Bài 14: Công cha nghĩa mẹ
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Chia sẻ
Câu 1: Trong mỗi bức tranh trang 112, bố mẹ đang làm gì?
Hướng dẫn trả lời:
- Tranh 1: Bố lau nhà và mẹ đang nấu cơm
- Tranh 2: Bố mẹ đang cuốc đất ngoài ruộng
- Tranh 3: Mẹ đưa con đến trường.
- Tranh 4: Bố chăm sóc con khi con ốm
Câu 2: Sử dụng tranh, ảnh mang đến lớp, giới thiệu về bố (mẹ) của em.
Gợi ý:
- Bố (mẹ) em bao nhiêu tuổi, làm nghề gì?
- Bố (mẹ) yêu quý em như thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
Ví dụ:
- Bố em năm nay đã 40 tuổi rồi nhưng vẫn rất trẻ trung và phong độ. Bố em là bác sĩ làm việc ở bệnh viện tỉnh. Hằng ngày, bố phải vất vả làm việc để kiếm tiền nuôi chúng em. Khi trở về nhà, bố thường gạt công việc sang một bên để dành thời gian chăm sóc và vui chơi với chúng em.’
- Mẹ em năm nay 30 tuổi. Mẹ trẻ trung và xinh đẹp. Mẹ là giáo viên trường Trung học cơ sở. Mẹ là người chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho chúng em. Mẹ cũng là người hi sinh thời gian, niềm vui của mình để chúng em được hưởng một cuộc sống vui vẻ và tốt đẹp nhất.
1.2. Bài đọc 1
Con chả biết được đâu
(Trích)
Mẹ đan tấm áo nhỏ
Bây giờ đang mùa xuân
Mẹ thêu vào chiếc khăn
Cái áo và cái lá
Mẹ đi trên hè phố
Nghe tiếng con đạp thầm
Mẹ nghĩ đến bàn chân
Và con đường tít tắp.
Thường trong nhiều câu chuyện
Bố vẫn nhắc về con
Bố mới mua chiếc chăn
Dành riêng cho con đắp.
Áo con bố đã giặt
Thơ con bố viết rồi
Các anh con hỏi hoài:
- Bao giờ sinh em bé?
Cả nhà mong con thế
Con chả biết được đâu
XUÂN QUỲNH
Từ ngữ:
- Chả: chẳng, không
- Hỏi hoài: hỏi mãi
1.2.1. Đọc hiểu
Câu 1: Bài thơ là lời của ai nói với ai?
Hướng dẫn trả lời:
Bài thơ là lời của người mẹ nói với đứa con đang ở trong bụng mình.
Câu 2: Mẹ và bố chuẩn bị những gì để đón con ra đời?
Hướng dẫn trả lời:
Những thứ mà mẹ và bố đã chuẩn bị để đón con chào đời là:
- Mẹ: đan áo, thêu hoa lá và khăn
- Bố: mua chăn, giặt áo, viết thơ
Câu 3: Các anh quan tâm đến em bé sắp sinh như thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
Các anh quan tâm đến em bé sắp sinh bằng việc cứ hỏi bố mẹ hoài: Bao giờ sinh em bé?
Câu 4: Em hiểu “con đường tít tắp” trong khổ thơ 2 là gì? Chọn ý đúng:
a) Đường giao thông
b) Tương lai của con
c) Hè phố
Hướng dẫn trả lời:
Em hiểu “con đường tít tắp” trong khổ thơ 2 là chỉ tương lai của con
Chọn đáp án: b
1.2.2. Luyện tập
Câu 1: Ghép các tiếng thương yêu, quý, mến, kính với nhau để được ít nhất 5 từ (mỗi từ gồm 2 tiếng).
(M) yêu thương
Hướng dẫn trả lời:
Thương yêu, yêu mến, thương mến, yêu quý, quý mến, kính yêu, kính mến, mến thương, mến yêu,...
Câu 2: Đặt câu với một từ em vừa tìm được ở bài tập 1.
Hướng dẫn trả lời:
- Bố mẹ thương yêu các con.
- Cô giáo em thường dặn rằng bạn bè phải yêu quý nhau.
1.3. Bài viết 1
Câu 1: Nghe – viết:
Cho Con
(Trích)
Ba sẽ là cánh chim
Đưa con đi thật xa
Mẹ sẽ là cành hoa
Cho con cài lên ngực.
Ngày mai con khôn lớn
Bay đi khắp mọi miền
Con đừng quên con nhé
Ba mẹ là quê hương!
TUẤN DŨNG
Câu 2: Chọn chữ phù hợp với ô trống: ng hay ngh?
- Cả nhà quây quần trong ∎ày ∎ỉ.
- Gió thổi hàng cây ∎iêng ngả.
- Tiếng chuông chiều ∎ân ∎a.
Hướng dẫn trả lời:
- Cả nhà quây quần trong ngày nghỉ.
- Gió thổi hàng cây nghiêng ngả.
- Tiếng chuông chiều ngân nga.
Câu 3: Chọn chữ hoặc vần phù hợp với ô trống rồi giải câu đố:
a. Chữ ch hay tr?
Một ngày mẹ sinh được ∎iệu con
Rạng ngày lặn hết, ∎ỉ còn một cha
Mặt mẹ tươi đẹp như hoa
Mặt cha nhăn nhó ∎ẳng ma nào nhìn.
(Là những gì)
b) Vần ac hay at?
Từ tre từ trúc mà ra
Thành bạn thân thiết h∎ ca cùng người.
Thon dài một đốt thế thôi
Mà bao nốt nh∎ thành lời ngân nga.
(Là cái gì?)
Hướng dẫn trả lời:
a. Chữ ch hay tr?
Một mẹ sinh được triệu con
Rạng ngày lặn hết, chỉ còn một cha
Mặt mẹ tươi đẹp như hoa
Mặt cha nhăn nhó chẳng ma nào nhìn.
=> Đáp án: Mẹ là mặt trăng, con là sao, bố là mặt trời.
b) Vần ac hay at?
Từ tre từ trúc mà ra
Thành bạn thân thiết hát ca cùng người
Thon dài một đốt thế thôi
Mà bao nốt nhạc thành lời ngân nga.
=> Đáp án: cây sáo
Câu 4: Tập viết
a) Viết chữ hoa: M
Hướng dẫn trả lời:
- Cấu tạo: Gồm nét mọc ngược trái, nét thẳng đứng, nét xiên phải, nét mọc ngược phải.
- Cách viết:
+ Bước 1: Đặt bút dưới đường kẻ ngang 2, viết một nét móc ngược trái, hơi lượn sang phải, dừng dưới ĐK ngang 4, giữa đường kẻ dọc 2 và 3.
+ Bước 2: Không nhấc bút, viết nét thẳng đứng, dừng trên ĐK ngang 1.
+ Bước 3: Không nhấc bút, viết nét xiên phải, hơi lượn vòng hai đầu, dừng dưới ĐK ngang 4, bên phải ĐK dọc 3.
+ Bước 4: Không nhấc bút, viết nét móc ngược phải, dừng bút trên ĐK dọc 4, giữa ĐK ngang 1 và 2.
b) Viết ứng dụng: Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.
1.4. Bài đọc 2
Con nuôi
1. Một hôm, cô giáo cho cả lớp xem một bức tranh rồi hỏi:
- Các em có nhận xét gì về bức tranh này?
Đó là bức tranh vẽ một gia đình. Trong tranh, một cậu bé có màu tóc và khuôn mặt khác hẳn mọi người. Hầu như cả lớp đều nhận ra điều này. Hoàng nhanh nhảu giơ tay:
- Thưa cô, bạn này là con nuôi ạ.
2. Cô giáo mỉm cười:
- Em nói đúng rồi. Nhưng ai có thể nói về tình cảm giữa mọi người trong gia đình này?
Cô giáo vừa dứt lời thì Ngọc lên tiếng:
- Thưa cô, em nhận thấy mọi người trong gia đình này rất yêu quý nhau. Em biết vì em cũng là con nuôi ạ.
3. - Con nuôi là gì? - Một học sinh hỏi.
Không một chút chần chừ, Ngọc kiêu hãnh trả lời:
- Bố mẹ tớ bảo: “Con nuôi không được cha mẹ sinh ra nhưng được nuôi dưỡng và lớn lên từ trái tim yêu thương của cha mẹ.”.
Cô giáo và tất cả các bạn trong lớp dành cho Ngọc một tràng vỗ tay thật ấm áp.
Theo sách Hạt giống tâm hồn
Từ ngữ:
- Chần chừ: ngần ngại, chưa quyết tâm làm ngay.
- Kiêu hãnh: tự hào về giá trị của mình.
1.4.1. Đọc hiểu
Câu 1: Cô giáo yêu cầu học sinh làm gì?
Hướng dẫn trả lời:
Cô giáo yêu cầu học sinh xem một bức tranh rồi đưa ra nhận xét.
Câu 2: Vì sao Hoàng nhận ra bạn trai trong bức tranh là con nuôi?
Hướng dẫn trả lời::
Hoàng nhận ra bạn trai trong bức tranh là con nuôi bởi vì trong tranh bạn trai đó có màu tóc và khuôn mặt khác hẳn mọi người.
Câu 3: Theo Ngọc, tình cảm giữa mọi người trong bức tranh thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
Theo Ngọc, mọi người trong bức tranh có tình cảm rất tốt, mọi người đều yêu quý lẫn nhau.
Câu 4: Câu nói nào trong đoạn 3 giúp em hiểu: Bạn Ngọc được bố mẹ nuôi rất yêu thương?
Hướng dẫn trả lời:
Câu nói trong đoạn 3 giúp em hiểu: Bạn Ngọc được bố mẹ nuôi rất yêu thương là: “Con nuôi không được cha mẹ sinh ra nhưng được nuôi dưỡng và lớn lên từ trái tim yêu thương của cha mẹ."
1.4.2. Luyện tập
Câu 1: Nói lời đồng ý của em:
a) Với nhận xét của bạn Ngọc về bức tranh.
b) Với câu nói của bố mẹ bạn Ngọc.
Hướng dẫn trả lời:
Nói lời đồng ý của em.
a. Mình đồng ý với nhận xét của Ngọc. Mình cũng thấy các thành viên trong gia đình rất yêu quý nhau.
b. Mình đồng ý với nhận xét của Ngọc. Con nuôi tuy không được cha mẹ sinh ra nhưng được nuôi dưỡng và lớn lên bằng tình yêu thương của cha mẹ.
Câu 2: Đặt câu theo mẫu Ai thế nào? Để nói về:
a) Tình cảm của bố mẹ nuôi với bạn Ngọc.
b) Tình cảm của bạn Ngọc với bố mẹ nuôi.
Hướng dẫn trả lời:
a) Bố mẹ nuôi rất yêu thương Ngọc.
b) Ngọc rất yêu quý và biết ơn bố mẹ nuôi.
1.5. Trao đổi
Câu 1: Nghe bài hát và trao đổi với bạn:
a) Nhắc lại hoặc hát lại một vài câu em thích trong bài.
b) Bài hát giúp em hiểu điều gì?
Hướng dẫn trả lời:
a) Một vài câu hát trong bài mà em thích là: “Thắp sáng một gia đình”, “Lung linh, lung linh hai tiếng gia đình”,...
b) Bài hát giúp em hiểu rằng tình cảm gia đình là thứ tình cảm thiêng liêng, gắn kết với nhau.
Câu 2: Chia sẻ với các bạn về gia đình em.
Gợi ý:
- Gia đình em gồm những ai?
- Nói về từng người trong gia đình em (bố mẹ, anh chị em,...)
- Em yêu quý mọi người trong gia đình em như thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
- Gia đình tớ gồm có bố, mẹ, chị gái và em.
- Bố tớ là bác sĩ ở bệnh viện tỉnh. Bố là người vui tính và thường dạy chị em tớ rất nhiều điều hay lẽ phải. Mẹ tớ là giáo viên trường Trung học cơ sở. Mẹ hiền dịu và đảm đang. Chị gái tớ là học sinh lớp 5. Chị xinh xắn và học rất giỏi.
- Tớ rất yêu quý gia đình tớ. Tớ mong mọi người trong nhà luôn yêu thương nhau và không bao giờ phải xa nhau.
1.6. Bài viết 2
Câu 1: Kể về một việc bố mẹ đã làm để chăm sóc em.
Gợi ý:
- Việc đó là việc gì?
- Bố mẹ em đã làm việc đó như thế nào?
- Được bố mẹ chăm sóc, em cảm thấy thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
- Đó là việc: Bố mẹ chăm sóc em khi em bị ốm
- Bố mẹ đã nấu cháo cho em ăn, mua thuốc cho em uống. Thức đêm để chăm nom cho em.
- Được bố mẹ chăm sóc, em cảm thấy rất cảm động.
Câu 2: Hãy viết 4 – 5 câu kể lại việc trên
Hướng dẫn trả lời:
Bố mẹ luôn là người quan tâm và chăm sóc cho em hằng ngày. Có lần em bị sốt rất cao, bố mẹ là những người đã luon ở bên cạnh em khi ấy. Mẹ nấu cháo cho em ăn. Bố đi mua thuốc rồi dỗ cho em uống. Cả đêm hôm ấy, bố mẹ thay phiên nhau trông nom và chăm sóc cho em. Sáng hôm sau, em đã đỡ sốt. Bố mẹ vì em mà vất vả như vậy, em thấy rất cảm động và thấy yêu bố mẹ nhiều hơn nữa.
Bài tập minh họa
Câu 1: Em mang đến lớp quyển sách, bài báo viết về bố mẹ. Giới thiệu với các bạn quyển sách, bài báo của em.
Hướng dẫn trả lời:
Cuốn sách: Tuổi thơ im lặng của Duy Khán
Câu 2: Tự đọc một truyện (hoặc một bài thơ, bài báo). Viết vào vở hoặc phiếu đọc sách cảm xúc hoặc nhận xét của em về nhân vật trong câu chuyện (hoặc về bài thơ, bài báo) đó.
(M)
Quà của bố
Bố đi câu về, không một lần nào chúng tôi không có quà. Mở thúng câu ra là cả một thế giới dưới nước: cà cuống, niềng niễng đực, niềng niễng cái bò nhộn nhạo. Hoa sen đỏ, nhị sen vàng toả hương thơm lừng. Những con cá sập, cá chuối quẫy toé nước, mắt theo láo...
Bố đi cắt tóc về, cũng không lần nào chúng tôi không có quà. Mở hòm dụng cụ ra là cả một thế giới mặt đất: con xập xình, con muỗm to xù, ngó ngoáy. Hấp dẫn nhất là những con dế lạo xạo trong các vỏ bao diêm: toàn dế đực, cánh xoăn, gáy vang nhà và chọi nhau phải biết.
Quà của bố làm anh em tôi giàu quá!
Theo DUY KHÁN
- Nhộn nhạo: lộn xộn, không có trật tự.
- Mắt thao láo: mắt mở to, không chớp.
Luyện tập
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Đọc rõ ràng, rành mạch, lưu loát toàn bài Tập đọc.
+ Hiểu nội dung bài tập đọc Con nuôi, Cho con
+ Biết thể hiện sự quan tâm, chăm sóc các thành viên trong gia đình