Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang (Lần 3) là đề thi thử đại học môn Sử có đáp án chi tiết đi kèm. Đây là tài liệu ôn thi THPT Quốc gia môn Sử hữu ích, giúp các bạn chuẩn bị và luyện tập tốt cho kì thi THPT Quốc gia, luyện thi Đại học, Cao đẳng 2016 sắp tới. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử lần 1 năm 2016 trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử lần 2 năm 2016 trường THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc

SỞ GD&ĐT BẮC GIANG

TRƯỜNG THPT NGÔ SĨ LIÊN

(Đề thi gồm có 1 trang)

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 3

Môn: LỊCH SỬ 12

Thời gian làm bài: 90  phút

(không kể thời gian phát đề)

Câu 1 (3.0 điểm)

Khái quát quá trình đấu tranh của nhân dân Lào (1945-1975). Mối tình đoàn kết giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam được thể hiện như thế nào từ năm 1945 đến năm 1954 ?

Câu 2 (2.5 điểm)

Nội dung của Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại sao nói Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng đúng đắn, sáng tạo?

Câu 3 (2.0 điểm)

Quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được ghi nhận như thế nào trong Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương (21/7/1954)? Khái quát cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ năm 1946-1954 để giành các quyền dân tộc cơ bản đó.

Câu 4 (2.5 điểm)

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam họp trong hoàn cảnh nào ? Phân tích nội dung quan trọng nhất của Đại hội và ý nghĩa.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử

Câu 1: Khái quát quá trình đấu tranh của nhân dân Lào (1945-1975). Mối tình đoàn kết giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam được thể hiện như thế nào từ năm 1945 đến năm 1954?

  • Qúa trình đấu tranh
    • Giữa tháng 8-1945, Nhật Bản đầu hàng Đồng minh. Tận dụng thời cơ thuận lợi, ngày 23-8-1945, nhân dân Lào đã nổi dậy giành chính quyền. Ngày 12-10-1945, Chính phủ Lào ra mắt quốc dân và tuyên bố độc lập.
    • Tháng 3-1946, Pháp trở lại xâm lược Lào. Cuộc kháng chiến của nhân dân Lào bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, cuộc kháng chiến của nhân dân Lào ngày càng phát triển.
    • Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam, Pháp buộc phải kí Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương ngày 21-7-1954, công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Lào, thừa nhận địa vị hợp pháp của các lực lượng kháng chiến Lào.
    • Sau đó, Mĩ thay chân Pháp, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào, quân dân Lào đã tiến hành cuộc đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự - Chính trị - ngoại giao và giành được nhiều thắng lợi.
    • Tháng 2-1973, sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được kí kết, Hiệp định Viêngchăn về lập lại hoà bình và thực hiện hoà hợp dân tộc ở Lào cũng được kí kết.
    • Từ tháng 5 đến tháng 12-1975, quân dân Lào đã tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn đất nước. Ngày 2-12-1975, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tuyên bố thành lập.
  • Mối tình đoàn kết giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam
    • Năm 1930, ĐCSĐD ra đời mở đầu cho mối quan hệ giữa ba nước Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp.
    • T3/1951, liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào ra đời đã tăng cường liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương.
    • Trong Đông- xuân 1953-1954, Việt Nam phối hợp với quân giải phóng Lào tiến công địch hướng Trung Lào (T12/1953), tiêu diệt nhiều sinh lực địch giải phóng thị xã Thà Khẹt, bao vây, uy hiếp Xavannakhet và căn cứ Xênô. Tiếp đó, đầu năm 1954, liên quân Lào- Việt mở cuộc tiến công địch hướng ở Thượng Lào, giải phóng toàn thỉnh Phongxalì, mở rộng căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào.
    • Cùng với thắng lợi trong cuộc tiến công Đông- xuân 1953-1954, chiến thắng ĐBP ở Việt Nam đã buộc Pháp phải kí Hiệp định Giơ-ne-vơ (T7/1954) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Câu 2: Nội dung của Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại sao nói Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng đúng đắn, sáng tạo?

  • Nội dung của Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam 
    • Cương lĩnh chính trị do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và thông qua tại Hội nghị thành lập ĐCSVN (1930).
    • Nội dung của Cương lĩnh
      • Xác định đường lối chiến lược cách mạng của Đảng là tiến hành "tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản".
      • Nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến và tư sản phản cách mạng tịch thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc; tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn phản cách mạng chi cho dân cày nghèo, tiến hành cách mạng ruộng đất...
      • Lực lượng cách mạng là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức; lợi dụng hoặc trung lập phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản.
      • Lãnh đạo cách mạng là Đảng Cộng sản Việt Nam- đội tiên phong của giai cấp vô sản.
      • Quan hệ với cách mạng thế giới: Cách mạng Việt Nam phải liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới. 
    • Tuy còn vắn tắt, song đây là cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, là một cương lĩnh giải phóng dân tộc, thể hiện sự đúng đắn, sáng tạo, kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc và giai cấp. Độc lập dân tộc và tự do là tư tưởng cốt lõi của cương lĩnh.
  • Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng đúng đắn, sáng tạo vì
    • Nêu rõ đường lối chiến lược của cách mạng nước ta là trải qua 2 giai đoạn, phản ánh đúng hoàn cảnh khách quan của Việt Nam, đồng thời cũng vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của VN.
    • Nêu rõ nhiệm vụ của cách mạng nước ta, trong đó nhiệm vụ chống đế quốc và tay sai đặt lên hàng đầu vì mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội VN là mâu thuẫn dân tộc. 
    • Lực lượng cách mạng đông đảo phản ánh tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đúng với thái độ chính trị và khả năng cách mạng của mỗi giai cấp trong xã hội VN lúc đó.
    • Xác định vai trò của giai cấp lãnh đạo và vị trí của nước ta trong phong trào cách mạng thế giới.

Câu 3: Quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được ghi nhận như thế nào trong Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương (21/7/1954)? Khái quát cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ năm 1946-1954 để giành các quyền dân tộc cơ bản đó.

  • Quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được ghi nhận như thế nào trong Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương (21/7/1954)
    • Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là quyền dân tộc cơ bản của mỗi quốc gia. 
    • Với Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương (T7/1954), thực dân Pháp buộc phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toang vẹn lãnh thổ. Cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước.
  • Khái quát cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ năm 1946-1954 để giành các quyền dân tộc cơ bản đó.
    • Mặc dù đã kí với Pháp Hiệp định sơ bộ (6/3) và Tạm ước 14/9 nhân nhượng cho chúng những quyền lợi ở Đông Dương nhưng thực dân Pháp tiếp tục lấn tới. Chính hành động gây chiến của Pháp là nguyên nhân dẫn đến cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp của nhân dân ta.
    • Dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân ta tiếp tục đứng lên kháng chiến chống Pháp, từng bước giành thắng lợi: Cuộc chiến đấu của nhân dân ta ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch trong các thành phố, tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài.
    • Chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947 đã bảo toàn cơ quan đầu não kháng chiến, căn cứ địa của ta; Đồng thời buộc Pháp phải chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang đánh lâu dài với ta. Chiến thắng Biên giới thu đông 1950 đã khai thông biên giới Việt - Trung, chọc thủng hành lang Đông- Tây của Pháp, làm kế hoạch Rơ-ve bị phá sản. Bộ đội ta ngày càng trưởng thành và giành được thế chủ động đánh địch trên chiến trường chính Bắc Bộ.
    • Thắng lợi của cuộc Tiến công chiến lược Đông- Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, đưa đến kí Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương (21/7/1954)
    • Hiệp định Giơ-ne-vơ là văn bản pháp lí quốc tế ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của các nước Đông Dương và được các cường quốc cùng các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, buộc chúng phải rút quân về nước...

Câu 4: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam họp trong hoàn cảnh nào? Phân tích nội dung quan trọng nhất của Đại hội và ý nghĩa.

  • Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam họp trong hoàn cảnh nào?
    • Trên thế giới: phong trào giải phóng dân tộc lên cao, nhiều nước giành được độc lập. Cường quốc xây dựng CNXH là Liên Xô đạt nhiều thành tựu quan trọng.
    • Trong nước: Cách mạng 2 miền đang phát triển giành được nhiều thắng lợi quan trọng.
    • Từ ngày 5/9 đến ngày 10/9/1960. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng diễn ra tại Hà Nội.
  • Nội dung quan trọng nhất của Đại hội.
    • Đề ra nhiệm vụ chiến lược cho cách mạng cả nước và từng miền, chỉ ra vị trí, vai trò của cách mạng từng miền, mối quan hệ giữa 2 cách mạng hai miền.
      • Cách mạng xã hội chủ nghĩa có vai trò quyết định nhất đối với cách mạng cả nước.
      • Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp đới với sự nghiệp giải phóng miền Nam.
      • Cách mạng hai miền có quan hệ mật thiết, gắn bó nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
  • Ý nghĩa
    • Đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình lãnh đạo của Đảng ta. Những quyết định từ ĐH đã soi sáng những vấn đề chủ yếu cách mạng nước ta, thúc đẩy nhân dân hăng hái giành thắng lợi mới.
    • Là nguồn sáng mới, lực lượng mới cho toàn Đảng, toàn dân ta xây dựng thắng lợi CNXH ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!