Sự sáng tạo, cách tân của Thanh Thảo trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca

Thanh Thảo đã chứng tỏ là một cây bút đương đại đầy tài năng mà đặc điểm nổi bật nhất là sự sáng tạo cách tân.


Đề bài: Sự sáng tạo, cách tân của Thanh Thảo trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca .

Dàn ý

1. Mở Bài

- Giới thiệu tác giả Thanh Thảo: Thanh Thảo là một trong số ít những nhà thơ luôn nỗ lực cách tân thơ Việt Nam

- Giới thiệu bài thơ Đàn ghi ta của Lor - ca

2. Thân Bài

Sự sáng tạo ở hai khía cạnh chính:

- Hình tượng tiếng đàn với nhiều ý nghĩa biểu tượng:

+ Biểu tượng văn hóa của Tây Ban Nha

+ Biểu tượng cho tài hoa và nghệ thuật của Lor-ca

+ Biểu tượng cho cuộc đời với nhiều thăng trầm của người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh.

- Những hình ảnh siêu thực, tượng trưng, hoang tưởng:

+ "vầng trăng chếnh choáng/trên yên ngựa mỏi mòn" => sự mệt mỏi cô đơn của người nghệ sĩ.

+ "giọt nước mắt vầng trăng/long lanh trong đáy giếng"=> Nhiều ý nghĩa nhưng có lẽ hợp lý nhất là sự tưởng tượng của Thanh Thảo về việc thiên nhiên cũng khóc thương cho cái chết bi thảm của Lor-ca.

+ "Lor-ca bơi sang ngang/trên chiếc ghi ta màu bạc", tưởng tượng về sự buông bỏ, rời đi đến một thế giới tốt đẹp hơn cho người nghệ sĩ bạc mệnh.

3. Kết Bài

- Khái quát vấn đề


Bài mẫu

BÀI LÀM

    Thanh Thảo là "ngòi bút ham cách tân" (Chu Văn Sơn). Khối vuông ru-bích là một tập thơ tiêu biểu cho tinh thần ấy. Trong "Khối vuông ru-bích" có "Đàn Ghi ta của Lor-ca", là một bài thơ hay viết về Ga-xi-a Lor-ca (1898-1936), một nhà thơ lớn của Tây Ban Nha.

    Lor-ca đã ca ngợi, cố vũ nhân dân trong cuộc đấu tranh với thế lực phản động giành quyền sống cho mình với một nghệ thuật mới mẻ, đã bị bọn phát-xít bắt giam và bắn chết. Tên tuổi của ông thành biểu tượng ngọn cờ tập hợp các nhà văn tiến bộ trên thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít, bảo vệ văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại. Lor-ca đã có một câu thơ nổi tiếng "khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta", chính câu thơ này đã khơi nguồn cảm hứng cho Thanh Thảo viết bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca" (bài thơ, như chúng ta đã thấy đề từ là câu thơ của G. Lor-ca).

    Mở đầu bài thơ là một hình tượng, một nguồn từ lạ: "những tiếng đàn bọt nước". Như một nghệ sĩ du ca Di-gan, Lor-ca đi đến đâu cũng cầm trên tay cây ghi ta espagnol, đặc sản âm nhạc của dân tộc Tây Ban Nha. Đó cũng là cây đàn lia (lyre), cây đàn thơ của Lor-ca.

    Nhưng vì sao tiếng đàn lại như bọt nước. Phải chăng vì tiếng đàn đã nổi lên tròn trịa, trẻ trung, nhảy nhót, nở bùng rồi lại tan đi, tan lại rồi lại nở bùng như bọt nước mà một cơn mưa rào to làm nảy lên trên mặt sân (Trời mưa bong bóng phập phồng - ca dao Việt Nam). Hình ảnh nhà thơ chiến sĩ như một đấu sĩ bò tót mà là một nghệ sĩ lang thang và cũng như nhiều nghệ sĩ lớn, nhiều thiên tài của nhân loại, chàng cô đơn, chàng đi về miền đơn độc. Chính là miền lí tưởng, lí tưởng của con người, của nghệ thuật, là miền mà không mấy kẻ dấn thân và cũng không mấy người đồng điệu. Trên con đường ấy có vầng trăng chếnh choáng, chếnh choáng như tâm trạng của chàng người đang ngây ngất say, say đời, say nghệ thuật, say thơ, say lí tưởng. Con đường ấy cũng là con đường dài,con đường gian khổ và đau khổ. Hình ảnh hư cấu, ẩn dụ đã nói lên điều ấy. Ngay trong đau khổ, hình ảnh Lor-ca đã là một hình tượng độc đáo, rất Lor-ca, rất Tây Ban Nha mà rất nhân đạo, rất thời đại mà rất muôn thuở.

     Cái chết của Lor-ca là một cú sốc của Tây Ban Nha. Bắt đầu từ đây, bài thơ nói về cái chết ấy.

                                                          Tây Ban Nha 

                                                          hát nghêu ngao

                                                          bỗng kinh hoàng

                                                          áo choàng bê bết đỏ

                                                          Lor - ca đi như người mộng du

    Hình ảnh thực gây ấn tượng mạnh áo choàng bé bết đỏ, hình ảnh thực gợi nhiều cảm xúc, liên tưởng chàng đi như người mộng du.

    Và liền đó là một loạt hình ảnh tượng trưng, so sánh, ẩn dụ mà ta phải huy động nhiều để liên tưởng, để cảm thụ, để đồng sáng tạo với tác giả: Tiếng ghi ta nâu gợi lên màu của chiếc đàn Tây Ban Nha vẫn vang lên âm thanh vẻ đẹp của thiên nhiên và con người mà tâm hồn Lor-ca hướng tới ngay cả trước họng súng quân thù. Tiếng ghi ta lá xanh, màu của sự sống, của tình yêu.

   Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan là tiếng ca đẹp nhưng đã bị đập vỡ, đã vỡ òa trong cái đẹp.

   Tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy như những giọt máu ròng ròng rỏ xuống từ trái tim bị bắn (gợi nhớ đến tiếng đàn của nàng Kiều bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay).

    Mấy khổ thơ tiếp theo là những hình ảnh cái chết. Hình ảnh hoán dụ (không ai chôn cất tiếng đàn), hình ảnh so sánh (tiếng đàn như cỏ mọc hoang) gợi thương cảm về cái chết thê thảm của nhà thơ chiến sĩ trong tay bọn phát xít khi đất nước còn chìm trong sự thống trị dã man của chúng. Đặc biệt hình ảnh giọt nước mắt vầng trăng là một hình tượng thơ siêu thực đa nghĩa bắt nguồn từ một sự việc thực: Kẻ thù sau khi bắn nhà thơ đã vứt xác ông xuống giếng để phi tang. Nếu sử dụng bút pháp hiện thực thì chỉ diễn tả được đau thương và tội ác nhưng Thanh Thảo còn muốn nói nhiều hơn: tình thương, sự cao khiết, sự tỏa sáng. Nước mắt vầng trăng là nước mắt thương tiếc vầng trăng hay là nước mắt sáng đẹp và vĩnh cửu như vầng trăng, những giọt nước mắt anh hùng, như trong câu văn của Nguyễn Đình Chiểu "Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo" vầng trăng hay là sự hóa thân, sự thăng hoa của tâm hồn người liệt sĩ như "Khoảng trời hố bom" của Lâm Thị Mĩ Dạ "Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói lung linh". Giếng nước, nơi kẻ thù vứt xác anh, lại là nơi tỏa sáng long lanh tâm hồn anh như có vầng trăng soi vào. Sự dập vùi chuyên hóa thành sự thăng hoa, sự thê thảm chuyến hóa thành sự tôn vinh. Và đó là chiến thắng, là sự bất tử của người anh hùng.

   Cái chết như một định mệnh (đường chỉ tay là đường của số mệnh). Và sau đó là một loạt những hình ảnh tả thực, diễn tả sự siêu thoát của G. Lor-ca. Dòng sông rộng kia là dòng sông sinh tử, bên kia sông là thế giới khác, thế giới của hư vô nhưng cũng là thế giới của vĩnh hằng. Lor-ca đã đi qua dòng sông ấy, chiếc ghi ta đã trở thành con thuyền đưa anh, chiếc ghi ta đã chuyển từ màu nâu sang màu bạc, tức là từ thực sang hư, từ dương sang âm như một sự hóa thân (màu nâu ở trên đã trở thành một chi tiết nghệ thuật được chuẩn bị trước, hiện thực hóa một cách tinh tế, điệu nghệ tính hô ứng, tính hệ thống của ngôn ngữ văn chương).

                                                chàng ném lá bùa cô gái Di - gan

                                                vào xoáy nước

                                                chàng ném trái tim mình

                                                vào lặng yên bất chợt

   Khổ thơ cuối cùng là sự giải thoát, sự lìa bỏ tất cả của G. Lor-ca, những chi tiết bắt nguồn từ thơ G. Lor-ca như lá bùa của cô gái Di-gan - lá bùa hộ mệnh, nhưng tất cả đều đi qua là sự sáng tạo của Thanh Thảo.

   Lor-ca đột ngột lìa bỏ trái tim đập rộn ràng rihịp đập của sự sống để vào cõi hư vô im lặng nhưng cũng là cõi chiêm ngưỡng trầm mặc những linh hồn bất tử. Linh hồn bất tử của Lor-ca vẫn ca hát, mãi mãi là ca hát li-la li-la li-la... là biểu tượng tượng thanh của tiếng hát ấy, cũng là tên một loài hoa đẹp.

   Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo là một bài thơ nói về cái chết, sự hi sinh của nhà thơ, nhà thơ tiến bộ của Tây Ban Nha G. Lor-ca. Tác giả không dùng bút pháp tả thực, cũng không dùng bút pháp tự sự trữ tình đơn giản mà dùng một loại hình tượng tượng trưng siêu thực mới lạ.

   Bài thơ cổ kết cấu của một ca khúc vừa có khúc điệu, vừa phóng khoáng, giàu tính nhạc thể hiện đúng phẩm chất tâm hồn của G. Lor-ca, một nhà thơ hiện đại, một nghệ sĩ nhiều tài năng. Nhiều chất liệu của bài thơ chứng tỏ tác giả hiểu sâu thơ G. Lor-ca, một thứ thơ giàu tính dân tộc Tây Ban Nha nhưng cũng giàu tính nhân loại.

   Và làm được tất cả những cái đó, Thanh Thảo đã chứng tỏ là một cây bút đương đại đầy tài năng mà đặc điểm nổi bật nhất là sự sáng tạo cách tân.



Bài giải liên quan

Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến