Đề thi thử vào lớp 10 THPT môn Địa
Đề thi thử vào lớp 10 môn Địa lý trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội năm học 2017 - 2018 (Lần 1) có đáp án được Tìm Đáp Án sưu tầm và đăng tải nhằm giúp các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Địa để tham khảo chuẩn bị tốt cho kì thi tuyển sinh sắp tới đây đạt kết quả cao. Mời các em cùng tham khảo.
TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN HUỆ |
KÌ THI THỬ VÀO LỚP 10 CHUYÊN MÔN THI: ĐỊA LÝ Thời gian làm bài: 150 phút (Đề bài gồm 01 trang) |
Câu I (2 điểm)
- Trình bày hiện tượng ngày, đêm trên Trái Đất vào ngày 22 tháng 6 và giải thích nguyên nhân.
- Sự phân bố lục địa và đại dương ảnh hưởng như thế nào đến đặc điểm khí hậu trên Trái Đất?
Câu II (2 điểm)
- Trình bày ảnh hưởng của vị trí địa lí tới khí hậu nước ta.
- Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích mối quan hệ giữa địa hình và khí hậu ở khu Đông Bắc Bắc Bộ.
Câu III (1,5 điểm)
- Phân biệt cơ cấu dân số già và cơ cấu dân số trẻ.
- Cơ cấu dân số già và cơ cấu dân số trẻ có ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội?
Câu IV (2 điểm)
Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam và kiến thức đã học, hãy so sánh và giải thích cơ cấu cây trồng của hai vùng: Trung du miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên.
Câu V (2,5 điểm)
Cho bảng số liệu :
Diện tích, dân số của các vùng ở nước ta năm 2015
Các vùng | Diện tích (*) (Km2) | Dân số trung bình (Nghìn người) |
Cả nước | 330.966,9 | 91.713 |
Trung du và miền núi phía Bắc | 95.266,8 | 11.804 |
Đồng bằng sông Hồng | 21.060 | 11.804 |
Bắc Trung Bộ | 44376,8 | 10473 |
Duyên hải miền Trung | 44376,8 | 5.608 |
Tây Nguyên | 54.641,0 | 5.608 |
Đông Nam Bộ | 23.590,7 | 16.128 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 40.576 | 17.590 |
(*) Diện tích có đến 01/01/2014 theo Quyết định số 1467/QĐ-BTNMT ngày 21 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nguồn Tổng cục thống kê.
- Tính mật độ dân số các vùng và cả nước năm 2015.
- Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện mật độ dân số của các vùng trong cả nước năm 2015.
- Qua bảng số liệu trên và biểu đồ đã vẽ, hãy rút ra nhận xét về tình hình phân bố dân cư ở nước ta và giải thích nguyên nhân.
----------------HẾT----------------
(Thí sinh được sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam khi làm bài)
Đáp án đề thi thử vào lớp 10 THPT môn Địa
Câu I (2 điểm)
1. Vào ngày 22 tháng 6, độ dài ngày, đêm diễn ra trênTrái Đất như sau: (1,0đ)
- Mọi nơi ở BBC có ngày dài hơn đêm và ở NBC ngược lại.
- Tại Xích đạo: Ngày dài bằng đêm và bằng 12 giờ. Tại Chí tuyến Bắc có ngày dài nhất và đêm ngắn nhất trong năm. Tại Chí tuyến Nam ngược lại.
- Từ Vòng cực Bắc đến cực Bắc có hiện tượng ngày dài 24 giờ, không có đêm. Từ vòng cực Nam đến cực Nam ngược lại, đêm dài 24 giờ, không có ngày.
* Nguyên nhân: Do vào ngày 22 tháng 6, tia sáng Mặt Trời chiếu thẳng góc với tiếp tuyến bề mặt Trái Đất tại Chí tuyến Bắc lúc 12 giờ trưa. BBC ngả về phía Mặt Trời, NBC chếch xa Mặt Trời nhất. Vòng phân chia sáng tối đi qua sau cực Bắc và trước cực Nam dẫn tới thời gian chiếu sáng và diện tích chiếu sáng chênh lệch giữa hai bán cầu.
2. Sự phân bố lục địa và đại dương đã ảnh hưởng đến khí hậu Trái Đất: (1,0đ)
- Làm cho khí hậu có sự phân hóa theo quy luật địa ô: càng vào sâu trong lục địa, tính chất lục địa càng tăng... Sinh ra kiểu khí hậu hải dương và khí hậu lục địa (d/c: khu vực ven biển và sâu trong lục địa...)
- Sự phân bố lục địa và đại dương hình thành nên các trung tâm khí áp thay đổi theo mùa => sinh ra gió mùa. VD: vào mùa đông, trên lục địa Á – Âu hình thành nên trung tâm áp cao Xibia hay sự hình thành áp thấp Iran vào mùa hạ...
- Trong phạm vi hẹp ven biển và thời gian ngắn trong một ngày đêm làm sinh ra gió đất và gió biển (d/c: sự hình thành gió đất và gió biển)
Câu II (2 điểm)
1. Vị trí địa lí có ảnh hưởng như thế nào tới khí hậu nước ta? (1,0đ)
- Vị trí địa lí => KH nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa:
- Nằm trong vùng nội chí tuyến, lãnh thổ nước ta hàng năm nhận được lượng nhiệt lớn nên khí hậu nước ta có tính chất nhiệt đới.
- Giáp biển Đông, biển tăng cường độ ẩm và lượng mưa tạo cho khí hậu nước ta có tính chất ẩm.
- Nằm trong khu vực hoạt động của gió mùa châu Á, nên thời tiết thay đổi thất thường, khí hậu phân hóa theo mùa và có nhiều thiên tai...
- Lãnh thổ trải dài trên nhiều vĩ độ làm cho khí hậu nước ta có sự phân hóa theo chiều Bắc – Nam.
2. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích mối quan hệ giữa địa hình và khí hậu ở khu Đông Bắc. (1,0đ)
- Ảnh hưởng của địa hình đến khí hậu:
- Hướng của các cánh cung mở rộng ra phía bắc và phía đông đã tạo thuận lợi cho sự xâm nhập gió mùa đông bắc vì thế đây là khu vực có mùa đông lạnh nhất nước ta.
- Cánh cung Đông Triều chắn gió mùa đông nam, gây mưa lớn cho khu vực ven biển và làm cho vùng trũng Cao Bằng, Lạng Sơn có lượng mưa thấp.
- Địa hình còn tạo ra các trung tâm mưa nhiều (Bắc Quang...), trung tâm mưa ít (Bắc Giang...); tạo nên sự phân hóa khí hậu theo độ cao.
- Ảnh hưởng của khí hậu đến địa hình: địa hình xâm thực mạnh ở vùng đồi núi và bồi tụ nhanh ở các đồng bằng, các thung lũng sông. Các hiện tượng như đất trượt, đá lở cũng thường xuyên xẩy ra; địa hình cacxtơ phát triển
Câu III (1,5 điểm)
1. Phân biệt cơ cấu dân số già và cơ cấu dân số trẻ.
Nhóm tuổi | Dân số già (%) | Dân số trẻ (%) |
0 – 14 | <25 | >35 |
60 tuổi trở lên | >15 | <10 |
Kết luận:
- Cơ cấu dân số già: số trẻ em dưới 14 tuổi chiếm tỉ lệ thấp, dưới 25% tổng số dân. Số người già trên 60 tuổi cao, chiếm trên 15%.
- Cơ cấu dân số trẻ: số trẻ em dưới 14 tuổi chiếm tỉ lệ cao, trên 35% tổng số dân. Số người già trên 60 tuổi thấp, chiếm dưới 10%.
2. Ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội
- Dân số già:
- Thuận lợi: Nguồn lao động hiện tại dồi dào, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, nhiều thợ giỏi, thợ kĩ thuật cao.
- Khó khăn: Thiếu lao động trong tương lai, chi phí phúc lợi người già lớn.
=> Cần đưa ra biện pháp: Khuyến khích lập gia đình, sinh con và nhập khẩu lao động một cách hợp pháp.
- Dân số trẻ:
- Thuận lợi: Nguồn lao động hiện tại dồi dào và bổ sung lớn, thị trường tiêu thụ rộng lớn, năng động, nhạy bén trong tiếp thu khoa học kỹ thuật.
- Khó khăn: Gây sức ép đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và chất lượng cuộc sống, thiếu kinh nghiệm trong SX, thiếu thợ giỏi, thợ kĩ thuật cao.
=> Cần đưa ra biện pháp: Thực hiện chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình, phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
Câu IV (2 điểm) Dựa vào átlát Địa lý Việt Nam và kiến thức đã học, hãy so sánh và giải thích cơ cấu cây trồng của hai vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên.
- Giống nhau:
- Cơ cấu cây trồng đa dạng, gồm cả cây lâu năm và cây ngắn ngày. Trong cơ cấu cây trồng đều có cây cận nhiệt (d/c)
- Đều là các vùng chuyên canh qui mô lớn đối với cây công nghiệp lâu năm và có trung tâm sản xuất giống rau và hoa nổi tiếng trong cả nước (d/c)
- Nguyên nhân:
- Do đều có sự phân hoá khí hậu theo độ cao, trên 1000m có khí hậu cận nhiệt.
- Đều có những điều kiện thuận lợi cho việc hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp: Diện tích đất feralit rộng lớn, khí hậu thích hợp.
- Cả hai vùng đều có sự phân hoá đa dạng của các điều kiện tự nhiên nên có thể đa dạng hoá cây trồng.
- Khác nhau:
- Cây trồng chủ lực ở TDMNBB là các loại cây cận nhiệt và ôn đới như: Chè, dược liệu, rau quả ôn đới cận nhiệt trong đó cây chè là cây CN số một.
- Cây trồng chủ lực của Tây Nguyên là các loại cây nhiệt đới như cà phê, cao su, hồ tiêu, trong đó cây CN số một là cây cà phê, sau đó là cây cao su.
- Nguyên nhân:
- Do TDMNBB có khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh, đất Feralit đỏ vàng, có thêm đai cao ôn đới trên núi nên có thể sx cả cây dược liệu tạo nên thế mạnh chủ yếu của vùng là các cây cận nhiệt và ôn đới.
- Tây Nguyên có khí hậu cận xích đạo gió mùa nóng quanh năm và đất đỏ bazan màu mỡ nên thích hợp cho các loại cây công nghiệp nhiệt đới.
Câu V (2,5 điểm)
1. Tính mật độ dân số các vùng:
Công thức tính mật độ dân số:
MDDS = Dân số vùng /Diện tích vùng tương ứng (người / km2)
Các vùng | Mật độ dân số |
Cả nước | 277 |
Trung du và miền núi phía Bắc | 124 |
Đồng bằng sông Hồng | 994 |
Bắc Trung Bộ | 204 |
Duyên hải miền Trung | 207 |
Tây Nguyên | 103 |
Đông Nam Bộ | 684 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 433 |
2. Vẽ biểu đồ (1.0đ)
- Vẽ biểu đồ cột, mỗi vùng là một cột.
- Yêu cầu vẽ đẹp, chính xác, có chú giải đầy đủ.
3. Nhận xét về tình hình phân bố dân cư:
- Mật độ trung bình của nước ta cao: 277 ng /km2, do nước ta dân số vào loại đông (thứ 13), diện tích vào loại trung bình trên thế giới.
- Mật độ dân số không đều giữa các vùng:
- Các vùng có mật độ dân số cao hơn trung bình cả nước: ĐBSH, ĐNB và ĐBSCL. Đặc biệt, ĐBSH có mật độ dân số cao nhất cả nước, gấp 3,6 lần mật độ trung bình cả nước.
- Do điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội thuận lợi cho sản xuất và cư trú (địa hình đồng bằng, đất phù sa, nguồn nước dồi dào, cơ sở hạ tầng tốt...)
- Các vùng có mật độ dân số thấp hơn trung bình cả nước: Tây Nguyên, TDMN Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Trong đó, thấp nhất là Tây Nguyên với 103 người/km2.
- Do điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội không thuận lợi cho cư trú và sản xuất (Địa hình chủ yếu là đồi núi đất Feralit, đất cát pha, cơ sở hạ tầng nghèo nàn lạc hậu, hay xảy ra thiên tai ...)
- Chênh lệch giữa vùng có mật độ cao nhất và vùng có mật độ thấp nhất rất lớn: ĐBSH (994 người/km2) gấp 9,7 lần so với Tây Nguyên (103 người/km2).
- Do ĐBSH hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lí, về tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội nên kinh tế phát triển mạnh, toàn diện. Có nhiều trung tâm kinh tế tài chính, thương mại, đầu mối giao thông lớn. Lại có thủ đô Hà Nội, các đô thị lớn, có lịch sử khai thác phát triển lâu đời. Là vùng thâm canh lúa nước cao. Trong khi Tây Nguyên kinh tế còn chậm phát triển, chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp.