Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn lớp 9
Với mong muốn hỗ trợ các bạn học sinh lớp 9 trong việc tìm kiếm những tài liệu chất lượng để phục vụ quá trình ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn. Tìm Đáp Án đã sưu tầm và xin được gửi tới bạn: Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng B.
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng A
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Đoan Hùng, Phú Thọ năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Thanh Thủy, Phú Thọ năm học 2016 - 2017
SỞ GD&ĐT NGHỆ AN | ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH NĂM HỌC 2015 - 2016 MÔN: NGỮ VĂN LỚP 9 – BẢNG B Thời gian làm bài: 150 phút |
Câu 1 (4.0 điểm)
... Nắng bây giờ bắt đầu len tớí, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe...
... Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung...Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy...
(Trích Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2004)
Đọc hai đoạn trích trên và thực hiện các yêu cầu sau:
a. Mỗi bức tranh thiên nhiên được tái hiện vào khoảng thời gian nào trong ngày? Dụng ý nghệ thuật của tác giả?
b. Cách hiểu của em về câu văn "Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy."?
c. Từ bức tranh thiên nhiên Sa Pa, em rút ra được bài học gì trong cuộc sống và trong sáng tạo nghệ thuật?
Câu 2 (8.0 điểm)
Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu ông lại hỏi:
- À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?
Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:
- Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!
Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:
- Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ.
(Trích Làng, Kim Lân, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2004)
Từ lời trò chuyện của ông Hai với đứa con út, hãy viết bài luận với chủ đề "Lòng tin".
Câu 3 (8.0 điểm)
Âm thanh tiếng chim tu hú qua đoạn thơ:
Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học.
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
(Trích Bếp lửa, Bằng Việt, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2004.)
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
I. YÊU CẦU CHUNG
1. Có kiến thức văn học và xã hội đúng đắn, sâu rộng; kĩ năng làm văn tốt: bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và sức gợi cảm, ít mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp...
2. Đáp ứng yêu câu đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Hướng dẫn chấm thi chỉ nêu một số nội dung cơ bản, định tính chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm, không chỉ đánh giá kiến thức và kĩ năng mà còn chú ý đến thái độ, cảm xúc, tình cảm của người viết. Cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, phát hiện, cần khuyến khích những tìm tòi, sáng tạo riêng trong nội dung và hình thức bài làm. Chấp nhận các kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lí, có sức thuyết phục.
3. Tổng điểm của toàn bài là 20,0 điểm, cho lẻ đến 0,25 điểm. Hướng dẫn chấm cho từng câu, từng ý trên cơ sở đó giám khảo có thể thống nhất định ra các thang điểm cụ thể khác.
II. YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu 1 (4.0 điểm)
a. 1.0 điểm
- Đoạn trích thứ nhất là bức tranh thiên nhiên được miêu tả vào ban ngày, đoạn trích thứ hai là bức tranh thiên nhiên được miêu tả vào ban đêm.
- Lựa chọn những khoảng thời gian khác nhau để thể hiện dụng ý nghệ thuật: vừa miêu tả được vẻ đẹp trữ tình, nên thơ vừa khắc họa nổi bật sự khắc nghiệt của thiên nhiên Sa Pa.
b. 1.0 điểm
Thí sinh có thể trình bày cách hiểu theo cảm nhận của mình miễn là thuyết phục (Ví dụ: Sự thách thức điển hình của khí hậu Sa Pa trên đỉnh Yên Sơn đối với sức chịu đựng của con người...)
c. 2.0 điểm
- Bài học trong cuộc sống: tình yêu thiên nhiên, gắn bó, trân trọng vẻ của thiên nhiên; dám đối mặt, vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên để làm nên thành công...
- Bài học trong sáng tạo nghệ thuật: am hiểu thực tế đời sống, khám phá tinh tế ở nhiều góc độ...
Câu 2 (8.0 điểm)
Với một bài văn kết hợp giữa vấn đề văn học và vấn đề xã hội, thí sinh có thể cảm nhận, suy nghĩ và trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên phải có chính kiến rõ ràng. Sau đây là một số gợi ý mang tính định hướng:
a. Vấn đề văn học: (2.0 điểm)
- Tâm trạng dằn vặt, đau đớn của ông Hai
- Ông Hai trò chuyện với đứa con út để tạo dựng, củng cố niềm tin vào Cụ Hồ, vào kháng chiến...
b. Vấn đề xã hội: (5.0 điểm)
- Cách hiểu về "lòng tin"
- Vai trò của "lòng tin" đối với cuộc đời của mỗi con người
- Cách hành xử của con người về "lòng tin" ấy...
c. Đánh giá về nhịp cầu nối giữa văn học và cuộc sống... (1.0 điểm)
Câu 3 (8.0 điểm)
Thí sinh biết đặt đoạn thơ trong tính chỉnh thể của bài thơ để thể hiện những cảm nhận sâu sắc về âm thanh tiếng chim tu hú. Sau đây là một số gợi ý mang tính định hướng:
- Sức gợi của âm thanh tiếng chim tu hú: đánh thức kí ức tuổi thơ; gợi nhắc hình ảnh người bà tảo tần – người phụ nữ Việt Nam; âm thanh của làng quê thân thuộc; âm thanh của tiếng lòng... (5.0 điểm)
- Suy ngẫm về tình bà cháu, tình quê hương, đất nước... (2.0 điểm)
- Tài năng nhà thơ qua những giá trị nghệ thuật đặc sắc: Cách lựa chọn tín hiệu âm thanh, giọng điệu, kiểu câu... (1.0 điểm)