Phân tích bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh

Một nhà thơ cổ điển Pháp từng nói: “Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi.” Thật vậy, từ ngàn đời nay tình yêu luôn là điều bí ẩn, là đề tài vô tận của văn chương.


Dàn ý

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh

- Giới thiệu bài thơ Sóng

II. Thân bài

- Hoàn cảnh sáng tác bài thơ

1. Bản chất, quy luật của “sóng” và “em”

- Khổ 1: + sử dụng nghệ thuật tương phản: dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ, từ đó khái quát trạng thái đối lập của sóng, gợi liên tưởng đến tâm lí của người phụ nữ khi yêu (khi mãnh liệt khi lại dịu dàng).

+ Nghệ thuật nhân hóa: “sông không hiểu” được bản tính của sóng, nên “sóng ” muốn tìm đến không gian rộng lớn, hành trình của sóng là hành trình khám phá chính bản thân mình, khát khao vươn tới giá trị tuyệt đích trong tình yêu của người phụ nữ.

- Khổ 2: +“Ôi con sóng ... và ngày sau vẫn thế”: dù trong quá khứ hay hiện tại sóng luôn dạt dào, sôi nổi, luôn khát vọng. Đó cũng là khát vọng và bản tính của người phụ nữ muôn đời.

+ “Nỗi khát vọng tình yêu ... ngực trẻ”: liên hệ tình yêu của tuổi trẻ với con sóng của đại dương, khát vọng tình yêu là khát vọng đặc trưng muôn đời của tuổi trẻ.

2. Những suy nghĩ trăn trở về cội nguồn tình yêu

- Khổ 3: Điệp ngữ “em nghĩ về” và câu hỏi: “Từ nơi nào sóng lên” nhấn mạnh niềm khát khao nhận thức bản thân, người mình yêu và nhận thức về tình yêu muôn đời.

- Khổ 4: Xuân Quỳnh dựa vào quy luật tự nhiên để tìm khởi nguồn của sóng, của tình yêu, gợi lên sự trăn trở trước bí ẩn của tình yêu, thời điểm bắt đầu tình tình yêu.

3. Nỗi nhớ, lòng thủy chung của người con gái trong tình yêu

- Khổ 5:

+Nghệ thuật tương phản để gợi ra những phạm vi không gian khác nhau “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, phạm vi thời gian khác nhau: ‘”ngày” – “đêm”, nghệ thuật nhân hóa: “ngày đêm không ngủ được”, diễn tả nỗi nhớ dạt dào, triền miên của sóng với bờ cũng là nỗi nhớ của người phụ nữ khi yêu.

 + Người phụ nữ bày tỏ nỗi nhớ một cách trực tiếp, mạnh dạn, chân thành “Lòng em nhớ đến anh”, cách nói thậm xưng “Cả trong mơ còn thức” thể hiện nỗi nhớ ăn sâu vào tiềm thức, thường trực trong suy nghĩ.

- Khổ 6: + Nghệ thuật tương phản “xuôi – ngược”, điệp ngữ “dẫu”, “vẫn”, “về” gợi hành trình của sóng ngoài biển lớn cũng như hành trình tình yêu của người phụ nữ giữa cuộc đời.

+ Lời thề thủy chung của người phụ nữ, niềm tin chờ đợi trong tình yêu, dù ở đâu cũng “hướng về anh một phương”, nghĩ về người mình yêu bằng cả trái tim.

4. Khát vọng tình yêu vĩnh cửu

- Khổ 7: khẳng định quy luật vĩnh cửu của thiên nhiên “con nào chẳng tới bờ ... Dù muôn vời cách trở”, cũng giống như “em”, dù khó khăn, thử thách vẫn luôn hướng đến “anh”.

- Khổ 8:

+ “Cuộc đời tuy dài thế / Năm tháng vẫn đi qua”: cảm giác cô đơn nhỏ bé trước cuộc đời, nỗi lo âu về sự hữu hạn của tình yêu trước thời gian vô tận.

+ “Như biển kia ... bay về xa”: cảm giác bất an trước cái dễ đổi thay của lòng người giữa “muôn vời cách trở”. Nhưng đây còn là vượt lên sự lo âu phấp phỏng đặt niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của tình yêu như mây có thể vượt qua biển rộng.

- Khổ 9:

+ “Làm sao” gọi sự băn khoăn, khắc khoải, ước ao được hóa thành “trăm con sóng nhỏ” để muôn đời vỗ mãi vào bờ.

+ Đó là khát khao của người phụ được sống “biển lớn trong tình yêu ” bằng tình yêu và cùng tình yêu, khát khao hòa nhập tình yêu riêng tư trong tình yêu chung rộng lớn.

III. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ.


Bài mẫu

 Bài tham khảo số 1

Bài làm

     Nhà thơ Xuân Diệu đã từng ví von “Yêu là chết trong lòng một tí”, Đỗ Trung Quân cũng từng thốt lên rằng “Anh đã thấy một điều mong manh nhất – Là tình yêu, là tình yêu ngát hương” và cũng không quên nhắc đến “Sóng” của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. “Sóng” là nơi gửi gắm những tâm tư sâu kín, những trạng thái phức tạp tinh vi của tâm hồn người thiếu nữ khi nói về tình yêu trẻ trung, nồng nhiệt gắn với khát vọng hạnh phúc muôn thuở của con người.

     Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh sóng. Đó là một hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự phân thân của cái tôi trữ tình Xuân Quỳnh. Cùng với hình tượng sóng, bài thơ còn có hình tượng Em. Hai nhân vật trữ tình này có lúc phân đôi ra để soi chiếu vào nhau làm nổi bật sự tương đồng, có lúc lại hòa nhập vào nhau tạo nên một âm vang. Xuân Quỳnh thật tài tình khi sáng tạo hình tượng sóng giàu giá trị thẩm mĩ để diễn tả tâm trạng, tình cảm với nhiều cung bậc sắc thái của một trái tim phụ nữ khao khát tình yêu và hạnh phúc.

  Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
              Sóng không hiểu nổi mình
  Sóng tìm ra tận bể

     Bắt đầu bài thơ là hình ảnh sóng nước. Đó là con sóng lúc thì dữ dội, ồn ào có thể phá tan tất cả trong những trận cuồng phong, nhưng lúc trời yên gió lặn thì sóng lại dịu êm, lặng lẽ. Sóng là vậy đấy, dữ đấy rồi êm đấy, chợt ồn rồi chợt lặng, sóng luôn biến đổi muôn hình vạn trạng. Nhưng có ai đã từng hỏi vì sao sóng lại thế? Vô ích thôi, đến ngay sóng cũng chẳng hiểu nổi mình, chỉ biết đó là những tâm trạng thường có. Sóng bối rối, trăn trở, sóng muốn hiểu được mình nên đã tìm ra tận bể, tìm ra tận nơi mênh mông rộng lớn, sâu thẳm vô cùng. Sóng nghĩ ở nơi như thế may ra sóng mới có thể hiểu mình.

     Sóng nước mà cũng có những tâm trạng như con người vậy sao? Phải chăng mượn sóng là để làm biểu tượng cho người con gái? Miêu tả sóng với những đặc điểm kì lạ cũng là để nói tới cái đa dạng phức tạp, khó giải thích của người con gái mà đúng hơn là của tình yêu. Thế là sóng nước đã dần chuyển thành sóng tình. Giống như sóng, tình yêu là một khái niệm khó giải thích cho minh bạch. Tình yêu là vậy và khát vọng tình yêu của con người thì muôn đời không thay đổi

  Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
  Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

    Sóng ngày xưa thế nào thì sóng ngày nay vẫn thế. Sóng nước là thế và sóng tình cũng chẳng khác gì. Tình yêu từ ngàn đời nay chẳng hề bất di bất dịch, đó là một quy luật của tự nhiên. Tình yêu không bó hẹp trong một phạm vi lứa tuổi nhưng tình yêu thường đi đôi với tuổi trẻ. Ở lứa tuổi mùa xuân của đời người, tình yêu phát triển mạnh mẽ nhất và mang đầy đủ ý nghĩa nhất. Tình yêu tràn đầy sức sống, làm bồi hồi trái tim trong ngực trẻ khiến trái tim lúc nào cũng thổn thức nhớ mong.

        Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
…………
     Dẫu xuôi về phương Bắc
        Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
           Hướng về anh – một phương

     Sóng tìm ra tận bể để hiểu mình thì em đây cũng tìm đến tình yêu anh để hiểu sâu hơn về con người của em. Trước không gian bao la là biển cả, làm sao em không trăn trở với những câu hỏi có từ ngàn xưa, những câu hỏi vượt qua bao không gian thời gian, những câu hỏi giản dị, tự nhiên nhưng khó lí giải. Tất cả chúng như quấn lấy tâm hồn em làm cho em thao thức khôn nguôi. Em tự hỏi, giữa đại dương mênh mông ấy nơi nào là nơi bắt đầu của sóng? Khó mà trả lời cho chính xác nhưng vẫn có thể trả lời rằng “Sóng bắt đầu từ gió”. Vâng, không thể phủ định được điều đó, có gió mới có sóng thế nhưng “Gió bắt đầu từ đâu?” Lúc này thì khó mà trả lời được. Thế là ra tới tận bể rồi ấy vậy mà sóng cũng vẫn chưa hiểu nổi mình. Cũng như sóng, em đã hòa nhập vào biển lớn của tình yêu anh mà em nào đã hiểu được em. Em yêu anh từ đâu? Khi nào? Từ cái gì? Ánh mắt, nụ cười hay giọng nói? “Em cũng không biết nữa”. Mà biết để làm gì bởi anh và em chỉ cần hiểu rằng ta yêu nhau là đủ.

    Trong tình yêu, ta vẫn thường thấy hai mặt yêu và nhớ, yêu say đắm thì nhớ thiết tha. “Con sóng dưới lòng sâu – Con sóng trên mặt nước” là những cung bậc khác nhau của nỗi nhớ anh. Dù trên mặt nước hay dưới lòng sâu thì con sóng vẫn đều có bờ. Bờ là nơi đến của sóng, là đối tượng để sóng vuốt ve, vỗ về, là cái đích để đi đâu về đâu sóng lúc nào cũng nhớ đến, cũng không quên, ngay cả đó là ngày hay đêm: “Ôi con sóng nhớ bờ – Ngày đêm không ngủ được”. Nỗi nhớ có cái biểu hiện ra bên ngoài có cái ẩn chứa tự sâu trong đáy lòng. Vắng anh, em nhớ, khi thức, em nhớ đến anh. Đó là biểu hiện bình thường. Nhưng ở đây, trong mơ em vẫn nhớ. Đó là nỗi nhớ mới da diết, khắc khoải, thổn thức cứ trằn trọc không yên: “Lòng em nhớ đến anh – Cả trong mơ còn thức”. Tình yêu là vậy đấy!

    Xưa nay, nỗi nhớ luôn gắn liền với khái niệm thời gian vô tận và không gian vô cùng. Với thời gian, nó không có ngày đêm; với không gian, nó không có phương hướng. Không gian có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc nhưng tình yêu thì chỉ có một phương và đó chính là anh. Trong đời, em quen biết nhiều người, họ có thể hơn hẳn anh thế nhưng em lại chọn anh, yêu anh và chỉ biết có anh. Chỉ riêng anh là khiến em luôn nghĩ tới và hướng về: “Nơi nào em cũng nghĩ – Hướng về anh một phương”. Những người đang yêu bao giờ cũng hướng về nhau, họ là mặt trời suốt đời soi sáng và sưởi ấm cho nhau.

   Tình yêu đẹp là vậy, trong sáng là vậy, mãnh liệt bay bổng là vậy nhưng nó không tránh khỏi những dâu bể của đời thường. Chính vì thế những người đang yêu ngoài sự say mê còn phải có đủ nghị lực và lí trí để vượt qua mọi thử thách, giông bão của cuộc đời với niềm tin sẽ tới đích.

Ở ngoài kia đại dương
  Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

    Những con sóng ở đại dương dù gió xô bão táp tới phương nào đi chăng nữa thì cuối cùng sóng vẫn trở về với bờ. Em cũng như sóng, cho dù gặp bao khó khăn em cũng sẽ vượt qua hết để đến với anh, bởi tình yêu anh đã cho em sức mạnh như ông bà xưa có câu:

                                                            Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo

Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua.

     Đẹp là thế, thiêng liêng là thế nhưng tình yêu cũng lại là thứ ngắn ngủi, mong manh và khó giữ.

Cuộc đời tuy dài thế
    Năm tháng vẫn đi qua
    Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
      Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

   Bởi thế khi yêu con người luôn khắc khoải, trăn trở. Nỗi trăn trở đã thành bức bách, thôi thúc: Làm sao được tan ra, thành trăm con sóng nhỏ trong đại dương bao la, vô tận kia để được tồn tại mãi, sống mãi và yêu mãi. Tình yêu bùng lên thành khát vọng. Khát vọng sôi sục mà vẫn khiêm nhường, đầy nữ tính.

   Thơ Xuân Quỳnh là tiếng thơ vừa dịu dàng vừa sâu lắng vừa dữ dội lại vừa thiết tha. Nhớ tới chị chúng ta càng thêm trân trọng những thi phẩm đặc sắc của chị. Cùng với “Thuyền và biến”, “Sóng” là những bài ca không thể nào quên của tuổi trẻ và tình yêu. Xin cảm ơn nữ thi sĩ đã hiến dâng cho đời những vần thơ đẹp về tình yêu con người và cuộc sống.

Xem các bài tham khảo khác tại đây

Bài tham khảo số 2

Bài tham khảo số 3

Bài tham khảo số 4

Bài tham khảo số 5

 

 


Bài giải liên quan

Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến