Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương năm học 2014 - 2015 có đáp án tham khảo đi kèm, là tài liệu ôn tập học kì I môn Văn hữu ích dành cho các bạn học sinh, giúp các bạn củng cố và chuẩn bị tốt nhất cho kì thi học kì sắp tới.
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương năm học 2015 - 2016
Văn mẫu lớp 10: Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài Cảnh ngày hè
SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG | ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2014 – 2015 MÔN: NGỮ VĂN 10 (Thời gian làm bài: 90 phút) |
Câu 1 (2,0 điểm):
Cho câu tục ngữ:
Một giọt máu đào hơn ao nước lã
a. Phép tu từ nào được sử dụng trong câu tục ngữ trên?
b. Phân tích tác dụng của phép tu từ đó?
Câu 2 (2,0 điểm):
Đọc kĩ đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Chòi lẫm đổ lăn lóc. Cây cối chết rụi. Khi chàng múa dưới thấp, vang lên tiếng đĩa khiên đồng. Khi chàng múa trên cao, vang lên tiếng đĩa khiên kênh. Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung.
a. Nhân vật chàng được nhắc đến trong đoạn trích là ai?
b. Nhân vật ấy nằm trong tác phẩm văn học dân gian hay văn học viết? Thuộc thể loại nào?
c. Chỉ ra những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích?
d. Qua ngôn ngữ của đoạn trích, hãy phát biểu về thái độ của người kể?
Câu 3 (6,0 điểm):
Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Cảnh ngày hè.
Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10
Câu 1 (2,0 điểm):
a. Phép tu từ được sử dụng
Ẩn dụ:
- giọt máu đào: chỉ những người có chung một huyết thống (người thân thích)
- ao nước lã: chỉ những người không cùng huyết thống (người dưng)
b. Tác dụng
- Khẳng định những người có chung huyết thống dù xa bao nhiêu đời vẫn gần gũi hơn những người không có quan hệ huyết thống.
- Nhờ cách nói ẩn dụ làm câu tục ngữ cô đọng, có khả năng gợi hình, gợi cảm cao.
Câu 2 (2,0 điểm):
a. Nhân vật "chàng" chỉ Đăm Săn
b. Nhân vật nằm trong tác phẩm văn học dân gian
Thuộc thể loại sử thi
c. Những biện pháp nghệ thuật được sử dụng:
- So sánh
- Phóng đại
(Lưu ý: HS có thể trả lời: điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc câu. GV cho 0,25 điểm với mỗi biện pháp nghệ thuật nêu đúng. Nhưng tổng số điểm ý c là không quá 0,5)
d. Thái độ của người kể: đề cao, ca ngợi người anh hùng.
Câu 3 (6,0 điểm):
* Yêu cầu về kĩ năng:
HS biết cách làm bài nghị luận văn học, cảm nhận chính xác, sâu sắc; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở những hiểu biết về nhà thơ Nguyễn Trãi và bài thơ Cảnh ngày hè, làm rõ vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ thể hiện qua bài thơ.
H/s có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận: tâm hồn yêu thiên nhiên; yêu đời, yêu cuộc sống; yêu nhân dân, đất nước của Nguyễn Trãi.
2. Tâm hồn yêu thiên nhiên:
- Nhà thơ đã dành cho mình khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi để yêu say cảnh đẹp: Rồi hóng mát thuở ngày trường.
- Nhà thơ cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên với nhiều giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, liên tưởng,... Điều đó cho thấy sự giao cảm mạnh mẽ của nhà thơ với cảnh vật.
3. Tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống:
- Bức tranh cảnh vật thanh bình, yên vui cho thấy sự thanh thản, thư thái trong tâm hồn của nhà thơ.
- Âm thanh của cuộc sống (Lao xao chợ cá làng ngư phủ/ Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương) cũng chính là tiếng lòng đang rộn rã niềm vui của nhà thơ.
4. Tấm lòng ưu ái với dân, với nước:
- Đắm mình trong cảnh ngày hè, nhà thơ ước có cây đàn của vua Thuấn để gảy khúc nam phong cầu mưa thuận gió hòa cho nhân dân được giàu đủ khắp đòi phương.
- Lấy Nghiêu, Thuấn làm "gương báu răn mình", Nguyễn Trãi đã bộc lộ chí hướng cao cả: luôn khao khát đem tài trí để thực hành tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân.
5. Nghệ thuật thể hiện:
- Từ ngữ gợi hình, gợi cảm; từ Hán Việt; điển tích.
- Hình ảnh đặc trưng, sinh động.
- Câu thơ sáu tiếng ngắn gọn, thể hiện sự dồn nén cảm xúc.
6. Đánh giá chung:
Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi là vẻ đẹp của một nhân cách cao cả: nhạy cảm, sống chan hòa với thiên nhiên, với cuộc sống đời thường của nhân dân, luôn hướng về nhân dân với mong muốn cao đẹp.