Phân tích chân dung Thúy Kiều trong đoạn Chị em Thúy Kiều -trích Truyện Kiều - Nguyễn Du.
Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp của cả sắc - tài - tình. Nhưng xét cho cùng thì tài hoa của Kiều cũng không vượt ra ngoài khuôn khổ quan niệm về tài năng của văn nhân, tài tử thời phong kiến.
Chân dung Thúy Kiều: Sau những câu thơ giới thiệu chung về hai chị em và vẻ đẹp riêng của Thúy Vân thì Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều xuất hiện:
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn:
Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành.
Sắc đành đòi một tài dành họa hai.
Cũng giống như khi tả Thúy Vân, nhà thơ vẫn dùng bút pháp so sánh, ẩn dụ và ước lệ. Tác giả vẫn sử dụng cách gợi tả và những chuẩn mực thiên nhiên để làm đối tượng so sánh. Nét vẽ của thi nhân đã tập trung gợi tả vẻ đẹp của đôi mắt, bởi đôi mắt là sự thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ. Cái sắc sảo của trí tuệ, cái mặn mà của tâm hồn đều liên quan tới đôi mắt. Hình ảnh ước lệ làn thu thủy (làn nước mùa thu) gợi lên thật sống động vẻ đẹp của đôi mắt trong sáng, long lanh, linh hoạt; còn hình ảnh ước lệ nét xuân sơn (nét núi mùa xuân) lại gợi lên đôi lông mày thanh tú trên gương mặt trẻ trung.
Vẻ đẹp của Kiều là phi thường, lộng lẫy, không tạo nên sự hài hòa, êm đềm giữa con người với tự nhiên mà đến mức làm thiên nhiên, tạo hóa phải đố kị, ghen ghét: hoa ghen, liễu hờn. Hai động từ ghen và hờn có dụng ý đối chọi với nhan sắc của Thúy Kiều. Mức độ so sánh mạnh, gay gắt hơn so với hai từ thua và nhường. Điều đó chứng tỏ nhan sắc của Kiều đã vượt ra ngoài khuôn khổ ngoài tưởng tượng, ngoài quy luật của tự nhiên, khiến cho tạo hóa phải ganh ghét.
Vẻ đẹp của Thúy Kiều còn có sức lôi cuốn mạnh mẽ, làm nghiêng nước nghiêng thành, vẻ đẹp của Kiều không có thang bậc nào cao hơn để đánh giá, cho nên xếp hàng đầu, xếp thứ nhất. Câu thơ sắc đành đòi một tài dành họa hai đã khẳng định tuyệt đối sắc đẹp của Kiều đến mức độc nhất vô nhị, không ai có thể sánh nổi.
Nhưng không chỉ có nhan sắc mà Thúy Kiều còn là một cô gái thông minh và rất mực tài hoa:
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thường lầu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.
Trí tuệ, tài năng của Thúy Kiều cũng được Nguyễn Du đẩy lên tới cực đoan, tuyệt đỉnh: vừa do trời phú, thiên bẩm vừa đa dạng, cái gì cũng giỏi, cũng hơn người. Không cần học hành gian khổ, lớn lên Kiều đã trở thành một giai nhân tuyệt sắc, một tài nữ hiếm thấy. Các từ ngữ tuyệt đối, cực đoan được sử dụng kế tiếp: vốn sẵn, pha nghề, đủ mùi, lầu, ăn đứt,...
Tài của Kiều đạt tới mức lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến, gồm đủ cả cầm (đàn), kì (cờ), thi (làm thơ), họa (vẽ tranh). Đặc biệt, tài đàn của nàng đã là sở trường, năng khiếu (nghề riêng), vượt lên trên mọi người (ăn đứt). Cực tả cái tài của Kiều cũng là để ca ngợi cái tâm đặc biệt của nàng. Cung đàn Bạc mệnh mà Kiều sáng tác chính là sự ghi tiếng lòng của một trái tim đa sầu, đa cảm.
Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp của cả sắc - tài - tình. Nhưng xét cho cùng thì tài hoa của Kiều cũng không vượt ra ngoài khuôn khổ quan niệm về tài năng của văn nhân, tài tử thời phong kiến.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Phân tích chân dung Thúy Kiều trong đoạn Chị em Thúy Kiều -trích Truyện Kiều - Nguyễn Du. timdapan.com"