Phân tích nhân vật Lục Vân Tiên trong Lục Vân Tiên cứu kiều nguyệt nga Trích Truyện Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu.

Lục Vân Tiên là một nhân vật lí tưởng, hội tụ đầy đủ những chuẩn mực của một người anh hùng nghĩa hiệp, tuổi trẻ, tài cao, lòng đầy khát khao được đem công danh, tài năng cứu người, giúp đời.


Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu sơ lược tác giả, tác phẩm, trích đoạn "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga".

- Nhân vật người anh hùng trượng nghĩa: Lục Vân Tiên.

2. Thân bài: Phân tích nhân vật

- Tính cách: là người có lòng hiệp nghĩa, dũng cảm, biết giúp đỡ người gặp khó khăn hơn mình (thấy cảnh éo le đã ra tay tương trợ)

- Ý nghĩa hình ảnh nhân vật: thể hiện được đạo lý làm người của dân tộc ta là tình cảm đùm bọc, sẻ chia những lúc khó khăn.

Chính tình thương này đã khiến cho Lục Vân Tiên không sợ nguy hiểm tính mạng mà lao vào bọn cướp đánh cho "lâu la bốn phía vỡ tan"

Phong Lai trở chẳng kịp tay

Bị Tiên một gậy thác rày thân vong

- Kiều Nguyệt Nga báo ơn: chàng không nhận một chiếc trâm để làm tin, cho rằng việc giúp đỡ người gặp nạn là điều phải làm, không mong trả ơn.

Làm ơn há dễ trông người trả ân

- Nghệ thuật: bút pháp miêu tả, giọng thơ nhiều quyền lực => thể hiện sự anh hùng của Lục Vân Tiên, sự sợ sệt, "tìm đàng chạy ngay" của tên tướng cướp Phong Lai

- Cái nhìn nhân sinh quan của tác giả: người hiệp nghĩa yêu công bằng, có tấm lòng nhân hậu, luôn muốn giúp đỡ người khác mà không trông mong trả ơn. Nổi bật được đạo lí: kẻ ác phải bị trừng phạt, người thiện phải được hạnh phúc.

3. Kết bài

- Tác giả, tác phẩm

- Cảm nghĩ của bản thân về người anh hùng trượng nghĩa Lục Vân Tiên.


Bài mẫu

Bài tham khảo số 1

        Lục Vân Tiên là một nhân vật lí tưởng, hội tụ đầy đủ những chuẩn mực của một người anh hùng nghĩa hiệp, tuổi trẻ, tài cao, lòng đầy khát khao được đem công danh, tài năng để cứu người, giúp đời. Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” đã phần nào thể hiện được tính cách của Lục Vân Tiên. Trên đường đi thi, gặp bọn cướp Phong Lai hoành hành, Lục Vân Tiên xông vào đánh cướp để cứu dân. Đây là một việc nghĩa mà chàng không thể không làm với mục đích cao đẹp, xuất phát từ tấm lòng tự nguyện.

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”

        Chỉ một mình, lại không có vũ khí, chàng đã dám bẻ gậy xông vào bọn cướp đông người giáo gươm đầy đủ. Hình ảnh Lục Vân Tiên xông xáo tung hoành được nhà thơ miêu tả thật đẹp sánh ngang với hình ảnh Triệu Tử Long - một dũng tướng thời Tam Quốc:

Vân Tiên tả đột hữu xung,

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.

Lâu la bốn phía vỡ tan...

        Với võ nghệ cao cường, Lục Vân Tiên đã đánh tan bọn cướp và tiêu diệt tên đầu đảng Phong Lai. Hành động của chàng còn tỏ rõ đức độ của người nghĩa hiệp: "Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha". Không sợ nguy hiểm, Vân Tiên sẵn sàng vì nghĩa trừ hại cho dân.

        Đánh xong bọn cướp thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, Vân Tiên đã ân cần hỏi han, an ủi họ. Hành động của chàng thật đàng hoàng, chững chạc. Tuy có phần câu nệ nhưng vẫn là phong độ giữ lễ của một con người có văn hóa trong khi ứng xử với hai người con gái: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra. Nàng là phận gái ta là phận trai”. Vân Tiên đã từ chối cái lạy trả ơn, từ chối lời mời đền đáp, không nhận trâm vàng trao tặng mà chỉ nhận lời cùng Nguyệt Nga làm thơ xướng họa. Câu trả lời “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” và đặc biệt là câu nói của Vân Tiên: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi. Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”, cho thấy một người anh hùng lí tưởng của Nguyễn Đình Chiểu là thấy việc nghĩa thì tự nguyện làm, và đã làm việc nghĩa thì không cần trả ơn. Đó cũng là quan niệm của nhân dân ta: Làm phúc không cần được phúc. Lục Vân Tiên, qua đoạn trích, không chỉ là một chàng trai tài ba, dũng cảm mà còn là một con người trọng nghĩa khinh tài.

          Hình ảnh Vân Tiên đánh cướp được khắc họa thần tình. Cử chỉ, hành động, ngôn ngữ và cách ứng xử của chàng rất đẹp, mang phong thái người anh hùng, người tráng sĩ ngày xưa. Chúng ta không thể nào quên một Vân Tiên quả cảm, nhân hậu, chí khí của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu.

Xem thêm các bài tham khảo khác tại đây:

Bài tham khảo số 2

Bài tham khảo số 3

Bài tham khảo số 4

 

Bài tham khảo số 5

 



Bài giải liên quan

Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến