Đề đọc hiểu Ngữ văn ôn thi THPT Quốc Gia
TimDapAnmời bạn đọc tham khảo Đề đọc hiểu Ngữ văn ôn thi THPT Quốc Gia số 25. Tài liệu gồm 3 câu hỏi bài tập kèm theo đáp án sẽ giúp các bạn học sinh học tốt Ngữ văn 11 một cách đơn giản hơn. Mời các bạn học sinh tham khảo.
Đề bài
Đọc đoạn thơ và trả lời câu hỏi:
Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên.
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền.
Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
Lần đầu rung động nỗi thương yêu.
[Thơ duyên - Xuân Diệu]
Câu a. Nội dung đoạn thơ trên là gì?
Câu b. Từ láy "ríu rít" và "xiêu xiêu” có tác dụng gì?
Câu c. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép đảo ngữ?
Lời giải chi tiết
Câu a.
Đoạn thơ là bức tranh thu dưới con mắt của một chàng thanh niên trẻ tuổi - tâm hồn đang tràn ngập yêu thương. Bức tranh ấy tràn đầy sức sống với âm thanh, ánh sáng tươi vui, rộn rã, vạn vật gắn bó, hòa quyện với nhau thật tự nhiên, đẹp đẽ!
Câu b.
Từ láy "ríu rít" và "xiêu xiêu” chỉ sự sóng đôi, hòa hợp, sự hòa điệu của thiên nhiên. Cặp chim chuyền ríu rít tình tự, gió nương theo con đường nhỏ, cũng dịu dàng, duyên dáng. Tất cả đã làm nên một bức tranh thu rất thơ, rất mộng.
Câu c.
- Phép đảo ngữ ở các câu:
+ Cây me ríu rít cặp chim chuyền (Cặp chim chuyền ríu rít trên cây me)
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá, (Trời xanh ngọc đổ qua muôn lá)
+ “Lả lả cành hoang nắng trở chiều” (Cành hoang lả lả...)
- Tác dụng: Các từ láy "ríu rít" “lả lả” và động từ "đổ" được đặt ở đầu câu vừa nhấn mạnh được sự gắn bó, hòa hợp giữa các sự vật [cặp chim chuyền], đường nét, dáng vẻ mềm mại của cây, của nắng và màu sắc của cảnh vật. Đồng thời cũng tạo nên nhạc điệu quyến luyến, êm dịu, một vẻ duyên dáng, tinh tế cho các câu thơ.
-----------------------
Để có kết quả cao hơn trong học tập, TimDapAnxin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử, Thi thpt Quốc gia môn Địa lý mà TimDapAntổng hợp và đăng tải.