trong ông chiếm trọn con tim, khối óc người nông dân ấy.

        Yêu làng, ông Hai có nhu cầu thể hiện, thổ lộ tình yêu ấy với tất cả mọi người. Đi đến đâu ông cũng khoe về cái làng của ông. Ông say sưa kể về làng của mình mà không cần biết người nghe có chú ý hay không. Mỗi khi bắt đầu nói về làng, “hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mắt biến chuyển”. Chỉ một chi tiết ấy thôi, Kim Lân đã khắc họa thành công tình cảm thiêng liêng của ông Hai dành cho mảnh đất quê mình. Tình yêu ấy luôn ấm nóng trong trái tim ông và càng trở nên mạnh mẽ hơn khi ông phải xa làng. Trong những ngày xa quê, sống nơi sơ tán xa lạ. chính tình yêu làng đã trở thành sức mạnh trong ông. Những khi mệt nhọc, chỉ cần nghĩ về làng, kể chuyện làng là ông quên hết tất cả.

        Nếu như cuộc sống cứ diễn ra yên bình như thế thì tình yêu làng của ông Hai mới chỉ là “tâm lí làng xã” của những người dân quê Việt Nam - những con người cả đời gắn bó với luỹ tre, cây đa, bến nước, sân đình; yêu nơi “chôn rau cắt rốn” bằng một tình yêu bản năng, máu thịt. Kim Lân đã để cho nhân vật trải qua tình huống truyện độc đáo: ông Hai nghe tin làng theo Tây. Đây chính là tác nhân làm bùng nổ tình yêu nước thiết tha, sâu đậm của ông. Ở người nông dân ấy, tình yêu làng gắn liền với lòng yêu nước: Ta bắt gặp ở đây chân lí về cội nguồn của lòng yêu nước theo quan điểm của nhà văn Liên Xô (cũ) I. Ê-ren-bua: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất.. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”'.

        Nghe tin làng theo giặc, “cổ ông nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân.., ông lão lảng đi, tưởng như không thể thở được”. Trong ông đã diễn ra một cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt: ông tủi nhục, đớn đau, ông tự giày vò, ông hoài nghi rồi lại tự nhủ mình phải tin vì mọi chuyện đã hết sức rõ ràng. Cuốì cùng, ông cay đắng rít lên: “Chúng bay ăn miệng cơm hay ăn miệng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này...”. Tiếng rít ấy là tiếng nói của lòng căm hờn, sự căm giận đang ngùn ngụt trong lòng ông Hai. Trong ông đang có cuộc giằng co dữ dội: Ông yêu làng, làng ông đáng tự hào là thế, mà giờ lại theo Tây. Tình cảm của ông phải thế nào đây? Nhưng sự giằng co- ấy nhanh chóng đi đến kết luận: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì ta phải thù”. Một thái độ dứt khoát, một tình yêu mạnh mẽ nhưng không mù quáng. Tình yêu làng trong ông rất mãnh liệt, nhưng làng phải gắn với nước. Giờ đây, làng Chợ Dầu của ông theo Việt gian, tức là hại nước, hại cách mạng thì không thế yêu làng như xưa được nữa. Niềm đau, sự oán trách cũng như thái độ kiên quyết... tất cả, tất cả đều là biểu hiện sống động nhất của tình yêu nước trong ông Hai.

        Những diễn biến trong cảm xúc, tâm trạng, những suy nghĩ và cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt của ông Hai trong những ngày nghe tin làng theo Tây chính là tình huống giúp Kim Lân khắc họa rõ nét hơn bức chân dung tinh thần và lòng yêu nước sâu nặng, tình yêu làng tha thiết của ông Hai. Ông thấy tủi hổ vì niềm tự hào bấy lâu nay của ông giờ thành ra như thế. Ông chỉ biết “cúi gằm mặt xuống mà đi”, ông thương lũ con ông vì chúng có một quê hương đáng xấu hổ: “nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ tràn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu”. Suốt những ngày đó, ông không dám đi đâu, chỉ “nằm rũ ở trên giường, không nói gì”, “quanh quẩn trong cái gian nhà chật chội mà nghe ngóng”, lúc nào cũng nơm nớp lo âu. Ta bỗng hiểu hơn tại sao tác giả lại kể và tả tỉ mỉ những biểu hiện của tình yêu làng nơi ông Hai những ngày làng còn chưa bị đồn là theo Tây. Nó là sự đối nghịch với thái độ kiên quyết khi nghe tin làng làm Việt gian, là sự khẳng định mạnh mẽ tình yêu nước lớn lao trong ông. Tình yêu ấỵ không chỉ là bản năng mà đã trở thành ý thức của một công dân. Nó gắn liền với tình cảm dành cho kháng chiến và đối với Cụ Hồ, được thể hiện thật cảm động khi ông giãi bày tâm sự với đứa con út ngây thơ. 

        Niềm vui sướng vỡ òa khi ông Hai biết rằng làng mình vẫn là làng Kháng chiến. Không còn nỗi tủi nhục đè nặng trong lòng, ông lại tiếp tục khoe về làng Chợ Dầu anh dũng của mình, “lại ngồi, trên chiếc chõng tre, vén quần lên tận bẹn mà nói chuyện về cái Làng của ông”. Người nông dân vốn gắn bó với nhà cửa ruộng vườn... Phải bỏ nhà ra đi họ đã xót xa lắm, ông Hai cũng thế. Nhưng ta lại bắt gặp hình ảnh ông Hai tất bật đi khoe cái tin “Tây nó đốt hết nhà tôi rồi, hết hẳn”, ông sung sướng bởi việc Tây đốt nhà là biểu hiện của làng ông trong sạch, làng ông không làm Việt gian. Làng vẫn là tình yêu, là niềm tự hào tha thiết của ông Hai. Nhà ông bị đốt hết nhưng như thế có là gì. Đó chỉ là một phần ông cống hiến cho đất nước. Tài sản riêng mất mát nhưng cách mạng, đất nước sẽ vững mạnh hơn, đó mới thực sự là niềm vui, là hạnh phúc.

        Tình yêu làng, yêu nước, hòa quyện trong tâm hồn người nông dân mộc mạc, chất phác thật đẹp biết bao. Làng của Kim Lân là một khúc ca về tình yêu quê hương đất nước mà những người lao động nghèo là những thanh âm trong trẻo, réo rắt nhất, để lại bao dư âm lắng đọng trong lòng độc giả.


Bài mẫu 2

        Người ta đã viết rất nhiều về cái làng Việt Nam xưa kia, từ kho tàng đồ sộ ca dao tục ngữ, những khảo cứu phong tục, tập quán, những phóng sự việc làm... cho đến những tiểu thuyết mà cái làng gói trọn số phận của nhiều nhân vật. Làng, đó khộng phải chỉ là một đơn vị hành chính, địa lí, mà đó là tất cả cuộc sống xã hội đối với người nông dân xưa, ở đó có tất cả những gì gắn bó với họ, làm nên cuộc đời họ... Làng, đó là khái niệm đầu tiên và có lẽ cuối cùng của họ về hai tiếng “quê hương”.

        Nhưng trong truyện ngắn Làng của Kim Lân, có thể thấy rõ làng chỉ là một cái cớ, một cái nền làm nổi rõ một nhân vật, một “người làng” đó là nhân vật ông Hai. Bởi vì câu chuyện không xảy ra trên đất của làng đã đành, mà trong suốt cả truyện không có một câu văn nào, một dòng chữ nào miêu tả cái làng Chợ Dầu ấy cả. Người ta chỉ biết về cái làng Chợ Dầu qua lời kể của ông Hai, qua lời người đàn bà tản cư, qua những lời đồn của dân làng đi tản cư, qua lời của người đàn bà chủ nhà... Nhưng nhiều nhất là qua những câu chuyện và những nỗi niềm ôm tưởng nhớ của ông Hai, qua tình yêu lạ lùng của ông đối với tất cả những gì thuộc về làng ông.

        Ông không thuộc hàng cung đình mà số phận có thể tiêu biểu như một người nông dân một thời như anh Pha, chị Dậu; cũng không thuộc hàng vai vế có “miếng” có “tiếng” trong làng. Ông chỉ là một người nông dân hay làm, chịu khó và có lẽ khéo tay nữa. Nhưng ông khóng phải là người nông dân hiền lành, ăn no vác nặng, kiểu người mà tầm mát và suy nghĩ suốt đời không vượt khỏi luỹ tre làng. Ông Hai vui tính và hay chuyện nữa, và tinh khôn láu lỉnh, cái tinh khôn láu lỉnh của người nông dân đã đi đây đi đó, đã tiếp xúc nhiều. Cái buồn cười đáng mến của ông già cái gì - cũng - biết: “rất thành thạo mà chẳng đâu vào đâu”, cảnh mà ông đi “nghe đọc báo - ông khổ tâm hết sức nhưng không muốn ai biết mình đọc còn quá kém - “Ông ghét thậm những anh cậy ta đây lắm chữ, đọc báo lại cứ đọc thầm một mình, không đọc thành tiếng cho người khác nghe nhờ mấy. Chỉ một cảnh ông già nông dân nghe anh dân quân hình như mới đọc, đánh vần được chữ nào đọc luôn chữ ấy, ngòi bút kể chuyện của Kim Lân đã dựng nên rõ rệt cái không khí kháng chiến của một thời. Ông bàn những chuyện “quốc gia đại sự’, như để Đác-giãng li-ơ đi đi về về là sự sai khiến của ông. Ta bố trí nó thế này, ta bố trí nó thế khác, ta chính trị nó thế này, ta chính trị nó thế kia...” thật say sưa, sảng khoái và hưng phấn, mặc dù chính ông vẫn biết là “học lỏm cả đấy thôi”, nhưng vẫn thích thú tự hào.

        Chỉ bằng vài ba nét miêu tả, tác giả Kim Lân đã tái hiện được chân dung một mẫu người lí thú, rất thật, rất sống động, rất thường gặp ở xung quanh ta. Tính cách của ông Hai bộc lộ ngay qua lời nói, cử chỉ, mà ta có cảm tưởng như dễ dàng biết hết cả: những con người như vậy làm sao chịu được cảnh tù túng trong gian nhà tản cư ở nhờ ở đậu, trong ánh sáng chập chờn của ánh đèn dầu, trong tiếng lầm nhầm tính loán của món tiền nhặt nhạnh hàng ngày của vợ... Ông phải đi tìm người nói chuyện, và câu chuyện thường là một điều tự nhiên trong tính cách của con người hay chuyện, ưa giao tiếp, thích hiểu biết, cái hiểu biết do học lỏm của người nghèo. Như đã nói đối với người nông dân, cái làng là tất cả và ông Hai thích khoe làng, khoe tất cả những cái gì “hơn người” ở làng ông, bởi cái làng chính là ông, là những gì tốt đẹp nhất của ông. Những nhận thức chính trị của người nông dân này tuy đơn giản mà dứt khoát và rạch ròi: Trước đây ông mê man ca ngợi cái làng của viên Tổng đốc người làng, đến lúc thấy thù, thấy khổ vì nó, ông lại khoe những gì ngược lại: thế giới của ông. Ông đi nghe những ngày tổng khởi nghĩa, những ngày kháng chiến... vẫn là cái làng ấy, nhưng bây giờ là cái làng “của ta”, của ông và những người như ông.

        Bây giờ trong lúc xa làng, trong cái cuộc sống chật hẹp tù túng này, cái làng càng trở nên đẹp đẽ. Những điều mà ông vẫn nói về làng trong lúc khoe hẳn có tô vẽ lên thêm  bây giờ trở thành niềm tin, sự say mê, thành ước vọng của ông. Tối này sang tối khác, ông nói về làng, “làm như bác Thứ (ông hàng xóm) cũng quen biết và bận tâm đến những thứ ấy bằng những lời đối thoại trách móc ông hàng xóm lãng ý không nghe chuyện, nhưng thực ra, ông Hai đâu có cần điều ấy lắm, ông nói cho chính mình, cho thỏa nỗi nhớ, nỗi ao ước cúa mình. Tình hơn khi miêu tả cuộc sống của “ba bốn nếp tản cư” trong những gia đình chủ nhà tinh quái như mụ chủ nhà ông Hai. Nhân vật mụ chủ này phảng phất sự tham lam tai ác của những nhân vật đàn bà nông thôn trước Cách mạng tháng Tám trong truyện ngắn của Nam Cao. Những người đàn bà xấu xí quá quắt mà không biết là mình ác. Tác giả vẽ hơi kĩ về mụ, là để viền một nét tương phản vào hình ảnh ông Hai. Ông dễ tính, xởi lởi nhưng không thể chấp nhận, con người đẹp trong ông tương phản gay gắt với những gì bình thường, tối tăm đến ti tiện với mụ chủ. Ông ghét lây cả người chồng hiền lành của mụ vì lẽ anh ta không biết “dạy” vợ. Khổ nhất cho ông Hai là phải bó mình trong gian nhà chật hẹp, lo đối phó với người đàn bà quá quắt như người đàn bà này. Vì thế, có dịp là ông bỏ nhà đi ngay, phó mặc mọi sự cho con, dù vẫn biết để dặn con: “Nó thì rút ruột ra...”.

        Phút giây sảng khoái, sung sướng nhất của ông Hai có lẽ là buổi trưa hôm ấy, lúc ông phóng bước trên con đường làng “Trời xanh lồng lộng, có những tảng mây sáng chói lừ đừ... Ông Hai đi nghênh ngang giữa đường vắng...” ông thoát ra ngoài sự tù túng, lao vào thế giới của ông. ông đi nghe tin tức, ông phấn khởi trước những thắng lợi của kháng chiến, ông vui cả với cái nắng chang chang để cho “Tây nó ngồi trong vị trí giờ này bằng ngồi tù” - “Ruột gan ông cứ múa cả lên...”. Đúng lúc ấy, cái tin sét đánh về làng ông đưa đến. Tin dữ không phải là cái làng đẹp đẽ ấy bị đốt trụi, nhà cửa, ruộng đất, mồ mả ông cha của ông bị mất, mà cả làng chúng nó Việt gian theo Tây...”. Tội nghiệp ông già vui tính, hay chuyện, mong ngóng chờ từng tin tức của làng, lúc này phải “vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác” rồi “cúi gằm mặt đi thẳng”, “cổ ông lão nghẹn đắng cả lại, da mặt tê rân rân... Ông lão lặng đi tưởng như không thở được”. Cơ sự ấy về làng ông có lẽ ông chưa bao giờ tưởng tượng, cũng như nỗi đau nỗi nhục đang đến trong ông có lẽ chưa từng biết. Phải chăng đến lúc này, lần đầu tiên ông mới phải dùng lí trí để suy nghĩ về cái làng của ông, mới phải trăn trở về tình yêu làng trong ông. Cái làng bây giờ không phải chỉ là thôn ngõ xóm, những hào những ụ giao thông, những ao làng những giếng làng xây đá ong, đường gạch đi không lấm chân... những cái hơn người mà ông từng khoe nữa. Làng bây giờ là một cái gì lớn hơn, là danh dự, là chỗ đứng, là cái lẽ để làm người. Suốt cả cái nước Việt Nam này, người ta ghê tởm thù hằn cái giống Việt gian bán nước...” Làng, bây giờ trong ý thức ông Hai, gắn liền với nước, với kháng chiến.

        Mà không phải riêng ông Hai. Đó là nhận thức của người dân lúc bấy giờ ở vùng tự do cũng như vùng tạm chiến, từ người đàn bà tản cư vô tình đem tin đến, từ mụ chủ nhà với cái lệnh mơ hồ: “đuổi hết những người làng Chợ Dầu không cho ở nữa” - có lẽ cái lệnh ấy là hiển thị thái độ hơi cực đoan lúc bấy giờ. Câu chuyện thắt thêm một cái nút vào nỗi khổ tâm đau đớn của ông Hai. “Biết đem nhau đi đâu bây giờ?”. Trong lúc đen tối đó, ông Hai vẫn không mất sáng suốt, ông vần tin rằng sẽ có chỗ để ở. Đó “vì chính sách cụ Hồ người ta chẳng đuổi”, nhưng dẫu như thế thì vẫn chẳng còn mặt mũi nào mà đi tới đâu...”

        Người đọc bị cuốn vào mạch tâm tư của ông Hai, vào nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật quá tự nhiên, quá tài tình, vào duyên kể chuyện của tác giả mà quên đi cái cách “gỡ nút” câu chuyện quá giản đơn tưởng như vô lí. Có lẽ trên đời chưa có ai khoe cái việc “Tây nó đốt nhà tôi rồi, đốt nhẵn” một cách hả hê, sung sướng như ông. Trong sự cháy rụi của nhà ông, là sự hồi sinh của một làng khác: làng Chợ Dầu kháng chiến... Ai cũng mừng cho ông lão kể cả mụ chủ nhà tinh quái. Không những ông Hai mà có lẽ cả người ít ngờ về thái độ vui mừng dễ dãi của mụ. Nhưng nghĩ kĩ lại không bất ngờ, vì người đàn bà ấy cũng là người dân Việt Nam độc lập sống trong không khí của Cách mạng. Kim Lân thật đa tài khi chỉ bằng vài nét chấm phá đã cho ta thấy thế nào là cuộc kháng chiến toàn dân.

        Có thế nói, linh hồn của truyện ngắn Làng là nhân vật ông Hai. Với nhân vật ông Hai, Kim Lân đã đưa vào văn học một bức chân dung sống động, đẹp, một vẻ đẹp riêng về người nông dân Việt Nam những ngày đầu kháng chiến, những con người bình thường mà những gì tốt đẹp của họ - lòng yêu làng, yêu nước được khơi dậy và hoàn thiện để ngày càng đẹp đẽ. Bằng sự hiểu biết sâu sắc về người nông dân là cuộc sống nông thôn, với tấm lòng trân trọng yêu mến họ, Kim Lân đã có những tác phẩm độc đáo và đặc sắc về nông thôn và người nông dân (trong đó không thể không kể đến Làng). Điều này đã giúp ông trở thành một trong những nhà văn viết không nhiều nhưng được yêu mến rất nhiều ở nước ta.


Bài mẫu 3

       “Làng” của nhà văn Kim Lân là một truyện ngắn đặc sắc về chủ đề tình yêu quê hương đất nước của người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Nhân vật chính của tác phẩm - ông Hai – chẳng những là một người nông dân chất phác, hồn hậu như bao người nông dân khác mà còn là một người có tình yêu làng quê, đất nước thật đặc biệt.

      Tác phẩm ra đời năm 1948 lấy bối cảnh là cuộc tản cư kháng chiến của nhân dân ông Hai là người dân làng Chợ Dầu nhưng để phục vụ kháng chiến ông cùng gia đình tản cư đến một nơi khác. Chính tại nơi đây ông luôn trăn trở về cái làng thân yêu của mình với bao tình cảm, suy nghĩ vô cùng cảm động...

      Trước hết, ông là một người nông dân chất phác, nồng hậu, chân chất... như bao người nông dân khác. Đến nơi tản cư mới, ông thường đến nhà hàng xóm để cởi mở giãi bày những suy nghĩ tình cảm của mình về cái làng Chợ Dầu thân yêu, về cuộc kháng chiến của dân tộc. Ông đi nghe báo, ông đi nghe nói chuyện, ông bàn tán về những sự kiện nổi bật của cuộc kháng chiến... Ông Hai không biết chữ, ông rất ghét những anh nào “ra vẻ ta đây” biết chữ đọc báo mà chỉ đọc thầm không đọc to lên cho người khác còn biết. Ông ít học nhưng lại rất thích nói chữ, đi đính chính tin làng mình theo giặc ông sung sướng nói to với mọi người: “Toàn là sai sự mục đích cả!”.... Tất cả những điều đó không làm ông Hai xấu đi trong mắt người đọc mà chỉ càng khiến ông đáng yêu, đáng mến hơn.

        Không chỉ vậy, điều đáng quý nhất ở ông Hai chính là tấm lòng yêu làng tha thiết. Và biểu hiện của tấm lòng ấy cũng thật đặc biệt.

       Cái làng đối với người nông dân quan trọng lắm. Nó là ngôi nhà chung cho cộng đồng, họ mạc. Đời này qua đời khác, người nông dân gắn bó với cái làng như máu thịt, ruột rà. Nó là nhà cửa, đất đai, là tổ tiên, là hiện thân cho đất nước đối với họ. Trước Cách mạng tháng Tám, ông Hai thuộc loại "khố rách áo ôm", từng bị "bọn hương lí trong làng truất ngôi trừ ngoại xiêu dạt đi, lang thang hết nơi này đến nơi khác, lần mò vào đến tận đất Sài Gòn, Chợ Lớn kiếm ăn. Ba chìm bảy nổi mười mấy năm trời mới lại được trở về quê hương bản quán. Nên ông thấm thía lắm cái cảnh tha hương cầu thực. Ông yêu cái làng của mình như đứa con yêu mẹ, tự hào về mẹ, tôn thờ mẹ, một tình yêu hồn nhiên như trẻ thơ. Cứ xem cái cách ông Hai náo nức, say mê khoe về làng mình thì sẽ thấy. Trước Cách mạng tháng Tám, ông khoe cái dinh phần của viên tổng đốc làng ông: "Chết! Chết, tôi chưa thấy cái dinh cơ nào mà lại được như cái dinh cơ cụ thượng làng tôi.". Cũng vì yêu làng quá như thế mà ông nhất quyết không chịu rời làng đi tản cư. Đến khi buộc phải cùng gia đình đi tản cư ông buồn khổ lắm, sinh ra hay bực bội, "ít nói, ít cười, cái mặt lúc nào cũng lầm lầm . Ở nơi tản cư, ông nhớ cái làng của ông, nhớ những ngày làm việc cùng với anh em: sao mà độ ấy vui thế. Ông thấy mình như trẻ ra.[...] Trong lòng ông lão lại thấy náo nức hẳn lên.". Lúc này, niềm vui của ông chỉ là hàng ngày đi nghe tin tức thời sự kháng chiến và khoe về cái làng Chợ Dầu của ông đánh Tây.

       Ông lão đang náo nức, "ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá!" vì những tin kháng chiến thì biến cố bất ngờ xảy ra. Một người đàn bà tản cư vừa cho con bú vừa ngấm nguýt khi nhắc đến làng Dầu. Cô ta cho biết làng Dầu đã theo giặc chẳng “tinh thần” gì đâu. Ông Hai nhận cái tin ấy như bị sét đánh ngang tai. Càng yêu làng, hãnh diện tự hào về làng bao nhiêu thì bây giờ ông Hai lại càng thấy đau đớn, tủi hổ bấy nhiêu. Nhà văn Kim Lân đã chứng tỏ bút lực dồi dào, khả năng phân tích sắc sảo, tái hiện sinh động trạng thái tình cảm, hành động của con người khi miêu tả diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật ông Hai trong biến cố này.

      Cái tin làng Chợ Dầu theo giặc đã làm ông điếng người: "Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tường như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặng è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ [...] giọng lạc hẳn đi", "ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi" và nghĩ đến sự dè bỉu của bà chủ nhà. Ông lão như vừa bị mất một cái gì quý giá, thiêng liêng lắm. Những câu văn diễn tả tâm trạng thật xúc động: "Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ tràn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu...". Nỗi nhục nhã, mặc cảm phản bội hành hạ ông lão đến khổ sở: ''Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước...". Cả nhà ông Hai sống trong bầu không khí ảm đạm: "Gian nhà lặng đi, hiu hắt, ánh lửa vàng nhờ nhờ ở ngọn đèn dầu lạc vờn trên nét mặt lo âu của bà lão. Tiếng thở của ba đứa trẻ chụm đầu vào nhau ngủ nhẹ nhàng nổi lên, nghe như tiếng thở của gian nhà." ông Hai ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp, bất ổn trong nỗi tủi nhục ê chề. Thậm chí ông không dám nhắc tới, phải gọi tên cái chuyện phản bội là "chuyện ấy". Ông tuyệt giao với tất cả mọi người, "không dám bước chân ra đến ngoài" vì xấu hổ. Và cái chuyện vợ chồng ông lo nhất cũng đã đến. Bà chủ nhà bóng gió đuổi gia đình ông, chỉ vì họ là người của làng theo Tây. Gia đình ông Hai ở vào tình thế căng thẳng. Ông Hai phải đối mặt với tình cảnh khó khăn nhất: "Thật là tuyệt đường sinh sống! [..] đâu đâu có người Chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi. Mà cho dẫu vì chính sách của Cụ Hồ người ta chẳng đuổi đi nữa, thì mình cũng chẳng còn mặt mũi nào đi đến đâu.".

       Từ chỗ yêu tha thiết cái làng của mình, ông Hai đâm ra thù làng: "Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến. Bỏ Cụ Hồ... Và "nước mắt ông giàn ra". Ông lại nghĩ đến cảnh sống nô lệ tăm tối, lầm than trước kia. Bao nỗi niềm của ông không biết giãi bày cùng ai đành trút cả vào những lời trò chuyện cùng đứa con thơ dại:

Hức kia! Thầy hỏi con nhé, con là con của ai?

Là con thầy mấy lị con u.

Thế nhà con ở đâu?

Nhà ta ở làng Chợ Dầu.

Thế con có thích về làng Chợ Dầu không?

Thằng bé nép đẩu vào ngực bố trả lời khe khẽ:

Có.      

Ông Lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu lại hỏi:

À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?

Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:         

ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!

Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:

ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ.

     Những lời đáp của con trẻ cũng là tâm huyết, gan ruột của ông Hai, một người lấy danh dự của làng quê làm danh dự của chính mình, một người son sắt một lòng với kháng chiến, với Cụ Hồ. Những lời thốt ra từ miệng con trẻ  như minh oan cho ông, chân thành và thiêng liêng như lời thề đinh ninh vang lên từ đáy lòng ông:

Anh em đồng chí biết cho b con ông

Cụ Hồ trên đu trên cổ xét soi cho bố con ông.

Cái lòng b con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai

      Nhà văn đã nhìn thấy những nét đáng trân trọng bên trong người nông dân chân lấm tay bùn. Nhân vật ông Hai hiện ra chân thực từ cái tính hay khoe làng, thích nói về làng bất kể người nghe có thích hay không; chân thực ở đặc điếm tâm lí vì cộng đồng, vui cái vui của làng, buồn cái buồn của làng và chân thực ở những diễn biến của trạng thái tâm lí hết sức đặc trư­ng của một người nông dân tủi nhục, đau đớn vì cái tin làng mình phản bội. Nếu như trong biến cố ấy tâm trạng cùa ông Hai đau đớn, tủi cực bao nhiêu thì khi vỡ lẽ ra rằng đó chỉ là tin đồn không đúng, làng Chợ Dầu của ông không hề theo giặc, sự vui sướng càng tưng bừng, hả hê bấy nhiêu. Ông Hai như người vừa được hồi sinh. Một lần nữa, những thay đối cùa trạng thái tâm lí lại được khắc hoạ sinh động, tài tình: "Cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên. Mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ hấp háy...". Ông khoe khắp nơi: "Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ Đốt nhẵn![...] Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả., "Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ậ. Đốt nhẵn.[... ] Ra láo! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích cả!". Đáng lẽ ra ông phải buồn vì cái tin ấy chứ? Nhưng ông đang tràn ngập trong niềm vui vì thoát khỏi cái ách "người làng Việt gian" Cái tin ấy xác nhận làng ông vẫn nhất quyết đứng về phía kháng chiến. Cái tin ấy khiến ông lại được sống như một người yêu nước, lại có thể tiếp tục sự khoe khoang đáng yêu của mình,... Mâu thuẫn mà vẫn hết sức hợp lí, điểm này cũng là sự sắc sảo, độc đáo của ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn Kim Lân.

      Người đọc sẽ không thể quên được một ông Hai quá yêu cái làng của mình như thế. Lúc ông nói thành lời hay khi ông nghĩ, người đọc vẫn nhận thấy rất rõ đặc điểm ngôn ngữ của vùng quê Bắc Bộ, của một làng Bắc Bộ: "Nắng này là bỏ mẹ chúng nó", "không đọc thành tiếng cho người khác nghe nhờ mấy", "Thì vườn", "có bao giờ dám đơn sai",... Đặc biệt là nhà văn cố ý thể hiện những từ ngữ dùng sai trong lúc quá hưng phấn của ông Hai. Những từ ngữ "sai sự mục đích cả" là dấu ấn ngôn ngữ của người nông dân ở thời điểm nhận thức đang chuyển biến, muốn nói cái mới nhưng từ ngữ chưa hiếu hết. Sự sinh động, chân thực, thú vị của câu chuyện phẩn nào cũng nhờ vào đặc điểm ngôn ngữ này. Trong tác phẩm, nhà văn cũng thể hiện rõ sự thông hiểu về lề thói, phong tục của làng quê. Kim Lân đả vận dụng những hiểu biết đó hết sức khéo léo vào việc xáy dựng tâm lí, hành dộng, ngôn ngữ nhân vật. Cốt truyện đơn giản, sức nặng lại dồn cả vào mạch diễn biến tâm trạng, vào lời thoại của nhân vật nên câu chuyện có sức hấp dẫn riêng, ấn tượng riêng, độc đáo.

     Tình yêu làng của ông Hai không đơn giản, hẹp hòi là tình yêu chỉ riêng đối với nơi ông sinh ra và lớn lên. Ê-ren-bua từng tâm đắc: “Tình yêu làng xóm trở nên tình yêu quê hương đất nước”. Và bởi thế, tình yêu làng của ông Hai gắn bó chặt chẽ với tình yêu nước với tinh thần kháng chiến đang lên cao của cả dân tộc. Đó cũng chính là biểu hiện chung của tình yêu đất nước của người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.

       Trong số rất nhiều những nhân vật nông dân khác, người đọc khó có thể quên một ông Hai yêu làng quê, yêu đất nước, thuỷ chung với kháng chiến, với sự nghiệp chung của dân tộc. Một ông Hai thích khoe làng, một ông Hai sốt sắng nghe tin tức chính trị, một ông Hai tủi nhục, đau đớn khi nghe tin làng mình theo giặc, một ông Hai vui mừng như trẻ thơ khi biết tin làng mình không theo giặc,... Ai đó đã một lần thấy nhà văn Kim Lân, nghe ông nói chuyện còn thú vị hơn nữa: hình như ta gặp ông đâu đó trong Làng rồi thì phải.

        Ông Hai là một nhân vật độc đáo mang nhiều đặc điếm chung tiêu biểu cho người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp nhưng đồng thời cũng mang những đặc điểm tính cách rất riêng, rất thú vị. Ông đã trở thành linh hồn của Làng và thể hiện trọn vẹn tư tưởng của nhà văn và tác phẩm.



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến