Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 năm học 2015 - 2016 trường THCS Thanh Thùy, Thanh Oai được Tìm Đáp Án sưu tầm và giới thiệu tới các bạn nhằm ôn tập và củng cố kiến thức hiệu quả. Đề thi môn Địa lý có đáp án đi kèm sẽ giúp các bạn ôn thi học sinh giỏi môn Địa lớp 9 hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 trường THCS Liên Châu, Thanh Oai năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 trường THCS Nguyễn Trực, Kim Bài năm 2015 - 2016

PHÒNG GD&ĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS THANH THÙY
ĐỀ THI CHỌN HSG LỚP 9 - NĂM HỌC 2015 - 2016
Môn: Địa lí
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1: (3 điểm)

1.Tỉ lệ bản đồ cho biết điều gì? Nêu ý nghĩa của tỉ lệ bản đồ 1:2.000.000

2. Trên một bản đồ Việt Nam tỉ lệ 1:700.000, khoảng cách đo được từ Hà Nội đến Hải Phòng đo được là 15cm. Hỏi trên thực địa khoảng cách giữa hai thành phố này là bao nhiêu kilomet?

3. Khoảng cách từ Hải Dương đến Trường Sa là 1500km. Trên một bản đồ Việt Nam đo được khoảng cách giữa hai địa điểm này là 7,5cm. Hỏi bản đồ này có tỉ lệ bao nhiêu?

Câu 2: (3 điểm) Nêu những thuận lợi và khó khăn của đặc điểm tự nhiên nhiều đồi núi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam?

Câu 3: (5 điểm) Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích những thuận lợi và khó khăn đối với sự phát triển cây công nghiệp lâu năm ở nước ta?

Câu 4: (5 điểm) Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam và kiến thức đã học:

1. Hãy phân tích thế mạnh và hạn chế trong việc xây dựng công nghiệp của miền núi và Trung du Bắc Bộ?

2. Hãy phân tích đặc điểm phân bố các điểm công nghiệp và các trung tâm công nghiệp ở miền núi và Trung du Bắc Bộ?

Câu 5: (4 điểm) Cho bảng số liệu sau đây:

SỐ DÂN VÀ TỐC ĐỘ TĂNG DÂN SỐ TỰ NHIÊN CỦA NƯỚC TA

Năm Tổng số dân (nghìn người) Số dân thành thị (nghìn người) Tốc độ gia tăng dân số tự nhiên (%)
1995 71996 14938 1,65
1996 73157 15420 1,61
1999 76597 18082 1,51
2000 77635 18772 1,36
2002 79727 20022 1,32
2005 83106 22337 1,31
2006 84156 22824 1,26

Em hãy vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tình hình phát triển dân số của nước ta trong giai đoạn 1995-2006 và nêu nhận xét.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9

Câu 1:

1. Tỉ lệ bản đồ cho biết điều gì? (1,0đ)

  • Tỉ lệ bản đồ cho biết khoảng cách trên bản đồ đã được thu nhỏ bao nhiêu lần so với kích thước thực của chúng trên thực địa
  • Tỉ lệ bản đồ 1:2.000.000 có ý nghĩa là kích thước trên bản đồ đã được thu nhỏ 2.000.000 lần so với kích thước thực của chúng trên thực địa

2. Khoảng cách thực địa từ Hà Nội đến Hải Phòng? (1,0đ)

15 x 700.000 = 1.050.000 (cm) = 105 (km)

3. Tỉ lệ bản đồ? (1,0đ)

Đổi: 1.500 (km) = 150.000.000 (cm)

Bản đồ đã thu nhỏ số lần là:

150.000.000 : 7,5 = 20.000.000 (lần)

Vậy bản đồ có tỉ lệ là 1:20.000.000

Câu 2:

1. Thuận lợi: (1,5đ)

  • Các mỏ nội sinh tập trung ở vùng đồi núi là cơ sở để công nghiệp hóa.
  • Tài nguyên rừng giàu có về loài động, thực vật với nhiều loại quý hiếm tiêu biểu cho sinh vật rừng nhiệt đới.
  • Bề mặt cao nguyên bằng phẳng thuận lợi cho việc thành lập các vùng chuyên canh cây công nghiệp, chăn nuôi.
  • Các dòng sông ở miền núi có tiềm năng thủy điện lớn (sông Đà, sông Đồng Nai, sông Xêxan,...).
  • Với khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp nhiều vùng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Mẫu Sơn...

2. Khó khăn: (1,5đ)

  • Địa hình bị chia cắt mạnh, nhiều sông suối, hẻm vực, sườn dốc gây trở ngại cho giao thông, cho việc khai thác tài nguyên và giao lưu kinh tế giữa các miền.
  • Do mưa lớn, độ dốc lớn nên miền núi là nơi xảy ra nhiều thiên tai: lũ nguồn, lũ quét, xói mòn, trượt lở đất, tại các đứt gãy sâu còn phát sinh động đất.
  • Nơi khô nóng thường xảy ra nạn cháy rừng.
  • Miền núi đá vôi thiếu đất trồng trọt và khan hiếm nước về mùa khô.
  • Cuộc sống của người dân vùng cao gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế cũng như tiếp nhận sự hỗ trợ và hội nhập với các vùng khác.

Câu 3:

1. Thuận lợi:

Điều kiện tự nhiên: (2,0đ)

  • Đất: diện tích lớn, có nhiều loại thích hợp cho việc phát triển của cây công nghiệp lâu năm, khả năng mở rộng diện tích còn nhiều
    • Đất feralit trên đá badan và đá macma: phân bố tập trung ở Tây Nguyên, rải rác ở Đông Nam Bộ, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Duyên hải miền Trung, rất thuận lợi cho việc phát triển của cây công nghiệp lâu năm
    • Đất feralít phát triển trên các loại đá khác: phân bố rộng khắp trên toàn bộ các vùng đồi núi ở nước ta, có thể phát triển các cây công nghiệp lâu năm
    • Đất xám trên phù sa cổ: tập trung ở Đông Nam Bộ và rải rác ở Tây Nguyên, Trung du Bắc Bộ, Duyên hải miền Trung, thích hợp cho việc trồng nhiều loại cây công nghiệp lâu năm
  • Nguồn nước: dồi dào, từ các sông, hồ cung cấp nước tưới cho cây
  • Khí hậu: nhiệt đới gió mùa, phân hóa từ Bắc đến Nam và phân hóa theo độ cao nên có thể trồng được nhiều loại cây công nghiệp lâu năm

Điều kiện kinh tế - xã hội: (1,0đ)

  • Dân cư đông, lao động dồi dào và có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng cây công nghiệp
  • Nguồn lương thực ngày càng được đảm bảo, tạo điều kiện để ổn định và mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm
  • Công nghiệp chế biến ngày càng phát triển mạnh
  • Thị trường ngày càng mở rộng
  • Chính sách đầu tư phát triển cây công nghiệp của Nhà nước

2. Khó khăn

Điều kiện tự nhiên: (1,0đ)

  • Thiếu nước tưới mùa khô
  • Vấn đề khai thác tài nguyên đất chưa thật hợp lí ở nhiều vùng, nguy cơ xói mòn, thoái hóa đất ở vùng đồi núi còn cao
  • Thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, có nhiều thiên tai

Điều kiện kinh tế - xã hội: (1,0đ)

  • Sự phân bố lao động không đồng đều, thiếu lao động ở nhiều vùng có điều kiện phát triển cây công nghiệp lâu năm
  • Công nghiệp chế biến còn lạc hậu
  • Thị trường còn nhiều biến động

Câu 4:

1. Thế mạnh và hạn chế trong việc xây dựng công nghiệp ở miền núi và Trung du Bắc Bộ

Thế mạnh: (1,5đ)

  • Vị trí: giáp Trung Quốc, Lào, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và biển Đông nên thuận lợi cho việc giao lưu xuất, nhập nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, tiếp thu khoa học kĩ thuật, nguồn lao động lành nghề bằng các loại hình giao thông vận tải: đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông và đường hàng không.
  • Khoáng sản: giàu tài nguyên khoáng sản nhất cả nước, phong phú về chủng loại (than, sắt, thiếc...), đặc biệt là than có trữ lượng lớn, phân bố tập trung
  • Thủy điện: dồi dào (sông Đà, sông Chảy, sông Gâm)
  • Đất đai: khí hậu, thuận lợi cho các cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc lớn phát triển, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm
  • Vùng biển giàu tiềm năng thủy sản, là cơ sở để phát triển ngành chế biến thủy, hải sản

Hạn chế: (1,0đ)

  • Tài nguyên bị cạn kiệt do khai thác quá mức
  • Hạn chế về cơ sở hạ tầng, làm cho việc giao lưu trong và ngoài vùng còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới
  • Là vùng sinh sống của nhiều dân tộc ít người, trình độ dân trí thấp
  • Thiếu lao động có trình độ chuyên môn

2. Đặc điểm phân bố các điểm công nghiệp và các trung tâm công nghiệp ở miền núi và Trung du Bắc Bộ

Nhận xét: (1,5đ)

  • Các điểm công nghiệp, các trung tâm công nghiệp nhỏ phân bố ở các thị xã miền núi, gắn với việc chế biến nông sản (chè Hà Giang, thực phẩm ở Mộc Châu, Sơn La, Lai Châu), khai thác khoáng sản ở Lào Cai, Tĩnh Túc,...
  • Các trung tâm công nghiệp thường có qui mô trung bình, riêng Quảng Ninh là trung tâm công nghiệp lớn. Cơ cấu ngành tương đối đa dạng, với ưu thế là ngành công nghiệp nặng và một số ngành công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản. Các trung tâm công nghiệp thường phân bố ở các thành phố.
  • Nhìn chung công nghiệp còn kém phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng do thiếu sự đồng bộ của nguồn lao động có tay nghề với cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông vận tải.

Một số trung tâm công nghiệp điển hình: (1,0đ)

  • Quảng Ninh: khai thác than, cơ khí, nhiệt điện
  • Bắc Giang: hóa chất phân bón, thực phẩm, chế biến gỗ, cơ khí
  • Thái Nguyên: luyện kim đen, luyện kim màu, cơ khí, khai thác chế biến gỗ, chế biến chè, nhiệt điện nhỏ
  • Việt Trì: hóa chất, cơ khí, vật liệu xây dựng, thực phẩm, gỗ, giấy
  • Hòa Bình: thủy điện, vật liệu xây dựng

Câu 5:

1. Vẽ biểu đồ: (3,0đ)

Yêu cầu:

  • Biểu đồ thích hợp nhất là biểu đồ kết hợp
  • Chính xác về khoảng cách năm
  • Có chú giải và tên biểu đồ
  • Đẹp, chính xác về số liệu trên biểu đồ

Biểu đồ:

2. Nhận xét: (1,0đ)

  • Tổng số dân và số dân thành thị đều tăng (dẫn chứng)
  • Tốc độ gia tăng dân số tự nhiên giảm (1,65% năm 1995 xuống 1,26% năm 2006) do làm tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình)
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!