Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn lớp 9

Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn lớp 9 phòng GD&ĐT Tam Đảo, Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016 giúp các bạn học sinh ôn thi học sinh giỏi môn Ngữ văn, chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố, ôn thi vào lớp 10 các trường chuyên trong cả nước. Mời các bạn tải đề thi học sinh giỏi lớp 9 này về và cùng tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi vòng 2 môn Địa lý lớp 9 phòng GD&ĐT Hải Dương năm 2014 - 2015

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 phòng GD&ĐT Nam Trực, Nam Định năm 2015 - 2016

PHÒNG GD&ĐT
TAM ĐẢO
ĐỀ KHẢO SÁT ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI THI TỈNH
NĂM HỌC 2015-2016
Môn: Ngữ văn 9
Thời gian làm bài: 150 phút
(không tính thời gian giao đề)

Câu 1 (1,5 điểm) Các chi tiết kì ảo trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ có ý nghĩa như thế nào?

Câu 2 (2,5 điểm) R.Ta-go, nhà thơ Ấn Độ, cho rằng: "Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy, còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông".

Suy nghĩ của em về nhận định trên.

Câu 3 (6,0 điểm) Tình cảm gia đình qua hai tác phẩm: "Bếp lửa" của Bằng Việt, "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng.

Đáp án đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn lớp 9

Câu 1 (1,5 điểm)

Đề bài yêu cầu chỉ ra các chi tiết kì ảo và ý nghĩa của nó, vì vậy không yêu cầu học sinh phải có kĩ năng viết đoạn hay viết thành bài văn. Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau, miễn là học sinh chỉ ra được các ý cơ bản sau đây:

  • Chỉ ra các chi tiết kì ảo: Vũ Nương được các nàng tiên cá cứu; Phan Lang mơ gặp rùa, cứu rùa, được Linh Phi cứu; Phan Lang gặp được Vũ Nương; Phan Lang được trở về dương gian; Trương Sinh lập đàn giải oan linh nghiệm; Vũ Nương trở về rồi biến mất...
  • Chỉ ra ý nghĩa: Làm cho câu chuyện sinh động, hấp dẫn, cuốn hút người đọc; thỏa mãn khát khao ngàn đời của nhân dân ta về một kết thúc có hậu: "ở hiền gặp lành", tuy nhiên, kết thúc có hậu nhưng không trọn vẹn, tính bi kịch của câu chuyện vẫn còn; hoàn thiện tính cách Vũ Nương như nặng tình nặng nghĩa, quan tâm đến chồng con, phần mộ tổ tiên, khao khát được phục hồi danh dự, giữ trọn lòng tin, chữ tín; thể hiện ước mơ công bằng xã hội; thể hiện nỗi day dứt, dày vò của Trương Sinh; thể hiện tấm lòng, yêu thương, kính trọng của tác giả đối với Vũ Nương.

Tiêu chí cho điểm:

* Mức tối đa (1,5 điểm): Đảm bảo được các yêu cầu trên.

* Mức chưa tối đa:

  • Từ 1 đến 1,25 điểm: Đáp ứng được cơ bản các yêu cầu, trình bày cách hiểu tương đối rõ, chỉ ra ý nghĩa tương đối đầy đủ, tỏ ra hiểu đề bài; có thể mắc các sai sót nhỏ.
  • Từ 0,5 đến 0,75 điểm: Bài làm đáp ứng được khoảng một nửa các yêu cầu trên. Có hiểu đề bài nhưng chưa thật toàn diện và thấu đáo.
  • Cho 0,25 điểm: Bài làm còn sơ sài, viết lan man, tỏ ra chưa hiểu vấn đề.

* Mức không đạt (0 điểm): Không làm bài hoặc lạc đề, sai kiến thức.

Câu 2 (2,5 điểm)

* Yêu cầu về hình thức: Xác định và viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội về một vấn đề tư tưởng, đạo lí; có đủ bố cục ba phần; lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục; dùng từ, đặt câu, dựng đoạn đúng quy cách, chính tả; diễn đạt trong sáng, mang tính thuyết phục người đọc...; trình bày sạch, đẹp, khoa học.

* Yêu cầu về nội dung: Học sinh có thể trình bày khác nhau nhưng phải đảm bảo bố cục lô gic của bài văn nghị luận xã hội về vấn đề tư tưởng, đạo lí đảm bảo các ý cơ bản sau:

1. Giải thích ý nghĩa của lời nhận định

  • "Hoa sen": ủ mầm trong bùn đất, tối khuất, nhơ bẩn nhưng mạnh mẽ vươn lên. Hoa sen là biểu tượng cho phẩm cách thanh sạch, biết vươn lên trong cuộc sống của con người.
  • "Mặt trời": Đó là ánh sáng vĩnh cửu đem lại sự sống cho vạn vật. Mặt trời tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, sự huy hoàng.
  • "Nụ búp": ẩn dụ cho cái non nớt, nhút nhát, e sợ của con người.
  • "Sương lạnh vĩnh cửu": là môi trường lạnh giá, khắc nghiệt, ở đó vạn vật phải ẩn mình, thu mình, không thể sinh sôi phát triển. Vì thế nó tượng trưng cho những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
  • Ý nghĩa câu nói: Ý kiến của Ta-go là một triết lí sống mạnh mẽ, tích cực và tiến bộ. Trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng nếu biết sống và cống hiến hết mình ta sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Nếu sống nhút nhát, thụ động thì cuộc đời thật nhạt nhẽo, vô nghĩa. Tác giả muốn nhắn nhủ chúng ta: "Sống làm sao để khi ta chết, ta cười, người khóc".

2. Bàn luận, mở rộng vấn đề

2.1. Tại sao nên chọn cách sống như "bông hoa sen"?

  • Cuộc sống rất quý giá nhưng lại ngắn ngủi, và chỉ đến duy nhất một lần. Ta phải sống thế nào cho xứng đáng, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những tháng năm đã sống hoài, sống phí. Ta cần có một trái tim đầy nhiệt huyết để sống hết mình, để cảm nhận từng hơi thở trong khoảnh khắc của đời mình.
  • Đã là con người thì cần phải có ước mơ, lý tưởng và khát khao thực hiện những điều đó. Tuy nhiên, cuộc sống luôn ẩn chứa những khó khăn, thử thách và những điều tốt đẹp không bỗng dưng mà có. Thay vì để khó khăn đánh bại, ta hãy đón nhận chúng như một cơ hội để rèn luyện bản lĩnh của chính mình, để ta thêm trưởng thành.
  • Khi ta chọn làm "bông hoa sen nở trong ánh mặt trời" đó là lúc ta sống hết mình và cống hiến hết mình. Ta sẽ có cơ hội được toả sáng, được khẳng định, lưu lại dấu chân trên con đường đã đi và tận hưởng những điều tuyệt diệu mà cuộc sống mang lại. Đó cũng chính là cách khiến cuộc sống của ta thêm ý nghĩa và trở nên có ích. Đó mới là cuộc sống đích thực của con người.
  • Nêu dẫn chứng: Ví dụ như tinh thần chiến đấu quả cảm của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Võ Thị Sáu... Cách sống và tình yêu nước của nhân vật văn học; cách sống cống hiến hết mình của Bác Hồ, hi sinh cuộc đời riêng cho đất nước...

2.2. Tại sao không nên chọn cách sống như "nụ búp"?

  • Nếu ta không dám đối mặt trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống vì ta sợ sai lầm, sợ sẽ thất bại, sợ bị cười chê... để rồi mãi mãi ta sống trong vỏ bọc hèn nhát của mình. Đó là lối sống mòn, sống thừa, sống vô ích mà không được ai biết đến. Một "cuộc sống đang mòn ra, đang rỉ đi, đang nổi váng."
  • Cuộc sống không mục tiêu, ước mơ, hoài bão thật vô vị. Sống như thế thực chất chỉ là tồn sự tại mà thôi, là chết ngay cả khi đang sống.
  • Ví dụ: Cách sống của những kẻ phản quốc làm tay sai cho giặc thù; cách sống của một bộ phận giới trẻ dựa dẫm vào sự bao bọc của bố mẹ và gia đình...

2.3. Mở rộng, nâng cao.

  • Liệu có phải lúc nào ta cũng sống hết mình? Nếu cứ hết mình như thế sẽ có lúc ta kiệt sức. Vậy ta cần phải biết lượng sức mình, không phải lúc nào cũng nên lao về phía trước. Để đối mặt với mọi thử thách trên đường đời trước tiên ta phải trân trọng chính bản thân ta. Đừng nôn nóng theo đuổi mục đích mà quên mất bản thân mình.
  • Có những phút giây ta nên thu mình lại khi đã cảm thấy mỏi mệt. Khi ấy không phải ta đang hèn nhát, chỉ là ta đang tìm kiếm chút bình yên cho tâm hồn, tìm được lại ý chí, lòng quyết tâm để tiếp tục tiến lên phía trước.

3. Bài học nhận thức và hành động

  • Phê phán lối sống yếu mềm, thụ động, chỉ biết ngồi chờ vận may và sự thuận lợi.
  • Cuộc sống của mỗi người được quyết định bởi sự tự nhận thức, bản lĩnh và nghị lực vươn lên không ngừng. Cuộc sống quá ngắn ngủi, hãy cứ cháy hết mình đến tận cùng của khát vọng, ước mơ.

Tiêu chí cho điểm

* Mức tối đa (2,5 điểm): Viết được một bài văn nghị luận xã hội, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng đã nêu trên.

* Mức chưa tối đa:

  • Từ 1,75 đến 2,25 điểm: Bài làm đáp ứng được yêu cầu, trình bày cách hiểu tương đối rõ, phần bình luận mở rộng có thể chưa thật đầy đủ nhưng tỏ ra hiểu bản chất vấn đề.
  • Từ 1 đến 1,5 điểm: Bài làm đáp ứng được khoảng một nửa các yêu cầu trên. Có bàn luận về vấn đề nhưng chưa thật toàn diện và thấu đáo.
  • Từ 0,25 đến 0,75 điểm: Bài làm còn sơ sài, viết lan man, tỏ ra chưa hiểu vấn đề.

* Mức không đạt (0 điểm): Không làm bài hoặc lạc đề.

Câu 3 (6 điểm)

* Yêu cầu về hình thức

  • Viết đúng thể loại nghị luận về tác phẩm văn học.
  • Bố cục ba phần đảm bảo rõ ràng mạch lạc, lập luận chặt chẽ.
  • Trình bày sạch sẽ, chữ viết rõ ràng, đúng chính tả, ngữ pháp.

* Yêu cầu về nội dung

Học sinh có thể kết cấu bài theo từng nội dung, hoặc có thể phát biểu cảm nhận về từng tác phẩm, nhưng phải đạt được những nội dung chính sau:

1. Nét chung ở cả hai tác phẩm

  • Ca ngợi tình cảm gia đình sâu nặng, gắn bó, không gì có thể chia cắt.
  • Là tình cảm riêng của mỗi con người nhưng không hề bé nhỏ cô đơn vì luôn ít nhiều gắn với tình cảm yêu nước.
  • Là tình cảm lớn mang tầm nhân loại, nhưng không chung chung trừu tượng, mà được thể hiện bằng những chi tiết, sự việc, cảm xúc rõ ràng cụ thể.

2. Biểu hiện sinh động phong phú qua từng tác phẩm

Bếp lửa: Một tác phẩm trữ tình, là tình cảm bà cháu, qua cảm xúc của người cháu đã trưởng thành khi nhớ về bà. Cần phân tích được:

  • Hình ảnh người bà, người mẹ Việt Nam qua hồi ức của người cháu.
  • Tình yêu thương chăm sóc che chở của bà với cháu.
  • Lòng thương nhớ ngưỡng mộ biết ơn của cháu với bà.

Chiếc lược ngà: Là một tác phẩm tự sự, ở đó ta bắt gặp tình cảm cha con qua cái nhìn của người thứ ba, trong những tình huống éo le và độc đáo. Cần phân tích được:

  • Tình cảm yêu quý bền vững không dễ gì thay đổi của cô bé ngây thơ, hồn nhiên nhưng bướng bỉnh và đầy bản lĩnh đối với người cha bộ đội.
  • Tình thương con cao đẹp của người cha hết lòng vì con mà không có điều kiện chăm sóc con.

Tiêu chí cho điểm

* Mức tối đa (6 điểm): Bài làm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng đã nêu trên. Bố cục chặt chẽ, lập luận tốt, dẫn chứng hợp lí. Cụ thể: Trình bày đầy đủ các yêu cầu như trong đáp án, khai thác tác phẩm sâu sắc theo hướng đề bài yêu cầu; nhận biết được những điểm tương đồng và khác biệt của tình cảm gia đình qua từng tác phẩm; biết đặt tác phẩm trong tương quan so sánh để xem xét; thuộc hoặc nhớ chính xác văn bản, biết chọn lọc dẫn chứng hợp lí; diễn đạt lưu loát, lập luận chặt chẽ, trình bày sạch đep.

* Mức chưa tối đa:

  • Từ 4,25 đến 5,75 điểm: Trình bày tương đối đầy đủ các yêu cầu như trong đáp án, khai thác tác phẩm sâu sắc theo hướng đề bài yêu cầu; nhận biết được những điểm tương đồng và khác biệt của tình cảm gia đình qua từng tác phẩm; biết đặt tác phẩm trong tương quan so sánh để xem xét; thuộc hoặc nhớ chính xác văn bản, biết chọn lọc dẫn chứng hợp lí; diễn đạt lưu loát, lập luận chặt chẽ; trình bày sạch đep, có thể mắc một vài lỗi diễn đạt nhưng không nghiêm trọng.
  • Từ 3,25 đến 4 điểm: Hiểu tác phẩm, lập luận chặt chẽ nhưng chưa biết vận dụng kiến thức vào yêu cầu cụ thể của bài, chưa biết đặt tác phẩm trong một nhóm tác phẩm để xem xét; thuộc hoặc nhớ văn bản, trình bày sạch đẹp.
  • Từ 2,25 đến 3 điểm: Có kiến thức tác phẩm, diễn đạt lưu loát; biết tổ chức bài văn, không mắc những lỗi nghiêm trọng về ngữ pháp và chính tả, nhớ được văn bản.
  • Từ 1,25 đến 2 điểm: Kiến thức tác phẩm sơ sài, không nhớ văn bản; hiểu đề không rõ ràng; hoặc diễn đạt không rõ nghĩa, mắc nhiều lỗi ngữ pháp.
  • Từ 0,25 đến 1 điểm: Không có kiến thức về tác phẩm, không hiểu đề nhưng vẫn viết được một số ý có liên quan đến tác phẩm; hoặc diễn đạt quá kém, văn viết không thành câu.

* Mức không đạt (0 điểm): Bỏ giấy trắng, hoặc bài viết hoàn toàn lạc đề, kĩ năng diễn đạt và ngữ pháp đều kém.

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!