Phát biểu cảm nghĩ của em khi đọc Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh rút trong tác phẩm Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ.

Nhắc tới Phạm Đình Hổ (1768 - 1839), người đời nhớ tới tác phẩm Vũ trung tùy bút của ông. Một bút pháp nghệ thuật tinh tế, tài hoa, một phong thái thư nhàn cao nhã, ông tiêu biểu cho cốt cách kẻ sĩ Bắc Hà cuối thời Lê Trịnh và thời kì đầu nhà Nguyễn.


      Cùng với "Hoàng Lê nhất thống chí" của nhóm tác giả Ngô gia văn phái và "Thượng kinh kí sự" của Lê Hữu Trác, "Vũ Trung tùy bút" của Phạm Đình Hổ là thiên kí tiêu biểu xuất sắc trong mảng văn xuôi giàu giá trị hiện thực của nền văn học trung đại Việt Nam, ở thế kỉ XVIII. Dưới con mắt tinh anh của người viết sử, Phạm Đình Hổ đã ghi chép thật chi tiết, khách quan, chân thực về đời sống xã hội thời kì bấy giờ trên rất nhiều phương diện: nghi lễ, phong tục, tập quán...

      Trong đó, tiêu biểu có đoạn trích "Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh", tác giả đã ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe về đời sống xa hoa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của bọn quan lại thời Lê – Trịnh. Qua đó, phản ánh một xã hội thối nát, gián tiếp thể hiện thái độ lên án vua chúa quan lại Lê – Trịnh và bộc lộ niềm thương cảm với cuộc sống của nhân dân thời kì bấy giờ.

      "Vũ trung tùy bút" là một tác phẩm đặc sắc, được Phạm Đình Hổ viết vào khoảng đầu đời Nguyễn (đầu thế kỉ XIX). Tác phẩm gồm 88 mẩu chuyện nhỏ, viết theo thể tùy bút, hiểu theo nghĩa là ghi chép tùy hứng, tản mạn, không cần hệ thống, kết cấu gì. Truyện ghi chép những sự việc xảy ra trong xã hội lúc đó, viết về một số nhân vật, di tích lịch sử, khảo cứu địa dư, chủ yếu là vùng Hải Dương quê ông.

      Tất cả những nội dung ấy đều được trình bày một cách giản dị, sinh động, hấp dẫn. Tác phẩm chẳng những có giá trị văn chương đặc sắc mà còn cung cấp những tài quí về sử học, địa lí và xã hội học. Trước hết, "Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh" phản ánh cuộc sống xa hoa, hưởng lạc của vua chúa và quan lại Lê - Trịnh ở thế kỉ XVIII.

      Thói ăn chơi xa xỉ của chúa Trịnh và các quan lại hầu cận trong phủ chúa được miêu tả rất sinh động, cụ thể hoàn toàn tương phản đối lập với cuộc sống đói khổ, túng quẫn của nhân dân: Chúa cho xây dựng nhiều đền đài, điện các liên miên ở khắp mọi nơi để phục vụ cho thú chơi đèn đuốc, ngao du vô độ, rất hao tiền, tốn của. Để thỏa sở thích, chúa bày ra các cuộc dạo chơi tốn kém ở các li cung ngoài kinh thành: "mỗi tháng ba bốn lần"

      Chúa tổ chức các trò chơi, đám rước, hội chợ, âm nhạc lố bịch, kệch cỡm để làm trò giải trí: các quan nội thần thì mặc áo đàn bà bày bán hàng quanh phủ Tây Hồ; thuyền đi đến đâu thì các quan đại thần hỗ tụng đến đó, chốc chốc lại ghé vào bờ mua bán các thứ như ở cửa hàng trong chợ. Đình điểm của sự kệnh cỡm, lố lắng là chúng đã biến ngôi chùa Trấn Quốc cổ kính, linh thiêng trang nghiêm (tứ trấn Thăng Long Hà Nội) trở thành nơi hòa nhạc, ca vũ mua vui: "Cũng có lúc cho bọn nhạc công ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc, hay dưới bóng cây bến đá nào đó, hòa vài khúc nhạc".

      Như vậy, ngay ở phần đầu của văn bản, tác giả đã cho thấy được cuộc sống ăn chơi xa hoa, hưởng lạc của vua chúa quan lại Lê Trịnh với những việc làm tốn kém, vô bổ đến mức kệch cỡm, lố lăng. Gián tiếp phản ánh và tố cáo hiện thực bằng một giọng văn châm biếm, đả kích. Đồng thời cho thấy được bản chất của vua chúa quan lại Lê Trịnh: yếu hèn, nhu nhước, tham lam, ích kỉ. 

      Tiếp đến, nhà văn chỉ ra nỗi thống khổ của nhân dân trước sự tham lam nhũng nhiễu của vua chúa quan lại Lê - Trịnh. Tác giả đã dẫn ra những chi tiết sự việc vô cùng chân thực, kèm theo những bình phẩm, đánh giá để làm nổi bật lên sự yếu hèn, nhu nhược, tham lam, ích kỉ của vua chúa quan lại, khi chúng dựa vào quyền thế để tìm và cướp lấy những vật quí báu trong thiên hạ.

      Còn đối với quan lại trong phủ chúa, bọn chúng thường "mượn gió bẻ măng", dựa vào quyền thế của chúa mà cướp đoạt, nhũng nhiễu, vơ vét của dân bằng những thủ đoạn tráo trở, vừa ăn cắp lại vừa la làng. Chúng dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt khiếu hay thì biên ngay vào hai chữ "phụng thủ".

      Đêm đến thì trèo tường vào nhà dân lấy phăng đi, rồi vu vạ buộc cho tội giấu vật cung phụng để dọa lấy tiền. Thậm chí, có hòn đá hay cây cối gì to quá, bọn chúng còn phá nhà hủy tường của người dân để mà khiêng ra cho bằng được. Nhà giàu thì bị họ vu vạ cho là giấu vật cung phụng, thường phải bỏ tiền bỏ của ra mà kêu van chí chết, có khi phải tự tay đập bỏ núi non bộ, hoặc phá bỏ cây cảnh để khỏi bị tai bay vạ gió.

      Đoạn văn cuối, tác giả kể lại sự việc xảy ra chính trong gia đình của mình: Mẹ của tác giả vì sợ hãi, muốn tránh sự phiền hà của quan lại mà đành phải tự chặt đi cây lê và hai cây lựu quý trong vườn nhà mình. Chi tiết này có tác dụng làm tăng tính xác thực, sinh động, thuyết phục. Đồng thời gián tiếp thể hiện thái độ phê phán, bất bình trước cuộc sống xa hoa, hưởng lạc và bản chất yếu hèn, nhu nhược và tham lam, độc ác của vua chúa quan lại Lê Trịnh nửa cuối thế kỉ XVIII.

      Tóm lại, "Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh" là một tác phẩm độc đáo, có giá trị đặc biệt quan trọng. Các sự việc được tác giả đưa ra cụ thể, chân thực (có thời gian, địa điểm rõ ràng), miêu tả tỉ mỉ, chi tiết và có kèm theo những lời bình, cảm xúc, thái độ phê phán. Tất cả đều có giá trị phản ánh khách quan bản chất hiện thực xã hội đương thời. Vì thế, chuyện không chỉ có giá trị văn học mà còn là tư liệu lịch sử quí giá.

      Đồng thời, qua tác phẩm, người đọc cũng thấy được công lao đóng góp của Phạm Đình Hổ đối với thể loại tùy bút, bước đầu chỉ ra những đặc điểm của thể loại này: ghi chép sự việc cụ thể, chân thực, sinh động.

Nguồn: Sưu tầm



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến