Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9
Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 Phòng GD&ĐT Đoan Hùng, Phú Thọ năm học 2016 - 2017. Đề thi nhằm chọn ra những học sinh giỏi môn Địa lý cấp huyện nhằm chuẩn bị cho kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh đang đến gần. Đề thi được đánh giá khá hay, phân loại được thí sinh.
Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 phòng GD&ĐT Cam Lộ, Quảng Trị năm 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 năm học 2015 - 2016 huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐOAN HÙNG |
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS CẤP HUYỆN NĂM HỌC 2016 – 2017 MÔN: ĐỊA LÝ (Thời gian làm bài 150 phút, không kể thời gian giao đề) |
I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (8,0 ĐIỂM)
Hãy chọn phương án đúng nhất (Làm vào giấy thi)
Câu 1. Điểm cực Bắc của nước ta nằm ở:
A. Xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
B. Xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
C. Xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa
D. Xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên
Câu 2. Biên giới trên đất liền nước ta không tiếp giáp với quốc gia nào sau đây:
A. Trung Quốc B. Thái Lan C. Lào D. Cam - pu - chia
Câu 3. Nội thủy là:
A. Vùng nước tiếp giáp với đất liền, ở phía trong đường cơ sở.
B. Vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia trên biển rộng 12 hải lí tính từ đường cơ sở.
C. Vùng biển có chiều rộng 200 hải lí tính từ đường cơ sở.
D. Vùng biển rộng 24 hải lí tính từ đường cơ sở.
Câu 4. Trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước thì lực lượng lao động trong các khu vực kinh tế ở nước ta sẽ chuyển dịch theo hướng:
A. Tăng dần tỉ trọng lao động trong khu vực sản xuất công nghiệp, xây dựng.
B. Giảm dần tỉ trọng lao động trong khu vực dịch vụ.
C. Tăng dần tỉ trọng lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp
D. Tăng dần tỉ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Câu 5. Khó khăn lớn nhất đối với ngành khai thác thủy sản của nước ta là:
A. Nguồn tài nguyên thủy sản nước ta đang ngày càng suy giảm
B. Nguồn lao động có trình độ còn ít
C. Thiếu các loại tàu thuyền công suất lớn và thiết bị đánh bắt hiện đại
D. Tinh trạng ô nhiễm môi trường tại các vùng biển ngày càng gia tăng
Câu 6. Trong cơ cấu sản lượng điện của nước ta hiện nay, tỉ trọng lớn nhất thuộc về:
A. Nhiệt điện, điện gió.
B. Thuỷ điện, điện gió.
C. Nhiệt điện, thuỷ điện.
D. Thuỷ điện, điện nguyên tử
Câu 7. Khó khăn thường xuyên đối với giao lưu kinh tế ở vùng miền núi nước ta là:
A. Động đất.
B. Khan hiếm nước.
C. Địa hình bị chia cắt mạnh, sườn dốc.
D. Thiên tai (lũ quét, xói mòn, trượt lở đất).
Câu 8. Việc hình thành cơ cấu nông lâm ngư nghiệp vùng Bắc Trung Bộ tạo ra ý nghĩa lớn nhất là:
A. Tạo nên thế liên hoàn trong phát triển kinh tế
B. Giải quyết việc làm cho người lao động
C. Hình thành nên các sản phẩm thế mạnh của vùng
D. Giúp hình thành các mô hình sản xuất mới
Câu 9. Để nâng cao hiệu quả sản xuất cây công nghiệp lâu năm vùng Tây Nguyên cần:
A. Mở rộng diện tích trồng các loại cây công nghiệp
B. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm cây công nghiệp
C. Mở rộng mạng lưới giao thông giúp vận chuyển sản phẩm dễ dàng
D. Hỗ trợ nguồn vốn cho người dân phát triển sản xuất
Câu 10. Đi từ Bắc vào Nam trên lãnh thổ nước ta, lần lượt qua các đèo:
A. Đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cả, đèo Cù Mông
B. Đèo Ngang, đèo Cù Mông, đèo Cả, đèo Hải Vân
C. Đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cù Mông, đèo Cả
D. Đèo Ngang, đèo Cù Mông, đèo Hải Vân, đèo Cả
Câu 11. Nét nổi bật của địa hình vùng núi Tây Bắc là:
A. Gồm các khối núi và cao nguyên. B. Có 4 cánh cung lớn.
C. Địa hình cao và đồ sộ nhất nước ta. D. Địa hình thấp và hẹp ngang.
Câu 12. Đất Feralit phát triển trên đá ba dan (đất đỏ ba dan) tập trung nhiều nhất ở vùng nào của nước ta?
A. Bắc Trung Bộ B. Tây Nguyên
C. Duyên hải Nam Trung Bộ D. Đông Nam Bộ
Câu 13. Căn cứ vào Atlat địa lí Việt Nam (trang 25), hãy cho biết các trung tâm du lịch có ý nghĩa quốc gia của nước ta là:
A. Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh
B. Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh
C. Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh
D. Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ
Câu 14. Căn cứ vào Atlat địa lí Việt Nam (trang 26), hãy cho biết trung tâm công nghiệp nào sau đây không thuộc vùng đồng bằng sông Hồng:
A. Hà Nội B. Hải Phòng C. Bắc Ninh D. Bắc Giang
Câu 15. Ngành nào sau đây không được xem là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta hiện nay?
A. Năng lượng. B. Chế biến lương thực, thực phẩm.
C. Dệt - may. D. Luyện kim.
Câu 16. Từ vĩ tuyến 160B trở vào, gió thịnh hành vào mùa đông là:
A. Gió Đông Bắc thổi từ áp cao cận chí tuyến nửa cầu Bắc.
B. Gió Tây Nam thổi từ áp cao cận chí tuyến nửa cầu nam.
C. Gió mùa Đông Bắc thổi từ áp cao cận cực.
D. Gió Tây Nam thổi từ cao áp ở Ấn Độ Dương.
Câu 17. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 25, các trung tâm du lịch có ý nghĩa vùng của Trung du và miền núi Bắc Bộ là:
A. Hạ Long, Thái Nguyên.
B. Hạ Long, Điện Biên Phủ.
C. Hạ Long, Lạng Sơn.
D. Thái Nguyên, Việt Trì.
Câu 18. Mùa khô ở miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ rất sâu sắc vì?
A. Gió Mậu Dịch nửa cầu Bắc thống trị.
B. Gió Mậu Dịch nửa cầu Nam thống trị.
C. Gió Tây Nam vịnh Bengan thống trị.
D. Gió Đông Bắc hoàn toàn không ảnh hưởng
Câu 19. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 17, hãy cho biết khu kinh tế ven biển nào dưới đây không thuộc Bắc Trung Bộ?
A. Vũng Áng. B. Nghi Sơn C. Hòn La. D. Chu Lai.
Câu 20. Lãnh thổ Việt Nam nằm gần trung tâm của khu vực châu Á gió mùa, là nơi:
A. Các khối khí hoạt động tuần hoàn, nhịp nhàng.
B. Gió mùa mùa hạ hoạt động quanh năm.
C. Gió mùa mùa đông hoạt động quanh năm.
D. Giao tranh của các khối khí hoạt động theo mùa.
II. PHẦN TỰ LUẬN (12,0 ĐIỂM)
Câu 1 (2,0 điểm)
Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học.
a. Hãy cho biết những biểu hiện nào phản ánh quá trình đô thị hoá ở nước ta đang diễn ra với tốc độ cao nhưng trình độ đô thị hoá vẫn còn thấp.
b. Giải thích vì sao đô thị là nơi dân cư tập trung đông đúc?
Câu 2 (3,0 điểm)
a. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy nhận xét và giải thích sự phân bố trâu, bò, lợn ở nước ta.
b. Phân tích những điều kiện thuận lợi về tự nhiên để phát triển ngành công nghiệp điện lực của nước ta.
Câu 3 (3,5 điểm)
Căn cứ vào bảng số liệu sau:
Sản lượng thủy sản của vùng Bắc Trung Bộ và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ năm 2010 (Đơn vị: tấn)
Vùng Hoạt động |
Bắc Trung Bộ |
Duyên hải Nam Trung Bộ |
Nuôi trồng |
97.122 |
77.850 |
Khai thác |
252.678 |
684.974 |
a. So sánh tình hình phát triển ngành thủy sản của vùng Bắc Trung Bộ và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
b. Vì sao có sự chênh lệch về sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác giữa hai vùng.
Câu 4 (3,5 điểm)
Cho bảng số liệu:
Diện tích và sản lượng lúa của nước ta giai đoạn 2005 - 2012
Năm |
2005 |
2007 |
2010 |
2012 |
Diện tích (nghìn ha) |
7329,2 |
7207,4 |
7489,4 |
7761,2 |
Trong đó: Diện tích lúa mùa (nghìn ha) |
2037,8 |
2015,5 |
1967,5 |
1977,8 |
Sản lượng (nghìn tấn) |
35832,9 |
35942,7 |
40005,6 |
43737,8 |
a. Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tình hình sản xuất lúa của nước ta giai đoạn 2005 - 2012.
b. Nhận xét và giải thích tình hình sản xuất lúa của nước ta trong giai đoạn trên.
--------------------HẾT--------------------
Họ và tên thí sinh:..........................................SBD:..................
Thí sinh được sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam.
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN ĐỊA LÝ LỚP 9
I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (8,0 điểm). Mỗi câu trả lời đúng cho 0,4 điểm.
Câu |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
Đáp án |
A |
B |
A |
D |
C |
C |
C |
A |
B |
C |
Câu |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 |
Đáp án |
C |
B |
B |
D |
D |
A |
C |
A |
D |
D |
II. PHẦN TỰ LUẬN (12,0 điểm)
Câu 1
a, Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 15 và kiến thức đã học: Những biểu hiện phản ánh quá trình đô thị hoá ở nước ta đang diễn ra với tốc độ cao nhưng trình độ đô thị hoá vẫn còn thấp là:
- Tốc độ đô thị hoá cao:
- Tỉ lệ dân thành thị nước ta tăng khá nhanh: Năm 1960 là 15,7% đến năm 2007 là 27,4%.
- Mạng lưới đô thị phát triển cả về số lượng và quy mô các thành phố
- Trình độ đô thị hoá thấp
- Tỉ lệ dân thành thị của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực.
- Quy mô các đô thị phần lớn là vừa và nhỏ. Số lượng các đô thị trên 1 triệu dân không nhiều.
- Cơ sở hạ tầng của các đô thị (hệ thống giao thông, điện, nước, các công trình phúc lợi xã hội...) vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
b, Đô thị là nơi dân cư tập trung đông đúc vì:
- Đô thị là nơi tập trung các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp. Có khả năng tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động.
- Chất lượng cuộc sống cao, tâm lí dân cư thích sống ở đô thị.
- Có cơ sở vật chất kĩ thuật hiện đại, có sức hút đối với nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Câu 2
a, Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 18,19 và kiến thức đã học, nhận xét và giải thích sự phân bố trâu, bò, lợn ở nước ta.
* Trâu, bò, lợn được nuôi ở khắp các vùng trong cả nước.
* Nguyên nhân: Trâu, bò, lợn là vật nuôi phổ biến ở các vùng nước ta từ lâu đời. Hầu hết các địa phương đều có điều kiện để chăn nuôi
- Trâu:
- Tập trung nhiều nhất ở Trung du và miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; các vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long số lượng ít
- Nguyên nhân: Trâu được nuôi để lấy thịt, sức kéo...; trâu khoẻ hơn bò, ưa ẩm, chịu rét giỏi hơn bò, dễ thích nghi với điều kiện chăn thả trong rừng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
- Bò:
- Được nuôi nhiều ở Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây nguyên, ít ở đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long; riêng ven Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có chăn nuôi bò sữa.
- Nguyên nhân: Bò được nuôi để lấy thịt, sữa là chủ yếu. Bò thích nghi với nơi ấm, khô, giầu thức ăn.
- Lợn:
- Được nuôi nhiều ở các tỉnh đồng bằng, tập trung nhiều nhất ở đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long, Trung du và miền núi Bắc Bộ
- Nguyên nhân: Lợn được nuôi để lấy thịt, tận dụng phân bón ruộng..., thức ăn chủ yếu là tinh bột, thực phẩm từ các nhà máy chế biến công nghiệp.
b, Những điều kiện thuận lợi về tự nhiên để phát triển ngành công nghiệp điện lực của nước ta.
- Than Antraxit tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh, trữ lượng hơn 3 tỷ tấn, ngoài ra còn có than bùn, than nâu. Đây là cơ sở nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than
- Dầu khí của nước ta tập trung chủ yếu ở thềm lục địa phía Nam (Bà Rịa – Vũng Tàu), trữ lượng vài tỷ tấn dầu và hàng trăm tỷ m3 khí. Đây là cơ sở nhiên liệu cho các nhà máy điện sử dụng dầu mỏ, khí đốt.
- Thuỷ năng: Tiềm năng rất lớn, tập trung chủ yếu ở hệ thống Sông Hồng (37%), hệ thống sông Đồng Nai (19%).
- Các nguồn năng lượng khác như: Sức gió, năng lượng mặt trời, thuỷ triều, địa nhiệt... ở nước ta dồi dào
Câu 3
a. Dựa vào bảng số liệu so sánh tình hình phát triển thủy hải sản của vùng Bắc Trung Bộ và vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ năm 2010.
- Giống nhau: Cả hai vùng đều phát triển mạnh về khai thác, nuôi trồng chiếm sản lượng nhỏ hơn. (dẫn chứng)
- Khác nhau:
- Tổng sản lượng thủy sản của Duyên Hải Nam Trung Bộ lớn hơn Bắc Trung Bộ (gấp 2,2 lần).
- Sản lượng khai thác của Duyên Hải Nam Trung Bộ lớn hơn so với Bắc Trung Bộ (gấp 2,7 lần).
- Sản lượng nuôi trồng của Bắc Trung Bộ cao hơn Duyên Hải Nam Trung Bộ (gấp 1,2 lần).
- Sự chêch lệch về sản lượng thủy hải sản giữa nuôi trồng và khai thác ở Duyên Hải Nam Trung Bộ cao hơn Bắc Trung Bộ.
- Duyên hải Nam Trung Bộ, khai thác gấp 8,8 lần nuôi trồng.
- Bắc Trung Bộ, khai thác gấp 2,6 lần nuôi trồng).
b. có sự chênh lệch về sản lượng thủy hải sản nuôi trồng và khai thác giữa hai vùng chủ yếu do
- Bắc Trung Bộ có lợi thế hơn Duyên Hải Nam Trung Bộ về diện tích mặt nước có thể khai thác để nuôi trồng thủy sản, bờ biển có nhiều đầm phá nông, nhiều bãi triều, nhiều diện tích mặt nước, biển nông...
- Duyên Hải Nam Trung Bộ có nhiều bãi cá bãi tôm lớn. Có hai ngư trường trọng điểm là Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu và ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa......
Câu 4
a. Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tình hình sản xuất lúa của nước ta giai đoạn 2005 - 2012.
* Yêu cầu: (Mỗi sai sót trừ 0,25 điểm)
- Biểu đồ thích hợp nhất là biểu đồ kết hợp cột chồng và đường, Các dạng khác không cho điểm.
- Vẽ chính xác theo số liệu đã cho.
- Đúng khoảng cách: Có chú giải và tên biểu đồ
b. Nhận xét và giải thích tình hình sản xuất lúa của nước ta trong giai đoạn trên.
* Nhận xét:
- Diện tích lúa có biến động theo từng giai đoạn (dẫn chứng).
- Diện tích lúa mùa có xu hướng giảm (dẫn chứng).
- Sản lượng lúa của nước ta tăng liên tục qua các năm (dẫn chứng).
* Giải thích:
- Diện tích giảm là do một phần diện tích đất nông nghiệp chuyển thành đất ở, và chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhưng giai đoạn 2007 - 2012 tăng là do mở rộng diện tích đất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.....
- Diện tích lúa mùa giảm là do thiên tai, sâu bênh....
- Sản lượng lúa tăng là do thâm canh, mở rộng diện tích đất.