Đề thi khảo sát chất lượng môn Lịch sử lớp 12

Tìm Đáp Án xin giới thiệu với các bạn đề thi khảo sát chất lượng môn Lịch sử lớp 12 trường THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016 (Lần 1) giúp các bạn học sinh có thêm tài liệu tham khảo chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới đây của mình. Chúc các bạn thành công trong kì thi sắp tới đây.

Đề khảo sát chất lượng ôn thi THPT Quốc gia lần 1 môn Hóa học năm 2016 trường THPT Đồng Đậu

Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016 (Lần 1)

TRƯỜNG THPT ĐỒNG ĐẬU

KỲ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN 1 NĂM 2015-2016
ĐỀ THI MÔN: LỊCH SỬ 12
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề

(Đề thi có 01 trang)

Câu 1 (2,0 điểm).

Nêu nguyên nhân tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Theo anh/chị, Đảng và Nhà nước ta cần có biện pháp gì để xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Câu 2 (2,0 điểm).

Nêu và làm rõ biến đổi lớn nhất của khu vực Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai? Anh/chị hãy phát biểu ý kiến cá nhân về giá trị của độc lập dân tộc đối với mỗi con người.

Câu 3 (3,0 điểm).

Quan hệ Mĩ – Liên Xô trong và sau chiến tranh thế giới thứ hai có gì khác nhau. Cuộc chiến tranh lạnh đã được khởi động như thế nào trong những năm 1947 – 1955.

Câu 4 (3,0 điểm).

Nguồn gốc, đặc điểm lớn nhất và tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong nửa sau thế kỉ XX.

Đáp án đề thi khảo sát chất lượng môn Lịch sử lớp 12

Câu 1: Nêu nguyên nhân tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Theo anh/chị, Đảng và Nhà nước ta cần có biện pháp gì để xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

  • Một là, thiếu tôn trọng đầy đủ các quy luật phát triển khách quan về kinh tế-xã hội, chủ quan, duy ý chí, thực hiện cơ chế tập trung quan liêu bao cấp thay cho cơ chế thị trường. Điều đó làm cho nền kinh tế đất nước thiếu tính năng động sản xuất trì trệ, đời sống nhân dân không được cải thiện. Về xã hội, thiếu dân chủ và công bằng, vi phạm pháp chế XHCN. Tình trạng đó kéo dài đã làm tăng lòng bất mãn trong dân chúng. (0,5đ)
  • Hai là, không bắt kịp sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học- kĩ thuật hiện đại, đưa tới sự trì trệ, khủng hoảng về kinh tế- xã hội. (0,25đ)
  • Ba là, khi tiến hành cải tổ lại phạm sai lầm trên nhiều mặt, làm cho khủng hoảng càng thêm nặng nề. (0,25đ)
  • Bốn là, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước có tác động không nhỏ làm cho tình hình càng thêm rối loạn. (0,25đ)

Biện pháp để xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. (0,75đ)

  • Thí sinh chỉ cần nêu được một trong số các biện pháp sau đây: Xây dựng mô hình CNXH đúng như bản chất vốn có; thích nghi nhanh với những thay đổi của tình hình thế giới; không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; xây dựng CNXH phù hợp hoàn cảnh và truyền thống dân tộc; cảnh giác với âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.
  • Thí sinh có thể nêu các biện pháp khác, giảm khảo vẫn cho điểm nếu thấy hợp lí.

Câu 2: Nêu và làm rõ biến đổi lớn nhất của khu vực Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai? Anh/chị hãy phát biểu ý kiến cá nhân về giá trị của độc lập dân tộc đối với mỗi con người.

Biến đổi:

  • Biến đổi to lớn nhất của khu vực Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ II là: từ thân phận nước thuộc địa hoặc phụ thuộc tiến lên giành được độc lập. (0,25đ)
  • Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước Đông Nam Á đều là thuộc địa của các nước đế quốc Âu - Mĩ. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Đông Nam Á bị Nhật chiếm đóng, vì vậy, nhân dân Đông Nam Á đã phải chuyển từ đấu tranh chống đế quốc Âu - Mĩ sang đấu tranh chống phát xít Nhật. (0,25đ)
  • Nhân cơ hội phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, một số nước đã đứng lên giành chính quyền và tuyên bố độc lập: Inđônêxia 17/8/1945, Việt Nam 2-9-1945, Lào 12/10/1945... Nhiều nước khác như Miến Điện, Philíppin, Mã Lai đã giải phóng được phần lớn lãnh thổ. (0,25đ)
  • Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thực dân Âu - Mĩ quay trở lại tái chiếm Đông Nam Á, nhân dân Đông Nam Á lại phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống xâm lược. Trải qua cuộc đấu tranh kiên cường và gian khổ, các nước đế quốc buộc phải trao trả và công nhận nền độc lập của các nước: Philíppin, Miến Điện, Mã Lai, Singapo và Inđônêxia. (0,25đ)
  • Năm 1954, thực dân Pháp phải công nhận nền độc lập của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Nhưng ngay sau đó 3 nước này lại phải kháng chiến chống Mĩ, đến năm 1975 mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Năm 1984, Brunây tuyên bố là quốc gia độc lập. Đông Timo tách khỏi Inđônêxia vào năm 1999 và trở thành một quốc gia độc lập năm 2002. (0,25đ)

Như vậy, đến cuối thế kỷ XX bằng những hình thức đấu tranh khác nhau hầu hết các nước ở Đông Nam Á đều giành được độc lập. Đây là biến đổi to lớn nhất của khu vực này sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tạo ra điều kiện để khu vực Đông Nam Á bước vào thời kì mới. (0,25đ)

Nêu ý kiến cá nhân về giá trị của độc lập dân tộc: Thí sinh nêu ý kiến cá nhân về giá trị của độc lập dân tộc theo 2 mặt: vật chất và tinh thần. (0,5đ)

Câu 3: Quan hệ Mĩ – Liên Xô trong và sau chiến tranh thế giới thứ hai có gì khác nhau. Cuộc chiến tranh lạnh đã được khởi động như thế nào trong những năm 1947 – 1955.

Quan hệ Mĩ - Liên Xô: Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mĩ và Liên Xô là đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít. Sau chiến tranh, Mĩ và Liên Xô nhanh chóng chuyển sang thế đối đầu và đi tới tình trạng chiến tranh lạnh. (0,5đ)

Những sự kiện dẫn tới tình trạng chiến tranh lạnh.

  • Tháng 3 - 1947, Tổng thống Mĩ Truman khẳng định: sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ lớn đối với Mĩ và đề nghị viện trợ khẩn cấp cho hai nước Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để biến hai nước này thành căn cứ tiền phương chống Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu... (0,5đ)
  • Tháng 6-1947, Mĩ thực hiện "kế hoạch Macsan" nhằm giúp các nước Tây Âu phục hồi kinh tế. Đồng thời qua kế hoạch, Mĩ còn nhằm tập hợp các nước Tây Âu vào liên minh quân sự chống Liên Xô và các nước Đông Âu. (0,5đ)
  • Tháng 4-1949, Mĩ và 11 nước Tây Âu đã thành lập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là liên minh quân sự lớn nhất của các nước tư bản phương Tây do Mĩ cầm đầu nhằm chống Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. (0,5đ)
  • Tháng 1- 1949, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) để hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước xã hội chủ nghĩa. (0,25đ)
  • Tháng 5- 1955, Liên Xô và Đông Âu thành lập tổ chức Hiệp ước Vácsava - một liên minh chính trị và quân sự mang tính chất phòng thủ của các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu. (0,5đ)
  • Sự ra đời của NATO và tổ chức Hiệp ước Vác sava đã đánh dấu sự xác lập cục diện hai cực, hai phe. Chiến tranh lạnh đã bao trùm toàn thế giới. (0,25đ)

Câu 4:  Nguồn gốc, đặc điểm lớn nhất và tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong nửa sau thế kỉ XX.

Nguồn gốc: Cũng như cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỉ XVIII-XIX, cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật ngày nay diễn ra là do những đòi hỏi của cuộc sống, của sản xuất nhằm đáp ứng như cầu về vật chất và tinh thần ngày càng cao của con người, nhất là trong tình hình bùng nổ dân số thế giới và sự vơi cạn nghiêm trọng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. (0,5đ)

Giải thích đặc điểm lớn nhất: Đặc điểm lớn nhất của cuộc cách mạng khoa học- công nghệ là khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, khác với cuộc cách mạng công nghiệp thế kỉ XVIII. Trong cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại, mọi phát minh kĩ thuật đều bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học. Khoa học gắn liền với kĩ thuật, khoa học đi trước mở đường cho kĩ thuật. Đến lượt mình, kĩ thuật đi trước mở đường cho sản xuất. (0,5đ)

Phân tích tác động.

  • Tăng năng suất lao động, không ngừng nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của con người... (0,5đ)
  • Dẫn đến những thay đổi lớn về cơ cấu dân cư, chất lượng nguồn nhân lực, những đòi hỏi mới về giáo dục đào tạo nghề nghiệp... (0,5đ)
  • Sự hình thành một thị trường toàn thế giới với xu thế toàn cầu hoá... (0,5đ)
  • Tuy nhiên cuộc cách mạng khoa học- công nghệ nửa sau thế kỷ XX cũng gây nên những hiệu quả tiêu cực như ô nhiễm môi trường, trái đất nóng dần lên... (0,5đ)
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!