Đề thi học kì 1 môn Sinh học lớp 11

Đề thi học kì 1 môn Sinh học lớp 11 trường THPT Nguyễn Trãi, Ninh Thuận năm học 2015 - 2016. Đề thi do các thầy cô giáo giảng dạy môn Sinh học tại trường THPT Nguyễn Trãi biên soạn. Đề thi bám sát chương trình SGK Sinh học lớp 11 học kì 1. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học kì 1 môn Sinh học lớp 11 trường THPT Đặng Huy Trứ, Huế năm học 2015 - 2016

Đề thi học kì 1 môn Sinh học lớp 11 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Long An năm học 2015 - 2016

Đề thi học kì 1 môn Sinh học lớp 11 trường THPT Lê Hồng Phong, Đăk Lăk năm học 2015 - 2016

SỞ GD&ĐT TỈNH NINH THUẬN
TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI
ĐỀ THI HỌC KÌ 1 NĂM HỌC 2015 – 2016
MÔN: SINH HỌC LỚP 11
Thời gian làm bài: 45 phút

A. Phần chung (Dành cho học sinh cả hai chương trình), (6,5 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

"Đường tiêu hoá của gia súc nhai lại được đặc trưng bởi hệ dạ dày kép gồm 4 túi, trong đó ba túi trước (dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách) được gọi chung là dạ dày trước, không có tuyến tiêu hoá riêng. Túi thứ 4, gọi là dạ múi khế, tương tự như dạ dày của động vật dạ dày đơn, có hệ thống tuyến tiêu hoá phát triển mạnh. Đối với gia súc non bú sữa dạ cỏ và dạ tổ ong kém phát triển, còn sữa sau khi xuống qua thực quản được dẫn trực tiếp xuống dạ lá sách và dạ múi khế qua rãnh thực quản. Rãnh thực quản gồm có đáy và hai mép. Hai mép này khi khép lại sẽ tạo ra một cái ống để dẫn thức ăn lỏng. Khi bê bắt đầu ăn thức ăn cứng thì dạ cỏ và dạ tổ ong phát triển nhanh và đến khi trưởng thành thì chiếm đến khoảng 85% tổng dung tích dạ dày nói chung. Trong điều kiện bình thường ở gia súc trưởng thành rãnh thực quản không hoạt động nên cả thức ăn và nước uống đều đi thẳng vào dạ cỏ và dạ tổ ong.

Thức ăn sau khi ăn được nuốt xuống dạ cỏ và lên men ở đó. Phần thức ăn chưa được nhai kỹ nằm trong dạ cỏ và dạ tổ ong thỉnh thoảng lại được ợ lên xoang miệng với những miếng không lớn và được nhai kỹ lại ở miệng. Khi thức ăn đã được nhai lại kỹ và thấm nước bọt lại được nuốt trở lại dạ dày. Sự nhai lại được diễn ra 5 - 6 lần trong ngày, mỗi lần kéo dài khoảng 50 phút. Thời gian nhai lại phụ thuộc vào bản chất vật lý của thức ăn, trạng thái sinh lý của con vật, cơ cấu khẩu phần, nhiệt độ môi trường... Thức ăn thô trong khẩu phần càng ít thì thời gian nhai lại càng ngắn. Trong điều kiện yên tĩnh gia súc sẽ bắt đầu nhai lại (sau khi ăn) nhanh hơn. Cường độ nhai lại mạnh nhất vào buổi sáng và buổi chiều."

Đọc đoạn thông tin trên và cho biết:

a) Quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày trâu bò diễn ra theo trình tự như thế nào?

b) Dạ dày người giống hay khác gì so với dạ dày của gia súc nhai lại?

Câu 2 (2,5 điểm)

a) Phân biệt hoạt động hô hấp và hô hấp sáng ở thực vật?

Điểm phân biệt

Hô hấp sáng

Hô hấp

Điều kiện

Nơi xảy ra

Đối tượng

Sản phẩm

b) Tại sao khi ủ lúa người ta phải đậy kín, thỉnh thoảng lại tưới nước?

Câu 3 (2,0 điểm)

a) Những nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích?

a.1. Pha sáng ở thực vật C3 tạo ra các sản phẩm: ATP, NADPH, ALPG và O2.

a.2. Pha tối ở thực vật CAM không xảy ra chu trình Canvin.

b) Đo cường độ quang hợp của cây trồng vùng nhiệt đới, người ta thấy cường độ quang hợp giảm vào buổi trưa. Hãy giải thích hiện tượng này?

B. Phần riêng (Học sinh thuộc chương trình nào làm theo chương trình đó), (3,5 điểm)

I. Chương trình cơ bản

Câu 4 (2,0 điểm)

a) Tại sao nhai cơm trong miệng lâu lại có vị ngọt?

b) Giải thích câu thành ngữ "Nhai kỹ no lâu"

Câu 5 (1,5 điểm): Trong lá cây, củ, quả có màu có rất nhiều sắc tố quang hợp. Em hãy chọn một nguyên vật liệu và nêu cách tiến hành nhằm phát hiện sắc tố đó?

II. Chương trình nâng cao

Câu 4 (2,0 điểm)

a) Vì sao prôtêin rất cần cho sự sống mà các động vật ăn cỏ (nghèo prôtêin) vẫn không bị thiếu chất này?

b) Trong hệ tiêu hóa người khi cắt bỏ một trong các cơ quan nào sau đây: Dạ dày, túi mật, tụy sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tiêu hóa. Vì sao?

Câu 5 (1,5 điểm): Một học sinh lớp 10 nhìn thấy bạn học sinh lớp 11 chiết rút được hỗn hợp sắc tố màu xanh lục ở lá cây bàng già màu vàng và ngạc nhiên hỏi: "Tại sao anh sử dụng lá bàng vàng mà thu được hỗn hợp màu xanh lục, trong hỗn hợp này có sắc tố vàng không?". Hãy nêu các bước tiến hành thí nghiệm tiếp theo để giải thích cho sự ngạc nhiên của em học sinh lớp 10. Dựa vào nguyên tắc nào mà thực hiện điều đó?

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN SINH HỌC LỚP 11

Phần chung

Câu 1

a) Quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày trâu bò diễn ra theo trình tự như thế nào? 1,0

Thức ăn nhai qua loa ở miệng nuốt xuống dạ cỏ trải qua 30 - 60 phút (ợ lên qua dạ tổ ong nhai lại ở miệng) rồi theo thực quản xuống dạ lá sách hấp thụ bớt nước -> Dạ múi khế tiết enzim và HCl tiêu hóa thức ăn.

b) Dạ dày người giống hay khác gì so với dạ dày của gia súc nhai lại? 1,0

Dạ dày người

Dạ dày gia súc nhai lại

Dạ dày không chia ngăn (dạ dày đơn)

Tiêu hóa cơ, hóa

Dạ dày 4 túi

Tiêu hóa cơ, hóa và sinh học

Câu 2

a) Phân biệt hoạt động hô hấp và hô hấp sáng ở thực vật? 1,5

Điểm phân biệt

Hô hấp sáng

Hô hấp

Điều kiện

Cường độ ánh sáng cao, lượng CO2 cạn kiệt, O2 tích lũy nhiều.

Cường độ không khí bình thường.

Nơi xảy ra

Ba bào quan: Lục lạp, peroxixôm, ti thể.

Ti thể

Đối tượng

Thực vật C3

C3, C4, CAM

Sản phẩm

CO2, axit amin: Glixin, Serin...

CO2, H2O, ATP...

b) Tại sao khi ủ lúa người ta phải đậy kín, thỉnh thoảng lại tưới nước? 1,0

  • Oxi, nhiệt độ, nước liên quan chặt chẽ với quá trình hô hấp. Để hạt nảy mầm được thì hô hấp phải mạnh để cung cấp đủ năng lượng và chất trung gian cho quá trình sinh tổng hợp mới của mầm
  • Ủ lúa người ta phải đậy kín để tạo nhiệt thích hợp khoảng 30 – 350C (Nên ủ hạt giống bằng bao tải gai, không tráng nilon, khí oxy sẽ được cung cấp nhiều hơn, nên mầm phát triển cân đối, chất lượng mầm tốt hơn).
  • Thỉnh thoảng lại tưới nước giúp hạt giống no đủ nước, phân giải nhiệt (khi mầm đã nảy thì không được ủ nóng mà phải giảm nhiệt độ trong bao ủ dần đến mát, thoáng khí)

Câu 3

a) Những nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích? 1,0

a.1. Sai vì không tạo ALPG

a.2. Sai vì pha tối ở thực vật CAM phải xảy ra chu trình Canvin

b) Đo cường độ quang hợp của cây trồng vùng nhiệt đới, người ta thấy cường độ quang hợp giảm vào buổi trưa. Hãy giải thích hiện tượng này? 1,0

Vì buổi trưa nhiệt độ rất cao, cây phải thoát rất nhiều nước. Để tiết kiệm nước cây phải đóng bớt khí khổng (khép hờ). Trong trường hợp này, sự thoát hơi nước giảm, nhưng lượng CO2 hấp thụ lại ít và dẫn đến cường độ quang hợp giảm.

Phần riêng cơ bản

Câu 4

a) Tại sao nhai cơm trong miệng lâu lại có vị ngọt? 1,0

Enzym amylaza có trong nước bọt sẽ tiêu hoá một phần tinh bột chín thành đường mantozơ có vị ngọt.

b) Giải thích câu thành ngữ "Nhai kỹ no lâu"? 1,0

Nhai là quá trình tiêu hoá cơ học. Nhai kỹ giúp biến đổi thức ăn thành những mẫu nhỏ, dễ thấm các dịch tiêu hoá giúp quá trình tiêu hoá hoá học diễn ra nhanh và triệt để hơn.

Câu 5

  • Nguyên liệu: Lá hoặc củ hoặc quả (chỉ cần 1 trong các nguyên vật liệu trên) 0,25
  • Mục đích thí nghiệm phát hiện sắc tố. 0,5
  • Cách tiến hành: 0,75
    • Cân khoảng 0,2g mẫu nguyên vật liệu hoặc 20 - 30 lát cắt mỏng ngang nguyên vật liệu..
    • Dùng kéo cắt nhỏ hoặc giã nhỏ
    • Cho vào ống nghiệm khoảng 20 - 30 ml cồn rồi cho nguyên vật liệu đã xử lý cắt nhỏ hoặc giã nhỏ vào để yên một thời gian (khoảng 20 - 25 phút)
    • Chiết rút hỗn hợp màu vào ống nghiệm khác quan sát, kết luận.
  • Lưu ý: Giáo viên linh hoạt chấm ở câu này

Phần riêng nâng cao

Câu 4

a) Vì sao prôtêin rất cần cho sự sống mà các động vật ăn cỏ (nghèo prôtêin) vẫn không bị thiếu chất này? 1,0

Vì chúng không bị thiếu chất này là nhờ được bổ sung bằng nguồn prôtêin vi sinh vật từ các vi sinh vật sống cộng sinh bị tiêu hóa ở dạ dày chính thức

b) Trong hệ tiêu hóa người khi cắt bỏ một trong các cơ quan nào sau đây: Dạ dày, túi mật, tụy sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tiêu hóa. Vì sao?

  • Cắt bỏ tụy sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. 0,5
  • Vì tụy tiết ra enzim quan trọng để tiêu hóa thức ăn, trong khi dạ dày chỉ tiết E.pepsinogen cùng với HCl để biến đổi 1 phần thức ăn là prôtêin. Còn nếu cắt túi mật thì mật từ gan có thể chuyển theo ống dẫn đến tá tràng, ít ảnh hưởng đến tiêu hóa. 0,5

Câu 5

  • Các tiến hành:
    • Đong 5 ml hỗn hợp sắc tố màu xanh lục thí cho vào ống nghiệm. 0,25
    • Cho tiếp 10 ml benzen (gấp đôi lượng dịch vừa chiết) vào lắc đều, để yên sau 3 phút. 0,5
    • -> Thấy bên trên là lớp dịch màu xanh và bên dưới là lớp dịch có màu vàng. Chứng tỏ trong lá bàng có cả diệp lục và carotenoit. 0,25
  • Nguyên tắc: Mỗi nhóm sắc tố thành phần có thể hòa tan tốt trong một dung môi hữu cơ nhất định. Sắc tố quang hợp ở lá xanh gồm 2 nhóm: clorophyl và carotenoit. 0,5
    • Carotenoit hòa tan trong benzen.
    • Clorophyl hòa tan trong axeton.
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!



Xem thêm