Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là bài văn mẫu lớp 12 dành cho quý thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo. Bài viết đã tái hiện khung cảnh và con người Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến một cách rõ nét. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp các bạn học sinh ôn thi THPT quốc gia môn Văn hiệu quả.

Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

  • 1. Dàn ý sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
  • 2. Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mẫu 1
  • 3. Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mẫu 2
  • 4. Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mẫu 3
  • 5. Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mẫu 4
  • 6. Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mẫu 5
  • 7. Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mẫu 6

Tìm Đáp Án xin gửi tới bạn đọc bài Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết dưới đây gồm có 6 bài văn mẫu cho thấy rõ được sắc màu Nam Bộ của tác phẩm Những đứa con trong gia đình. Mời các bạn cùng tham khảo và tải về tại đây.

  • Phân tích tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
  • Phân tích điểm giống và khác nhau giữa hai chị em Việt - Chiến trong truyện Những đứa con trong gia đình

1. Dàn ý sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

1. Mở bài

Bên cạnh những thành công vết mặt nội dung, truyện ngắn "Những đứa con trong gia đình" còn mang đến cho chúng ta những cảm xúc mộc mạc mà giản dị, ấm áp, đó là tình yêu nước thiêng liêng, là màu sắc Nam Bộ thấm đẫm trong từng trang văn.

2. Thân bài

a. Màu sắc Nam Bộ thể hiện qua tính cách, phẩm chất của các nhân vật:

- Chú Năm - tiêu biểu cho người nông dân Nam Bộ chất phác, hiền lành, bộc trực, thẳng thắn.

- Việt - người thành niên trẻ dũng cảm, kiên trinh và giàu tình cảm

- Má và chị Chiến - những người phụ nữ của vùng đất Nam Bộ với những tính cách đặc trưng: yêu thương chồng con, giàu đức hy sinh, đảm đang tháo vát, giỏi việc nước đảm việc nhà.

b. Màu sắc Nam Bộ thể hiện qua ngôn ngữ nhân vật

- Ngôn ngữ kể mang sắc thái Nam Bộ.

- Ngôn ngữ đối thoại sử dụng các phương ngữ.

- Lời nói và suy nghĩ thẳng thắn, bộc trực, giàu tình cảm.

c. Màu sắc Nam Bộ thể hiện qua không gian nghệ thuật:

- Những con sông chở nặng phù sa màu nước bạc

- Những vườn cây trái trĩu nặng sum suê

- Những cánh đồng bát ngát

- Những vàm sông.

3. Kết bài

Truyện ngắn đã tái hiện lại thật đặc sắc vẻ đẹp của một vùng quê Nam Bộ với những người con giàu lòng yêu nước và can trường.

2. Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mẫu 1

Thuở sinh thời, nhà thơ của sự thiên tài và bất hạnh – Hàn Mặc Tử đã từng có câu thơ thật hay: "Người thơ phong vận như thơ ấy" – cái khí chất của nhà văn, nhà thơ, của người nghệ sĩ suốt đời mải miết trên hành trình đi tìm cái đẹp nhiều khi toát lên từ vóc dáng, thần thái của họ. Và thậm chí, đôi khi, cái phong thái của người nghệ sĩ cũng đã phần nào hé lộ cho người đọc về nét sở trường, cái dị biệt của chính những con người ấy trên hành trình sáng tạo. Và cứ thế, khi ta nhìn vào bức chân dung nhà văn Nguyễn Thi được đưa vào sách giáo khoa, trên khuôn mặt ông, từ vầng trán và sống mũi cao, đôi mắt sáng, mở to, nhìn thẳng cho đến cái khuôn miệng bình thản, tất cả dường như đều hé lộ cho ta, đó là một con người cương nghị, thẳng thắn. Đó dường như là nhà văn của những tính cách dữ dội, những xung đột quyết liệt; là con người sinh ra để cầm bút và cầm súng. Và dường như là một sự sắp đặt sẵn của số phận, ngã rẽ của đường đời đã đưa ông vào miền Nam, mảnh đất hào hùng của một thời đánh Mĩ. Dẫu trên hành trình xuôi ngược ấy, đã có lúc, Nguyễn Thi trở ngược ra đất Bắc, nhưng như một thỏi nam châm kì lạ, sức hút của miền Nam lại hút ông quay ngược trở lại để sống với đất, với người miền Nam của một thời máu lửa. Chất liệu sống ngồn ngộn cùng sức hút từ chính tính cách những con người cộng với khí chất và tài năng của người nghệ sĩ đã giúp Nguyễn Thi sáng tạo nên một truyện ngắn xuất sắc – "Những đứa con trong gia đình" in đậm dấu ấn trong trái tim nhiều thế hệ độc giả. Và tôi cũng đã tìm đọc nó để được đắm chìm trong một thế giới thấm đẫm sắc màu của đất và người miền Nam, cái phong vị rất riêng của mảnh đất "Thành đồng Tổ quốc" trong một thời đánh Mĩ ác liệt mà rất đỗi hào hùng và vinh quang!

1) Một không gian, bối cảnh thấm đẫm sắc màu Nam Bộ:

Bằng tấm lòng yêu thương, gắn bó và sự am hiểu sâu sắc của mình, nhà văn Nguyễn Thi đã tạo dựng thành công không gian, bối cảnh mang đậm sắc màu Nam Bộ trong truyện ngắn "Những đứa con trong gia đình". Đọc tác phẩm, người đọc như được dẫn dắt vào một thế giới mang những dấu ấn rất riêng. Đó là không gian của những dòng sông, ruộng đồng, bờ bãi. Xuyên suốt dòng hồi tưởng miên man, đứt nối của người chiến sĩ giải phóng quân tên Việt khi anh bị thương nặng, bị lạc đồng đội, nằm lại giữa chiến trường, ấn tượng sâu đậm trong anh không chỉ là hình bóng những người thân yêu mà đó còn là hình ảnh một quê hương Nam Bộ đã trở thành một vùng kí ức rất đỗi thiêng liêng trong tâm hồn người lính trẻ. Việt nhớ tới những dòng sông mà con sông nào cũng "nhiều phù sa, lắm nước bạc. Ruộng đồng phì nhiêu cũng sinh ra từ đó. Lòng tốt con người cũng sinh ra từ đó" gắn liền với những câu chuyện về cuộc đời chèo ghe mướn nhiều vất vả mà cũng lắm kỉ niệm buồn vui của chú Năm, người thân yêu còn lại của hai chị em Việt và Chiến. Tâm thức Việt còn nhớ về những cánh đồng lắm phù sa với cánh cò bay mải miết mà trong những đêm mưa rả rích ngoài vàm sông, Việt cùng chị Chiến đi soi ếch, cười vui từ lúc đi cho tới lúc về. Có thể nói, không gian, bối cảnh mà hằng ngày hai chị em Việt và Chiến "hít thở" đều là khung cảnh đậm đặc sắc màu Nam Bộ. "Bầu không khí" ấy có những dòng sông mà thuở bé, hai chị em đã từng đi theo du kích bắn tàu Mĩ trên sông Định Thủy; có những vườn cây trái sum suê mà Việt đã từng in dấu chân trong những lần đi bắn chim bằng chiếc ná thun của mình và cũng là để thực hiện nhiệm vụ cảnh giới cho các cô chú cán bộ. Tất cả đều mang một sắc màu rất riêng biệt. Những vàm sông, những cây xoài mồ côi, những buổi đi soi ếch hay những lần đi bắn chim đã trở thành bầu trời cổ tích tuổi thơ mà Việt không bao giờ quên. Cái dấu ấn của ruộng đồng, bờ bãi ấy còn theo Việt vào những kỉ niệm về hình ảnh người má thân yêu. Trong dòng chảy kỉ niệm, người má hiển hiện trong tâm thức người lính giải phóng quân trẻ tuổi không chỉ ở sự đảm đang, tần tảo; ở lòng yêu thương chồng con; ở một cuộc đời đau thương mà rất đỗi hiên ngang, bất khuất mà đó còn là mùi của bùn đất, của rơm rạ, của lúa gạo, của ruộng đồng, bờ bãi toát lên từ thân hình người má. Mùi vị của mồ hôi tần tảo, mùi của ruộng đồng, rơm rạ đã trở thành một cái gì đó rất đỗi thân quen mà thiêng liêng đến lạ lùng, chiếm một phần rất quan trọng trong đời sống tâm hồn của Việt. Đó thực sự trở thành một nét rất riêng của những con người được sinh ra trên mảnh đất miền Nam – thành đồng Tổ quốc. Dòng hồi tưởng đã đưa Việt trở về không khí của buổi sáng hai chị em sửa soạn mọi việc trước lúc lên đường ra mặt trận. Trong cái linh thiêng của hành động khiêng bàn thờ ba má sang gửi nhà chú Năm, hai chị em Việt và Chiến vẫn lại tiếp tục đi qua dãy đất cày trước cửa, men theo chân vườn thoang thoảng mùi hoa cam, con đường mà hồi trước má Việt vẫn đi để lội hết bưng này qua bưng khác. Khu vườn, cánh đồng, mùi hoa cam thoang thoảng thực sự là những hình ảnh thấm đẫm chất thơ, in đậm dấu ấn Nam Bộ mà nhà văn Nguyễn Thi đã tạo dựng thật thành công và đầy ấn tượng!

2) Sắc màu Nam Bộ toát lên từ tính cách những con người:

Là người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nam Định, nhưng những ngã rẽ khác nhau của cuộc đời lại đưa Nguyễn Thi đặt những bước chân trên hành trình vạn dặm mưu sinh lên mảnh đất miền Nam để rồi sau đó, ông đã dành cho đất và người nơi đây biết bao nhiêu ân tình sâu nặng. Viết "Những đứa con trong gia đình", nhà văn xứ Hải Hậu – Nam Định ấy đã chứng tỏ vốn hiểu biết sâu sắc về tính cách của những con người miền Nam. Ông đã tạo dựng thành công những bức chân dung với những nét tính cách hết sức đặc biệt, không trộn lẫn nhưng tất cả đều gặp gỡ nhau ở sự bộc trực, thẳng thắn, trọng nghĩa khí, sâu nặng tình cảm với quê hương, gia đình và có lòng căm thù giặc sâu sắc. Ấn tượng chạm khắc mãi trong lòng người đọc về hình ảnh người má của hai chị em Việt và Chiến là khoảnh khắc người mẹ miền Nam ấy cắp rổ đi đòi đầu chồng khi bị giặc giết hại; là dáng hình lực lưỡng và đôi bàn tay to bản phủ lên đầu che chở cho đàn con trước mọi sự đe dọa của quân thù. Đó thực sự đã trở thành một hình ảnh mang tính chất biểu tượng cho sự can trường, bất khuất trước kẻ thù của những con người miền Nam. Chồng bị giặc giết hại, người má ấy đã một tay nuôi đàn con khôn lớn và vẫn dũng cảm tham gia phong trào cách mạng ở địa phương. Điều ấy không chỉ thể hiện sự đảm đang, tháo vát mà còn thể hiện khả năng sinh tồn, gánh vác, chống chọi trước biết bao nhiêu bão tố phong ba giữa một thời kì máu lửa của lịch sử dân tộc. Như cuộc chạy tiếp sức đường trường không ngừng nghỉ, tiếp nối truyền thống từ quê hương, gia đình và những người thân yêu, những người con như Việt và Chiến lớn lên cũng mang trong mình những phẩm chất đáng quý của con người Nam Bộ: khảng khái, kiên cường và vô cùng dũng cảm. Ông nội, ba, má ... đều ngã xuống bởi tội ác của kẻ thù nhưng những đứa trẻ ấy lớn lên không hề biết run sợ, cúi đầu. Dòng huyết quản chảy trong họ là sự can trường, bất khuất; là lòng căm thù và khát vọng chiến đấu để trả thù cho ba má, quê hương và gia đình. Trước lúc lên đường ra mặt trận, chị Chiến chỉ nói một câu ngắn gọn: "Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!". Chị nói với Việt nhưng thực chất đó là lời thề với lòng mình của Chiến. Ẩn chứa đằng sau câu nói ấy là biết bao nhiêu nét tính cách tốt đẹp ở người con gái này: có sự thẳng thắn, gan góc; có sự dũng cảm, kiên cường; có lòng căm thù giặc và có thừa lòng quyết tâm của một người con gái miền Nam vốn sinh ra trong một gia đình đau thương mà anh dũng. Việt cũng vậy. Trước lời căn dặn của chị Chiến: "Chú Năm nói mầy với tao đi kì này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu", Việt chỉ nằm lăn ra ván, cười khì và bảo: "Chị có bị chặt đầu thì chặt chớ chừng nào tôi mới bị". Đằng sau câu nói và cái hành động nằm lăn ra ván, cười khì khì ấy của Việt có cái gì vô tư, vô lo, vô nghĩ của một chàng trai mới lớn nhưng nó còn bộc lộ phẩm chất gan góc, dũng cảm của những con người miền Nam. Ngắn gọn, dứt khoát, rõ ràng là tính cách của họ. Bởi thế, dễ hiểu vì sao sau này, cho dù bị thương nặng, một mình lạc giữa chiến trường với bốn bề quân giặc, Việt cũng không hề thấy sợ hãi. Anh gan góc, kiên cường cả trong suy nghĩ và hành động với suy nghĩ thật bình thản: "Trên trời có mày, dưới đất cũng có mày, cả khu rừng này chỉ có mình tao. Mày có bắn được tao thì tao cũng bắn được mày. Mày chỉ giỏi giết gia đình tao còn với tao, mày chỉ là thằng chạy". Cái suy nghĩ bình thản ấy xuất phát từ dòng máu kiên cường, từ khát khao chiến đấu trả thù cho ba má, quê hương và gia đình. Hình ảnh hai chị em Việt và Chiến trong buổi sáng khiêng bàn thờ ba má sang gửi nhà chú Năm để lên đường ra mặt trận là nơi thể hiện rõ nét nhất cho hình ảnh nhân dân miền Nam thời đánh Mĩ. Đó thực sự là những con người sinh ra để gánh vác, để chống chọi, chiến đấu và chiến thắng!

3) Sắc màu Nam Bộ được toát lên từ cách sử dụng hệ thống ngôn từ mang màu sắc rất riêng:

Với tấm lòng thiết tha của mình với mảnh đất và con người miền Nam, Nguyễn Thi không chỉ xây dựng thành công một không gian, bối cảnh đậm đặc sắc màu Nam Bộ; những tính cách người miền Nam không trộn lẫn mà ông còn tỏ ra am hiểu vô cùng sâu sắc vốn ngôn ngữ của những con người nơi đây. Đọc "Những đứa con trong gia đình", ta thấy nhà văn Nguyễn Thi đã sử dụng một cách dày đặc và sáng tạo hệ thống phương ngữ Nam Bộ: thỏn mỏn, trọng trọng, mầy – tao, vàm sông, in như má vậy, bắp vế, dòm ... để tạo nên một không khí miền Nam rất riêng cho thiên truyện ngắn xuất sắc này. Ngôn ngữ, cách tạo dựng đối thoại đều mang dấu ấn, mang đậm đặc "hơi thở" của mảnh đất và con người nơi "thành đồng Tổ quốc" trong thời đại đánh Mĩ anh dũng và hào hùng. Hãy một lần nữa lắng nghe lại một trong những lời đối thoại mang sắc màu Nam Bộ ấy:

- Bộ mình chị biết đi trả thù à?

- Hồi đó má nói cho tao đi, mầy ở nhà làm ruộng với má, trọng trọng rồi đi sau.

Hoặc là:

- Chú Năm nói mầy với tao đi kì này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu.

Việt lăn kềnh ra ván, cười khì khì:

- Chị có bị chặt đầu thì chặt chớ chừng nào tôi mới bị.

Đó quả thực là những đoạn đối thoại hết sức sinh động, mang đậm sắc màu miền Nam. Sắc màu ấy không chỉ toát lên từ cách thức sử dụng từ ngữ mà còn được thể hiện ở cách nói năng, suy nghĩ bộc trực, thẳng thắn của những con người nơi đây. "Những đứa con trong gia đình" thực sự là những trang văn về đất và người Nam Bộ, sống mãi trong tâm trí độc giả bằng những ấn tượng rất riêng, rất độc đáo. Và có lẽ, cái tạo nên sự thành công ấy cho nhà văn Nguyễn Thi có gì khác ngoài tình yêu và sự gắn bó đến mức ruột thịt mà ông đã dành cho đất và người miền Nam? Người dân nơi đây cũng thân thương gọi ông là nhà văn của đồng bào Nam Bộ có lẽ cũng bởi họ vô cùng trân trọng chính cái tình yêu ấy!

Vậy là cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại đã theo bánh xe của lịch sử dân tộc chạy lùi sâu vào quá khứ. Cuộc sống và con người hiện đại, nói như cố nhà văn Nguyễn Minh Châu: "Con người ta nhiều khi cũng là một cánh rừng cỏ lau đầy sức sống. Rất chóng lãng quên những con người đã ngã xuống", có nhiều giá trị đã nhiều khi bị người ta hờ hững bỏ quên. Trên đường phố Sài thành xe và người "chăng tơ nghẽn lối", không biết nhiều người khi bước chân trên con đường mang tên Nguyễn Thi có còn thao thiết nhớ đến ông ? Có lẽ đó là con số không nhiều. Nhưng không hiểu sao, tôi cứ tin rằng, những hình tượng "người mẹ cầm súng", những nhân vật như Việt và Chiến trong "Những đứa con trong gia đình" sẽ vẫn còn được nhiều người nhắc nhớ rất lâu, rất lâu nữa. Bởi có lẽ cũng giống như những Hớn Minh, Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực ... trong trang văn Đồ Chiểu, những con người miền Nam thấy được thấp thoáng bóng dáng mình, tính cách mình, quê hương xứ sở mình cũng hiện hình đâu đó ở Việt và Chiến trong những trang văn Nguyễn Thi. Đó chính là dấu ấn miền Nam, là sắc màu miền Nam mà Nguyễn Thi đã tạo dựng hết sức thành công. Và như thế, tên tuổi của nhà văn Nguyễn Thi đã đâu dễ dàng gì trôi vào quên lãng trong tâm thức mỗi người chúng ta hôm nay và mai sau?

3. Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mẫu 2

Truyện Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là khúc tráng ca của tuổi trẻ miền Nam anh hùng thời đánh Mĩ.

Một trong những nét đặc sắc về nghệ thuật là Nguyễn Thi đã tạo nên màu sắc Nam Bộ, một dấu ấn tuyệt đẹp mà độc giả dễ dàng nhận thấy.

Màu sắc Nam Bộ biểu hiện rõ nhất là ở cảnh vật được miêu tả, ở sự việc được nói đến, ở tính cách và ngôn ngữ nhân vật được khắc họa (má Tư Năng, chú Năm, chị Chiến, Việt..).

Cảnh tượng chiến trường ở nơi nào, ở thời nào chẳng giống nhau, nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Thi, chiến trường sau tiếng bom rền đạn réo lại có nét riêng, rất Nam Bộ. Giữa đồng không mông quạnh “một sự vắng lặng như từ trên trời lao xuống.. ”, “tiếng dế gáy u u cao vút mãi lên” giữa đêm sâu thăm thẳm. Chính giữa không gian ấy, người chiến sĩ bị thương nặng, lạc đơn vị mới cảm thấy rõ nhất mình đang trở về kỉ niệm tuổi thơ, mình đang sống giữa quê hương (một nơi trên vùng đồng bằng Nam Bộ): “Bóng đêm vắng lặng và lạnh lẽo bao trùm lẩy Việt, kéo theo đến cả con ma cụt đầu vẫn ngồi trên cây xoài mồ côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mưa ngoài vòm sông, cái mà Việt vẫn nghe các chị nói hồi ở nhà, Việt nằm thở dốc...".

Ngôi nhà má Tư Năng cũng như hàng ngàn hàng vạn mái nhà của bà con khắp vùng Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Bến Tre... ở cạnh các vàm, các kênh, bao trùm bởi màu xanh của rặng bần, của khóm đước, mà người Bắc rất dễ nhận ra: “Nhà day cửa ra sông, trong đêm vui náo nức này, đom đóm từ ngoài rặng bần cũng kéo vào đẩy nhà. Chúng bay chớp chớp như dò trên nóc rồi sà xuống mặt Việt”.

Màu sắc Nam Bộ được thể hiện ở những vật dụng, ở cái gia tài của má Tư Nàng để lại. Đó là “năm công ruộng hồi trước mấy chú cấp cho ba má”, là "hai công mía để dành làm đám giỗ ba má”, là những thứ làm ăn của nhà nông nghèo khó, lam lũ: nồi, lu, chén, đĩa, cuốc, vá, đèn soi mà chị em Việt sẽ gửi lại chú Nam, trước khi đi đánh giặc.

Cảnh đêm tòng quân của tuổi trẻ vùng đồng bằng Nam Bộ vui như ngày hội, bà con cô bác cả xã kéo đến, “dàn sáng rực”, hai chị em Chiến và Việt tranh giành nhau, làm cho anh các bộ “đã cầm viết rồi lại dật xuống”, chú Năm phải “nheo mắt nhìn” đứng ra phân xử: “Hai đứa cháu tôi nó một lòng theo Đảng như vậy, tôi cũng mừng. Vậy xin trên cứ ghi tên cả hai. Việc lớn là tính theo việc lớn, còn việc thỏn mọn trong nhà tôi thu xếp khác xong”. Đó là tầm lòng, là ý nghĩ, là cách nói chất phác cùa bà con cô bác nơi miệt vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cảnh hỗn chiến giữa ta và giặc, cảnh tấn công như vũ bão của quân ta. qua sự lắng nghe, sự cảm nhận của Việt vừa hồi tỉnh sau cơn mê cũng mang nét rất riêng của Nam Bộ thời đánh Mĩ: “Việt góc dậy. Rõ ràng không phải tiếng pháo lễnh lãng của giặc. Đó là tiếng nổ quen thuộc, gom vào một chỗ, lớn nhỏ không đều, chen vào đó là những dây súng nổ vô hồi vô tận. Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đánh dậy trời đất hồi Đồng khởi”.

Màu sắc Nam Bộ được thể hiện rõ nhất ở tính cách và ngôn ngữ của các nhân vật như má Tư Năng, chú Năm, của Chiến, Việt.

Hình ảnh má Tư Năng dẫn đàn con đi đòi đầu ba, hình ảnh má Tư Năng hiên ngang, thách thức: “Vợ Tư Năng đây!” khi đứng trước mũi súng và lời hăm dọa của lũ giặc: “Vợ Tư Năng đâu?’'. Bọn lính bắn vọt qua đầu má, má đưa hai bàn tay to bản phủ lên đầu đàn con đang nép dưới chân. Má chèo xuồng, mà đi làm thuê, mà đi đấu tranh chính trị, má coi thường cái chết, vì má tin một cách mộc mạc, giản dị rằng “người chết có cái vui của người chết, nếu không, người ta sanh con ra làm gì?” Hình ảnh má Tư Năng làm ta nhớ đến câu nói: “Còn cái lai quần cùng đánh” của chị út Tịch trong Người mẹ cầm súng.

Cái cuốn sổ ghi bao việc “thỏn mọn” trong gia đình bằng thứ chữ “lòng còng" Chuyện thím Năm, ông nội, bác Hai, tía của Việt... bị giặc giết như thế nào, các chiến tích của ông nội, của thằng Hai, của chị em Việt, chú đều ghi rõ. Cuốn sổ ấy là truyền thống cách mạng của gia đình má Tư Năng, cũng là của hàng vạn gia đình nông dân Nam Bộ trong suốt ba mươi năm trời đánh Pháp, đánh Mĩ.

Nguyễn Thi có tài sử dụng một số chi tiết nghệ thuật bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, nâng lên tầm khái quát, tô đậm màu sắc Nam Bộ. Tiếng hò của chú Năm là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của Nguyễn Thi tạo dựng nên. Giọng hò của chú Năm “đục và tức như gà gáy". Đã nhiều lần chú cất giọng hò. Trước bữa cúng má Tư Năng, chị em Việt Chiến sắp lên đường ra trận, chú Năm cất giọng hò: “Câu hò nổi lên giữa ban ngày, bắt đầu cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang, rồi kéo dài, từng tiếng một vỡ ra, nhắn nhủ, tha thiết, cuối cùng ngất lại như một lời thề dữ dội”.

Chị Chiến giống má như đúc. Chiến cũng có hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng như má. Tiếng “cóc”, tiếng “nghen”, tiếng “ừ”, tiếng chân bước *bịch bịch " của Chiến có khác nào má, “in như má vậy”. Bàn việc thu xếp nhà cửa trước khi đi đánh giặc, nghe em nói, Chiến “hứ một cái “cóc" rồi trở mình. May mà chị không bẻ tay rồi đập vào bắp vế than mỏi” như má. Chiến đảm đang, sớm biết lo liệu, thường nhường nhịn em, chú Năm đã hết lời ca ngợi: “Không! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, nặng nề nước non”. Chiến có tư thế hiên ngang, quyết liệt như các o du kích vườn dừa Bến Tre: “Đã làm thân con gái ra đi thì tao chí có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à”.

Việt là hình ảnh đẹp nhất, in đậm màu sắc Nam Bộ nhất trong truyện Những đứa con trong gia đình. Nụ cười “lỏn lẻn”, hai gò má “cũng mướt như da trái vú sữa", cái ná thun của tuổi thơ vẫn mang theo khi đi bộ đội, Việt rất giống ba, mỗi lần nghe tiếng ná thun của Việt, má Việt lại nói: “Đó, lại giống cái thằng cha nó rồi!”. Việt hồn nhiên, trong sáng hay tranh giành với chị, nhưng lại “giấu chị như giấu của riêng’’ trước đồng đội. Dũng cảm trong chiến đấu, không sợ giặc nhưng lại sợ “thằng chỏng thụt lười”, ‘‘con ma cụt đầu"... Mới hai tuổi quân dã lập công tiêu diệt một xe bọc thép Mĩ; bị trọng thương, lạc đơn vị, nằm giữa chiến trường, tuy chỉ còn một viên đạn đã lên nòng. Việt “vẫn sẵn sàng nổ súng", “Trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này còn có mình tao. Mày có bắn tao thì tao cũng bắn được mày”... Hình ảnh Việt theo má lên tới quận “đòi đầu ba", hình ảnh Việt trong đêm tòng quân, trong cảnh cùng chị gái khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm đã làm ta nhớ mãi, nhớ đứa con trai má Tư Năng, nhớ một chàng trai mới lớn vùng miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long thời chống Mĩ. Việt là hình bóng của quê hương; Việt là hiện thân trong câu hò của chú Năm: "... khi thì Việt biến thành tấm áo vá quàng hoặc con sông dài cá lội cùa chú, khi thì Việt biến thành người nghĩa quân Trương Định, ngọn đèn biển Gò Công, hoặc ngôi sao sáng ờ Tháp Mười”.

Thời chống Mĩ, tuổi trẻ cả nước ta nung nấu một lời thề: “Ra đi chỉ một lời thề - Chưa giết hết giặc chưa về quê hương”. Việt và chị gái khi khiêng bàn thờ má đi gửi cũng đinh ninh một lời thề: “Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nào nước nhà độc lập, con lại đưa má về”.

“Những đứa con trong gia đình'’ đã kết tinh nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Thi. Nghệ thuật kể chuyện, dựng cảnh, tạo hình, chọn chi tiết điển hình, phân tích tâm lí nhân vật, cá biệt hóa ngôn ngữ nhân vật... tất cả đều mang màu sắc và hương vị Nam Bộ. Màu sắc Nam Bộ tạo nên hồn cốt phong cách ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Thi trong Người mẹ cầm súng và Những đứa con trong gia đình.

Sự thành công đó đã khẳng định vị thế được tôn vinh của Nguyễn Thi là "nhà văn của người nông dân Nam Bộ thời chống Mĩ”.

4. Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mẫu 3

Trong văn học việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước những nhà văn đã tích cực đóng góp những tác phẩm nói lên những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta và đặc biệt những tác phẩm ấy đã mang lại thành công cho họ. trong số những tác phẩm ấy phải kể đến những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi. Có thể nói truyện ngắn này không chỉ góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh cũng như ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất của toàn dân tộc mà còn thể hiện được những màu sắc rất Nam Bộ. Điều đáng chú ý ở đây là chỉ có người dân Nam Bộ mới có.

Thứ nhất màu sắc Nam Bộ được thể hiện trong ngôn ngữ trong truyện những đứa con trong gia đình. Nguyễn Thi được mệnh danh là nhà văn của người dân Nam Bộ và ông quả là không hổ với dân hiệu ấy đã mang đến cho chúng ta một màu sắc Nam Bộ cực kì hấp dẫn. trong truyện những người trong gia đình là một gia đình nhân dân Nam Bộ vì vậy ngôn ngữ toàn bài là ngôn ngữ Nam Bộ. Tác giả dùng hàng loạt những từ ngữ địa phương trong truyện. Hay là chính những cách xưng hô của nhân vật trong tác phẩm. Chiến và Việt không gọi nhưng người sinh ra mình là bố mẹ như ngoài bắc, cũng không phải là me, u, bầm như ngày xưa mà gọi là ba má. Đó là cách gọi riêng của người Nam Bộ mà không một vùng miền nào giống. Việt gọi chị Chiến là chị hai, gọi em mình là út. Điều đó thể hiện sự khác biệt của người dân miền Nam. Không những thế họ không thường xuyên gọi tên của người thân mình hoặc họ đặt tên theo thứ tự trong nhà, theo số đếm. Vì thế mà có tên gọi là chị Hai, chú Năm. Những tên gọi ấy thật mộc mạc mà giản dị, cũng giống như Nguyễn Khoa Điềm nói trong bài thơ đất nước của mình là:

“ cái kèo cái cột thành tên”

Người dân nơi đây thì nói tên theo số thứ tự đó là một nét văn hóa của Nam Bộ nước ta.

Thứ hai màu sắc Nam Bộ thể hiện trong chính nội dung của tác phẩm. đó là cuộc kháng chiến chống giặc Mỹ của nhân dân miền Nam. Đây không phải là một cuộc kháng chiến của riêng Miền Nam mà nó là cuộc kháng chiến của toàn nước, thế nhưng miền Nam vẫn giữ vai trò chủ chốt vì chiến tranh xảy ra ở chiến trườn miền Nam trong khi đó những người miền Bắc chỉ hỗ trợ phần nào về lương thực cũng như sức người. Nói cách khác miền Bắc là hậu phương vững chắc để hỗ trợ miền Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dành độc lập tự do hòa bình cho cả dân tộc. Vì thế có thê nói màu sắc Nam Bộ chính là ở cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước này.

Thứ ba màu sắc Nam Bộ thể hiện trong tính cách và phẩm chất của con người miền Nam mà đại diện ở đây là gia đình của Chiến và Việt.

Phẩm chất đầu tiên đó là có truyền thống yêu gia đình, yêu nước căm thù giặc sâu sắc. điều đó được thể hiện trong truyền thống gia đình Việt. Từ những người lớn đến thanh niên trẻ con như Việt tất thảy đều có một lòng yêu nước và chính gia đình Việt đại diện cho tất cả những gia đình nhan dân miền Nam khác cùng nhau đánh giặc Mỹ. Tiêu biểu là họ đã phải chịu mất mát đau thương di chiến tranh gây ra mất đi những người thân yêu và chính vì thế họ nuôi trong mình những nỗi căm thù bọn giặc quyết tâm ra chiến trường để trả thù cho ba má. Ông nội của Việt bị chánh tổng bắn chết, bà nội Việt bị lính huyện đánh đập, ba Việt đi bộ đội tầm vông thì bị chúng chặt đầu, còn má Việt vì tìm thông tin cho du kích mà chúng pháo của địch mà chết. Chính những đau thương mất mát ấy lại thể hiện tấm lòng yêu nước của gia đình Việt nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung. Họ luôn sẵn sàng chiến đấu vì tổ quốc quên mình cho độc lập dân tộc. Má Việt một người phụ nữ hay lam hay làm cũng không sợ những đe dọa của giặc, bà dò đường đi để liên lạc giúp những người chiến sĩ cọng sản. và đến thời của Việt và Chiến cũng vậy. trước tiên là Chiến, là một cô gái còn rất trẻ nhưng Chiến lại rất trưởng thành so với cái tuổi của mình. Đặc biệt Chiến có ngoại hình rất giống má mình, và khi ba má mất đi Chiến rất vững vàng luôn thể hiện được mình là một người chị trong gia đình. Trong gia đình bây giờ Chiến là người lớn nhất vì thế cho nên cô gái mười chín tuổi trưởng thành hơn và biết lo lắng sắp xếp việc nhà. Sự sắp xếp hợp lý đến nỗi thằng Việt tưởng rằng đó là những điều má dặn chị trước khi má mất, còn chú Năm thì phải khen ngợi vì sự sắp xếp đó “ gọn bề gia thất đặng bề nước non”. Còn Việt một chàng trai mười tám tuổi, chỉ kém chỉ có một tuổi nhưng Việt trẻ con hơn chị rất nhiều. thế nhưng Việt nhất định đòi đi lính để trả thù cho ba má, ngay từ nhỏ Việt đã tỏ ra là một người rất căm thù giặc, dám xông vào đá cái thằng đã giết chết ba của mình. Sau này vào chiến trường Việt còn lập được nhiều chiến công hiển hách. Việt thể hiện tình yêu với chị cũng rất khác biệt dấu chị như dấu của riêng không muốn những người đồng chí anh em của mình biết đến chị sợ họ cướp mất chị mình. Việt là một khúc sông chảy xa nhất trong dòng sông gia đình.

Phẩm chất thứ hai đó thể hiện được tính cách của con người miền Nam đó là trung kiên sôi nổi đi chiến đấu. điều đó được thể hiện trong việc đăng kí đi lính của hai chị em. Chiến là chị cho nên muốn đi trước thương em nghĩ em mình không thể chịu được những khó khăn gian an và nguy hiểm trên chiến trường nên nhất định chưa muốn cho Việt đi. Chiến nghĩ để thêm một năm nữa lúc ấy Việt bằng tuổi chiến lúc này thì sẽ cho Việt đi sau. Với cả còn đứa em út nên cũng muốn Việt ở lại với em. Thế nhưng Việt nhất định không nghe, lòng căm thù giặc và ý chí muốn trả thù cho ba má thúc giục cậu đăng kí đi ngay. Khi gọi tên những ai muốn đăng kí tòng quân Việt đứng dậy đầu tiên, qua đó thể hiện được ý chí sụ sôi trong Việt lớn như thế nào. Chị Chiến nhất định ngăn cản em cháu còn nhỏ xin các chú cho nó năm sau đi. Nhưng Việt thì khăng khăng đòi đi, may sao có chú Năm đến giải quyết chú mừng vì cả hai đứa cháu đều muốn đi đánh giặc, đều có ý chí kiên cường như vậy. Chú quyết định cho cả hai đứa cùng đi ra chiến trường. Qua đó ta thấy chị em chiến chính là điển

hình cho tính cách của người dân Nam Bộ trung kiên sôi nổi. Việt đại diện cho sức trẻ tiến công của thanh niên Nam Bộ, dẫu biết bao nhiêu gian nan nguy hiểm thậm chí là mất đi tính

mạng hai chị em vẫn bất khuất tiến lên đi theo con đường cách mạng của Đảng. đó phải chăng là một sự giác ngộ lớn về sứ mệnh dân tộc giao phó?.

Phẩm chất thứ ba là chiến đấu bất khuất anh dũng, điều này thể hiện qua những lần Việt ngất đi tỉnh lại trong rừng mưa ấy. việt là một anh lính trẻ thế nhưng tuổi thế nhưng lại có một ý chí chiến đấu dũng cảm quên mình. Anh dám xông lên đánh hạ một xe bọc thép của địch. Anh bị thương nhưng vẫn trong tư thế chiến đấu. Dường như vết thương kia không làm anh quên đi nhiệm vụ của mình. Anh đau nhưng anh vẫn nghĩ về những kỉ niệm bên gia đình của mình, từ kỉ niệm về lần đi bắt ếch, rồi đến kỉ niệm về má, chiếc ná thun, về việc đi bộ đội của hai chị em. Thế đấy ngay cả khi cái chết cận kề cậu vẫn nhớ về gia đình mình hay chính là quê hương đất nước. cũng vì thế mà khi đồng đội anh đi tới nếu không đánh tiếng thì đã ăn viên đạn của cậu tư rồi.

Tóm lại nhà văn Nguyễn Thi rất xứng đáng với danh hiệu nhà văn của người dân Nam Bộ. Qua truyện ngắn này chúng ta thấy rõ được những màu sắc Nam Bộ trong truyện mà nổi bật chính là phẩm chất đáng quý của họ. Đó là lòng yêu nước thương nhà căm thù giặc sâu sắc, đó là tính cách thẳng thắn thành thật trung kiên bộc trực. Và đó còn là sự chiến đấu bất khuất với ý chí không bao giờ lùi bước. Tất cả những thứ ấy đã làm nên một câu chuyện hay về một thời oanh liệt của nhân dân ta. phải chăng nó trở thành truyền thống của người dân Nam Bộ, giống như gia đình truyền thống của chị em Chiến Việt vậy.

5. Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mẫu 4

Nguyễn Đình Thi không phải người Nam Bộ, nhưng rất xứng đáng với danh hiệu "Nhà văn của những người nông dân Nam Bộ" thời chiến tranh chống đế quốc Mĩ. Bởi vì, ông thực sự gắn bó bằng cả tâm hồn mình với mảnh đất Nam Bộ, am hiểu sâu sắc mảnh đất này từ con người đến cảnh vật, thói quen sinh hoạt, nhu cầu văn hóa, lời ăn tiếng nói hằng ngày. Truyện ngắn " Những đứa con trong gia đình" là một tác phẩm tiêu biểu của ông viết về đề tài chiến tranh.

Bên cạnh những thành công nổi bật như nghệ thuật xây dựng tính cách, nghệ thuật trần thuật, tác phẩm còn thể hiện cái tài của nhà văn khi ông khéo léo gửi gắm vào đó một màu sắc Nam Bộ đậm nét mà vẫn hướng người đọc đến cái đích chung là cuộc sống chiến đấu đau thương mà oanh liệt, là chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân. Vì thế, nó đã tạo cho nhà văn một dáng nét riêng, một thế đứng riêng trong dòng văn học cách mạng vốn đã rất phong phú những ngòi bút cùng khai thác một mảng chất liệu.

Tác phẩm ca khí thế ra trận và khí phách anh hùng của tuổi trẻ miền Nam trong thời chống Mĩ.

Màu sắc Nam Bộ của truyện trước hết được thể hiện ở hệ thống nhân vật với những nét tính cách đặc trưng. Các nhân vật của Nguyễn Thi có tên tuổi, cá tính cụ thể, song tính cách của họ được xây dựng trên mối quan hệ mật thiết giữa các thành viên, các thế hệ của gia đình họ thuộc về. Đó là một gia đình Nam Bộ trong chiến tranh chống đế quốc Mĩ bảo vệ dân tộc.

Hai nhân vật Việt và Chiến được miêu tả có nhiều nét giống nhau về bản chất vì họ sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nam Bộ có truyền thống yêu ước và cách mạng : thương ba, thương má, căm thù giặc sâu sắc, cùng một ý chí bất khuất là phải đánh giặc trả thù cho ba má; dũng cảm, gan góc và lập được nhiều chiến công. Chiến là đứa con gái không khác mẹ tí nào, cũng giống như cái tên của mình, cô : gan góc, đã nói là làm, chăm chỉ, đảm đang, tháo vát, tiêu biểu cho những người phụ nữ Nam Bộ thời chiến. Chiến ra trận với lời thề: " Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!". Việt, em trai Chiến, là một chàng trai gan dạ, ra trận khi mới 17 tuổi. Hồn nhiên, hiếu động, rất thương chị nhưng hay tranh giành với chị, không sợ Mĩ mà lại sợ ma, một nét đáng yêu của chàng trai mới lớn...Rất yêu thương đồng đội, dũng cảm, ngoan cường trong chiến đấu, dùng thủ pháo diệt xe bọc thép của giặc. Việt rất thương ba má luôn nung nấu mối thù nhà, quyết đánh giặc để trả thù cho ba má, để giải phóng quê hương. Câu hò của chú Năm gửi gắm biết bao tình cảm tốt đẹp cho Việt : " khi thì Việt biến thành tấm áo vá quàng hoặc con sông dài cá lội của chú, khi thì Việt biến thành người nghĩa quân Trương Định, ngọn đèn biển Gò Công hoặc ngôi sao sáng ở Tháp Mười". Hai chị em Chiến và Việt đã trở thành điển hình ưu tú đại diện cho những thanh niên Nam Bộ mạnh mẽ, anh dũng, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ quê hương, để giữ trọn truyền thống một gia đình cách mạng.

Nhắc tới tính cách Nam Bộ trong truyện ngắn của Nguyễn Thi, chúng ta không thể bỏ qua nhân vật chú Năm. Tuy là một nhân vật phụ nhưng chú Năm có một tính cách Nam Bộ rất đậm đà. Ấn tượng về nhân vật này trước hết nằm ở thứ ngôn ngữ đầy cá tính mà nhân vật đã thể hiện. Một thứ ngôn ngữ chỉ cần nghe thoáng qua đã nhận ra ngay cái chất Nam Bộ không thể nào trộn lẫn. Nhưng có lẽ phải đợi đến khi qua miệng của chú Năm thì những từ Nam Bộ như "trọng trọng", "thỏn mỏn" mới được dịp trở nên cực kì hấp dẫn. Truyện kể rằng chú Năm là người "đi đây đi đó nhiều" và cũng "ham sông ham bến". Nhưng đọc "Những đứa con trong gia đình", ta thấy nhân vật không chỉ "ham sông ham bến "mà còn ham đạo nghĩa. Trong ông, ta vẫn thấy phảng phất cái tinh thần Nguyễn Đình Chiểu thuở xưa. Và điều đó được nhận ra vãn chủ yếu qua lời nói:" Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thất, đặng bề nước non". Những câu nói như thế này đặc chất Nam bộ bởi đâu, nếu không phải ta nghe thấy âm vang của một vùng sông nước phía Nam?

Nguyễn Thi đã trao cho tính cách này một vai trò của một thứ gia phả sống. Đọc truyện ta sẽ thấy rõ nhân vật này luôn hướng về truyền thống, đại diện cho truyền thống, và lưu giữ truyền thống trong câu hò và cuốn sổ. Đó là một truyền thống tốt đẹp của những gia đình Nam Bộ trong chiến tranh khốc liệt. Toàn truyện, chỉ có chú Năm là người duy nhất hay hò. "Chú hay kể sự tích gia đình và cuối câu chuyện thế nào chú cũng hò lên mấy câu...những câu nói về cuộc đời cơ cực của chú và những chiến công của đất này". Nhưng nhà văn muốn loại trừ trong ta mọi vấn vương, dù nhỏ, của cách hiểu rằng cái người hay hò này ít nhiều cũng là tài năng nghệ thuật. Trong chú Năm không có một chút bóng dáng nào của Trương Chi. "Chú già rồi, giọng hò đã đục và tức như gà gáy" nhưng hãy xem con người có cái giọng "đục và tức" nọ mới hò hết mình, thật nghiêm trang, tha thiết làm sao! "Gân cổ chú nổi đỏ lên, tay chú đặt lên vai Việt, đôi mắt chú mở to, đọng nước, nhìn thẳng vào mắt Việt, đầu chú lắc lư, nhắn nhủ, làm như Việt chính là nơi cụ thể để chú gửi gắm những câu hò"... Thì ra, những tấm áo vá quàng, con sông dài cá lội, người nghĩa quân Trương Định, ngọn đèn biển Gò Công không đơn thuần là những câu ca réo rắt mà là ngọn nguồn, là hồn thiêng của cha ông đang nhập vào chú - người ca công thành kính - luôn có ý thức lưu truyền cho thế hệ cháu con những màu sắc Nam Bộ đặc trưng của quê hương.

Chú Năm giống như một thứ gia phả sống, luôn giữ gìn truyền thống gia đình bảo vệ những nét tính cách đặc trưng của một con người được sinh ra trên mảnh đất Nam Bộ. Cuốn sổ gia đình mà chú viết giống như một thứ biên niên sử của gia đình. Điều thú vị là cuốn sổ biên niên ấy từ một ngòi bút thực sự bình dân: "chữ viết lòng còng, lời văn mộc mạc". Một cuốn sử hay một cuốn gia phả "chính thống" chắc sẽ không có những chi tiết thỏn mỏn kiểu: "thím Năm bị bắn bể xuồng khi đi rọc lá chuối", "chết còn mặc cái quần mới, trong túi còn hai đồng bạc"... Lời lẽ trong cuốn sổ của chú Năm có vẻ đúng là những lời tự sự dài dòng và cứ như không cần biết thế nào là thanh nhã và trau chuốt. Nhưng thử hãy tẩn mẩn và rông dài như thế xem nó có khó hơn hành văn gọn gàng đẽo gọt gấp mấy lần hay không? Và hãy thử bỏ những chữ ta thường nông nổi tưởng như thừa, tưởng như không đáng kể, đáng viết xem cuốn sổ ấy còn lại gì? Mất cái chất vụng về, thô mộc đó, chắc chắn chúng ta sẽ không nhận ra tính cách Nam Bộ mạnh mẽ, anh dũng, ngoan cường của những thành viên trong gia đình chú Năm, những con người đại diện cho nhân dân Nam Bộ ở thời chiến.

Màu Nam Bộ của truyện còn được thể hiện ở lối sử dụng ngôn từ. Giọng điệu tự sự, rắn giỏi, gân guốc, điền tĩnh đến lạnh lùng của người viết là một chất giọng đặc biệt phù hợp với tính cách của những con người Nam Bộ mạnh mẽ, bộc trực, thích thể hiện tình cảm bằng hành động hơn là lời nói. Nhiều đoạn văn miêu tả những nổi đau khủng khiếp lại hiện ra trước mắt chúng ta như những thước phim quay chậm lạnh lẽo đến rung người: "Một trái khác đã văng miếng trúng má lúc má về tới đầu xóm....Má chết" hay: "Ba mày bị Tây nó chặt đầu, tao cứ đi theo cái thằng xách đầu mà đòi. Một tay tao bồng em mày, một tay tao cắp rổ...Mỗi lần nó bắn rùng rùng trên đầu, chị em bây lại níu chân tao". Ghìm nén cảm xúc chủ quan của cả nhân vật lẫn người viết, lược qua hầu hết những tính từ và thán từ chỉ tình thái, tác giả đã để lại cho câu chuyện mình kể vừa đạt đến tính khách quan cao độ lại vừa mang một vẻ đặc sắc đầy thu hút trong những chi tiết nói về người phụ nữ Nam Bộ đầy mạnh mẽ, kiên cường.

Điều đáng nói của tác phẩm là ở chỗ, Nguyễn Thi miêu tả những con người ở Nam Bộ, gửi gắm vào tác phẩm của mình một màu sắc Nam Bộ đậm nét nhưng nhà văn muốn ta nghĩ đến không chỉ một gia đình Nam Bộ, không chỉ nhân dân Nam Bộ, không chỉ nhân dân Nam Bộ mà là cả một Tổ quốc hào hùng chiến đấu bằng sức mạnh sinh ra từ nỗi đau thương. Câu nói của chú Năm mãi ngân vang trong lòng mỗi người con đất Việt như một lời nhắc nhở sâu sắc: "Trăm sông đổ về một biển, con sông của gia đình ta cũng chảy về biển, mà biển thì rộng lắm, rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta".

Đọc Nguyễn Thi, thấy tác phẩm của ông nồng nàn hơi thở thô phác, ấm áp và mãnh mẽ của nền đất phù sa, những nhân vật của ông cắm chắc vào đời sống, luôn luôn lăn lộn trong gian nguy, vất vả, da dẻ cứ đỏ au lên vì nắng gió, khẩu súng như lúc nào cũng ấm tay người, và quần áo vẫn đậm chất mồ hôi mặn mòi, khét cháy. Nhà văn đã đứng trên hai bàn chân đứng chắc vào đất, vào hiện thực. Cũng chính vì thế mà ta có cơ hội chiêm ngưỡng màu sắc Nam Bộ đậm đà trong các tác phẩm của ông.

6. Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mẫu 5

Trong văn học cách mạng miền Nam thời kì chống Mĩ, Nguyễn Thi là cái tên thường xuyên xuất hiện bởi ông là tác giả của những bài bút kí chiến tranh, truyện ngắn và cuốn truyện kí nổi tiếng được nhiều người biết đến: Người mẹ cầm súng. Nội dung các sáng tác của Nguyễn Thi có chung một nền tảng là hiện thực cuộc sống chiến, đấu gian khổ, ác liệt của quân dân miền Nam. Mỗi tác phẩm là một bài ca ca ngợi chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng; là bài học thấm thía về lí tưởng, suy nghĩ và hành động cho tuổi trẻ thời đánh Mĩ. Bạn đọc thích thú và yêu mến văn chương của Nguyễn Thi bởi có thể tìm thấy ở đó nguồn tư liệu dồi dào, phong phú về vùng đất và con người phương Nam. Truyện ngắn Những đứa con trong gia đình là bức tranh đậm đà chất sống dân gian và màu sắc Nam Bộ, tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Thi.

Tuy quê gốc ở Nam Định nhưng do phiêu dạt vào Nam kiếm sống từ thời còn ít tuổi nên Nguyễn Thi hiểu biết rất rõ về đặc điểm thiên nhiên cũng như phong tục tập quán, cuộc sống sinh hoạt của người dân Nam Bộ. Bức tranh khung cảnh thiên nhiên trong các tác phẩm thường được tốc giả miêu tả đan xen với hoạt động của con người lao động và chiến đấu.

Đoạn trích Những đứa con trong gia đình có nhiều nét đặc biệt. Nét đặc biệt thứ nhất là bối cảnh. Đó là khu rừng cao su nơi cách đây mấy ngày đã diễn ra một trận đánh ác liệt giữa quân Giải phóng và lính Mĩ – ngụy. Mùi khói súng, mùi xác chết, xác xe bọc thép của giặc bị bắn cháy, mặt đất ngổn ngang vì bom đạn cày xới… Nét đặc biệt thứ hai là trong khung cảnh ấy, chỉ có một mình chiến sĩ Việt bị thương nặng và lạc đơn vị. Tác giả tả khu rừng xa lạ chìm trong bóng đêm mênh mông qua cảm nhận của Việt – một chàng trai nông thôn đồng bằng Nam Bộ vừa bước qua tuổi thiếu niên và mới tham gia chiến đấu : Đêm nữa lại đến. Đêm sâu thăm thẳm, bắt đầu từ tiếng dế gáy u u cao vút mãi lên… Một sự vắng lặng như từ trên trời lao xuống chạy từ cổ Việt, lan dài cho tới ngón chân… Bóng đêm vắng lặng và lạnh lẽo bao tròn lấy Việt, kéo theo đến cả con ma cụt đầu vẫn ngồi trên cây xoài mồ côi và thằng chồng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mưa ngoài vàm sông, cái mà Việt vẫn nghe các chị nói hồi ở nhà, Việt nằm thở dốc…

Nguyễn Thi miêu tả khung cảnh trận đánh đang diễn ra ở phía xa qua cảm nhận của Việt trong tình huống bị thương nặng và đang cố tìm về với đơn vị của mình. Việt hình dung và phán đoán diễn biến của trận đánh qua sự nghe ngóng, nhận xét về các loại tiếng súng khác nhau: Một loạt đạn súng lớn văng vẳng dội đến ầm ĩ trên ngọn cây. Rồi loạt thứ hai… Việt ngóc dậy. Rõ ràng không phải tiếng pháo lễnh lãng của giặc. Đó là những tiếng nổ quen thuộc, gom vào một chỗ, lớn nhỏ không đều, chen vào đó là những dây súng nổ vô hồi vô tận. Súng lớn súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đánh dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi. Đúng súng của ta rồi! Việt muốn reo lên. Anh Tánh chắc ở đó, đơn vị mình ở đó. Chà, nổ dữ, phải chuẩn bị lựu đạn xung phong thôi !… Tiếng máy bay vẫn gầm rú hỗn loạn trên cao… Kèn xung phong của chúng ta đã nổi lên. Lựu đạn ta đang nổ rộ…

Chất Nam Bộ đậm đặc nhất là ở đoạn Việt hồi tưởng cảnh đêm mít tinh ghi tên tòng quân và cảnh hai chị em bàn bạc suốt đêm để thu xếp chuyện gia đình trước lúc lên đường nhập ngũ. Nhờ thông thuộc ngôn ngữ và cách ăn nói mộc mạc của người nông dân Nam Bộ nên các chi tiết, hình ảnh, nhân vật… hiện lên trên trang viết của Nguyễn Thi chân thực, tự nhiên, sống động khiến cho người đọc có cảm giác như mình đang được chứng kiến sự việc diễn ra trước mắt : Trong đêm mít tinh để ghi tên thanh niên tòng quân, trước mặt bà con cả xã, đèn sáng rực, anh cán bộ của huyện đội vừa dứt lời, cả hai chị em Việt giành nhau chạy lên.

– Tôi tên là Việt, anh cho tôi đi bộ đội với.

– Chị Chiến đứng sau Việt, thở: “ Đề nghị mấy anh xét cho. Nó là em tôi mà cái gì nó cũng giành…

Đôi chân mày rộng của anh cán bộ cứ nhướng lên giữa trán, không hiểu chuyện gì. Bà con cô bác ở dưới bàn tán lao xao. Anh cán bộ hỏi Việt:

– Hai em là chi em ruột?

– Dạ, nhà em ở ấp Một, em mười tám, chị Chiến em mười chín.

Việt dòm chị, mình đứng đâu có thua chị, tuy tóc chị có cao hơn mình một ít chút thật.

Chị Chiến nói:

– Đến Tết này nó mói được mười tám anh à! Em nói để em đi trước, nó ở nhà, thủng thẳng để chú Năm em thu xếp rồi hãy đi, mà nó không chịu.

Anh cán bộ nhìn hai bộ mặt bầu bầu cùng một khuôn có hai cái chót mũi hơi hớt lên của chị em Việt, rồi cười:

– Ba mà có đi đây không em?

– Dạ không.

– Ba má em chết rồi.

– Chị Chiến nói thêm cho rõ.

Anh cản bộ đã cầm viết rồi lại đặt xuống. Từ dưới sân, chú Năm bước lên. Chú nheo mắt nhìn chị em Việt, rồi nói với anh cán bộ:

– Tôi xin có một câu với đồng chỉ huyện đội. Hai đứa cháu tôi nó một lòng theo Đảng như vậy, tôi cũng mừng. Vậy xin trên cứ ghi tên cho cả hai. Việc lớn ta tính theo việc lớn, còn việc thỏn mỏn trong nhà tôi thu xếp khắc xong.

Đúng là kiểu nói và giọng điệu “rặt” Nam Bộ của một nông dân yêu nước.

Chiến và Việt có những điểm chung nhưng cũng có những nét riêng thể hiện tính cách của mỗi người. Chiến với vai trò là chị nên suy nghĩ chín chắn hơn và ăn nói cũng chững chạc hơn, cố tỏ rõ cái “uy” của người trên. Còn Việt là em, tuy chỉ kém chị một tuổi nhưng tính nết vẫn còn trẻ con, bồng bột và hiếu thắng. Đoạn văn tả cuộc nói chuyện giữa hai chị em chứng tỏ nhà văn nắm rất vững tâm lí của từng nhân vật:

Cũng ngay đêm ấy, về tới nhà, trước khi ngủ, chị Chiến từ trong buồng nói với ra với Việt:

– Chú Năm nói mầy với tao đi kì này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu.

Việt lăn kềnh ra ván, cười khì khì:

– Chị có bị chặt đầu thì chặt chớ chừng nào tôi mới bị.

– Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à.

– Chà, chị Chiến bữa nay nói i như má vậy ! Cũng ở trong buồng mà nói với ra, cũng nằm với thằng út em, ở trên cái giường đó. Việt nói:

– Chị biết vậy sao hồi nãy chị ngăn tôi? Người ta mười tám rồi mà nói chưa.

– Hồi đó má tính tuổi cho mầy chớ bộ tao tính ha?

Nhà day cửa ra sông, trong đêm vui náo nức này, đom đóm từ ngoài rặng bần cũng kéo vào đầy nhà. Chúng bay chớp chớp như dò trên nóc rồi sà xuống trước mặt Việt. Chị Chiến cũng không ngủ được, sắp tới đây biết bao nhiêu chuyện phải lo, ngay bây giờ cũng bao nhiêu chuyện phải nhớ. Cả chị cả em cùng nhớ đến má. Hình như má cũng đã về đâu đây. Má biến theo ánh đom đóm trên nóc nhà hay đang ngồi dựa vào mấy thúng lúa mà cầm nón quạt ? Đêm nay, dễ gì mả vắng mặt, má cũng phải về dòm ngó coi chị em Việt tính toán việc nhà làm sao chớ?

Gây xúc động thật sự cho người đọc là cảnh sáng hôm sau, hai chị em làm cơm cúng má rồi khiêng bàn thờ má sang gởi bên nhà chú Năm : Chị Chiến… nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước. Chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai.

Hai chị em khiêng má băng tắt qua dãy đất cày trước cửa, men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam, con đường hồi trước má vẫn đi để lội hết đồng này sang bưng khác.

Đúng là bức tranh sinh động về nông thôn và đời sống tinh thần phong phú của người dân Nam Bộ : yêu gia đình, yêu đất nước, một lòng một dạ với cách mạng. Cái hay của Nguyễn Thi là tác giả thể hiện chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng qua những câu chuyện rất giản dị, rất đời thường. Giản dị, chân chất, trong sáng như tính cách của những con người mà nhà văn gắn bó, yêu mến trong những năm tháng gay go, ác liệt của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai bán nước.

Những đứa con trong gia đình là truyện ngắn thành công về nhiều mặt. Điều hấp dẫn người đọc trước hết là ở cách kể chuyện tự nhiên, mộc mạc của tác giả rất phù hợp với việc thể hiện tính cách đặc trưng của con người Nam Bộ thật thà, chất phác. Thông qua nội dung của truyện, nhà văn đã làm nổi bật sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước, tình cách mạng ; giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Văn phong đậm đà chất Nam Bộ của tác giả cũng góp phần rất lớn tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ của tác phẩm. Nguyễn Thi xứng đáng với lời khen tặng là nhà văn của nông dân Nam Bộ.

7. Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mẫu 6

Không sinh ra ở Nam Bộ nhưng Nguyễn Thi đã sống gắn bó với mảnh đất Nam Bộ trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Ở đó, ông là nhà văn quân đội vừa tham gia chiến đấu với nhân dân Nam Bộ vừa hoạt động văn nghệ. Vì thế, ông hiểu rõ tính cách, tâm hồn, lối sống của người nông dân Nam Bộ.

Qua tác phẩm Những đứa con trong gia đình ta nhận ra sắc thái Nam Bộ đậm đà. Sắc thái Nam Bộ biểu hiện rõ nhất là ở cảnh vật được miêu tả, sự việc được nói đến, ở ngôn ngữ và tính cách của nhân vật.

Cảnh tượng chiến trường ở nơi nào, thời nào cũng giống nhau nhưng dưới ngòi bút Nguyễn Thi, chiến trường sau tiếng bom rền đạn réo lại có nét riêng, rất Nam Bộ. Giữa đồng không mông quạnh “một sự vắng lặng như từ trên trời lao xuống…”, “tiếng dế gáy u u cao vút mãi lên” giữa đêm sâu thăm thẳm. Chính giữa không gian ấy, người chiến sĩ bị thương nặng, lạc đơn vị mới cảm thấy rõ nhất mình đang trở về kỉ niệm tuổi thơ, đang sống giữa quê hương (một nơi trên vùng đồng bằng Nam Bộ): “Bóng đêm vắng lặng và lạnh lẽo…ngoài vàm sông…”.

Ngôi nhà má Tư Năng cũng như hàng ngàn, hàng vạn mái nhà của bà con khắp vùng Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Bến Tre…Ở cạnh các vàm, các kênh bao trùm bởi màu xanh của rặng bần, của khóm đước: “Nhà day cửa ra sông…trước mặt Việt”.

Màu sắc Nam Bộ được thể hiện ở những vật dụng, ở cái gia tài của má Tư Năng để lại. Đó là “năm công ruộng”, “hai công mía”, là những thứ làm ăn của nhà nông nghèo khó, lam lũ: nồi, lu, chén, đĩa, cuốc, vá, đèn soi mà chị em Việt sẽ gởi lại chú Năm trước khi đi đánh giặc.

Cảnh đêm tòng quân của tuổi trẻ vùng đồng bằng Nam Bộ vui như ngày hội. Cảnh hỗn chiến giữa ta và giặc, cảnh tấn công như vũ bão của quân ta, qua sự lắng nghe, cảm nhận của Việt vừa hồi tỉnh sau cơn mê cũng mang nét rất riêng của Nam Bộ thời đánh Mĩ: “Việt ngóc dậy…hồi Đồng Khởi”.

Màu sắc Nam Bộ được thể hiện rõ nhất ở tính cách và ngôn ngữ của các nhân vật như má Tư Năng, chú Năm, của Chiến và Việt. Mỗi nhân vật của Nguyễn Thi đều có cá tính riêng song dường như tất cả đều có những đặc điểm, tính cách rất Nam Bộ, “rất Nguyễn Thi”. Đó là lòng yêu nước mãnh liệt, tinh thần căm thù sâu sắc đối với bọn thực dân và tay sai; đó là sự gan góc, tinh thần chiến đấu; thẳng thắn, bộc trực, lạc quan, giàu tín nghĩa; rất mực giản dị, hồn nhiên.

Hình ảnh má Tư Năng dẫn đàn con đi đòi đầu chồng; hiên ngang, thách thức : “Vợ Tư Năng đây!” khi đứng trước mũi súng và lời hăm dọa của lũ giặc. Bọn lính bắn vọt qua đầu

má, má đưa hai bàn tay to bản phủ lên đầu các con đang nép dưới chân. Má chèo xuồng mà đi làm thuê, mà đi đấu tranh chính trị, đến lúc chết vẫn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu (trái cà nông vẫn còn nóng hổi).Hình ảnh má Tư Năng làm ta nhớ đến câu nói “ Còn cái lai quần cũng đánh” của chị Út Tịch trong “Người mẹ cầm súng”.

Chú Năm, người giữ vị trí, vai trò quan trọng trong gia đình, như một cuốn gia phả sống. Lời nói của chú cứ như lời truyền dạy của tổ tiên, ông bà: “Chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó”. Dòng sông mà chú nói là dòng sông truyền thống, là cội nguồn nuôi dưỡng cho ý chí và tinh thần cho những đứa con tiếp nối như Việt và Chiến.Cái dòng sông ấy trong quá khứ không xa là máu và nước mắt mà chú đã cô đọng lại qua ngòi bút mộc mạc, qua lời kể, qua giọng hò đau đớn mà như Nguyễn Thi viết nó “đục và tức như gà gáy”. Hình ảnh chú Năm gần như là kết tinh phẩm chất và khí phách của người dân Nam Bộ, giản dị, mộc mạc từ lời ăn tiếng nói với những từ ngữ chất phát như “trọng trọng”, “thỏn mỏn” cho đến cái thú giang hồ “đi đây đi đó”. Đặc biệt là tinh thần chuộng đạo nghĩa. Chỉ một lời nói với chị em Việt : “Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non”. Những câu nói ấy thật đặc sắc bởi âm vang cả một truyền thống đạo nghĩa tận ngàn xưa hay chí ít cũng là tinh thần khí phách Nguyễn Đình Chiểu năm nào.

Chị em Việt: Từ lúc bé Việt đã dám xông vào thằng giặc mà đấm mà đá, lớn lên hai chị em tranh nhau đi bộ đội, cùng chiến đấu dũng cảm và lập được nhiều chiến công. Chiến và Việt là những gương mặt đại diện cho thế hệ trẻ miềnNamanh dũng trong thời kì chống Mĩ cứu nước.

Điều đáng nói của tác phẩm là ở chỗ, Nguyễn Thi miêu tả những người con Nam Bộ, gửi gắm vào tác phẩm của mình một màu sắc Nam Bộ đậm nét nhưng nhà văn muốn ta nghĩ đến không chỉ một gia đình Nam Bộ, không chỉ nhân dân Nam Bộ mà cả một Tổ quốc đang hào hùng chiến đấu bằng sức mạnh sinh ra từ nỗi đau thương. Câu nói của chú Năm mãi ngân vang trong lòng những người con đất Việt như một lời nhắc nhở sâu sắc: “Trăm sông đổ về một biển…ngoài cả nước ta”. Đọc Nguyễn Thi, thấy tác phẩm của ông nồng nàn hơi thở thô phác, ấm áp và mạnh mẽ của đất đai, những nhân vật của ông cắm chắc vào đời sống, lăn lộn trong vất vả gian nguy da dẻ cứ đỏ au lên vì nắng gió và quần áo vẫn đậm chất mồ hôi mặn mòi khét cháy. Nhà văn đã đứng trên hai bàn chân bám chắc vào đất, vào hiện thực. Cũng chính vì thế mà ta có cơ hội được chiêm ngưỡng màu sắc Nam Bộ đậm đà trong các tác phẩm của ông./.

Trên đây Tìm Đáp Án vừa giới thiệu tới các bạn Sắc màu Nam Bộ trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, mong rằng qua đây các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!