Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý lớp 9

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng B. Đề thi gồm có 4 câu hỏi tự luận với thời gian làm bài là 150 phút. Ở câu hỏi vẽ biểu đồ đề thi yêu cầu thí sinh vẽ biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành công nghiệp trên giai đoạn 2004 - 2013.

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng A

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Phòng GD&ĐT Phù Ninh, Phú Thọ năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Phòng GD&ĐT Đoan Hùng, Phú Thọ năm học 2016 - 2017

SỞ GD&ĐT NGHỆ AN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH NĂM HỌC 2015 - 2016
MÔN: ĐỊA LÝ LỚP 9 – BẢNG B
Thời gian làm bài: 150 phút

Câu 1. (4,0 điểm)

Sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, em hãy:

1. Nhận xét sự phân bố dân cư của vùng Đồng bằng sông Hồng.

2. Tại sao vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung đông dân cư nhất cả nước?

Câu 2. (5,0 điểm)

1. Nêu lợi ích của việc đầu tư trồng rừng.

2. Phân tích những thuận lợi khó khăn để phát triển ngành thuỷ sản ở nước ta.

Câu 3. (5,5 điểm)

1. Đông Nam Bộ có những điều kiện thuận lợi gì để phát triển các ngành dịch vụ?

2. "Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long riêng cái tên cũng đã có một mãnh lực lôi cuốn sự chú ý thực sự. Có lẽ từ khi ông cha ta, trên bước tiến ngàn dặm của mình, lần đầu tiên đến đây cũng phải ngây ngất như chúng ta ngày nay lúc đột nhiên nhìn thấy một đồng bằng mênh mông xứng với cái tên của nó, những dòng sông có bờ xa tít tắp ngày đêm mải miết vận chuyển lượng phù sa lớn ra biển khơi, những đồng bằng nhiệt đới rộng một cách kỳ lạ, những vùng nửa đất, nửa nước biểu thị sự tranh chấp đang còn tiếp diễn giữa đất liền và biển cả... Sau hơn ba trăm năm bị con người chinh phục, lãnh thổ này vẫn còn giữ được sức quyến rũ của một miền đất mới..."

(Thiên nhiên Việt Nam - Lê Bá Thảo – NXBGD, 2006)

Từ thông tin trên kết hợp với hiểu biết của mình, em hãy giới thiệu về du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long với du khách trong và ngoài nước nhân năm du lịch quốc gia 2016 với chủ đề: "Khám phá Đất Phương Nam".

Câu 4. (5,5 điểm)

1. Cho bảng số liệu:

Giá trị sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm

(Đơn vị: Nghìn tỉ đồng)

NĂM

NGÀNH

2004

2006

2009

2011

2013

Công nghiệp khai thác nhiên liệu

93,4

111,9

181,2

246,8

366,7

Công nghiệp dệt may

107,4

155,3

259,1

426,9

555,4

Công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm

134,6

264,1

428,5

640,6

1 012,4

(Nguồn: Website Tổng cục thống kê Việt Nam-www.gso.gov.vn)

a. Vẽ biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành công nghiệp trên giai đoạn 2004 - 2013.

b. Nêu nhận xét và giải thích.

2. Trình bày sự phát triển và phân bố của ngành công nghiệp khai thác nhiên liệu.

-------------HẾT---------
(Học sinh được sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam trong quá trình làm bài)

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH MÔN ĐỊA LÝ LỚP 9

Câu 1

1. Nhận xét sự phân bố dân cư ở Đồng bằng sông Hồng: 2,0 đ

  • Đồng bằng sông Hồng tập trung đông dân cư nhất cả nước (dẫn chứng) 0,5 đ
  • Các tỉnh đều có mật độ dân số cao (dẫn chứng). 0,5 đ
  • Dân cư Đồng bằng sông Hồng phân bố không đồng đều: 0,5 đ
    • Các tỉnh thành thuộc khu vực trung tâm châu thổ như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình... có mật độ dân số rất cao, từ 1000 - 2000 người/km2. 0,25 đ
    • Mật độ thấp hơn trên, từ 500 - 1000 người/km2 nhưng vẫn cao so với trung bình cả nước là các tỉnh tiếp giáp vùng trung du và phía nam như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình. 0,25 đ

2. Đồng bằng sông Hồng tập trung đông dân cư là vì: 2,0 đ

  • Đồng bằng sông Hồng có điều kiện tự nhiên (địa hình, khí hậu...), vị trí địa lí thuận lơi thuận lợi cho việc cư trú của dân cư. 1,0 đ
  • Đồng bằng sông Hồng có lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời, nghề trồng lúa nước, nghề thủ công truyền thống cần nhiều lao động. 0,5 đ
  • Các điều kiện kinh tế - xã hội, mức độ tập trung công nghiệp, dịch vụ vào loại cao nhất cả nước thu hút lượng người nhập cư lớn. 0,5 đ

Câu 2

1. Lợi ích của việc đầu tư trồng rừng: 1,0 đ

  • Bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn gen, điều hoà khí hậu, điều hoà dòng chảy sông ngòi. 0,25 đ
  • Phòng chống thiên tai: Chống xói mòn, lũ lụt, khô hạn, gió bão, cát bay, cát lấn... 0,25 đ
  • Cung cấp lâm sản cho nhu cầu đời sống và sản xuất: Tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy; dược liệu để chữa bệnh... 0,5 đ

2. Những thuận lợi khó khăn để phát triển ngành thuỷ sản: 4,0 đ

* Thuận lợi để phát triển ngành thuỷ sản ở nước ta: 2,5 đ

  • Tự nhiên:
    • Nước ta có bờ biển dài 3260 km.Vùng đặc quyền kinh tế rộng 0,25 đ
    • Nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng (dẫn chứng). Có nhiều ngư trường, trong đó có 4 ngư trường trọng điểm (dẫn chứng). 0,25 đ
    • Dọc bờ biển có nhiều bãi triều, đầm phá, rừng ngập mặn, thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản nước lợ. 0,25 đ
    • Ở nhiều vùng biển ven các đảo, vũng, vịnh có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển thuỷ sản nước mặn. 0,25 đ
    • Nước ta có nhiều sông, suối, kênh rạch, ao hồ, ô trũng ở các đồng bằng có điều kiện thuận lợi để nuôi thuỷ sản nước ngọt. 0,25 đ
  • Điều kiện kinh tế xã hội:
    • Nhân dân có nhiều knh nghiệm truyền thống đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. 0,25 đ
    • Các phương tiện tàu thuyền, ngư cụ được trang bị ngày càng tốt hơn. 0,25 đ
    • Phát triển các dịch vụ thuỷ sản và mở rộng chế biến thuỷ sản. 0,25 đ
    • Nhu cầu về các mặt hàng thuỷ sản trong và ngoài nước tăng trong những năm gần đây. 0,25 đ
    • Những đổi mới trong chính sách của nhà nước về phát triển ngành thuỷ sản. 0,25 đ

* Khó khăn. 1,5 đ

  • Tự nhiên:
    • Bão, ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc gây thiệt hại về người và tài sản của ngư dân, hạn chế số ngày ra khơi. 0,25 đ
    • Một số vùng biển môi trường bị suy thoái, nguồn lợi thuỷ sản suy giảm. 0,25 đ
  • Kinh tế - xã hội:
    • Nghề thuỷ sản đòi hỏi vốn rất lớn, trong khi ngư dân còn nghèo nên quy mô ngành còn nhỏ. 0,25 đ
    • Tàu thuyền các phương tiện đánh bắt còn chậm đổi mới, năng suất lao động thấp. 0,25 đ
    • Việc nuôi trồng thuỷ sản còn mang tính chất quảng canh nên năng suất thấp. 0,25 đ
    • Hệ thống các cảng cá chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc chế biến thuỷ sản, nâng cao chất lượng thương phẩm còn nhiều hạn chế. 0,25 đ

Câu 3

1. Vùng Đông Nam Bộ có những điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ: 2,5 đ

  • Ưu thế về vị trí địa lý rất thuận lợi nằm ở trung tâm của các vùng phía Nam... 0,5 đ
  • Dân số đông, nguồn lao động dồi dào, chất lượng cao, mạng lưới đô thị phát triển, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và cơ cấu dịch vụ của vùng. 0,5 đ
  • Đây là vùng có trình độ phát triển kinh tế nhất cả nước, mức sống và thu nhập của người dân cao ảnh hưởng đến sức mua và nhu cầu dịch vụ, hoạt động ngoại thương nên dẫn đầu cả nước về nhiều chỉ tiêu dịch vụ. 0,5 đ
  • Tài nguyên thiên nhiên khá phong phú, di sản văn hóa, lịch sử, cơ sở hạ tầng du lich hoàn chỉnh nhất cả nước. Có đầu mối giao thông quan trọng với đầy đủ các loại hình giao thông vận tải và mạng lưới giao thông, thông tin liên lạc rất phát triển. 0,5 đ
  • Tất cả những ưu thế trên cũng tạo điều kiện quan trọng để vùng dẫn đầu cả nước thu hút đầu tư, riêng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chiếm hơn 50% cả nước. 0,5 đ

2. Bài viết phải đảm bảo những ý chính sau: 3,0 đ

  • Đây là vùng giàu tiềm năng để phát triển du lịch: 0,5 đ
  • Vị trí thuận lợi dễ dàng kết nối với các tuyến du lịch trong và ngoài nước, đặc điểm dân cư, giá trị văn hóa... 0,5 đ
  • Địa hình độc đáo, sinh vật phong phú nhất là hệ sinh thái ngập mặn, tài nguyên biển, đảo nổi tiếng là đảo ngọc- Phú Quốc. 0,5 đ
  • Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo: Sông nước, miệt vườn, du lịch sinh thái, các lễ hội mang đậm chất phương Nam như lễ hội trái cây, đua thuyền, đờn ca tài tử... 0,5 đ
  • Năm du lịch quốc gia với chủ đề khám phá Đất Phương Nam diễn ra từ tháng 4/2016 có 65 sự kiện được tổ chức nhằm góp phần phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên biển đảo, quảng bá những gía trị to lớn về du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long... 0,5 đ
  • Yêu cầu về diễn đạt: Học sinh có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau nhưng yêu cầu bài viết gọn, giàu cảm xúc, thể hiện được năng lực hiểu biết thực tiễn gắn với kiến thức của học sinh. 0,5 đ

Câu 4

1. Xử lí số liệu

TỐC ĐỘ TĂNG GIÁ TRỊ SẢN XUẤT MỘT SỐ NGÀNH CÔNG NGHIỆP

(Đơn vị: %)

Năm

Ngành

2004

2006

2009

2011

2013

Công nghiệp khai thác nhiên liệu

100

119,8

194,0

264,2

392,6

Công nghiệp dệt may

100

144,6

241,2

397,5

517,1

Công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm

100

196,2

318,4

475,9

752,2

a. Vẽ biểu đồ đường thể hiện tốc độ tăng trưởng đầy đủ các yêu cầu. 1,5 đ

b. Nhận xét và giải thích: 1,5 đ

  • Giá trị sản xuất và tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp trọng điểm trên liên tục tăng nhanh nhưng không đều giữa các ngành. 0,5 đ
    • Công nghiệp khai thác nhiên liệu tăng do đẩy mạnh khai thác dầu thô, than, đổi mới công nghệ khai thác... (Dẫn chứng..) 0,25 đ
    • Công nghiệp dệt may tăng nhanh do thị trường xuất khẩu mở rộng (nước ta gia nhập WTO...), đổi mới công nghệ, nâng cao sản lượng... (Dẫn chứng..) 0,25 đ
    • Công nghiệp chế biến lương thực-thực phẩm tăng nhanh do nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, thị trường đầu ra mở rộng, đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất... (Dẫn chứng..) 0,5 đ

2. Sự phát triển và phân bố của ngành khai thác nhiên liệu: 2,0 đ

  • Khai thác than:
    • Sản lượng khai thác ngày càng tăng (dẫn chứng). 0,5 đ
    • Than được khai thác lộ thiên là chính còn lại là khai thác hầm lò. 0,25 đ
    • Phân bố chủ yếu ở vùng than Quảng Ninh, Quỳnh Nhai (Điện Biên)... 0,25 đ
  • Khai thác dầu khí:
    • Hàng trăm triệu tấn dầu hàng tỷ mét khối khí đã được khai thác 0,5 đ
    • Phân bố chủ yếu ở thềm lục địa phía Nam. 0,25 đ
    • Dầu thô là một trong những mặt hàng xuất khảu chủ lực 0,25 đ
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!