Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 5: Luyện từ và câu - Từ đồng âm

Admin
Admin 20 Tháng một, 2021

Giáo án Tiếng việt lớp 5

Giáo án Tiếng Việt lớp 5 tuần 5: Luyện từ và câu - Từ đồng âm được biên soạn chuẩn kỹ năng, kiến thức giúp các em dễ dàng hiểu được thế nào là từ đồng âm. Đồng thời, nhận diện được một số từ đồng âm trong giao tiếp. Biết phân biệt nghĩa của các từ đồng âm. Mời các thầy cô tham khảo giảng dạy.

Luyện từ và câu

Từ đồng âm

I. Mục tiêu

1. Hiểu thế nào là từ đồng âm.

2. Nhận biết được một số từ đồng âm trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Biết phân biệt nghĩa của các từ đồng âm.

II. Đồ dùng dạy - học

- Các mẩu chuyện, câu đố vui,... sử dụng từ đồng âm.

- Một số tranh ảnh nói về các sự vật, hiện tượng, hoạt động ... có tên gọi giống nhau.

III. Các hoạt động dạy - học

Hoạt động dạy

Hoạt động học

A. Kiểm tra bài cũ

- GV gọi HS đọc kết quả làm Bài tập 3 (tiết Luyện từ và câu trước) mà các em hoàn thiện ở nhà vào vở.

- Hai HS lên bảng thực hiện theo yêu cầu của GV.

- GV nhận xét, cho điểm việc làm bài và học bài của HS.

- HS lắng nghe.

B. Bài mới

1. Giới thiệu bài

- Các em đã biết trong tiếng Việt có hiện tượng các từ đồng nghĩa, trái nghĩa nhau. Trong tiết học hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu một hiện tượng khác của từ tiếng Việt đó là từ đồng âm.

- HS lắng nghe.

- GV ghi tên bài lên bảng.

- HS nhắc lại tên đầu bài và ghi vào vở.

2. Phần Nhận xét

Bài tập 1, 2

- Yêu cầu HS đọc Bài tập 1 trong phần Nhận xét.

- Một HS đọc bài. Cả lớp theo dõi đọc thầm trong SGK.

- Trong hai câu văn ở Bài tập 1 có từ nào giống nhau.

- Từ câu giống nhau.

- GV yêu cầu HS: Đọc Bài tập 2 và suy nghĩ trả lời xem từng từ câu có trong Bài tập 1 đúng với dòng nghĩa nào ở trong Bài tập 2.

- HS suy nghĩ và trả lời:

+ Từ câu trong câu văn ông ngồi câu cá ứng với nét nghĩa bắt cá, tôm,.. bằng móc sắt nhỏ (thường có mồi) buộc ở đầu một sợi dây.

+ Từ câu trong câu văn đoạn văn này có 5 câu ứng với nét nghĩa đơn vị của lời nói diễn đạt một ý trọn vẹn, trên văn bản được mở đầu bằng chữ cái viết hoa và kết thúc bằng một dấu ngắt câu.

- GV chốt lại: Hai từ câu ở hai câu văn trong ví dụ trên phát âm hoàn toàn giống nhau (đồng âm) nhưng nghĩa khác nhau. Những từ như thế được gọi là những từ đồng âm. Vậy từ đồng âm là gì?

- HS lắng nghe và trả lời: Từ đồng âm là những từ giống nhau về mặt âm thanh nhưng khác hẳn nhau về nghĩa.

3. Phần Ghi nhớ

- Yêu cầu HS đọc ghi nhớ trong SGK.

- Hai đến ba HS đọc phần ghi nhớ.

- Gọi HS nhắc lại nội dung Ghi nhớ và lấy ví dụ minh họa.

- Một đến hai HS nhắc lại phần ghi nhớ và lấy ví dụ minh họa.

4. Phần Luyện tập

Bài tập 1

- Yêu cầu một HS đọc toàn bài.

- Một HS đọc toàn bài, cả lớp theo dõi đọc thầm.

- Yêu cầu HS làm việc theo cá nhân, sau khi làm bài xong trao đổi kết quả với bạn bên cạnh.

- HS làm bài vào giấy nháp, sau khi làm bài xong trao đổi bài với bạn.

- Gọi HS trình bày, GV theo dõi gọi HS nhận xét và cùng chốt lại ý kiến đúng.

- HS lần lượt trình bày kết quả. Cả lớp theo dõi nhận xét, cùng GV chốt lại lời giải đúng.

Đáp án:

a) - Đồng (cánh đồng) là khoảng đất rộng và bằng phẳng, dùng để cày cấy, trồng trọt.

- Đồng (tượng đồng) là kim loại có màu đỏ, dễ dát mỏng và kéo sợi, thường làm dây điện và chế hợp kim.

- Đồng (một nghìn đồng) là một đơn vị tiền tệ.

b) - Đá (hòn đá) là một chất rắn cấu tạo nên vỏ trái đất, kết thành từng tảng, từng hòn.

- Đá (đá bóng) là một hoạt động đưa nhanh chân và hất mạnh bóng cho xa ra hoặc đưa bóng vào khung thành đối phương.

c) - Ba (ba và má) tiếng của người miền Nam dùng để gọi bố (cha).

- Ba (ba tuổi) là chỉ một số tiếp theo số 2 trong dãy tự nhiên.

Bài tập 2

- Yêu cầu một HS đọc toàn bài.

- Một HS đọc toàn bài, cả lớp theo dõi đọc thầm.

- Yêu cầu HS quan sát mẫu, tự làm bài.

- HS làm việc cá nhân. Ba HS lên bảng làm bài (mỗi HS đặt ít nhất hai câu như mẫu). HS dưới lớp làm bài vào vở.

- Gọi HS nhận xét, chữa bài của bạn trên bảng.

- Nhận xét, chữa bài.

- Gọi HS dưới lớp nối tiếp đọc câu văn của mình. GV chú ý sửa lỗi ngữ pháp hoặc cách dùng từ cho từng HS (nếu có).

- HS lần lượt đọc bài làm của mình.

Ví dụ:

- Cờ: Khắp phố phường rợp bóng cờ bay./ Học sinh lớp 5A đang chơi cướp cờ./ Đây là một nước cờ tàn rất hay./...

- Bàn: Vua tôi đang bàn việc nước./ Trên bàn có một lọ hoa./ Bàn tay mẹ bế chúng con./...

- Nước: Nước suối trong leo lẻo./ Nước mất nhà tan./ Đến nước này thì tôi cũng xin chịu./...

Bài tập 3

- Yêu cầu một HS đọc toàn bài.

- Một HS đọc toàn bài, cả lớp theo dõi đọc thầm.

- Yêu cầu HS trao đổi, thảo luận theo nhóm đôi.

- HS trao đổi, thảo luận với bạn để tìm đáp án.

- Gọi HS trình bày.

- Đại diện các nhóm lần lượt trình bày ý kiến của nhóm mình.

- GV theo dõi gọi HS nhận xét và cùng chốt lại ý kiến đúng.

- Cả lớp theo dõi nhận xét.

Đáp án:

Đọc thư ba viết "ba đang giữ tiền tiêu cho Tổ quốc", bạn Nam tưởng rằng ba mình đã chuyển sang làm việc ở ngân hàng vì nhầm lẫn hai từ đồng âm tiền tiêu (vị trí quân sự quan trọng có bố trí canh gác ở phía trước khu vực trú quân, hướng về phía địch) với tiền tiêu ( tiền để tiêu).

Bài tập 4: Tổ chức thi giải đố nhanh

- GV giới thiệu trò chơi giải đố nhanh, công bố cách thức luật chơi.

- HS lắng nghe.

- GV lần lượt nêu từng câu đố.

- HS suy nghĩ tìm lời giải cho từng câu đố.

- Gọi HS trình bày.

- HS giải đố.

- GV nhận xét và kết luận lời giải đúng.

- Cả lớp theo dõi, lắng nghe.

Giải đố:

- Câu a: là con chó thui; từ chín có nghĩa là nước chín chứ không phải là số chín.

- Câu b: Cây hoa súng và khẩu súng (khẩu súng còn gọi là cây súng).

- Nếu còn thời gian GV có thể đưa ra một vài câu đố khác tương tự để đố HS.

5. Củng cố, dặn dò

- Gọi HS nhắc lại nội dung Ghi nhớ.

- Hai đến ba HS nhắc lại.

- GV nhận xét giờ học.

- HS lắng nghe.


Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!

Xem thêm