Đề thi KSCL đội tuyển HSG Lịch sử 12 năm 2018 - 2019

TimDapAnxin giới thiệu tới bạn đọc Đề thi KSCL đội tuyển HSG Lịch sử 12 năm 2018 - 2019 trường Yên Lạc 2 - Vĩnh Phúc. Tài liệu gồm 10 câu hỏi bài tập, thời gian làm bài 180 phút, đề thi có đáp án. Mời các bạn học sinh tham khảo.

SỞ GD &ĐT VĨNH PHÚC

TRƯỜNG THPT YÊN LẠC 2

KÌ THI KSCL ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI KHỐI 12

ĐỀ THI MÔN: LỊCH SỬ

NĂM HỌC 2018 - 2019

Thời gian làm bài 180 phút, không kể thời gian giao đề.

Đề thi gồm: 01 Trang.

Câu 1 (1,0 điểm)

Nêu nguyên nhân bùng nổ và nhiệm vụ các cuộc cách mạng tư sản từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX.

Câu 2 (1,0 điểm)

Nêu đặc điểm của phong trào kháng chiến chống Pháp xâm lược ở Việt Nam từ năm 1859 đến năm 1867.

Câu 3 (1,0 điểm)

Trình bày ý nghĩa lịch sử của phong trào yêu nước Cần Vương cuối thế kỉ XIX.

Câu 4 (1,0 điểm)

Nêu các khuynh hướng cứu nước và những biểu hiện của nó trong phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX.

Câu 5 (1,0 điểm)

Nêu mục đích và nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên hợp quốc.

Câu 6 (1,0 điểm)

Trình bày những biến đổi của khu vực Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo anh, chị biến đổi nào là to lớn nhất?

Câu 7 (1,0 điểm)

Những nét chính trong chính sách đối ngoại của Mĩ từ năm 1945 đến năm 1973.

Câu 8 (1,0 điểm)

Vì sao mối quan hệ quốc tế từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1991 lại có xu hướng chuyển dần từ đối đầu sang đối thoại?

Câu 9 (1,0 điểm)

Tại sao nói trong thời đại ngày nay, “khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”? Theo anh, chị thế hệ trẻ Việt Nam cần làm gì trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng Khoa học - Công nghệ?

Câu 10 (1,0 điểm)

Nêu tác động tích cực của cuộc cách mạng Khoa học - Công nghệ đối với sản xuất và đời sống con người. Bằng hiểu biết của mình, anh chị cho biết thế nào là cuộc “cách mạng công nghiệp 4.0”?

Đáp án Đề thi KSCL đội tuyển HSG Lịch sử 12

Câu

Nội dung

Điểm

1

Nêu nguyên nhân bùng nổ và nhiệm vụ các cuộc cách mạng tư sản từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX.

1,0

1. Nguyên nhân:

- Nguyên nhân sâu xa: do mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa với quan hệ sản xuất phong kiến ngày càng sâu sắc…

0,25

- Nguyên nhân trực tiếp: có nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử mỗi nước…

0,25

2. Nhiệm vụ của các cuộc cách mạng tư sản: nhằm lật đổ chế độ phong kiến (và thực dân) để giành chính quyền về tay giai cấp tư sản (hoặc đồng thời giành độc lập, thống nhất đất nước), thiết lập nền chuyên chính tư sản, mở đường cho sự phát triển CNTB.

0,5

2

Nêu đặc điểm của phong trào kháng chiến chống Pháp xâm lược ở Việt Nam từ năm 1859 đến năm 1867.

1,0

- Phong trào kháng chiến của nhân dân các tỉnh Nam Kì được dấy lên từ miền Đông rồi nhanh chóng lan rộng ra toàn miền.

0,25

- Phong trào diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, thu hết đông đảo quần chúng nhân dân tham gia với các hình thức đấu tranh phong phú như: tị địa, dùng văn thơ châm biếm… song chủ yếu là đấu tranh vũ trang.

0,25

- Các cuộc khởi nghĩa đều bị thất bại do so sánh lực lượng chênh lệch. Tuy nhiên, phong trào chỉ tạm thời lắng xuống chứ không chấm dứt. Phong trào phát triển làm cho thực dân Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc cai trị.

0,25

- Phong trào kháng chiến của nhân dân Nam Kì thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất chống giặc ngoại xâm.

0,25

3

Trình bày ý nghĩa lịch sử của phong trào yêu nước Cần Vương cuối thế kỉ XIX.

1,0

- Thể hiện tinh thần yêu nước đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, là nguồn cổ vũ động viên đối với các trào lưu đấu tranh mới ra đời. Đó là phong trong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản.

0,25

- Gây cho Pháp nhiều khó khăn, thiệt hại. Phong trào Cần Vương kết thúc đánh dấu thực dân Pháp thực hiện xong quá trình bình định bắt đầu bước vào thời kì khai thác thuộc địa.

0,25

- Sự thất bại của phong trào Cần Vương đánh dấu sự chấm dứt hoàn toàn của phong trào yêu nước đứng trên lập trường phong kiến, cách mạng Việt Nam bước vào thời kì khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo.

0,25

- Phong trào để lại nhiều bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lương, xác định mục tiêu…

0,25

4

Nêu các khuynh hướng cứu nước và những biểu hiện của nó trong phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX.

1,0

- Cuối thế kỉ XIX, phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra theo khuynh hướng phong kiến với biểu hiện là các cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, Ba Đình, Hương Khê…

0,25

- Đầu thế kỉ XX, phong trào yêu nước diễn ra theo khuynh hướng dân chủ tư sản với hai xu thế:

0,25

1. Xu hướng bạo động (đại diện là Phan Bội Châu) với việc thành lập Hội Duy tân, tổ chức phong trào Đông Du, thành lập Việt Nam Quang phục hội.

0,25

2. Xu hướng cải cách (đại biểu là Phan Châu Trinh) với việc thành lập trường học mới tiêu biểu là Đông Kinh nghĩa thục, cuộc vận động Duy tân, sau biến thành bạo động trong phong trào đấu tranh chống thuế ở Trung Kì.

0,25

5

Nêu mục đích và nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên hợp quốc.

1,0

1. Mục đích hoạt động: nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc.

0,25

2. Nguyên tắc hoạt động:

+ Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc

0,25

+ Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước.

+ Không can thiệp vào công việc nọi bộ của bất kì nước nào.

0,25

+ Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình

+ Chung sống hòa bình và sự nhất trí của 5 nước lớn (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc).

0,25

6

Trình bày những biến đổi của khu vực Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo anh, chị biến đổi nào là to lớn nhất?

1,0

- Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước Đông Nam Á đều là thuộc địa của các nước đế quốc Âu- Mĩ. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước này lại là thuộc địa của phát xít Nhật. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bằng những hình thức đấu tranh khác nhau hầu hết các nước trong khu vực đều giành được độc lập.

0,25

- Sau khi giành độc lập các nước bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước và đạt được nhiều thành tựu to lớn, tiêu biểu như: Singapore, Thái Lan….

0,25

- Các nước trong khu vực đều tham gia tổ chức ASEAN.

0,25

- Biến đổi to lớn nhất của khu vực Đông Nam Á là các nước trong khu vực đều giành được độc lập.

0,25

7

Những nét chính trong chính sách đối ngoại của Mĩ từ năm 1945 đến năm 1973.

1,0

- Mĩ triển khai chiến lược toàn cầu với tham vọng làm bá chủ thế giới. Chiến lược toàn cầu của Mĩ được thực hiện và điều chỉnh qua nhiều chiến lược với tên gọi và học thuyết khác nhau, nhằm ba mục tiêu chủ yếu:

0,25

- Một là ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trên thế giới

0,25

- Hai là đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, phong trào chống chiến tranh, vì hòa bình, dân chủ trên thế giới.

0,25

Ba là khống chế, chi phối các nước tư bản đồng minh phụ thuộc vào Mĩ.

0,25

8

Vì sao mối quan hệ quốc tế từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1991 lại có xu hướng chuyển dần từ đối đầu sang đối thoại?

1,0

- Bởi vì tình trạng đối đầu căng thẳng có nguy cơ dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ ba. Và nếu xảy ra đây là cuộc chiến tranh hạt nhân do vậy các nước đều phải hết sức thận trọng trong chính sách của mình.

0,5

- Sự phát triển của khoa học kĩ thuật lần 2 đã thúc đẩy sự giao lưu quan hệ quốc tế trên thế giới.

0,25

- Từ nửa sau những năm 70 của thế kỉ XX, nhiều vấn đề mang tính toàn cầu đã nảy sinh và là thách thức đối với các dân tộc trên thế giới như: bùng nổ dân số, ô nhiễm môi trường… đòi hỏi phải có sự góp sức chung. Do đó các dân tộc phải hợp tác với nhau để cùng giải quyết.

0,25

9

Tại sao nói trong thời đại ngày nay, "khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp"? Theo anh, chị thế hệ trẻ Việt Nam cần làm gì trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng Khoa học - Công nghệ?

1,0

1. Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp vì trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ, mọi phát minh đều bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học. Khoa học gắn liền với kĩ thuật, khoa học đi trước mở đường cho sản xuất. Khoa học đã tham gia trực tiếp vào sản xuất, trở thành nguồn gốc chính của những tiến bộ kĩ thuật và công nghệ.

0,5

2. Thế hệ trẻ Việt Nam cần:

Thế hệ trẻ Việt Nam cần học tập, rèn luyện đạo đức, nâng cao những hiểu biết về khoa học kĩ thuật hiện đại...

0,25

Hòa mình vào với xu thế phát triển của thời đại... giữ gìn được bản sắc dân tộc..., đưa trình độ khoa học - kĩ thuật của Việt Nam vươn lên đuổi kịp trình độ quốc tế.

0,25

10

Nêu tác động tích cực của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đối với sản xuất và đời sống con người. Bằng hiểu biết của mình, anh, chị cho biết thế nào là cuộc “cách mạng công nghiệp 4.0”?

1,0

1. Tác động tích cực

- Tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của con người.

0,25

- Thay đổi cơ cấu dân cư, chất lượng nguồn nhân lực, đòi hỏi mới về giáo dục, đào tạo.

0,25

- Thúc đẩy xu thế toàn cầu hóa.

0,25

2. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.

0,25

----------------------------

Để có kết quả cao hơn trong học tập, TimDapAnxin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Giải bài tập Lịch Sử 12, Giải bài tập Địa Lí 12, Học tốt Ngữ văn 12, Tài liệu học tập lớp 12 mà TimDapAntổng hợp và đăng tải.

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!