Người lao động có con là F0 được hưởng quyền lợi gì?

Bùi Thế Hiển
Admin 23 Tháng hai, 2022

Bên cạnh vấn đề người lao động là F0 được hỗ trợ những gì? Thì nhiều bạn đọc cũng thắc mắc về việc người lao động có con là F0 được hưởng quyền lợi gì hay không? Vậy khi con không may trở thành F0, người lao động phải nghỉ làm ở nhà chăm con có được hưởng quyền lợi gì hay không? Mời các bạn tham khảo bài viết sau đây:

1. Người lao động có con là F0 được hưởng chế độ gì?

Căn cứ Điều 24 và khoản 2 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động có con là F0 sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau trong thời gian chăm con nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

1 - Tham gia BHXH bắt buộc.

2 - Phải nghỉ việc để chăm con dưới 07 tuổi ốm đau

3 - Con ốm có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

Thời gian nghỉ được giải quyết chế độ ốm đau sẽ xác định theo thời gian được ghi trên giấy ra viện của con (tính cả thời gian được bác sĩ chỉ định nghỉ thêm) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Tuy nhiên, thời gian hưởng chế độ cũng bị giới hạn tối đa theo khoản 1 Điều 27 Luật BHXH như sau:

- Con dưới 03 tuổi: Số ngày hưởng chế độ tối đa 20 ngày/năm/con.

- Con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi: Số ngày hưởng chế độ tối đa 15 ngày/năm/con.

(Thời gian nghỉ tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần)

Chú ý: Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì cha mẹ có thể lựa chọn cùng nghỉ hoặc nghỉ luân phiên để chăm con. Cả hai trường hợp này đều được giải quyết hưởng chế độ ốm đau tương ứng với từng người.

2. Mức hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ chăm con F0

Căn cứ Điều 28 Luật BHXH năm 2014, người lao động nghỉ làm chăm con dưới 07 tuổi là F0 được tính hưởng chế độ ốm đau theo công thức như sau:

Mức hưởng/ngày

=

75%

x

Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ

:

24

Lưu ý: Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc trước đó đã có thời gian đóng BHXH, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ hưởng chế độ ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng được tính dựa trên tiền lương đóng BHXH của tháng đó.

Ví dụ 1: Chị A đóng BHXH hằng tháng là 10 triệu đồng/tháng. Chị A có con 02 tuổi bị mắc Covid-19, phải nghỉ làm 18 ngày.

Khi đó, số tiền chế độ mà chị A được hưởng tính như sau:

Mức hưởng = 75% x 10 triệu đồng : 24 x 18 ngày = 5.625.000 đồng.

Ví dụ 2: Chị B đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng là 2 triệu đồng/tháng. Chị B có con 2 tuổi bị mắc COVID-19, phải nghỉ làm 18 ngày.

Khi đó, số tiền chế độ mà chị B được hưởng tính như sau:

Mức hưởng = 75% x 2 triệu đồng : 24 x 18 ngày = 1.125.000 đồng.

3. Thủ tục hưởng chế độ ốm đau cho người lao động có con là F0

Căn cứ Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019, hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ chăm con là F0 của người lao động được thực hiện như sau:

* Hồ sơ gồm:

- Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của con người lao động dưới 07 tuổi. Nếu chuyển tuyến khám, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao Giấy chuyển tuyến hoặc Giấy chuyển viện.

- Trường hợp điều trị ngoại trú: Bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của 01 trong 02 người là bản sao, hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

* Thủ tục hưởng:

Bước 1: Nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động.

Thời hạn nộp: Trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Bước 2: Doanh nghiệp lập hồ sơ và gửi cơ quan BHXH.

- Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, doanh nghiệp lập Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau (Mẫu số 01B-HSB) và nộp cho cơ quan BHXH.

- Cơ quan BHXH giải quyết: Cơ quan BHXH cấp quận, huyện nơi doanh nghiệp đóng BHXH.

Bước 3: Cơ quan BHXH giải quyết hồ sơ.

- Thời hạn giải quyết: Tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

- Cách thức chi trả tiền:

+ Thông qua doanh nghiệp.

+ Thông qua tài khoản ATM của người lao động.

+ Trực tiếp tại cơ quan BHXH (trường hợp chưa nhận tại doanh nghiệp mà doanh nghiệp đã chuyển lại cho cơ quan BHXH).

Bên cạnh Mức hưởng bảo hiểm xã hội với người lao động có con là F0. Thì người lao động điều trị COVID-19 tại nhà cần làm gì để được hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội. Để hiểu rõ về vấn đề này cũng như các quy định khác, mời các bạn tham khảo bài viết: Điều trị F0 tại nhà, làm thế nào để được hưởng chế độ ốm đau?


Xem thêm