Đề kiểm tra 15 phút chương 1 phần 2 lịch sử 7 - Đề số 5 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra 15 phút chương 1 phần 2 lịch sử 7 - Đề số 5 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề bài
I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (5,0 điểm)
Câu 1. Sau khi kháng chiến chống Tống thắng lợi, việc Lê Hoàn sai sứ sang Trung Quốc trao trả tù binh và đặt lại quan hệ bình thường có ý nghĩa như thế nào?
A. Thể hiện nước ta là một nước thắng trận trước Trung Quốc.
B. Thể hiện thiện chí muốn quan hệ ngoại giao hòa bình của nước ta.
C. Thể hiện Trung Quốc sẽ phải kiêng dè trước nước ta.
D. Trung Quốc sẽ không dám đem quân sang xâm lược nước ta.
Câu 2. So với bộ máy nhà nước thời Ngô, bộ máy nhà nước thời Tiền Lê có điểm gì khác?
A. Tổ chức bộ máy nhà nước thời Tiền Lê được tập trung quyền lực đến đỉnh cao.
B. Tổ chức bộ máy nhà nước còn đơn giản, sơ sài hơn bộ máy nhà nước thời Ngô.
C. Tổ chức bộ máy nhà nước cồng kềnh, với nhiều chức quan hơn.
D. Bộ máy nhà nước thời Tiền Lê được tổ chức đầy đủ hơn, chặt chẽ và quy củ hơn.
Câu 3. Ý nào dưới đây đánh giá đúng nhất ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Tống của triều Tiền Lê?
A. Chấm dứt thời kì khủng hoảng của nhà Đinh, thể hiện sức mạnh của nhà Tống.
B. Thể hiện ý chí chống ngoại xâm và truyền thống bảo vệ đất nước trước quân Nam Hán.
C. Khẳng định chủ quyền của dân tộc, đặt nền móng xây dựng chính quyền độc lập.
D. Giữ vững nền độc lập, thể hiện ý chí quyết tâm chống xâm lược, chứng tỏ bước phát triển mới của dân tộc.
Câu 4: Ý nào dưới đây không đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê?
A. Nhờ tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân Đại Việt.
B. Triều đình nhà Đinh và Thái hậu họ Dương sẵn sàng vì lợi ích dân tộc mà hi sinh lợi ích dòng họ.
C. Nhà Tống có một số tướng sĩ làm phản, lo sợ nên rút quân về nước.
D. Nhờ tài chỉ huy mưu lược của Lê Hoàn.
Câu 5. Kháng chiến chống Tống của Lê Hoàn gợi nhớ đến chiến thắng vang dội nào trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam?
A. Kháng chiến chống quân Nam Hán của Ngô Quyền (938).
B. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (mùa xuân năm 40).
C. Kháng chiến chống quân Lương xâm lược (545).
D. Khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722).
II. PHẦN TỰ LUẬN (5,0 điểm)
Câu 6. Theo em, Đinh Bộ Lĩnh đặt tên nước là Đại cồ Việt có nghĩa là gì? Việc nhà Đinh đặt tên nước và không dùng niên hiệu của Hoàng đế Trung Quốc nói lên điều gì?
Lời giải chi tiết
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. PHẦN TRẮC NGHIỆM
1.B |
2.D |
3.D |
4.C |
5.A |
Câu 1.
Phương pháp: sgk trang 31, suy luận
Cách giải:
Sau khi quân Tống bại trận trước cuộc kháng chiến của quân dân nhà Tiền Lê, Lê Hoàn vẫn sai sứ sang Trung Quốc trao trả một số tù binh và đặt lại quan hệ bình thường. Việc này thể hiện thiện chí muốn quan hệ ngoại giao hoàn bình với Trung Quốc, nước ta thắng nhưng không kiêu ngạo.
Chọn đáp án: B
Câu 2.
Phương pháp: So sánh, phân tích.
Cách giải:
Dựa trên sự so sánh tổ chức bộ máy nhà nước thời Ngô và Tiền Lê:
- Nhà Ngô:
+ Vua đứng đầu triều đình, quyết định mọi công việc (chính trị, ngoại giao, quân sự).
+ Dưới vua có các quan văn, quan võ.
+ Ở địa phương, các tướng lĩnh có công được vua cử đi cai quản các châu quan trọng gọi là thứ sử.
- Nhà Tiền Lê:
+ Triều đình trung ương do vua đứng đầu, nắm mọi quyền hành về quân sự và dân sự.
+ Giúp Lê Hoàn bàn việc nước có thái sư (quan đầu triều) và đại sư (nhà sư có danh tiếng).
+ Dưới vua là các chức quan văn, quan võ; các con vua được phong vương và trân giữ các vùng hiểm yếu.
+ Về đơn vị hành chính, cả nước được chia làm 10 lộ. Dưới lộ có phủ và châu. Hầu hết quan lại đều là võ tướng. Các quan lại địa phương chưa được sắp xếp đầy đủ.
ð So sánh: Tổ chức bộ máy nhà nước thời Tiền Lê được tổ chức đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn, có quy củ hơn.
Chọn đáp án: D
Câu 3.
Phương pháp: Đánh giá
Cách giải:
Cuộc kháng chiến chống Tống của triều Tiền Lê có ý nghĩa quan trọng:
- Thắng lợi của các cuộc kháng chiến giữ vững nền độc lập của dân tộc.
- Thể hiện ý chí quyết tâm chống kẻ thù xâm lược.
- Chứng tỏ bước phát triển mới của dân tộc và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta sau này.
Chọn đáp án: D
Câu 4.
Phương pháp: Đánh giá
Cách giải:
Nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê bao gồm:
- Nhờ tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân Đại Việt để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
- Nhờ tài chỉ huy mưu lược của Lê Hoàn
- Do triều đình nhà Đinh và Thái hậu họ Dương sẵn sàng vì lợi ích dân tộc mà hi sinh lợi ích dòng họ để tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Tống.
Chọn đáp án: C
Câu 5.
Phương pháp: Liên hệ
Cách giải:
- Năm 981, quân Tống theo hai đường thủy bộ tiến vào xâm lược nước ta. Phát huy thế mạnh đánh giặc ngay trên quê hương mình và biết rõ âm mưu của quân Tống, Lê Hoàn đã dựa vào hình sông thế núi hiểm trở của đất nước mà bố phòng các đồn lũy, đắp xây thành Bình Lỗ, đặc biệt là đóng cọc ngăn sông Bạch Đằng.
- Với vị trí hiểm yếu tự nhiên của sông Bạch Đằng, binh lực của Đại Cồ Việt ở đây bố trí không cần quá nhiều mà vẫn có thể cầm giữ, ngăn cản bước tiến quân địch.
- Kết hợp với diệt cánh quân bộ, Lê Hoàn cùng quân dân nhà Tiền Lê tạo nên chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng lần hai.
- Cũng trên con sông này, trước đó, năm 938, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán bằng cách đóng cọc trên sông và tận dụng thủy triều lên xuống của con sông này.
=> Gợi nhớ đến chiến thắng trên sông Bạch Đằng chống quân Nam Hán của Ngô Quyền.
Chọn đáp án: A
II. PHẦN TỰ LUẬN
Câu 6.
- Đại Cồ Việt có nghĩa là: “Đại” là lớn, “Cồ” cũng có nghĩa là lớn, ý nói "nước Việt lớn".
- Việc nhà Đinh đặt tên nước và không dùng niên hiệu của hoàng đế Trung Quốc: khẳng định người Việt có giang sơn riêng, bờ cõi riêng. Nước Đại Cồ Việt độc lập và ngang hàng với Trung Quốc chứ không phải là nước phụ thuộc. Hoàng đế Đại Cồ Việt cũng ngang hàng với hoàng đế Trung Quốc. Đinh Bộ Lĩnh là người Việt đầu tiên xưng đế (Hoàng đế là tước hiệu của vua nước lớn, mạnh).
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Đề kiểm tra 15 phút chương 1 phần 2 lịch sử 7 - Đề số 5 có lời giải chi tiết timdapan.com"