Đề thi thử THPT Quốc gia môn Sử trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Lần 2) được Tìm Đáp Án sưu tầm và đăng tải gồm 4 câu hỏi tự luận có đáp án đi kèm, giúp các bạn luyện tập và hệ thống lại kiến thức hiệu quả. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Trần Hưng Đạo, TP. Hồ Chí Minh

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch Sử trường THPT Phong Điền, Thừa Thiên Huế

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

NGUYỄN HUỆ

ĐỀ KIỂM TRA KIẾN THỨC LẦN 2

NĂM HỌC 2015 - 2016

MÔN THI: LỊCH SỬ

Thời gian làm bài: 180 phút

Câu I (2,0 điểm)

Trình bày những nét chính về sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam năm 1929?

Câu II (3,0 điểm)

Các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp vào 11.1939 và 5.1941 đã đề ra chủ trương cách mạng như thế nào?

Câu III (2,0 điểm)

Đặc điểm tình hình nước ta sau khi Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được kí kết? Từ đó, hãy xác định nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong thời kì mới?

Câu IV (3,0 điểm)

Sự phát triển "thần kì" của nền kinh tế Nhật Bản trong những năm 1952 – 1973 được biểu hiện ra sao? Nguyên nhân củasự phát triển nói trên là gì? Theo anh (chị), Việt Nam có thể học tập được gì từ hiện tượng "thần kì Nhật Bản"?

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Sử năm 2016

Câu 1: 

a. Hoàn cảnh lịch sử

  • 1929, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, tiểu tư sản và các tầng lớp nhân dân yêu nước khác phát triển mạnh mẽ, kết thành làn song dân tộc dân chủ ngày càng lan rộng.
  • Thực tiễn đó đòi hỏi cần có sự lãnh đạo của một chính đảng. Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên không còn đủ sức lãnh đạo cách mạng nữa, dẫn đến cuộc đấu tranh xung quanh vấn đề thành lập Đảng cộng sản.

b. Sự thành lập các tổ chức cộng sản 1929

  • 3.1929, những hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên tại số nhà 5D Hàm Long (Hà Nội)
  • 5.1929, tại Đại hội lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, đoàn đại biểu Bắc Kì đề nghị thành lập Đảng Cộng sản, song không được chấp nhận.
  • 17.6.1929, tại 312 Khâm Thiên (Hà Nội), đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản Bắc Kì quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ, ra báo Búa liềm làm cơ quan ngôn luận.
  • 8.1929, các lãnh đạo tiên tiến trong Tổng bộ và Kì bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Nam Kì thành lập An Nam Cộng sản đảng, lấy tờ báo Đỏ là cơ quan ngôn luận. 11.1929, An Nam Cộng sản đảng họp, thông qua đường lối chính trị và bầu Ban Chấp hành Trung ương của Đảng...
  • 9.1929, những đảng viên tiên tiến của Đảng Tân Việt tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn.
  • Sự xuất hiện ba tổ chức cộng sản là một xu thế khách quan của cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản, là sự chuẩn bị trực tiếp cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Câu 2:

a. Hội nghị BCHTW Đảng 11.1939

  • Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập.
  • Chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, lập Chính phủ dân chủ cộng hòa.
  • Chuyển từ hoạt động hợp pháp sang hoạt động bí mật.
  • Thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương nhằm tập hợp rộng rãi mọi lực lượng chống đế quốc ở Đông Dương.

=> Đánh dấu bước chuyển hướng quan trọng: đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đưa nhân dân ta bước vào thời kì trực tiếp vận động cứu nước.

b. Hội nghị BCHTW 5.1941

  • Tiếp tục khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Đông Dương là giải phóng dân tộc, tiếp tục tạm gác khẩu hiệu "cách mạng ruộng đất", nêu khẩu hiệu giảm tô, thuế, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng.
  • Hội nghị chỉ rõ sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp – Nhật sẽ thành lập Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
  • Quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh với các tổ chức quần chúng mang tên "cứu quốc"
  • Xác định hình thái khởi nghĩa nước ta đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa và nhấn mạnh chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân.

=> Hội nghị đã hoàn chỉnh chủ trương được đề ra từ Hội nghị Trung ương 11.1939 nhằm giải quyết mục tiêu số 1 của cách mạng là độc lập dân tộc và đề ra nhiều chủ trương sáng tạo để thực hiện mục tiêu ấy.

Câu 3:

a. Đặc điểm tình hình

  • Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương được kí kết, nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước chưa hoàn thành.
  • Miền Bắc hoàn toàn giải phóng.
  • Ở miền Nam, Mĩ thay thế Pháp, dựng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn sứ quân sự.

b.Nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong thời kì mới

  • Miền Bắc: Hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, đưa miền Bắc tiến lên CNXH
  • Miền Nam: Tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để chống Mĩ và tay sai, thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà.

Câu 4:

a. Sự phát triển "thần kì" của nền kinh tế Nhật Bản trong những năm 1952 – 1973

  • Từ một nước bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã tập trung phát triển kinh tế và đạt được những thành tựu to lớn, tạo nên hiện tượng "thần kì":

1960 – 1969, tốc độ tăng trưởng bình quân là 10,8%.

  • Năm 1968, Nhật vươn lên đứng thứ hai trong thế giới tư bản (sau Mĩ); trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính lớn của thế giới.
  • Nhật Bản rất coi trọng giáo dục và khoa học – kĩ thuật, tập trung vào lĩnh vực sản xuất dân dụng như hàng tiêu dùng, phát triển giao thông vận tải.

b. Nguyên nhân...

  • Ở Nhật Bản, con người được coi là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định hàng đầu.
  • Vai trò lãnh đạo, quản lí có hiệu quả của Nhà nước.
  • Các công ty Nhật Bản năng động, có tầm nhìn xa, quản lí tốt nên có tiềm lực và sức cạnh tranh cao.
  • Nhật Bản biết áp dụng các thành tựu khoa học – kĩ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm.
  • Chi phí cho quốc phòng thấp (không vượt quá 1% GDP) nên có điều kiện tập trung vốn đầu tư cho kinh tế.
  • Tận dụng tốt các yếu tố bên ngoài để phát triển như nguồn viện trợ của Mĩ, các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên (1950 – 1953) và Việt Nam (1954 – 1975) để làm giàu.

c. Việt Nam có thể học tập...

  • Phát huy nhân tố con người, sử dụng tối đa tiềm năng sáng tạo của con người.
  • Coi trọng đầu tư phát triển khoa học công nghệ và giáo dục.
  • Phát huy truyền thống tự lực tự cường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
  • Tăng cường vai trò Nhà nước trong quản lí kinh tế, quản lí hiệu quả doanh nghiệp, biết thâm nhập thị trường thế giới.
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!