Đề thi học kì 2 lớp 8 môn Ngữ văn

Đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ Văn lớp 8 năm 2015 trường THCS Nguyễn Trãi, TP Hồ Chí Minh có đáp án kèm theo là tài liệu tham khảo hay giúp các bạn học tốt môn văn, ôn thi giữa học kì 2, ôn thi cuối năm môn văn lớp 8. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 8 năm 2015 huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa

Đề kiểm tra học kì 2 lớp 8 năm 2015 môn Ngữ Văn trường THCS Giai Xuân, Cần Thơ

Đề thi học kì 2 môn Toán lớp 8 phòng GD&ĐT Đại Thành, Bắc Giang năm 2015 - 2016

PHÒNG GD VÀ ĐT GÒ VẤP
TRƯỜNG THCS NGUYỄN TRÃI

(Đề chỉ có một trang)

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II
NĂM HỌC 2014 – 2015
Môn thi: NGỮ VĂN 8
Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian phát đề)
(Lưu ý: Học sinh làm bài trên giấy thi)

PHẦN I: Đọc - hiểu văn bản (6 điểm)

Đọc kĩ đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

“Xưa nay, thủ đô luôn là trung tâm về văn hóa, chính trị của một đất nước. Nhìn vào thủ đô là nhìn vào sự suy thịnh của một dân tộc. Thủ đô có ý nghĩa rất lớn. Việc dời đô, lập đô là một vấn đề trọng đại quyết định phần nào với tới sự phát triển tương lai của đất nước. Muốn chọn vùng đất để định đô, việc đầu tiên là phải tìm một nơi “trung tâm của trời đất”, một nơi có thế “rồng cuộn hổ ngồi”. Nhà vua rất tâm đắc và hào hứng nói tới cái nơi “đã đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi”. Nơi đây không phải là miền Hoa Lư chật hẹp, núi non bao bọc lởm chởm mà là “địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng”. Thật cảm động một vị vua anh minh khai mở một triều đại chói lọi trong lịch sử Đại Việt đã rất quan tâm tới nhân dân. Tìm chốn lập đô cũng vì dân, mong cho dân được hạnh phúc: “Dân khỏi chịu cảnh ngập lụt”. Nơi đây dân sẽ được hưởng no ấm thái bình vì“muôn vật cũng rất mực tốt tươi...”. Nhà vua đánh giá kinh đô mới “Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của của đế vương muôn đời”. Chính vì thế nhà vua mới bày tỏ ý muốn: “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”. (Nguồn Internet)

Câu 1: (1 điểm) Đoạn trích trên gợi em nhớ đến văn bản nào đã học trong chương trình Ngữ văn 8, tập II? Cho biết tác giả và thời điểm ra đời của tác phẩm đó?

Câu 2: (1 điểm) Tác phẩm được đề cập đến trong đoạn trích trên ra đời có ý nghĩa như thế nào đối với dân tộc Đại Việt lúc bấy giờ?

Câu 3: (2 điểm)

a. Xác định kiểu câu của hai câu sau: (1)“Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. (2) Các khanh nghĩ thế nào?”.

b. Hãy cho biết mỗi câu văn trên thực hiện hành động nói nào?

Câu 4: (2 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 10 dòng) trình bày cảm nghĩ của em về tác giả, người được nhận định là“một vị vua anh minh khai mở một triều đại chói lọi trong lịch sử Đại Việt đã rất quan tâm tới nhân dân”.

PHẦN II: Tạo lập văn bản (4 điểm)

Lịch sử hơn mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với tên tuổi của những người anh hùng dân tộc vĩ đại như Lí Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Những người anh hùng ấy đã làm nên những chiến thắng vẻ vang, mở ra những trang sử vàng cho đất nước. Tự hào về những trang sử vẻ vang ấy, tiếp nối truyền thống yêu nước của dân tộc, tuổi trẻ hôm nay sẽ làm gì để xứng đáng với tiền nhân?

Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của bản thân về chủ đề “Tuổi trẻ và tương lai đất nước”.

Đáp án đề thi học kì 2 lớp 8 môn Ngữ văn

HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN – BIỂU ĐIỂM

Câu 1: (1.0 điểm)

  • Chiếu dời đô -> 0.25 điểm, Lí Công Uẩn -> 0,25đ
  • Thời điểm ra đời: Năm Canh Tuất niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1010) -> 0.5đ

Câu 2: (1.0 điểm) Tác phẩm được đề cập đến trong đoạn trích trên ra đời có ý nghĩa như thế nào đối với dân tộc Đại Việt lúc bấy giờ?

  • Tác phẩm Chiếu dời đô ra đời có ý nghĩa phản ánh khát vọng của nhân dân về một đất nước độc lập, thống nhất -> 0.5 điểm
  • Đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh. -> 0.5 điểm

Câu 3: (1.0 điểm) Xác định kiểu câu của các câu sau:

  • “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. -> Câu trần thuật (0.5 điểm),
  • hành động trình bày (nêu ý kiến) ->0.5 điểm
  • Các khanh nghĩ thế nào?” -> Câu nghi vấn (0.5 điểm), hành động hỏi -> 0.5 điểm

Câu 4: (2.0 điểm)

  • HS có thể sử dụng nhiều phương thức biểu đạt (nghị luận, biểu cảm) miễn thể hiện được những cảm nhận về những điểm nổi bật về tác giả- nhà vua Lí Công Uẩn:
    • Là một người thông minh, nhân ái, có chí lớn và lập được nhiều chiến công.
    • Lí Công Uẩn đã lập nên một triều đại nhà Lí lẫy lừng và dưới sự trị vì của vua Lí Công Uẩn đã đưa đất nước ta phát triển lớn mạnh ...khai mở một triều đại chói lọi trong lịch sử Đại Việt.
    • Một vị vua anh minh, sáng suốt, có tầm nhìn xa rộng ...
    • Một người yêu nước thương dân, có tinh thần dân chủ...

-> 4 ý mỗi ý 0.5 điểm.

PHẦN II: Tạo lập văn bản (4 điểm)

1. Yêu cầu chung:

  • Xác định đúng kiểu bài văn nghị luận, bố cục rõ ràng cân đối
  • Xác định đúng đề tài nghị luận: Tuổi trẻ và tương lai đất nước.
  • Trình bày sạch sẽ, đúng bố cục, không sai chính tả.

2. Yêu cầu cụ thể:

Mở bài:

  • Giới thiệu vai trò của tuổi trẻ trong cuộc đời mỗi người và đối với tương lai của mỗi quốc gia, đất nước.

Thân bài:

  • Giải thích tuổi trẻ là lứa tuổi như thế nào?
  • Tại sao tuổi trẻ lại có vai trò quan trong đối với tương lai của đất nước?
  • Chứng minh những cống hiến, đóng góp của tuổi trẻ cho đất nước qua các thời kì: giữ nước và bảo vệ, phát triển đất nước.
  • Phê phán những bạn trẻ có lối sống đi ngược với truyền thống của tuổi trẻ VN: sống buông thả, rơi vào tệ nạn xã hội, trở thành tội phạm và gánh nặng cho đất nước...

Kết bài:

  • Khẳng định nhiệm vụ của tuổi trẻ đối với tương lai đất nước.
  • Nêu suy nghĩ và hành động của bản thân trước trách nhiệm của tuổi trẻ đối với tương lai đất nước.
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!