Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc năm 2013 - 2014 được Tìm Đáp Án sưu tầm và đăng tải, gồm đề thi và đáp án. Đề thi học sinh giỏi này sẽ giúp các bạn học sinh lớp 9 ôn luyện thi học sinh giỏi và chuẩn bị tốt cho kì thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9.
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Đoan Hùng, Phú Thọ năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng A
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng B
PHÒNG GD & ĐT VĨNH TƯỜNG ĐỀ CHÍNH THỨC |
ĐỀ THI CHỌN HSG LỚP 9 CẤP HUYỆN NĂM HỌC 2013 - 2014 Môn: Ngữ văn Thời gian làm bài: 150 phút |
Câu 1: (2,0 điểm)
Viết về cảnh đất trời mùa xuân ở đoạn trích Cảnh ngày xuân (Truyện Kiều – Nguyễn Du), có ý kiến cho rằng: Từ cặp lục bát thứ nhất sang cặp lục bát thứ hai có sự biến đổi của mạch thơ; riêng cặp lục bát thứ hai đã thể hiện tài tình nghệ thuật "thi trung hữu họa".
Em hãy viết đoạn văn trình bày ý kiến của mình về nhận xét trên?
Câu 2: (2,0 điểm)
Khi nói về quê hương, Đỗ Trung Quân cho rằng:
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi.
(Quê hương)
Em hiểu thế nào về quan niệm của nhà thơ? Từ đó hãy bày tỏ suy nghĩ của em về quê hương?
Câu 3: (6,0 điểm)
Nhận xét về truyện "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long, có ý kiến cho rằng:
"Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ và hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Từ hình ảnh những con người ấy gợi lên cho ta những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, của lao động tự giác, về con người và về nghệ thuật".
Qua truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa", em hãy làm sáng tỏ nhận xét trên.
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:.......................................................... SBD:......................
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9
Câu 1:
- Bài viết trình bày dưới hình thức một đoạn văn.
- Nội dung cần đạt được như sau:
Đồng ý với nhận xét trên
+ Sự biến đổi của mạch thơ
Hai câu đầu gợi dòng chảy thời gian bất tận, nhịp thơ êm xuôi:"Ngày xuân con én...ngoài sáu mươi". Hình ảnh "chim én đưa thoi" vừa gợi không gian, vừa ngụ ý mùa xuân qua nhanh.
Hai câu tiếp theo, mạch thơ dừng lại, mở ra một không gian mênh mông, không còn ranh giới giữa trời và đất: " Cỏ non xanh tận chân trời...một vài bông hoa".
+ Nghệ thuật "Thi trung hữu họa" ở cặp thơ thứ hai:
Trời đất một màu xanh non tươi tốt của cỏ mùa xuân. Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết sắc trắng của hoa lê. Hai màu: xanh, trắng là những gam màu sáng tươi dịu mát, tôn nhau lên, màu trắng hoa lê làm cỏ như xanh hơn và sắc trắng của hoa càng trở nên thanh khiết trên nền cỏ xanh mịn.
Cách dùng từ "trắng điểm" (chứ không phải là điểm trắng) giúp ta nhận ra tín hiệu của mùa xuân ở vẻ đẹp ẩn chìm mà sống động của tạo vật vốn vô tri vô giác.
Có thể liên hệ đến câu thơ cổ của Trung Quốc: " Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa".
+ Khả năng rung động tinh tế của thi nhân trước cái đẹp của mùa xuân.
(Không cho điểm tối đa những bài viết không trình bày đúng hình thức của một đoạn văn).
Câu 2:
* Yêu cầu chung:
HS hiểu đề, viết sát chủ đề đã nêu.
Biết cách làm một bài văn nghị luận có bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ.
Trình bày ý mạch lạc, rõ ràng. Văn viết trong sáng, có cảm xúc.
* Yêu cầu cụ thể:
+ Quan niệm về quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân:
- Câu thơ nằm trong thi phẩm viết về quê hương. Trong thi phẩm ấy, nhà thơ gợi ra những cách hiểu về quê hương.
- Cách so sánh độc đáo, thú vị: quê hương và mẹ.Ý ngĩa của cách so sánh ấy là để khẳng định quê hương chính là nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó, nuôi dưỡng sự sống, đặc biệt là sự sống tinh thần, tâm hốn.
Qua lối so sánh khẳng định để nêu bật tình cảm với quê hương. Quê hương là điều quý giá vô ngần mà mỗi con người không thể thiếu. Hình bóng quê hương đi theo con người suốt cả cuộc đời, trở thành điểm tựa về tinh thần của con người trong cuộc sống. Nếu thiếu đi điểm tựa này, cuộc sống của con người trở nên chông chênh, lệch lạc. Đồng thời, qua cách so sánh, tác giả cũng khơi dậy, nuôi dưỡng tình cảm với quê hương: tình cảm với mẹ là tình cảm tự nhiên như một bản năng, tình cảm với quê hương là tình cảm tự nhiên, thuần khiết trong tâm hồn mỗi con người.
- Gợi mở một cách sống, cách làm người: Phải biết coi trọng gốc rễ, hướng về cội nguồn, biết yêu quê hương. Thiếu đi tình cảm này là một khiếm khuyết trong đời sống tâm hồn, tình cảm khiến con người không được làm người một cách trọn vẹn.
+ Suy nghĩ của bản thân:
- Quê hương là bến đỗ bình yên cho mỗi con người...
- Mỗi người không được quên đi nguồn cội, gốc gác, quê hương. Dù ai đi đâu, ở đâu cũng sẽ luôn tự nhắc nhở hãy nhớ về cội nguồn yêu thương.
Nuôi dưỡng tình cảm với quê hương có nghĩa là nuôi dưỡng tâm hồn, để con người được làm người theo nghĩa đầy đủ nhất.
- Đặt tình cảm với quê hương trong quan hệ với tình yêu đất nước, cần hướng về quê hương song không có nghĩa là chỉ hướng về mảnh đất nơi mình sinh ra mà phải biết tôn trọng và yêu quý tất cả những gì thuộc về Tổ quốc.
- Có thái độ phê phán trước những hành vi, suy nghĩ chưa tích cực về quê hương: chê quê hương nghèo khó, lạc hậu ; làm thay đổi một cách tiêu cực dáng vẻ quê hương mình...
- Trách nhiệm xây dựng quê hương.