Bài 15: Con cái thảo hiền


Tóm tắt lý thuyết

1.1. Chia sẻ

Câu 1: Chọn từ (cha, mẹ, con) phù hợp với ô trống:

(1) Công ∎ như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài Biển Đông.

(Ca dao)     

(2) Có vàng, vàng chẳng hay phô
Có con, ∎ nói trầm trồ mẹ nghe.

(Ca dao)    

(3) Ơn cha nặng lắm ∎ ơi
Nghĩa ∎ bằng trời chín tháng cưu mang.

(Ca dao) 

Hướng dẫn trả lời:

(1) Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài Biển Đông.

(Ca dao)

(2) Có vàng, vàng chẳng hay phô

Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe.

(Ca dao)

(3) Ơn cha nặng lắm con ơi

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

(Ca dao)

1.2. Bài đọc 1

Nấu bữa cơm đầu tiên

Chẳng còn thiếu gì nữa

Cái gì cũng có rồi

Này thức chăn, thức gặp

Cơm chín đầy một nồi.

 

Bát đã lau từng chiếc

Đũa lại so từng đôi

Thêm trái ớt đỏ tươi

Để góc mâm phần bố.

 

Chẳng còn thiếu gì nữa

Cái gì cũng đủ rồi

Lại thừa vết nhọ nồi

Trên má hồng ánh lửa.

TRẦN QUỐC TOÀN

1.2.1. Đọc hiểu

Câu 1: Bạn nhỏ trong bài thơ làm việc gì?

Hướng dẫn trả lời:

Bạn nhỏ trong bài thơ nấu bữa cơm đầu tiên cho gia đình của mình.

Câu 2: Mâm cơm được bạn nhỏ chuẩn bị như thế nào? Chọn ý đúng:

a) Chuẩn bị rất đầy đủ.

b) Chỉ thiếu trái ớt phần bố.

c) Có thêm một vết nhọ nồi trên má.

Hướng dẫn trả lời:

Mâm cơm được bạn nhỏ chuẩn bị rất đầy đủ. (Chẳng còn thiếu gì nữa/ Cái gì cũng có rồi)

Chọn đáp án: a

Câu 3: Em nghĩ bố mẹ sẽ nói gì khi thấy vết nhọ nồi trên má con? Chọn ý em thích:

a) Con có vết nhỏ trên má kia!

b) Ôi, con tôi đảm đang quá!

c) Lần đầu nấu cơm vất vả quá!

Hướng dẫn trả lời:

Em nghĩ khi thấy vết nhọ nồi trên má con thì bố mẹ sẽ nói: “Ôi, con tôi đảm đang quá!”. Bởi vì bạn nhỏ đã say mê nấu nướng đến mức có vết nhọ nồi trên má lúc nào mà chẳng hay.

Chọn đáp án: b

1.2.2. Luyện tập

Câu 1: Các câu dưới đây thuộc mẫu câu nào?

a) Bạn nhỏ rất chăm chỉ.

b) Bạn nhỏ lau từng chiếc bát.

c) Má bạn nhỏ hồng ánh lửa.

Hướng dẫn trả lời:

Các câu đã cho thuộc mẫu câu Ai thế nào?

Câu 2: Những tiếng nào trong khổ thơ cuối bắt vần với nhau? Chọn ý đúng:

a) Tiếng nữa và tiếng rồi.

b) Tiếng rồi và tiếng nồi.

c) Tiếng nồi và tiếng lửa.

Hướng dẫn trả lời:

Những tiếng trong khổ cuối bắt vần với nhau là: rồi – nồi (ôi)

Chọn đáp án: b

1.3. Bài viết 1

Câu 1: Nghe – viết:

Mai con đi nhà trẻ

(Trích)

Mai con đi nhà trẻ

Bố khoe hết mọi người

Ai cũng mừng như thể

Chia với bố niềm vui.

 

Mai con đi nhà trẻ

Nên giờ đã ngủ rồi

Giấc mơ về đặt khẽ

Nụ cười hồng lên môi.

NGUYỄN CHÍ THUẬT

Câu 2: Chọn chữ hoặc dấu thanh phù hợp:

a) Chữ r, d hay gi?

Tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm trong tiếng hát ∎u của bà, của mẹ, của các ∎ì: “∎ó mùa thu, mẹ ∎u con ngủ…”

b) Dấu hỏi hay dấu ngã?

Mẹ bao trăng như lươi liềm
Ông rằng: trăng tựa con thuyền cong mui
Bà nhìn: như hạt cau phơi
Cháu cười: qua chuối vàng tươi ngoài vườn.

LÊ HỒNG THIỆN

Hướng dẫn trả lời:

a) Chữ r, d hay gi?

Tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm trong tiếng hát ru của bà, của mẹ, của các dì: “gió mùa thu, mẹ ru con ngủ...”.

b) Dấu hỏi hay dấu ngã?

Mẹ bảo trăng như lưỡi liềm.

Ông rằng: trăng tựa con thuyền cong mui

Bà nhìn: như hạt cau phơi

Cháu cười: quả chuối vàng tươi ngoài vườn.

LÊ HỒNG THIỆN

Câu 3: Chọn tiếng trong ngoặc đơn phù hợp với ô trống:

a) (rành, dành, giành):

để ∎

∎ dụm

∎ lấy

∎ mạch

b) (nửa, nữa):

một lần ∎

lát ∎

∎ trái ổi

một ∎

Hướng dẫn trả lời:

a) (rành, dành, giành):

để dành

dành dụm

giành lấy

rành mạch

b) (nửa, nữa):

một lần nữa

lát nữa

nửa trái ổi

một nửa

Câu 4: Tập viết

a) Viết chữ hoa: N

Hướng dẫn trả lời:

- Cấu tạo: Gồm nét mọc ngược trái, nét thẳng đứng, nét xiên phải, nét mọc ngược phải.

- Cách viết:

+ Bước 1: Đặt bút dưới đường kẻ ngang 2, viết một nét móc ngược trái, hơi lượn sang phải, dừng dưới ĐK ngang 4, giữa đường kẻ dọc 2 và 3.

+ Bước 2: Không nhấc bút, viết nét thẳng đứng, dừng trên ĐK ngang 1.

+ Bước 3: Không nhấc bút, viết nét xiên phải, hơi lượn vòng hai đầu, dừng dưới ĐK ngang 4, bên phải ĐK dọc 3.

+ Bước 4: Không nhấc bút, viết nét móc ngược phải, dừng bút trên ĐK dọc 4, giữa ĐK ngang 1 và 2.

b) Viết ứng dụng: Nghĩa mẹ như nước ở ngoài Biển Đông.

1.4. Bài đọc 2

Sự tích cây vú sữa

1. Ngày xưa, có một cậu bé ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi, chẳng nghĩ đến mẹ ở nhà mỏi mắt chờ mong.

2. Một hôm, vừa đói vừa rét, cậu mới tìm đường về nhà.

Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ, rồi ôm lấy một cây xanh trong vườn mà khóc. Cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh, rồi chín. Một quả rơi vào lòng cậu.

3. Môi cậu vừa chạm vào, một dòng sữa trắng trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.

Cậu nhìn lên tán lá. Lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu bé oà khóc. Cây Xoà cành ôm cậu, như tay mẹ âu yếm vỗ về.

Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu bé, ai cũng thích. Họ đem hạt gieo trồng khắp nơi và gọi đó là cây vú sữa.

Theo NGỌC CHÂU

Từ ngữ:

- Vùng vằng: tỏ ý giận dỗi, cáu kỉnh.

- Trổ ra: nhô ra, mọc ra.

- Xoà cành: xoè rộng cành để bao bọc.

1.4.1. Đọc hiểu

Câu 1: Vì sao cậu bé bỏ nhà ra đi?

Hướng dẫn trả lời:

Cậu bé bỏ nhà ra đi vì ham chơi, bị mẹ mắng.

Câu 2: Khi quay về nhà, không thấy mẹ, cậu bé làm gì?

Hướng dẫn trả lời:

Khi quay về nhà, không thấy mẹ, cậu bé khản tiếng gọi mẹ rồi ôm lấy một cây xanh trong vườn mà khóc.

Câu 3: Khi cậu bé ôm cây xanh mà khóc, điều kì lạ gì đã xảy ra?

Hướng dẫn trả lời:

Khi cậu bé ôm cây xanh mà khóc, cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh, rồi chín. Một quả rơi vào lòng cậu.

Câu 4: Những hình ảnh nào của cây vú sữa gợi cho cậu bé nhớ đến mẹ?

Hướng dẫn trả lời:

Những hình ảnh của cây vú sữa gợi cho cậu bé nhớ đến mẹ là: Lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con.

1.4.2. Luyện tập

Câu 1: Theo em, nếu được gặp lại mẹ, cậu bé sẽ nói lời xin lỗi thế nào? Mẹ sẽ an ủi cậu thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

- Cậu bé: Mẹ ơi con xin lỗi mẹ! Con đã sai rồi. Con hứa với mẹ sau này con sẽ nghe lời mẹ, không làm mẹ buồn nữa.

- Mẹ: Con biết lỗi là được rồi. Sau này mẹ con mình phải yêu thương nhau nhiều hơn nhé!

Câu 2: Dựa theo truyện Sự tích cây vú sữa, hãy cùng bạn hỏi đáp theo mẫu câu Ai thế nào?

a) Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa.

b) Những đài hoa nở trắng như mây.

c) Trái cây chín và ngọt thơm như sữa mẹ.

(M) - Lúc đầu, cậu bé thế nào?

      - Lúc đầu, cậu bé ham chơi.

Hướng dẫn trả lời:

a. Khi cậu bé đi, cảnh vật ở nhà như thế nào?

=> Cảnh vật ở nhà vẫn như xưa.

b. Những đài hoa như thế nào?

=> Những đài hoa nở trắng như mây.

c. Trái cây như thế nào?

=> Trái cây chín và ngọt thơm như sữa mẹ.

1.5. Kể chuyện

Câu 1: Kể lại từng đoạn của câu chuyện Sự tích cây vú sữa theo các ý tóm tắt sau:

Hướng dẫn trả lời:

* Đoạn 1:

Ngày xưa, có một cậu bé tính ham chơi. Mẹ đã nhắc nhở nhiều lần nhưng cậu bé vẫn không thay đổi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu ta vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi mà chẳng nghĩ đến mẹ đang ở nhà mỏi mắt chờ mong.

* Đoạn 2:

Qua nhiều ngày, vừa đói vừa rét, cậu bé mới nghĩ đến việc cần tìm đường về nhà. Về tới nhà, cảnh vật vẫn như xưa, chỉ có mẹ là không thấy đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ, rồi ôm lấy cây xanh trong vườn mà khóc. Cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây. Hoa tàn rồi quả cũng nhanh chóng xuất hiện, da xanh óng rồi chín.

* Đoạn 3:

Một quả rơi vào lòng cậu. Khi cậu vừa chạm vào thì một dòng sữa trắng trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.

* Đoạn 4:

Cậu nhìn lên tán lá. Lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Thấy nhớ và thương mẹ quá, cậu bé òa khóc. Cây lại xòa cành ôm cậu, như tay mẹ âu yếm vỗ về.

Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu bé, ai cũng thích. Họ đem hạt gieo trồng khắp nơi và gọi đó là cây vú sữa.

Câu 2: Em mong câu chuyện kết thúc như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

Ví dụ:

Cậu nhìn lên tán lá. Lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Thấy nhớ và thương mẹ quá, cậu bé òa khóc. Cây lại xòa cành ôm cậu, như tay mẹ âu yếm vỗ về. Một bà tiên hiện lên nói với cậu bé rằng:

- Vì sao con khóc?

Cậu bé trả lời:

- Con khóc vì con con đã mắc lỗi lớn khiến mẹ không thể sống cùng con nữa.

Bà tiên hiền từ đáp:

- Con có muốn mẹ quay về với con không? Hãy nói cho ta biết con đã mắc lỗi gì?

Cậu bé khóc thút thít rồi nói:

- Con xin lỗi mẹ, con hư khiến mẹ phiền lòng. Con xin hứa với mẹ sau này sẽ chăm ngoan và nghe lời mẹ. Con sẽ hiếu thảo với mẹ, không để mẹ khóc vì con nữa.

Bà tiên mỉm cười xoa đầu cậu bé. Bà phất nhẹ cánh tay, mẹ cậu bé hiện ra giữa quầng sáng. Mẹ cười hiền dịu nhìn cậu bé như những ngày xưa. Cậu bé òa khóc chạy tới ôm lấy mẹ. Từ đó, hai mẹ con sống yêu thương nhau cho tới hết cuộc đời.

1.6. Bài viết 2

Câu 1: Kể một việc em đã làm thể hiện tình cảm yêu quý, biết ơn bố mẹ.

Gợi ý:

- Việc đó là việc gì?

- Em đã làm việc đó như thế nào?

- Thái độ của bố mẹ trước việc đó ra sao?

- Việc đó thể hiện tình cảm của em đối với bố mẹ mình như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

- Đó là việc em đã giúp đỡ bố mẹ những công việc trong nhà

- Khi đi học về em đã giúp bố mẹ quét nhà, quét sân, phụ mẹ nấu cơm, sắp xếp bàn ăn

- Bố mẹ rất vui và cảm động vì thấy em đã biết giúp đỡ bố mẹ những công việc vừa sức mình.

- Em muốn làm những việc như vậy để bố mẹ đỡ mệt hơn và có nhiều thời gian dành cho chính mình hơn.

Câu 2: Hãy viết 4 – 5 câu kể lại việc trên.

Hướng dẫn trả lời:

          Lúc rảnh rỗi, em thường giúp đỡ bố mẹ những công việc trong nhà. Khi đi học về, em đã giúp bố mẹ quét nhà, quét sân. Em phụ mẹ nấu cơm, sắp xếp bàn ăn. Những công việc nhỏ trong nhà ấy, em đều tự giác làm mà không cần ai nhắc nhở. Bố mẹ rất vui và cảm động vì thấy em đã biết giúp đỡ bố mẹ những công việc vừa sức mình. Em muốn làm những việc như vậy để bố mẹ đỡ mệt hơn và có nhiều thời gian dành cho chính mình hơn.

Bài tập minh họa

Chọn 1 trong 2 đề sau:

a. Viết về một món quà mà bố mẹ đã tặng em

Gợi ý:

- Đó là món quà gì?

- Bố mẹ đã tặng món quà đó nhân dịp gì?

- Món quà đó có gì đặc biệt?

- Em đã cảm ơn bố mẹ và thể hiện sự yêu thích món quà đó như thế nào?

- Hãy trang trí cho đoạn viết?

b. Viết về một món quà mà em đã tặng (hoặc sẽ tặng) bố mẹ.

Gợi ý:

- Đó là món quà gì?

- Em tặng bố mẹ món quà đó nhân dịp gì?

- Vì sao em tặng món quà đó?

- Hãy trang trí cho đoạn viết.

Hướng dẫn trả lời:

a. Viết về một món quà mà bố mẹ đã tặng em

Ví dụ:

Dịp sinh nhật vừa rồi, bố đã tặng em một chú gấu bông xinh xắn. Chú gấu có bộ lông màu nâu mềm mượt. Hai mắt tròn tròn, đen láy. Ở cổ còn được gắn một cái nơ màu đỏ rất dễ thương. Nhận được món quà này em đã rất xúc động. Khi ấy, em đã cảm ơn và ôm lấy bố. Em rất yêu món quà này. Nó giống như một người bạn thân thiết của em. Tối nào em cũng phải ôm gấu bông mới có thể ngủ ngon.

b. Viết về một món quà mà em đã tặng (hoặc sẽ tặng) bố mẹ

Ví dụ:

Chủ nhật vừa rồi là kỉ niệm mười năm ngày cưới của bố mẹ em. Em đã chuẩn bị một tấm thiệp tự làm bằng tay để tặng bố mẹ. Bên ngoài tấm thiệp có gắn những hình ảnh ngày thường của bố mẹ em. Bên trong em đã nắn nót ghi lời chúc gửi tới bố mẹ: “Chúc mừng kỉ niệm 10 năm ngày cưới của bố mẹ. Con mong nhà mình sẽ luôn vui vẻ và hạnh phúc như thế này. Con yêu bố mẹ!”. Khi nhận được tấm thiệp, bố mẹ em đã rất vui và hạnh phúc. Nhìn vào khuôn mặt tràn đầy sự xúc động của bố mẹ, em cảm thấy rất vui.

Luyện tập

- Học xong bài này, các em cần nắm:

+ Đọc rõ ràng, rành mạch, lưu loát toàn bài Tập đọc.

+ Hiểu nội dung bài tập đọc Nấu bữa cơm đầu tiên, Sự tích cây vú sữa

+ Biết thể hiện sự quan tâm, chăm sóc các thành viên trong gia đình

Bài học bổ sung