Giáo án Ngữ văn lớp 11 bài Đây thôn Vĩ Dạ
Giáo án môn Ngữ văn lớp 11 bài Đây thôn vĩ dạ
Giáo án Ngữ văn lớp 11 bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử được tổng hợp và biên soạn bởi đội ngũ giáo viên giỏi có nhiều năm kinh nghiệm nhằm cung cấp cho các thầy/cô tài liệu hỗ trợ đắc lực quá trình soạn bài giảng dạy. Bên cạnh đó, bài giáo án điện tử Ngữ văn 11 này còn giúp học sinh cảm nhận được tình yêu đời, lòng ham muốn mãnh liệt mà đầy uẩn khúc qua bức tranh phong cảnh Huế.
ĐÂY THÔN VĨ DẠ
- Hàn Mặc Tử -
I. Mức độ cần đạt
- Cảm nhận được tình yêu đời, lòng ham muốn mãnh liệt mà đầy uẩn khúc qua bức tranh phong cảnh Huế.
- Nhận biết được sự vận động của tứ thơ, của tâm trạng chủ thể trữ tình và bút pháp tài hoa, độc đáo của Hàn Mặc Tử.
II. Trọng tâm kiến thức, kĩ năng, thái độ sống
1. Kiến thức:
- Vẻ đẹp thơ mộng, đượm buồn của thôn Vĩ và nỗi buồn, cô đơn trong cảnh ngộ bất hạnh của một con người tha thiết yêu thiên nhiên, yêu sự sống.
- Phong cách thơ Hàn Mặc Tử qua bài thơ: một hồn thơ luôn quằn quại yêu, đau; trí tưởng tượng phong phú; hình ảnh thơ có sự hoà quyện giữa thực và ảo.
2. Kĩ năng:
- Đọc – hiểu một bài thơ trữ tình theo đặc trưng thể loại.
- Cảm thụ, phân tích tác phẩm thơ.
3. Thái độ sống:
- Nhận thức về giá trị cuộc sống từ cuộc đời và cảm xúc thơ Hàn Mặc Tử.
III. Cách thức tiến hành
- Diễn giảng kết hợp với các kĩ thuật dạy học: trải khăn bàn, trình bày một phút,...
IV. Chuẩn bị của giáo viên và học sinh
1. Giáo viên:
- Nắm vững nội dung, kiến thức cơ bản, cần thiết cho bài giảng.
- Dựa vào kiến thức trong SGK để triển khai bài học.
- Thiết kế giáo án nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.
2. Học sinh:
- Đọc kĩ kiến thức của bài học trong SGK.
- Soạn bài theo đề mục trong SGK và phần luyện tập.
V. Tiến trình giờ dạy học
1. Ổn định sĩ số:
2. Kiểm tra bài cũ:
3. Dẫn nhập bài mới: Trong phong trào thơ Mới 1932 - 1942, có một nhà thơ hết sức đặc biệt. Đặc biệt về tài thơ trác tuyệt, đặc biệt về cuộc đời ngắn ngủi, bất hạnh, về cái chết đau đớn và cả về những mối tình đơn phương, vô vọng. Nhưng chính đó lại là nguồn cảm hứng để nhà thơ sáng tác những tuyệt tác. Hàn Mặc Tử với "Đây thôn Vĩ Dạ" là một trường hợp như thế.
Hoạt động của giáo viên | Hoạt động của học sinh | Nội dung bài học |
I. Tìm hiểu chung: 1. Tác giả: *GV yêu cầu HS đọc phần tiểu dẫn. *Gv hỏi: Dựa vào tiểu dẫn và sự chuẩn bị bài ở nhà, em hãy khái quát một vài nét về nhà thơ Hàn Mặc Tử? * Gv nhận xét, chốt lại. Vậy bệnh phong đã có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời thi sĩ? GV giảng: Sau khi mắc căn bệnh nan y, thi sĩ đã coi mình như một cung nữ xấu số bị số phận oan nghiệt đẩy vào lãnh cung.Ấy là lãnh cung của sự chia lìa. Cơ hội về lại cuộc đời cơ hồ không còn nữa. Vô cùng yêu đời, thiết tha lưu luyến với cuộc đời, vậy mà giờ đây Hàn Mặc Tử chủ động cách li, quyết định tuyệt giao với tất cả. Nhưng tuyệt giao mà chẳng thể tuyệt tình, thậm chí càng tuyệt giao tình càng nhớ thương mãnh liệt hơn bao giờ hết. Hằng ngày, ở trong cái lãnh cung ấy, thi sĩ thèm khát thế giới ngoài kia: "Ngoài kia xuân đã thắm hay chưa? |
HS đọc phần Tiểu dẫn, phát biểu ngắn gọn về tác giả Hàn Mặc Tử. |
I. Tìm hiểu chung: 1. Tác giả: - Hàn Mặc Tử (1912-1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ra ở Đồng Hới, Quảng Bình. - Ông từng sống và làm việc ở Huế. Năm 1936, ông mắc bệnh phong và mất tại trại phong Quy Hòa (1940). - Tác phẩm chính: Gái quê, Thơ điên, Xuân như ý, Duyên kì ngộ,... - Hồn thơ mãnh liệt, gắn bó tha thiết với cuộc đời và quằn quại đau đớn. → Hàn Mặc Tử là nhà thơ tài hoa và bạc mệnh. |