Phân tích tư tưởng của Nguyễn Thi được thể hiện qua lời nói của nhân vật chú Năm

Ý tưởng này không chỉ thu hẹp trong phạm vi gia đình, mà còn có ý nghĩa khái quát, rộng lớn hơn. Đó là cả một đại gia đình cách mạng miền Nam trong thời kì chống Mỹ cứu nước.


1. Mở bài:

Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Hoàng Ca. ông còn có bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn. Nguyễn Thi quê ở Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nhưng ông vào Sài Gòn từ nhỏ. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc. Năm 1962 ông trở lại miền Nam, hoạt động trong lực lượng Văn nghệ giải phóng với bút danh Nguyễn Thi. Ông đã sống gần gũi và gắn bó với con người miền Nam. Do đó, những sáng tác của ông đều phản ánh khá chân thật và sinh động cuộc sống và tính cách của con người miền Nam - những con người hồn hậu, chân chất trong cuộc sống đời thường nhưng có lòng yêu nước thiết tha, lòng căm thù giặc sâu sắc, luôn giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và hi sinh cho đất nước. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nói về vẻ đẹp của con người miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ là truyện ngắn Những đứa con trong gia đình. Trong truyện ngắn này, một ý tưởng của

Nguyễn Thi được thể hiện qua lời nói của nhân vật chú Năm: “Chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc để ghi vào đó. Trăm sông đổ về một biển, con sông gia đình ta cũng chảy về biển mà biển thì rộng lắm”.

2. Thân bài:

Ý nghĩa của nhan đề và nội dung của câu truyện: Đúng như tên gọi của thiên truyện ở đây, Nguyễn Thi đã dựng lên hình tượng những con người trong một gia đình lớn; gia đình cách mạng. Họ gắn bó với nhau trong một mối tình ruột thịt, người nào cũng đáng yêu, đáng quý, người nào cũng có bản chất riêng, nhưng lại thống nhất với nhau về bản chất. Những đặc điềm chung ấy là: lòng căm thù giặc sâu sắc, hành động dũng cảm, gan góc trong chiến đấu, niềm say mê và khao khát được đánh giặc, rất tình nghĩa, rất đỗi thủy chung với gia đình, Cách mạng và Tổ quốc. Có thể kể đó là những nhân vật như chú Năm, mẹ Việt và đặc biệt là hai chị em Chiến và Việt.

Những khúc sông của dòng sông truyền thống: Trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, ta thấy một tư tưởng được cô đúc lại trong toàn bộ thiên truyện đã thể hiện trong câu nói của chú Năm với chị em Chiến và Việt: “Chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc để ghi vào đó. Trăm sông đổ về một biển, con sông của gia đình ta cũng chảy về biển mà biển thì rộng lắm”. Câu nói của chú Năm có vẻ văn hoa, mang tính chất triết lí nhưng rất thực tế. Đó là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, yêu cách mạng từ đời này qua đời khác. Mỗi thành viên trong gia đình chú Năm là một khúc sông, để tạo nên dòng sông truyền thống ấy: “Trăm sông đổ về một biển" hay cũng chính là dòng sông truyền thống của gia đình chú Năm sẽ đổ về một xã hội lớn hơn, hòa trong biển lớn cách mạng của đất nước.

Thật vậy, gia đình chú Năm là một gia đình cách mạng, mang nặng thù nhà, nợ nước. Ông nội của Chiến và Việt bị lính tổng Phòng bắn vào giữa bụng, bà nội bị lính quận Sơn hành hạ, đánh đập. Ba của Chiến và Việt thì bị chặt đầu, má thì bị trái ca-nông của Mỹ giết chết khi đi đâu tranh ở Mỏ Cày, thím Năm thì bị giặc bắn bể xuồng chết khi đi rọc lá chuối... Những người thân trong gia đinh lần lượt bị sát hại. Những đau thương, mất mát này được chú Năm ghi lại một cách tỉ mỉ trong một cuốn sổ tay, để làm nên những khúc sông trong dòng sông truyền thống gia đình. Trong những khúc sông ấy có chú Năm, ba Chiến, mẹ Chiến, đặc biệt được kết thúc một cách ào ạt hơn, mãnh liệt hơn, hào hùng hơn ở Chiến và Việt.

3. Những nhân vật chính làm nên những khúc sông:

a)   Chú Năm: Chú Năm là một con người nghĩa khí, chất phác, bộc trực nhưng thâm trầm, sâu sắc, giàu tình yêu thương, gắn bó thủy chung với cách mạng, luôn luôn hướng về truyền thống, sống với truyền thống, ghi chép truyền thống, giữ gìn và phát huy truyền thống. Chất truyền thống nơi chú phảng phất tính chất đạo lí cổ truyền từ ngàn xưa của dân tộc “gọn bề gia thế, đặng bề nước non”. Chú ghi chép gia phả của dòng họ một cách rất tỉ mỉ, từ những sự việc xảy ra đến những ngày giỗ của từng người trong gia đình và những chiến công của Việt và Chiến trên sông Định Thủy, tỉ mỉ đến độ “thỏn mỏn". Lời lẽ chú mộc mạc, “nét chữ lòng còng", nhưng đấy là tất cả tấm lòng của chú, tình yêu thương lẫn căm thù của chú và đó còn là ý thức giữ gìn truyền thống cho gia đình của chú nữa.

Chú Năm tuy chưa già nhưng mái tóc đã đốm bạc. Trước kia chú sống bằng nghề sông nước, “đi chèo ghe mướn ở Sài Gòn, Lục Tỉnh". Chú thường kể chuyện cho chị em Chiến, Việt nghc và "chú hay kể sự tích của gia đình và cuối cùng câu chuyện thế nào chú cũng hò lên mấy câu”. Những câu hò của chú “nói về cuộc đời cơ cực của chú và những chiến công của đất này". Hình như chú muốn gửi gắm tất cả tấm lòng, bao điều tâm sự và mong ước của chú vào Việt qua tiếng hò: “Lúc đó, gân cổ chú nổi đỏ lên, tuy chú đặt lên vai Việt, đôi mắt chú mở to, làm như Việt là nơi cụ thể để chú gửi gắm những câu hò đó, hoặc chính Việt là những câu hò đó. Theo từng câu hò, khi thì Việt biến thành tấm áo vá quàng hoặc con sông dài cá lội của chú, khi thì Việt biến thành những nghĩa quân Trương Định, ngọn đèn biển Gò Công, hoặc ngôi sao sáng Tháp Mười”.

Những lần như thế, chị Chiến “bịt miệng cười nhìn chú, Việt cũng vậy" và có một lần chú bảo với Chiến và Việt “Cười đi con, ráng cho mau lớn. Chừng nào bây trọng trọng, tao giao cuốn sổ này cho chị em bây”.

Những hành động, những câu nói ấy của chú Năm đã thể hiện rõ những tình cảm cao đẹp của chú, nhất là chú muốn luôn luôn giữ gìn truyền thống gia đình.

b)  Má của Chiến và Việt:

Má của Chiến và Việt là hình tượng nhân vật điển hình cho người phụ nữ Việt Nam “anh hung, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Má Việt cũng là hình ảnh khúc sông truyền thống gia đình. Đây là hình ảnh một người mẹ không hề yếu đuối mà thật chắc khỏe về thể xác lẫn tinh thần. Hình như người mẹ ấy sinh ra để chống chọi với bao sóng gió của cuộc đời và trong chiến đấu. Nguyễn Thi đã miêu tả những nét tính cách ấy của người mẹ khá cụ thể: “Má bơi xuồng thiệt khỏe, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách mướt để lộ cái gáy đo đỏ và đôi vai lực lưỡng. Chiều về, xuồng còn giữa sông, má đã gọi: “Việt à, ra phụ má nghe con!”, xuồng cập bến, mặt má vẫn đỏ rực, cái nón rách đã ngả ra làm quạt, lưng áo bà ba đẫm mồ hôi đã đen lụi không còn thấy bạc nữa”.

Ở má Việt, tình yêu chồng, lòng thương con, sự căm thù, lòng dũng cảm, ý thức đấu tranh như hòa quyện vào nhau. Điều đó đã thể hiện khá đầy đủ trong lời má Việt nói với Việt: “Tao dạn là nhờ ba mày. Ba mày bị Tây nó chặt đầu, tao cứ đi theo thằng xách đầu mà đòi. Đi từ ấp trong tới ấp ngoài, nó qua sông tao cũng qua sông, nó về quận tao cũng tới. Một tay tao bồng em mày, một tay tao cắp rổ. Chị hai mày đang nấu cơm, cũng mang cẻ đũa bếp chạy theo, tóc tai xuống mặt, chỉ ló có một con mắt ra nước mắt chảy ròng ròng. Mày với con Chiến thì chạy theo chị hai mày mà la: "Trả đầu ba! Trả đầu ba!". Tao muốn là cho chị em bây ở nhà. Đi mình tao, tao chửi nó, nó có bắn thì cũng còn chị em bây trả thù cho ba mày. Mỗi lần nó bắn đùng đùng trên đầu, chị em bây lại níu chân tao. Lòng dạ tao đâu còn rảnh để mà sợ, mà khóc, chỉ thương con thôi”. Mất chồng, má xót xa lặng lẽ khóc trong đêm, nhớ lại những kĩ niệm với chồng từ lúc hai người mới quen nhau tới khi chồng chết. Rồi người mẹ ấy cũng trông cho con mau lớn để làm một cái gì đó vui lòng chồng và “dường như cả cuộc đời vất vả của má, mọi ý nghĩ đã trải qua một cách không hề sợ hãi đó, tất cả đều được gom lại và dồn vào trong ý nghĩ cuối cùng này”. Đau đớn xót xa nhưng người mẹ ấy không hề bi lụy, biến đau thương, căm thù thành ý thức đấu tranh và đã chết trong đấu tranh. Ở nhân vật này, nhà văn Nguyễn Thi đã khắc họa nổi bật hình tượng người phụ nữ miền Nam với đầy đủ những phẩm chất đạo đức tốt và anh hùng. Đó là tượng đài bất tử của người mẹ Việt Nam.

c)   Chiến: Chiến rất giống mẹ ỏ tính gan góc, chăm chỉ, đảm đang, tháo vát, rất yêu thương cha mẹ, sôi sục căm thù, muốn gia nhập bộ đội để trả thù cho cha mẹ. Biết thu xếp việc nhà trước khi lên đường: đem bàn thờ má gửi chú Năm... Chiến có một ý thức, một quyết tâm cao trong chiến đấu. Câu nói của Chiến với Việt đã thể hiện rõ ý thức và tinh thần ấy của Chiến: "Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!",

Cho dù vẫn cho mình là chị (rất thương em và lo lắng cho em, nhường nhịn em tất cả) nhưng nhiều lúc Chiến vẫn mang tính trẻ con (tranh công bắt ếch, tranh công bắn tàu giặc trên sông Định Thủy, tranh phần nhập ngũ của em...).

Chiến là hình ảnh kế thừa của người mẹ, lại tiếp khúc sông truyền thống của gia đình, không làm phụ lòng mẹ. Chiến đã tiến xa hơn một bước so với mẹ. Chiến được cầm súng đi đánh giặc, cái điều mà mẹ Chiến chưa có được.

d)   Việt: Việt là một cậu con trai mới lớn, ngây thơ và hiếu động. Việt đã tiến xa hơn thế hệ của ông cha mình. Lúc nhỏ Việt rất gan lì, đúng như lời nhận xét của chú Năm: “Việt là một thằng nhỏ nhưng rất gan lì”. Trước nỗi đau mất cha, cậu bé Việt không còn biết sợ hãi là gì, Việt đã đi theo má mà la: “Trả đầu ba! Trả đầu ba!”, rồi khi thằng giặc liệng đầu ba vào ngực mẹ, làm máu me văng cùng đầu chị em Việt. “Đầu ba ở dưới không lượm" mà Việt “cứ nhè cái đầu thằng liệng đầu mà đá”. Lòng căm thù giặc đã dậy lên trong lòng Việt. Càng lên ý thức và hành động của Việt càng chín chắn hơn. Việt đã cùng chị đánh địch trên sông Định Thủy, rồi lại cùng chị tranh nhau xin đi bộ đội. Ý thức đấu tranh quyết liệt đã thể hiện ở Việt ngay trong câu chuyện giữa hai chị em trong cái đêm mà cả hai đều được đi bộ đội. Khi Chiến nói với Việt: “Chú Năm nói mày với tao kì này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu”, thì Việt trả lời ngay với chị: “Chị có bị chặt đầu thì chặt chừng nào tôi mới bị".

Câu nói ấy của Việt đã thể hiện một thái độ khá dứt khoát, một ý trí quyết  ra đi trả thù cho ba má Việt. Và ngay sao khi vào bộ đội, tân binh Việt đã lập  chiến công trong một trận đánh quyết liệt với quân thù. Việt đã diệt được một xe đầy Mĩ và bắn nhào một xe tăng. Việt bị thương ở hai mắt, không còn thấy  được gì cả. Việt cảm thấy chân tay tê dại, khắp người nước hay máu không biết. Chỗ ướt, chỗ sũng, chỗ dẻo quẹo, chỗ đã khô cứng", “người Việt khô khốc", “chỗ nào đụng tới, ruồi cũng  bay lên như vãi trấu... ”, thế mà Việt vẫn quyết bò đi tìm  đồng đội “Việt cho mũi lê đi trước, rồi tới hai cái tay, hai cái chân nhức nhối cho nó đi cùng. Cái nào không chịu đi thì bắt nó phải đi". Trong cơn mê Việt nhớ lại  những gì đã xảy ra trong gia đình mình. Việt nhớ má, nhớ chú Năm, nhớ chị Chiến... tỉnh ra, Việt càng cảm thấy căm thù, càng có ý thức quyết tâm chiến đấu. Nghe tiếng máy bay và tiếng xe bọc thép của địch rú lên, Việt không hề run sợ và trong tư thế sẵn sàng chiến đấu: “Được, tao cứ nằm đây! Tao sẽ chờ mày! Trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này có còn mình tao cũng bắn được mày. Nghe súng nổ các anh sẽ tới đâm mày! Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao thì mày là thằng chạy”. Như vậy, là Việt đã đi xa hơn khúc sông truyền thống gia đình. Việt chủ động đi tìm giặc mà đánh. Việt chính là 1 hình tượng nhân vật điển hình cho tầng lớp thanh niên thời đánh Mỹ tham gia vào cuộc kháng chiến với tất cả nhiệt huyết và niềm hăng say của tuổi trẻ, làm nên khúc sông truyền thống dào dạt hơn, rộng lớn hơn trước khi đổ về biển cả.

3. Kết bài:

Tóm lại, câu nói của chú Năm với hai chị em Chiến, Việt: “Chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc để ghi vào đó. Trăm sông đổ về một biển, con sóng gia đình ta cũng chảy về biển mà biển thì rộng lắm”... là câu nói thể hiện toàn bộ ý tưởng của Nguyễn Thi trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình. Ý tưởng này không chỉ thu hẹp trong phạm vi gia đình, mà còn có ý nghĩa khái quát, rộng lớn hơn. Đó là cả một đại gia đình cách mạng miền Nam trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Câu nói này của chú Năm nói riêng và toàn bộ nội dung câu chuyện nói chung đã cho ta hiểu thời kì chống Mỹ ở miền Nam là một thời kì gay go, quyết liệt, nhân dân miền Nam phải sống trong đau khổ với biết bao hi sinh mất mát dưới sự đàn áp dã man của quân thù. Nhưng tinh thần yêu nước, yêu chân lí cách mạng, ý chí quật khởi của nhân dân miền Nam dưới ánh sáng của lí tưởng cách mạng đã bùng lên mãnh liệt, không sức gì ngăn nổi. Đó chính là truyền thống gia đình, truyền thống cách mạng, góp phần làm nên bề dày truyền thống của dân tộc.



Bài giải liên quan

Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến