TimDapAnxin giới thiệu tới bạn đọc Phương pháp làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lí. Nội dung tài liệu sẽ giúp các bạn làm bài thi trắc nghiệm Vật lý 12 hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.

Bí quyết làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lí

  • 1. Những điều cần lưu ý khi ôn tập và trả lời các dạng câu hỏi trắc nghiệm vật lí
  • 2. Vài bí quyết để làm tốt bài thi trắc nghiệm vật lí

Đề thi trắc nghiệm vật lí có đủ các dạng: trắc nghiệm kiến thức về lí thuyết (định luật, nguyên lí, quy tắc,…) trắc nghiệm về thực hành; trắc nghiệm về kĩ năng tính toán. Việc ôn tập và làm bài thi môn Vật lí như thế nào cho tốt, chắc hẳn sẽ luôn là vấn đề mà nhiều học sinh quan tâm trước kì thi THPT quốc gia.

1. Những điều cần lưu ý khi ôn tập và trả lời các dạng câu hỏi trắc nghiệm vật lí

a) Trắc nghiệm kiến thức về lí thuyết vật lí. Trong quá trình học cần chú ý đến các hiện tượng vật lí có liên quan đến kiến thức vật lí trong chương trình và ứng dụng kiến thức vật lí trong thực tế. Đề thi trắc nghiệm sẽ khai thác tối đa các hiện tượng, khái niệm hoặc công thức mà HS do chưa nắm kĩ và dễ bị nhầm lẫn. Chẳng hạn:

- Khái niệm cùng pha, lệch pha giữa các đại lượng vật lí (li độ, vận tốc, gia tốc, cường độ dòng điện, điện áp,…).

- Các khái niệm dao động điều hòa, dao động tuần hoàn, dao động cưỡng bức, dao động tắt dần, dao động riêng, dao động duy trì.

- Tính chất và tác dụng của các bức xạ không nhìn thấy.

- Tính chất và ứng dụng của các loại sóng vô tuyến điện.

- Tính chất và ứng dụng của quang phổ liên tục, quang phổ vạch, quang phổ hấp thụ.

Câu trắc nghiệm vật lí là loại câu không yêu cầu thí sinh tính toán mà chỉ cần nắm chắc lí thuyết và biết vận dụng nó vào trường hợp cụ thể để chọn phương án trả lời đúng.

b) Trắc nghiệm về thực hành bao gồm kĩ năng quan sát hiện tượng vật lí ; thực hành thí nghiệm, nắm rõ trình tự tiến hành thí nghiệm, cách hạn chế sai số; kĩ năng đọc hiểu đồ thị, vẽ sơ đồ và biết cách mắc, lắp ráp theo sơ đồ, kĩ năng vận dụng kiến thức để giải thích hiện tượng vật lí… HS cần lưu ý đến các dạng câu hỏi có liên quan đến sơ đồ mạch điện, đồ thị.

c) Trắc nghiệm về kĩ năng tính toán, bao gồm kĩ năng giải những bài tập ngắn, kĩ năng chuyển đơn vị…. HS cần dành nhiều thời gian luyện tập với loài bài tập này. Câu trắc nghiệm loại này, đòi hỏi HS phải vận dụng công thức hoặc lập phương trình để tính toán, chọn đáp số cần tìm. Khác với bài toàn trong câu tự luận, bài toán trong câu trắc nghiệm thường không dẫn đến hệ phương trình phức tạp mà chỉ một hoặc vài ba phép tính là có thể tìm được đáp số hoặc khẳng định được đáp số là sai hay đúng.

d) Trắc nghiệm về kiến thức tổng hợp và vận dụng cao, loại câu hỏi này đòi hỏi HS phải vận dụng nhiều kiến thức từ nhiều chương, nhiều chủ đề, thậm chí liên quan đến các lĩnh vực khác nhau như Vật lí, Hóa học, Sinh học, Âm nhạc,… để chọn được câu đúng. Loại câu hỏi này đảm bảo độ phân hóa trình độ học sinh tốt hơn để các trường Đại học, Cao đẳng thuận lợi hơn khi sử dụng kết quả thi làm căn cứ tuyển sinh.

2. Vài bí quyết để làm tốt bài thi trắc nghiệm vật lí

Điều mà các học sinh lớp 12 thường băn khoăn và lo lắng trước kì thi là có “cách nào” để làm tốt bài thi trắc nghiệm Vật lí không? Dưới đây là vài “bí quyết” học sinh cần quan tâm.

a) Đọc kĩ phần dẫn câu hỏi, tránh các “bẫy” gây nhiễu (đề bài có thể cho những dữ kiện không cần thiết). Không được bỏ sót một từ nào của phần dẫn để nắm thật chắc nội dung mà đề bài yêu cầu trả lời. Cân nhắc để chọn phương án trả lời (chú ý về đơn vị, tính hợp lí của kết quả).

b) Chú ý các từ phủ định như “không”; “không đúng”; “sai” khi đọc phần dẫn của câu hỏi trắc nghiệm như: câu nào sau đây là sai “…, đặc điểm nào sau đây không đúng?... không có tính chất nào sau đây?... (trong đề thi các từ này thường in đậm).

Ví dụ: Chu kì dao động của con lắc đơn không phụ thuộc vào.

A. Chiều dài l của dây treo.

B. Độ lớn góc lệch của dây treo so với phương thẳng đứng.

C. Khối lượng quả nặng.

D. Gia tốc trọng trường.

Chọn C.

Hướng dẫn: Nếu thí sinh không chú ý tới từ phủ định “không” trong phần dẫn thì sẽ hiểu nhầm phần dẫn hỏi chu kì dao động của con lắc đơn phụ thuộc vào yếu tố nào và sẽ bị phương án A hoặc D của phần lựa chọn lôi cuốn vào bẫy ngay. Ở câu hỏi này, HS cần lưu ý, chu kì dao động điều hòa của con lắc đơn được áp dụng khi thỏa mãn điều kiện góc lệch của dãy treo phải nhỏ.

c) Đọc cả bốn phương án trình bày trong phần lựa chọn, không bỏ bất cứ một phương án nào. Cần tránh những trường hợp vừa đọc được một phương án đã cảm thấy đúng ngay và dừng không đọc các phương án tiếp theo.

d) Đảm bảo đúng thời gian. Thời gian quy định cho mỗi bài thi là một “thử thách” cần phải vượt qua. HS phải hết sức khẩn trương, tiết kiệm thời gian. Cần hiểu rõ và vận dụng linh hoạt phương pháp loại trừ và phỏng đoán khi làm bài trắc nghiệm để chọn nhanh câu trả lời mà không cần phải mất nhiều thời gian tính toán.

e) Biết tạm bỏ qua những câu “rắc rối”, để chuyển sang làm những câu khác “dễ hơn “, rồi quay trở lại làm những câu đó sau. Không nên “sa lầy”, vào những câu làm mất quá nhiều thời gian, vì câu nào cũng có số điểm như nhau. Mặt khác, nếu số câu hỏi còn nhiều mà thời gian làm bài còn ít sẽ mất bình tĩnh dẫn đến làm sai nhiều.

f) Không bỏ sót hoặc để trống câu nào. Khi thời gian làm bài thi gần hết mà còn một số câu chưa giải quyết xong, nên quyết đoán nhanh phương án trả lời cho tất cả các câu, nhưng cũng đừng bỏ qua “quy luật xác suất” trong việc chọn phương án trả lời trắc nghiệm.

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Trên đây TimDapAnđã giới thiệu tới các bạn Phương pháp làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lí. Để có kết quả cao hơn trong học tập, Tìm Đáp Án xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Soạn bài lớp 12, Giải bài tập Toán lớp 12, Giải bài tập Hóa học lớp 12, Giải bài tập Vật Lí 12, Tài liệu học tập lớp 12 mà Tìm Đáp Án tổng hợp và đăng tải.

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!