Đề đọc hiểu Ngữ văn ôn thi THPT Quốc Gia

TimDapAnxin giới thiệu tới bạn đọc Đề đọc hiểu Ngữ văn ôn thi THPT Quốc Gia số 52. Tài liệu gồm 3 câu hỏi bài tập kèm theo lời giải sẽ giúp các bạn học sinh giải bài tập Ngữ văn 12 được tốt hơn. Mời các bạn tham khảo.

Đề bài

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu”

(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)

Câu a. Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ và nêu tác dụng của nó trong việc thể hiện nội dung? (2 điểm)

Câu b. Bốn câu thơ trên là lời đề từ của bài thơ “Tiếng hát con tàu”, hãy xác định vị trí và tác dụng của nó trong tác phẩm (2 điểm)

Câu c. Ý nghĩa hình ảnh “con tàu” và “Tây Bắc” trong đoạn thơ? (2 điểm)

Lời giải chi tiết

Câu a.

- Các biện pháp tu từ được sử dụng:

+ Câu hỏi tu từ: “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây bắc”

+ Phép điệp từ: “khi” lặp lại 2 lần

+ Phép nhân hóa: “Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát”

+ Phép ẩn dụ: “con tàu” - “Tây bắc”

- Tác dụng của các biện phép tu từ:

+ Việc sử dụng câu hỏi tu từ “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc”, phép điệp từ “Khi”, phép nhân hóa “Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát”, kết hợp với giọng thơ chính luận, nhịp thơ dồn dập có tác dụng mang đến bốn câu đề từ đầy nhiệt huyết, háo hức và mê say về một “cuộc đi” đến những vùng miền xa xôi để cống hiến và dựng xây, kiến thiết.

+ Biện pháp nghệ thuật quan trọng nhất chính là ẩn dụ với các hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. Tây Bắc, ngoài nghĩa cụ thể của một vùng đất, còn là biểu tượng gợi nghĩ đến mọi miền xa xôi của Tố Quốc, nơi có cuộc sống gian lao mà nặng nghĩa tình của nhân dân. Lên Tây Bắc cũng chính là trở về với chính lòng mình. “Con tàu” là hình ảnh lãng mạn, là biểu tượng cho khát vọng lên đường, khát vọng tìm đến những ước mơ, những ngọn nguồn của cảm hứng nghệ thuật.

+ Tăng sức tính hình tượng và sức gợi cảm cho đoạn thơ.

Câu b.

Nhận xét:

- Vị trí của đoạn đề từ: ngay phần mở đầu tác phẩm.

- Tác dụng của lời đề từ: là một chỉ dẫn, một gợi ý để khám phá tác phẩm, là khúc dạo đầu giúp người nghe phán đoán được cái bổng trầm trong một bản nhạc. Có thể xem bốn câu thơ đề từ của tác phẩm như là sự gói ghém trọn vẹn nỗi niềm của nhà thơ Chế Lan Viên, là sự trải nghiệm của một người có hơn hai mươi năm cầm bút để đi đến một chân lý giản đơn. Lời mời gọi lên Tây Bắc trở thành lời giục giã, lời mời gọi những tâm hồn hãy đến với đời sống cần lao và rộng lớn của nhân dân. Từ một vấn đề thời sự, bài thơ đã mở ra những suy tưởng về cuộc sống, về nghệ thuật .

Câu c.

Ý nghĩa:

- Tây Bắc:

+ Là nghĩa cụ thể chỉ một địa danh, một vùng đất, nơi hướng tới của bao người đi xây dựng kinh tế miền núi những năm 1958-1960.

+ Là biểu tượng gợi nghĩ đến mọi miền xa xôi của Tố Quốc, nơi có cuộc sống gian lao mà nặng nghĩa tình của nhân dân, nơi khắc ghi kỉ niệm của những người đã trải qua kháng chiến, nơi vẫy gọi mọi người đi tới.

+ Là biểu tượng của hiện thực cuộc sống, cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật.

- Con tàu:

+ Chế Lan Viết viết “Tiếng hát con tàu” vào thời điểm miền Bắc đang diễn ra cuộc vận động nhân dân miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới ở Tây bắc, Lúc này, chưa có đường tàu và con tàu lên Tây bắc. Con tàu là hình ảnh lãng mạn, là hình ảnh của tâm tưởng.

+ Là biểu tượng cho khát vọng lên đường, khát vọng đi xa, khát vọng hòa nhập vào cuộc đời lớn của nhân dân, đất nước.

+ Khát vọng tìm đến những ước mơ, những ngọn nguồn của cảm hứng nghệ thuật.

-----------------------

Để có kết quả cao hơn trong học tập, TimDapAnxin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử, Thi thpt Quốc gia môn Địa lý mà TimDapAntổng hợp và đăng tải.

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!