4 khoản tiền được nhận khi là F0

Bùi Thế Hiển
Admin 01 Tháng ba, 2022

Nếu bạn là F0, đây là 4 khoản tiền bạn được nhận. Mời các bạn tham khảo toàn bộ bài viết dưới đây để nắm rõ chính sách hỗ trợ F0. Đây cũng là câu hỏi mà nhiều bạn thắc mắc thời gian gần đây về vấn đề F0 được hỗ trợ những gì? Chính sách hỗ trợ COVID ra sao?

Mỗi ngày trên cả nước vẫn đang ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới, hầu hết các địa phương đều đang áp dụng cách điều trị F0 tại nhà. Nếu mắc Covid-19, ngoài thông tin về việc các loại thuốc điều trị, thời gian cần cách ly… bạn cần nắm được quyền lợi mà mình sẽ được hưởng.

1. Tối đa 3 triệu đồng từ công đoàn

Tại Quyết định 3749/QĐ-TLĐ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định đoàn viên, người lao động là F0 không vi phạm quy định về phòng, chống dịch được nhận hỗ trợ như sau:

- Tối đa 03 triệu đồng nếu/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế theo giấy xác nhận của cơ quan y tế;

- Tối đa 1,5 triệu đồng/người nếu điều trị tại nhà từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế dưới 21 ngày theo xác nhận của cơ quan y tế.

Về nguyên tắc, mỗi trường hợp F0 chỉ được hỗ trợ một lần dù nhiều lần dương tính.

Về thủ tục để được nhận tiền hỗ trợ, Công đoàn từng địa phương lại có hướng dẫn cụ thể. Theo Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh tại Công văn số 1101/LĐLĐ-TC.

- Nếu thuộc trường hợp được hỗ trợ 03 triệu đồng, F0 cần nộp bản photo giấy ra viên hoặc hồ sơ bệnh án (các loại giấy tờ này phải thể hiện số ngày điều trị nội trú hoặc ngày vào - ra viện).

- Nếu thuộc trường hợp được hỗ trợ 1,5 triệu đồng: F0 điều trị nội trú nộp giấy tờ như trường hợp trên; nếu điều trị tại nhà cần nộp bản photo giấy hoàn thành cách ly y tế hoặc văn bản cách ly y tế do cơ quan có thẩm quyền cấp (có thể hiện số ngày cách ly tại nhà).

Tiếp nhận hồ sơ là cho công đoàn cơ sở hoặc doanh nghiệp tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở.

2. Tiền bảo hiểm của chế độ ốm đau

Người lao động bị nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc, có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo Điều 25 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Theo Điều 26 của Luật này, thời gian hưởng chế độ ốm đau trong năm của người lao động như sau:

- Nếu làm việc trong điều kiện bình thường:

­­+ 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.

+ 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 - dưới 30 năm.

+ 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm.

- Nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm:

+ 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm.

+ 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm.

+ 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở trở lên.

Trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Theo Công văn 238/BYT-KCB, F0 cần chuẩn bị bản chính hoặc bản sao giấy ra viện (nếu điều trị nội trú) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (nếu điều trị ngoại trú) sau đó chuyển cho người sử dụng lao động để làm thủ tục hưởng chế độ.

3. Tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid

Sau khi điều trị Covid-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày (theo Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2,235 triệu đồng.

4. Tiền lương do người sử dụng lao động trả

Trong trường hợp người lao động vẫn còn ngày nghỉ phép năm thì thời gian nghỉ việc để điều trị Covid-19 có thể trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do đó, trong những ngày này người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.

Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

5. Khám hậu Covid-19 có được hưởng bảo hiểm y tế không?

Mặc dù đã điều trị khỏi Covid-19 nhưng nhiều bệnh nhân vẫn phải đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài. Theo đó, nếu đi khám và điều trị hậu Covid-19, người bệnh có được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) không? Mời các bạn tham khảo.

Có được thanh toán BHYT khi đi khám hậu Covid-19 không?

Theo quy định hiện hành, bất kì ai tham gia BHYT cũng được hưởng các quyền lợi về BHYT khi đi khám, chữa bệnh.

Và tất nhiên, các trường hợp khám và điều trị hậu Covid-19 cũng sẽ được thanh toán chi phí tương ứng với các mức khác nhau tùy vào đối tượng tham gia BHYT.

Cụ thể, theo Điều 22 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, người bệnh sẽ được hưởng quyền lợi như sau:

* Đi khám, chữa bệnh đúng tuyến:

Người sẽ được thanh toán chi phí trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT với mức hưởng như sau:

  • 100% chi phí khám, chữa bệnh dành cho các trường hợp là bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở…
  • 95% chi phí khám, chữa bệnh dành cho những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ cận nghèo…
  • 80% chi phí khám, chữa bệnh dành cho các đối tượng khác.

* Đi khám, chữa bệnh đúng tuyến:

Nếu tự đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến mà không có giấy giới thiệu thì tùy tuyến khám chữa bệnh mà người tham gia BHYT sẽ được thanh toán như sau:

  • Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;
  • Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú.
  • Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Mức hưởng trái tuyến này được áp dụng đối với tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên phạm vi cả nước (Theo Công văn 627/BYT-BH năm 2021).

Lưu ý: Những trường hợp không tham gia BHYT sẽ không được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh hậu Covid-19. Tại Văn bản số 947/SYT-KHTH của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng nói rõ, người không tham gia BHYT sẽ được áp dụng mức giá theo quy định tại Thông tư 14/2019/TT-BYT.

Tự ý tăng giá khám sức khỏe hậu Covid-19, bệnh viện bị phạt thế nào?

Lợi dụng nhu cầu thăm khám, điều trị các di chứng hậu Covid-19, nhiều bệnh viện đã tự ý tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh hoặc gợi ý người bệnh tham gia gói khám sức khỏe hậu Covid-19.

Hành vi này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý các hoạt động trong lĩnh vực y tế.

Theo khoản 2a Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP, hành vi thu giá dịch vụ khám, chữa bệnh với giá cao sẽ bị phạt như sau:

2a. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết;

b) Thu cao hơn chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã được bảo hiểm y tế thanh toán, trừ trường hợp khoản thu chênh lệch do sử dụng dịch vụ theo yêu cầu, do vượt quá phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế.

Như vậy, nếu vi phạm, bệnh viện có thể bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng.

>> Có được hưởng bảo hiểm y tế khi khám và điều trị hậu COVID-19 không?

Trên đây là 4 khoản tiền được nhận khi là F0, các bạn nên biết để không bị mất quyền lợi của mình. Để biết thêm nhiều thông tin quan trọng khác, mời các bạn truy cập vào chuyên mục Văn bản pháp luật.


Xem thêm