Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Nguyễn Huệ, Quảng Nam năm học 2014 - 2015 là đề kiểm tra môn Văn lớp 10 có đáp án đi kèm. Đây sẽ là tài liệu ôn tập môn Văn lớp 10 hữu ích dành cho các bạn, giúp các bạn củng cố kiến thức, ôn thi học kì I hiệu quả.
Đề thi học kì 1 môn Sinh học lớp 10 trường THPT Nguyễn Huệ, Quảng Nam năm học 2014 - 2015
Đề thi học kì 1 môn Giáo dục công dân lớp 10 trường THPT Nguyễn Huệ, Quảng Nam năm học 2014 - 2015
Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
SỞ GD&ĐT QUẢNG NAM TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ | ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I - NĂM HỌC 2014 - 2015 Môn: Ngữ văn - Lớp 10 Thời gian làm bài: 90 phút |
ĐỀ A
Câu 1. (2 điểm):
"Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"
Hãy chỉ ra các biện pháp nghệ thuật và nêu nội dung của bài ca dao trên?
Câu 2. (2 điểm):
Nêu các dạng biểu hiện của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt? (0,5 điểm)
Hãy chỉ ra dấu hiệu của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt biểu hiện trong câu ca dao sau: (1,5 điểm)
"Mình về có nhớ ta chăng,
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười"
Câu 3. (6 điểm):
Cảm nhận của anh (chị) về quan niệm "Nhàn" trong bài thơ "Nhàn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10
ĐỀ A:
Câu 1. (2 điểm):
"Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"
- Nghệ thuật: so sánh, từ láy, câu hỏi tu từ (0,5đ)
- Nội dung: Bài ca dao là hình ảnh người con gái ý thức được sắc đẹp, tuổi xuân và giá trị của mình, như "tấm lụa đào". Nhưng cuộc đời của họ "phất phơ giữa chợ biết vào tay ai". Họ cảm thấy mình như một món hàng bị mua bán... Ý thức về phẩm chất và số phận của người phụ nữ là ở chỗ đó... ( 1,5đ)
Câu 2: (2 điểm)
Các dạng biểu hiện của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt: (0.5đ)
- Dạng nói: độc thoại, đối thoại
- Dạng viết: nhật ký, hồi ức cá nhân.
Dấu hiệu của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt biểu hiện trong câu ca dao (1.5đ)
"Mình về có nhớ ta chăng,
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười"
- Từ xưng hô thân mật: mình – ta
- Ngôn ngữ đối thoại: mình về... chăng; ta về ... mình
- Lời nói hằng ngày: mình về, nhớ hàm răng.
- Giọng điệu: thân mật, lưu luyến, bịn rịn....
Câu 3. (6 điểm):
1. Yêu cầu về kỹ năng:
- Vận dụng thuần thục cách thức làm văn nghị luận văn học
- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt rõ ràng, trôi chảy, hạn chế tối đa việc mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp
- Bài làm phải được tổ chức thành một bài làm văn hoàn chỉnh
2. Yêu cầu về nội dung:
Trên cơ sở những hiểu biết về nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm và bài thơ "Nhàn" học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:
- Nhàn (hai câu đề): Thể hiện sự ung dung trong phong thái thảnh thơi, vô sự trong lòng, vui với thú điền viên
- Nhàn (hai câu thực): Nhàn là nhận dại về mình, nhường khôn cho người, xa lánh chốn danh lợi bon chen, tìm về "nơi vắng vẻ", sống hoà nhập với thiên nhiên để "di dưỡng tinh thần"
- Nhàn (hai câu luận): là sống thuận theo lẽ tự nhiên, hưởng những thức có sẵn theo mùa ở nơi thôn dã mà không mưu cầu, tranh đoạt.
- Nhàn (hai câu kết): Nhàn có cơ sở từ quan niệm nhìn cuộc đời là giấc mộng, phú quý tựa chiêm bao.
Từ đó, cảm nhận được trí tuệ uyên thâm, tâm hồn thanh cao của nhà thơ thể hiện qua lối sống đạm bạc, nhàn tản, vui với thú điền viên thôn dã.
=> Vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm..
* Biểu điểm:
- Điểm 6: Đáp ứng tốt các yêu cầu của đề, bố cục sáng rõ, văn viết mạch lạc, có cảm xúc, cảm nhận độc đáo, sâu sắc, sáng tạo
- Điểm 5: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu của đề, bố cục hợp lí, cảm nhận khá nhưng lập luận chưa sắc sảo, có một số lỗi về diễn đạt.
- Điểm 3-4: Đáp ứng ở mức trung bình yêu cầu của đề.
- Điểm 2: Hiểu đề chưa thấu đáo, bài làm còn chung chung, diễn đạt thiếu trôi chảy.
- Điểm 1: Chưa hiểu đề bài.
- Điểm 0: Không làm bài, bỏ giấy trắng.