Thi trắc nghiệm môn Lịch Sử có những mức độ nào?

Trong suốt thời gian vừa qua, khi Bộ GD công bố phương án thi THPT Quốc gia năm 2017 với sự thay đổi cơ bản hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, chúng tôi biết các em rất lo lắng là sẽ học như thế nào? Ôn tập ra sao để đạt kết quả cao nhất.

Phương pháp học môn Lịch sử để thi trắc nghiệm đạt điểm cao

Toàn bộ kiến thức về đọc hiểu thi THPT quốc gia

1260 câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử lớp 12

1. Hình thức thi trắc nghiệm khách quan là gì?

Hình thức thi trắc nghiệm khách quan đã được sử dụng trong kiểm tra, đánh giá ở bậc THPT trong nhiều năm, thường có 4 hình thức trắc nghiệm cơ bản được sử dụng là:

  • Trắc nghiệm đúng – sai: Chỉ gồm 2 lựa chọn là đúng hoặc sai.
  • Trắc nghiệm điền khuyết: Căn cứ vào dữ liệu, thông tin đã cho hoặc đã biết để điền vào chỗ trống theo yêu cầu của bài (có thể phần điền khuyết là một số câu trả lời ngắn của một câu hỏi).
  • Trắc nghiệm đối chiếu cặp đôi (ghép đôi): Với hai nhóm đối tượng đã cho, phải ghép nối một đối tượng của nhóm thứ nhất với một đối tượng của nhóm thứ hai thỏa mãn yêu cầu của bài.
  • Trắc nghiệm nhiều lựa chọn: là trắc nghiệm bao gồm hai phần: Phần mở đầu (câu dẫn): Nêu vấn đề và cách thực hiện. Phần thông tin: nêu các câu trả lời (các phương án) để giải quyết vấn đề, trong 4 phương án (A, B, C, D) chỉ có một phương án đúng, HS phải chọn ra được phương án này. Đây là hình thức được sử dụng chủ yếu trong bài thi THPT Quốc gia năm nay.

2. Có những mức độ câu hỏi như thế nào trong thi trắc nghiệm môn Lịch sử?

Kì thi THPT Quốc gia năm 2017 là kì thi tiếp tục chú trọng đến đánh giá năng lực học sinh. Nội dung ra đề chủ yếu trong chương trình lớp 12, đề thi hướng đến hai tiêu chí dùng xét tốt nghiệp và xét vào các trường Đại học cao đẳng. Cho nên đề thi sẽ có sự phân hóa từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Về cơ bản đề thi sẽ đảm bảo các mức độ sau đây:

Mức độ Biết: là những câu hỏi đơn giản mang tính chất tái hiện kiến thức lịch sử như sự kiện, ngày tháng, nhân vật.

Ví dụ: Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập vào thời gian nào?

A. Ngày 8/8/1967

B. Ngày 8/8/1968

C. Ngày 8/8/1969

D. Ngày 8/8/1970

Mức độ Hiểu: là những câu hỏi yêu cầu học sinh phải lí giải, phân tích, chứng minh được các vấn đề lịch sử dùng để đánh giá năng lực học sinh ở mức cao hơn.

Ví dụ: Vì sao cuộc bãi công của công nhân Ba Son (8-1925) được coi là một mốc quan trọng trên con đường phát triển của phong trào công nhân Việt Nam đầu thế kỉ XX?

A. Vì đã ngăn cản được tàu chiến Pháp chở lính sang đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Đông Nam Á.

B. Đánh dấu tư tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lênin được giai cấp công nhân Việt Nam tiếp thu.

C. Vì sau cuộc bãi công của công nhân Ba Son có rất nhiều cuộc bãi công của công nhân Chợ Lớn, Nam Định, Hà Nội...tổng bãi công.

D. Đánh dấu bước tiến mới của phong trào công nhân Việt Nam, giai cấp công nhân nước ta từ đây bước vào đấu tranh tự giác.

Mức độ Vận dụng (bao gồm vận dụng và vận dụng cao): là những câu hỏi yêu cầu học sinh phải đưa ra những nhận xét, đánh giá, bình luận. Vận dụng được kiến thức đã học để giải quyết một nhiệm vụ học tập hoặc một vấn đề thực tiễn đặt ra. Đây là nhóm câu hỏi phân hóa học sinh cao nhất.

Ví dụ: Phát biểu nào đúng nhất khi nhận xét về mục tiêu đấu tranh của các phong trào yêu nước dân chủ công khai những năm 1919- 1925?

A. Đòi một số quyền lợi về kinh tế và các quyền tự do dân chủ.

B. Chống bọn tư bản Pháp nắm độc quyền xuất cảng lúa gạo.

C. Đòi nhà cầm quyền Pháp thả Phan Bội Châu (1925).

D. Thành lập Đảng Lập hiến tập hợp lực lượng quần chúng chống Pháp

Với cấu trúc như vậy, trước hết HS phải nhớ các kiến thức đơn giản, đó là nền tảng vững vàng để có thể phát triển năng lực nhận thức ở cấp cao hơn. Nội dung đề kiểm tra, thi phải bao hàm đầy đủ các mức độ khác nhau của nhận thức.

3. Học và ôn tập như thế nào đối với hình thức thi trắc nghiệm khách quan môn Lịch sử?

Đây chỉ là thay đổi hình thức thi thôi nên các em đừng lo lắng quá, đề thi trắc nghiệm khách quan hay tự luận đều được xây dựng trên nền kiến thức cơ bản của chương trình giáo duc phổ thông. Cho nên trước hết các em cần phải nắm vững các nội dung cơ bản còn muốn đạt điểm cao chúng ta cần đi sâu phân tích, lí giải để nắm được bản chất của sự kiện, nội dung cụ thể.

Vì thế hãy tập trung học và ôn thi thật tốt nhé, chúng tôi luôn đồng hành cùng các em!

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!



Xem thêm