Phân tích nhân vật người lái đò trong Người lái đò sông Đà để làm sáng tỏ phong cách tài hoa, độc đáo của Nguyễn Tuân
Ông lái đò đã chiến thắng sông Đà không chỉ bằng sức mạnh, trí tuệ, mà còn bằng cả những hành vi rất nghệ sĩ chỉ có ở con người.
Đề bài : Phân tích nhân vật người lái đò trong "Người lái đò sông Đà" để làm sáng tỏ phong cách tài hoa, độc đáo của Nguyễn Tuân.
DÀN BÀI
I. Mở bài
- Giới thiệu những đặc điểm cơ bản của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân, trong đó, cần tô đậm cách nhìn độc đáo của ông về cuộc sống và con người, đặc biệt là thiên hướng khắc họa con người ở phương diện đề cao những phẩm chất tài hoa nghệ sĩ.
- Không chỉ trong những sáng tác trước 1945, thể hiện chân dung con người tài hoa nghệ sĩ như một nhu cầu chơi ngông với cuộc đời một nhu cầu đối lập với bọn người phàm phu tục tử đầy rẫy trong xã hội, mà trong sáng cách sáng tác sau Cách mạng, cái nhìn mang tính quan niệm ấy ở Nguyễn Tuân dường như vẫn hết sức nhất quán. Tuy nhiên, giờ đây, đối với ông khắc họa chân dung những con người tài hoa nghệ sĩ trong chế độ mới lạ mang một mục đích cao đẹp khác: tôn vinh tài năng và lao động.
II. Thân bài
- Sơ lược vài nét về thế giới nhân vật tài hoa nghệ sĩ của Nguyễn Tuân.
+ Đối với Nguyễn Tuân, phẩm chất nghệ sĩ tài hoa không chỉ là độc quyền của những người là nghệ thuật. Ai sống đẹp, sống với một ý thức văn hóa cao đối với cuộc sống cá thế cũng đều xứng đáng được đứng trong thế giới của những con người tài hoa nghệ sĩ.
+ Đương nhiên họ phải là người đam mê, hết mình với công việc và cả việc... chơi nữa. Cho nên nhân vật cùa Nguyễn Tuân có thật nhiều những con người nghệ sĩ tài hoa: người uống trà, người đánh cờ, người làm đèn kéo quân, người đánh thơ thả thơ, người viết chữ đẹp, người giã giò, người làm cốm, người lái đò...
- Nhưng con người nghệ sĩ tài hoa trong tác phẩm của Nguyễn Tuân dường như chỉ bộc lộ phẩm chất này trong những hoàn cảnh thật khác thường, những thời điểm thật đặc biệt. Chính vì thế mà Huấn Cao thì phải cho chữ trong nhà ngục (Chữ người tử tù), một người lái đò thì đối với Nguyễn Tuân, cũng phải là người lái đò của sông Đà chứ không phải là những dòng sông khác. Sông đà hung bạo và trữ tình, cáo dòng thác hùm beo đang hồng hộc sức mạnh trên sông đá kia mới chính là nơi cho nghệ sĩ thoát hiểm thác được bộc lộ tài năng cùa mình.
- Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý mà tác giả của thiên bút kí lại tạo một tương phản đến nhường ấy giữa sông Đà với ông lái đò? Chỉ biết, đối tịch với dòng sông hung bạo và nham hiểm với muôn vàn cạm bẫy của những ghềnh hút nước, thác dữ, đá ngầm... người lái đò chỉ có một con thuyền đơn độc, mỏng mảnh, nhưng ông lại là người nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, từng trải kinh nghiệm đò giang sông nước, tỉnh táo sắc lạnh giữa nguy nan. Chính vì thế, cho dù “mặt nước hò reo vang dậy... ùa vào mà bẻ gẫy cán chèo”, dù “sóng nước như thế quân liều mạng vào sát nách và đá trái, mà thúc gối vào bụng và hông thuyền” rồi “đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm”, cho dù "tất cả đá từ nghìn năm vẫn mai phục dưới lòng sông chỉ chờ cơ hội là vùng đòi ăn chết cái thuyền” thì kiêu hãnh trên sông nước ghê gớm, dữ dằn vẫn là một ông đò ấy. Cuối cùng, cái sức mạnh vĩ đại và hoang dã kia cũng phải chịu khuất phục trước trí tuệ của con người. Đấy cũng là tài hoa chứ sao?
- Nhưng ông lái đò chiến thắng sông Đà không chỉ bằng sức mạnh, trí tuệ, mà còn bằng cả những hành vi rất nghệ sĩ chỉ có ở con người. Người đọc chắc không thể quên được những chi tiết: ông đò “nắm chặt lấy cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước dũng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”. Khi tưởng tượng cái cứ chỉ nắm chặt lấy bờm sóng, cái dáng điệu lái miết một đường chéo toát lên bao nhiêu vẻ hồn nhiên và cùng thật hào hoa nữa, chẳng biết là người đọc nên dành sự trìu mến của mình cho ông lái đò hay cho Nguyễn Tuân hay cho cả hai? Và người đọc cũng không quên cái cảnh “đêm ấy ông lái đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá dầm xanh, về những cái hầm cá, hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá tuôn ra đầy tràn ruộng”. Cái thanh thản, hồn nhiên được như thế giữa trời đất cũng là một biểu hiện của phẩm chất nghệ sĩ.
- Người lái đò ấy là ai? Có phải ông chính là muôn nghìn những con người lao động vô danh vẫn âm thầm, bền bỉ và đam mê hết mình trong những công việc thường ngày trong cuộc sống này? Có phải ông cũng chính là Nguyễn Tuân, người nghệ sĩ lao động cật lực trên dòng sông chữ? Và, cũng như ông lái đò vậy thôi, để sáng tạo được những trang văn sáng ngời vẻ đẹp độc đáo, uyên bác, tài hoa. Nguyễn Tuân cũng đã từng trải qua bao khó nhọc khổ hạnh của nghề nghiệp mình?
- Trên mỗi dòng của thiên tùy bút như cũng đang có một cuộc đua tranh với tạo hóa mà Nguyễn Tuân tung hết vốn liếng tài hoa, uyên bác của mình.
III. Kết bài
Thể hiện cái tư thế đầy kiêu hãnh của con người trước thiên nhiên. Nguyễn Tuân như muốn gửi vào đó một đóng góp riêng vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ. Mà cũng không hề thế, cái thiên hướng dường như đã khá ổn định về phong cách này hẳn đã được thổi vào cái không khí hào sảng của thời đại mà ánh lên một nét mới để hình tượng người lái đò bỗng trở thành biểu tượng tuyệt đẹp ca Lao động và Con người.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Phân tích nhân vật người lái đò trong Người lái đò sông Đà để làm sáng tỏ phong cách tài hoa, độc đáo của Nguyễn Tuân timdapan.com"