Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 9: Tập đọc - Cái gì quý giá nhất

Admin
Admin 20 Tháng một, 2021

Giáo án Tiếng việt lớp 5

Giáo án Tiếng Việt lớp 5 tuần 9: Tập đọc - Cái gì quý nhất giúp các em học sinh biết cách đọc đúng các tiếng có âm, vần, đọc diễn cảm bài văn với giọng kể, phân biệt được lời dẫn chuyện và lời nhân vật, đồng thời hiểu được nội dung bài tập đọc. Mời các thầy cô tham khảo giảng dạy.

Tập đọc

Cái gì quý nhất

I. Mục tiêu

1. Đọc thành tiếng

- Đọc đúng các tiếng có âm, vần và thanh điệu dễ lẫn do ảnh hưởng của phát âm địa phương. Đọc lưu loát toàn bài, ngắt nghỉ hơi đúng sau mỗi dấu câu và giữa các cụm từ.

- Biết đọc diễn cảm bài văn với giọng kể, phân biệt được lời dẫn chuyện và lời nhân vật. Lời người dẫn chuyện chậm rãi phù hợp với tình tiết diễn biến của cuộc tranh luận. Giọng của các bạn tranh luận sôi nổi. Giọng của thầy giáo giảng giải, ôn tồn.

2. Đọc hiểu

- Hiểu các từ ngữ trong bài.

- Hiểu được vấn đề tranh luận (Cái gì quý nhất?) và ý được khẳng định (Người lao động là quý nhất).

II. Đồ dùng dạy - học

- Tranh minh họa bài đọc trong SGK (phóng to).

- Bảng phụ viết sẵn những câu văn cần hướng dẫn HS luyện đọc.

III. Các hoạt động dạy - học

Hoạt động dạy

Hoạt động học

A. Kiểm tra bài cũ

- Gọi hai HS lên bảng đọc bài thơ Trước cổng trời sau đó trả lời câu hỏi về nội dung.

- Nhận xét và cho điểm HS.

- HS thực hiện theo yêu cầu của GV.

B. Dạy bài mới

1. Giới thiệu bài

- Trong cuộc sống của chúng ta cái gì cũng đáng yêu đáng quý, nhưng cái gì là quý nhất? Để biết ba bạn Hùng, Quý, Nam tranh luận với nhau thế nào về câu hỏi này và thầy giáo đã giảng giải ra sao, chúng ta cùng đọc và tìm hiểu bài tập đọc Cái gì quý nhất?

- HS lắng nghe.

- GV ghi tên bài lên bảng.

- HS nhắc lại tên đầu bài và ghi vào vở

2. Hướng dẫn luyện đọc và tìm hiểu bài

a) Luyện đọc đúng

- GV yêu cầu một HS đọc toàn bài.

- Một HS đọc bài. Cả lớp theo dõi đọc thầm trong SGK.

- GV chia đoạn để HS luyện đọc.

- HS nhận biết các đoạn trong bài:

* Đoạn 1: Từ đầu đến…sống được không

* Đoạn 2: Tiếp theo đến …thầy giáo phân giải.

* Đoạn 3: Còn lại.

- GV gọi ba HS tiếp nối nhau đọc từng đoạn của bài, GV chú ý sửa lỗi phát âm, ngắt giọng cho từng HS (nếu có).

- Ba HS nối tiếp nhau đọc bài. Mỗi HS đọc một đoạn của bài.

- GV có thể ghi bảng những từ ngữ HS hay phát âm sai để luyện phát âm cho HS.

- HS luyện đọc các tiếng GV ghi trên bảng lớp.

- Gọi ba HS nối tiếp nhau đọc bài lần 2.

- Ba HS đọc nối tiếp bài lần 2, mỗi HS đọc một đoạn của bài. Cả lớp đọc thầm theo dõi và nhận xét bạn đọc.

- GV yêu cầu một HS đọc các từ được chú giải trong SGK.

- GV hỏi HS nêu thêm những từ mà các em chưa hiểu nghĩa, tổ chức cho các em tự giải nghĩa cho nhau hoặc giải nghĩa các từ mà các em không biết.

- Một HS đọc to các từ được chú giải. Cả lớp theo dõi trong SGK.

- HS có thể nêu thêm các từ mà các em chưa hiểu nghĩa, các em có thể trao đổi để giải nghĩa cho nhau hoặc nghe GV giải nghĩa.

- Yêu cầu HS luyện đọc theo cặp.

- Hai HS ngồi cùng bàn nối tiếp nhau đọc từng đoạn của bài.

- Gọi ba HS đọc toàn bài.

- Ba HS nối tiếp đọc nhau đọc từng đoạn của bài trước lớp.

- GV đọc diễn cảm toàn bài.

- HS theo dõi giọng đọc của GV.

b) Tìm hiểu bài

- Yêu cầu HS đọc thầm đoạn 1, 2 và trả lời câu hỏi: Trên đường đi học về Hùng, Quý, Nam đã tranh luận với nhau điều gì?

- Trên đường đi học về Hùng, Quý, Nam đã tranh luận với nhau xem cái gì là quý nhất?

- Theo Hùng, Quý, Nam, cái quý nhất trên đời là gì? (GV ghi bảng theo lời HS : lúa gạo, vàng, thì giờ.

- HS trả lời:

+ Hùng: (quý nhất là) lúa gạo.

+ Quý: (quý nhất là) vàng.

+ Nam: (quý nhất là ) thì giờ.

- Các bạn đã đưa lí lẽ gì để bảo vệ ý kiến của mình? (GV ghi bảng tóm tắt ý kiến trên).

- HS trả lời:

+ Với Hùng quý nhất là lúa gạo vì "có thấy ai không ăn mà sống được không". Nghĩa là lúa gạo nuôi sống con người, do đó lúa gạo là quý nhất.

+ Với Quý thì vàng là quý nhất , vì mọi người vẫn nói "Quý như vàng". Vả lại "Có vàng là có tiền, có tiền sẽ mua được lúa gạo".

+ Còn Nam, để khẳng định thì giờ là quý nhất, cậu ta lập luận khá hùng hồn: " Thầy giáo thường nói thì giờ quý hơn vàng bạc. Có thì giờ mới làm ra được lúa gạo, vàng bạc".

- GV nêu vấn đề: Lí lẽ của các bạn đưa ra đã chắc chắn và đầy đủ chưa? Các em hãy đọc tiếp lời phân giải của thầy giáo và trả lời câu hỏi 3: Vì sao thầy giáo cho rằng người lao động mới là quý nhất?

- HS đọc thầm đoạn văn trong SGK và trả lời:

+ Lúa gạo, vàng, thì giờ đều rất quý, nhưng chưa phải là quý nhất.

+ Không có người lao động thì không có lúa gạo, vàng bạc (không có mọi thứ) và thì giờ cũng trôi qua một cách vô vị vì vậy người lao động là quý nhất.

- Tại sao nói lời giảng giải của thầy giáo hết sức thuyết phục? (nếu HS không trả lời được thì giáo viên giảng giải cho HS rõ)

- Thầy công nhận ý kiến của ba bạn đưa ra đều có ý đúng. Điều đó chứng tỏ thầy đã lắng nghe và hiểu ý kiến của các bạn. Trên cơ sở ý kiến của các bạn thầy chỉ ra những thiếu sót mà các bạn chưa nghĩ ra. Lập luận của thầy hết sức chặt chẽ không bác bỏ được. Trong tranh luận nói như thế gọi là nói có lí, có tình.

- Câu chuyện trên giúp hiểu được điều gì?

- Người lao động là quý nhất trên đời.

- Hãy chọn tên khác cho bài văn và có thể cho biết vì sao em lại chọn cái tên đó?

- HS phát biểu tự do:

+ Người lao động là cao quý nhất. (Vì qua bài này cho ta biết điều đó).

+ Một cuộc tranh luận. (Vì câu chuyện này kể về một cuộc tranh luân).

+ Của cải, thời gian chưa phải là quý nhất.( Vì qua câu chuyện chúng ta hiểu được điều đó).

+ Truyện của ba cậu bé. (Vì truyện kể về các cậu bé đang băn khoăn tranh luận để tìm hiểu xem cái gì quý nhất?).

+ ….

c) Luyện đọc diễn cảm

- Gọi ba HS đọc nối tiếp từng đoạn của bài. Yêu cầu cả lớp theo dõi, bạn đọc.

- Ba HS đọc nối tiếp diễn cảm ba đoạn của bài. Cả lớp theo dõi bạn đọc.

- GV hướng dẫn HS nhận xét để xác lập kĩ thuật giọng đọc diễn cảm của bài.

- HS nhận xét, tìm ra giọng đọc của bài, giọng của nhân vật (như trên).

- GV treo bảng phụ đoạn ghi sẵn giọng nói của nhân vật để hướng dẫn HS đọc diễn cảm:

- Theo tớ, quý nhấtlúa gạo. Các cậu có thấy ai không ănsống được không? ( Lời Hùng).

- Ai làm ra lúa gạo, vàng bạc, ai biết dùng thì giờ? Đó chính là người lao động, các em ạ! Không có người lao động thì không có lúa gạo, không có vàng bạc, nghĩa là tất cả mọi thứ đều không có và thì giờ cũng trôi qua một cách vô vị mà thôi. (Lời phân giải của thầy giáo).

+ GV đọc mẫu: Đọc phân biệt giọng nói: lời của Hùng thì gay gắt, lời của thầy giáo thì ôn tồn nhẹ nhàng; nhấn giọng những từ quan trọng trong ý kiến của từng nhân vật, hay kéo dài giọng để góp phần diễn tả nội dung và bộc lộ thái độ.

+ HS lắng nghe và một vài HS luyện đọc theo yêu cầu của GV.

- Yêu cầu HS đọc phân vai theo nhóm năm.

- Năm HS một nhóm, phân vai (HS 1 vai người dẫn chuyện, HS 2 vai Hùng, HS 3 vai Nam, HS 4 vai Quý, HS 5 vai Nam, HS 6 vai thầy giáo) và đọc trong nhóm..

- Thi các nhóm đọc diễn cảm bài văn trước lớp.

- Hai nhóm HS thi đọc phân vai trước lớp.

- GV nhận xét cho điểm từng HS.

3. Củng cố, dặn dò

- Qua cuộc tranh luận trong câu chuyện trên giúp em hiểu được điều gì?

- Người lao động là quý nhất.

- Vậy khi tranh luận một vấn đề nào đó với người khác chúng ta phải tranh luận như thế nào là tốt nhất?

- Lắng nghe và hiểu ý kiến của người tranh luận với mình. Khi tranh luận với bạn thái độ phải ôn tồn. Tranh luận về một vấn đề gì thì phải có lí lẽ chặt chẽ để bảo vệ ý kiến của mình.

- GV nhận xét giờ học. Dặn HS về nhà tiếp tục luyện đọc bài tập đọc và đọc trước bài tập đọc tiếp theo.

- HS ghi nhớ về nhà thực hiện theo yêu cầu của GV.


Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!

Xem thêm