Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11

Đề thi khảo sát chất lượng lần 3 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Quế Võ 1, Bắc Ninh năm học 2015 - 2016 có đáp án là đề kiểm tra nhằm đánh giá chất lượng học sinh. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các em ôn tập và củng cố kiến thức, học tốt môn Ngữ văn 11, chuẩn bị sẵn sàng cho học kỳ 2.

Đề thi khảo sát chất lượng lớp chuyên đề môn Tiếng Anh trường THPT Liễn Sơn

Đề thi khảo sát chất lượng lần 3 môn Lịch sử lớp 11 trường THPT Liễn Sơn, Vĩnh Phúc năm học 2015 - 2016

SỞ GD&ĐT BẮC NINH
TRƯỜNG THPT QUẾ VÕ SỐ 1

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN 3 - NĂM HỌC 2015 – 2016
Môn: Ngữ văn 11
Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

Trong dòng đời vội vã có nhiều người dường như đã quên đi tình nghĩa giữa người với người. Nhưng đã là cuộc đời thì đâu phải chỉ trải đầy hoa hồng, đâu phải ai sinh ra cũng có được cuộc sống giàu sang, có được gia đình hạnh phúc toàn diện mà còn đó nhiều mảnh đời đau thương, bất hạnh cần chúng ta sẻ chia, giúp đỡ. Chúng ta đâu chỉ sống riêng cho mình, mà còn phải biết quan tâm tới những người khác. (Đó chính là sự "cho" và "nhận" trong cuộc đời này)

"Cho" và "nhận" là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói "Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn" hay "Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về". Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói? Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim có những nhịp đập yêu thương.

Cuộc sống này có qua nhiều điều bất ngờ nhưng cái quan trọng nhất thực sự tồn tại là tình yêu thương. Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi. Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất.

(Trích "Lời khuyên cuộc sống...")

Câu 1. Trong văn bản trên, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,25 điềm)

Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản trên? (0,25 điểm)

Câu 3. Hãy giải thích vì sao người viết cho rằng: "Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình''? (0,5 điểm)

Câu 4. Cho biết suy nghĩ của anh/chị về quan điểm của người viết: "Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất". Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8:

...Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu...

1948

(Trích: Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên. (0,25 điểm)

Câu 6. Nêu nội dung chính của đoạn thơ. (0,25 điểm)

Câu 7. Xác định biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong câu: "Chó ngộ một đàn". Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó. (0,5 điểm)

Câu 8. Anh/chị hãy nêu cảm nhận của mình về các câu thơ: Mẹ con đàn lợn âm dương/ Chia lìa đôi ngả/ Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã/ Bây giờ tan tác về đâu. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)

Phần II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1 (3.0 điểm)

Suy nghĩ của anh/chị về hai lời khuyên sau đối với người trẻ tuổi: "Trâu chậm uống nước đục" và "Lợi thế người đi sau".

Câu 2 (4.0 điểm)

Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật Chí Phèo (từ khi Chí Phèo bị Thị Nở từ chối đến khi đâm chết Bá Kiến rồi tự sát) trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.

Đáp án đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11

Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm)

Câu 1. Trong văn bản trên, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận: phân tích

  • Điểm 0,25: Trả lời theo cách trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 2. Nội dung chính của đoạn văn: bàn về "cho" và "nhận" trong cuộc sống.

  • Điểm 0,25: Trả lời theo cách trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 3. Người viết cho rằng: "Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình" bởi vì đó là sự "cho" xuất phát từ tấm lòng, từ tình yêu thương thực sự, không vụ lợi, không tính toán hơn thiệt.

  • Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên.
  • Điểm 0,25: Câu trả lời chưa rõ, chưa thuyết phục.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 4. Có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau những phải nhấn mạnh được đó là quan điểm hoàn toàn đúng đắn, đúng với mọi người, mọi thời đại, như là một quy luật của cuộc sống, khuyên mỗi người hãy cho đi nhiều hơn để được nhận lại nhiều hơn.

  • Điểm 0,5: Trả lời đủ các ý trên, viết thành đoạn văn.
  • Điểm 0,25: Câu trả lời khoảng ½ ý trên hoặc trả lời chưa chặt chẽ.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 5. Phương thức biểu cảm

  • Điểm 0,25: Trả lời theo cách trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 6.

  • Đoạn thơ vừa là hồi tưởng của tác giả về quá khứ thanh bình vừa tái hiện hiện tại đau thương của vùng quê bên kia sông Đuống (quê hương tác giả)
  • Sự đổi thay của quê hương bên kia sông Đuống khi có giặc đến.
  • Điểm 0,25: Trả lời theo cách trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 7.

  • Biện pháp tu từ: Ẩn dụ (chỉ kẻ thù xâm lược), Đảo ngữ
  • Tác dụng:
    • Nhấn mạnh bản chất hung dữ, cuồng bạo, khát máu của kẻ thù.
    • Đồng thời là thái độ khinh bỉ của nhà thơ, của nhân dân với bọn chúng.
  • Điểm 0,5: Trả lời đúng ý trên.
  • Điểm 0,25: Trả lời khoảng ½ ý trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 8. Nêu được những cảm nhận sau và có thể diễn đạt theo cách khác nhau nhưng phải hợp lý và thuyết phục.

  • NT: Thể thơ tự do, kết cấu đặc biệt (một câu sum vầy, một câu chia lìa); Từ ngữ tương phản; Câu hỏi tu từ.
  • ND: Tác giả mượn hình ảnh những con vật vô tri trong bức tranh Đông Hồ để nói về nỗi đau hạnh phúc lứa đôi đổ vỡ, tổ ấm gia đình chia lìa tan tác của con người.
  • Điểm 0,5: Nêu được những cảm nhận trên và có thể diễn đạt theo cách khác nhau nhưng phải hợp lý và thuyết phục.
  • Điểm 0,25: Trả lời còn hời hợt, chung chung.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (3.0 điểm)

* Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; điễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,25 điểm):

  • Điểm 0,25 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự thiệt thòi cũng như lợi thế của người đi sau
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,75 điểm):

a. Giải thích: (0.5 điểm)

  • "Trâu chậm uống nước đục": Lời khuyên này rút ra từ thực tế: trâu thường xuống sông uống nước theo đàn, con nào uống sau sẽ phải uống nước đục. Ý nghĩa: người nhanh chân sẽ có nhiều lợi thế, gặp điều may, được hưởng những điều tốt đẹp còn kẻ chậm chân tất phải chịu thiệt thòi.
  • "Lợi thế người đi sau": người đi sau có lợi, trái ngược với ý nghĩa câu trước.

b. Bình luận: (0.75 điểm)

  • Câu thứ nhất: Thiệt thòi của người đi sau:
    • Người đi trước sẽ là người nắm bắt được cơ hội, chậm chân hơn sẽ mất đi cơ hội tốt đẹp, sẽ khó có điều kiện phát huy, khẳng định được bản thân. Ví dụ: trong kinh doanh, người đi đầu trong một lĩnh vực, một mặt hàng sẽ chiếm lĩnh được thị trường rộng lớn, tạo được thương hiệu,...
    • Người đi trước sẽ là người tiên phong, được mọi người công nhận, còn người đi sau thì khó hoặc không.
  • Lợi thế của người đi sau:
    • Từ những gì người đi trước đã làm sẽ học hỏi được kinh nghiệm, những điều hay, điều tốt để phát huy.
    • Rút ra những kinh nghiệm quý báu cho bản thân, không mắc sai lầm mà người trước đã gặp phải.

=> Dù là người đi trước hay đi sau thì đều có những thuận lợi và khó khăn, cần vận dụng, biến hóa linh hoạt để có thể thành công trong cuộc sống.

c. Bàn luận mở rộng (0.25 điểm)

  • Khẳng định hai câu trên đều là những lời khuyên thiết thực đối với giới trẻ, đều có lẽ đúng.
  • Phê phán thái độ sống ngại khó, ngại khổ, không chịu đi trước cũng như những người ỷ lại, trông chờ, phụ thuộc vào người khác.

d. Rút ra bài học nhận thức và hành động (0.25 điểm)

  • Phải biết phát huy lợi thế của mình trong mọi trường hợp.

4. Sáng tạo (0,25 điểm).

  • Điểm 0,25 : Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):

  • Điểm 0,25: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2 (4.0 điểm)

I. Yêu cầu chung: Thí sinh phải biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

II. Yêu cầu cụ thể:

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0, 25 điểm):

  • Điểm 0,25 điểm: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
  • Điểm 0: Thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Bi kịch cuộc đời Chí Phèo- người nông dân trong xã hội thực dân nửa phong kiến- sinh ra là người nhưng không được làm người.
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,75 điểm):

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm nổi bật được những ý cơ bản sau:

a. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, giới thiệu vấn đề (0.25 điểm)

  • Nam Cao (1917- 1951), là nhà văn tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam ở cả hai giai đọan trước và sau Cách mạng tháng Tám. Ông là một nhà văn có quan điểm nghệ thuật tiến bộ, có tấm lòng đôn hậu, chan chứa tình thương, gắn bó sâu nặng với quê hương và những người nông dân nghèo khổ.
  • Đặc biệt, đến với truyện ngắn "Chí Phèo", một trong những truyện ngắn viết về đề tài người nông dân nghèo trước CMT8 của Nam Cao, chúng ta không thể không cảm thông và xót xa, đau đớn trước bi kịch bị cự tuyệt của Chí Phèo được thể hiện ở đọan cuối của truyện. Đồng thời qua đó chúng ta cảm nhận sâu sắc giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.

b. Phân tích để làm sáng tỏ vấn đề. (2.0đ)

b1. Chí Phèo trước khi rơi vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người (0.5 điểm)

  • Là một đứa trẻ bị bỏ rơi
  • Là anh canh điền 20 tuổi, hiền lành lương thiện-
  • Bị đẩy vào tù và trở thành kẻ lưu manh, con quỷ dữ, bị cướp mất nhân hình và nhân tính.
  • Chí Phèo hồi sinh tâm hồn: Chí đã gặp thị Nở và được thị thương yêu chăm sóc. Người đàn bà xấu như ma chê quỷ hờn ấy với tình yêu thương mộc mạc, chân thành, đã đánh thức phần nhân tính còn lại trong con người Chí, khiến Chí muốn trở lại làm người lương thiện: "Trời ơi ! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn sao người khác lại không thể được". Mùi cháo hành đã đẩy lùi hơi ruợu trong Chí, và ngọn lửa lương tri tưởng đã tắt, giờ lại bùng lên với một ước mơ được sống luơng thiện.

b2. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người (1.25 điểm)

  • Nhưng sự mong ước được sống lương thiện của Chí một lần nữa lại không trở thành hiện thực. Thị Nở không thể giúp gì thêm cho hắn. Bởi lẽ:
    • Bà cô thị kiên quyết ngăn cản mối tình này. Bà không thể đồng ý cho cháu gái bà "đâm đầu" đi lấy thằng Chí Phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đai- bấy lâu chỉ có mỗi một nghề rạch mặt ăn vạ.
    • Nghe những lời bà cô mắng, thị Nở thấy "lộn ruột", nhưng cũng phải nghe theo. Rồi thị giận dữ nói lại tất cả những lời bà cô với Chí Phèo. Điều này khiến Chí "ngẩn người" và thất vọng, lúc này hắn vẫn chưa tuyệt vọng vì hắn vẫn lại như hít thấy hơi cháo hành.
    • Khi Thị ra về, Chí đuổi theo nắm lấy tay thị. Điều đó chứng tỏ Chí khao khát tình yêu, thiết tha đến với thị Nở - đến với cuộc đời lương thiện - biết chừng nào.
  • Khi thấy không cách gì níu giữ được thị Nở, Chí rơi vào tình thế tuyệt vọng. Lúc này đây Chí thật sự thấm thía sâu sắc cái "bi kịch tinh thần của con người sinh ra làm người nhưng lại không được làm người." Chí đã:
    • Vật vã, đau đớn.
    • Uống rượu, nhưng càng uống càng tỉnh.
    • Chí ôm mặt khóc rưng rức - tiếng khóc bất lực, đau đớn, tuyệt vọng và luôn thấy thoang thoảng mùi cháo hành. (chi tiết này được nhắc đi nhắc lại nhằm tô đậm nỗi khát khao tình yêu thương và nhất là bi kịch tinh thần của Chí.)
  • Bi kịch phải được giải quyết và nó đã được giải quyết bằng con đường tất yếu: xã hội đã không cho Chí sống thì Chí phải chết (vì nếu sống mà không được công nhận là con người thì sống để làm gì?).
  • Trong cơn tuyệt vọng, khủng hoảng và bế tắc, Chí càng thấm thía hơn tội ác của kẻ đã cướp đi bộ mặt và linh hồn của mình, Chí đã đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình.

c. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm (0.75 điểm)

  • Giá trị hiện thực: Tác phẩm ghi lại bức tranh về XHTDPK tàn bạo, vô nhân tính. Đồng thời cũng tái hiện lại chân thực bức tranh cuộc sống khốn cùng, bế tắc của người dân lao động bị xã hội cũ đẩy vào con đường tha hóa. Tố cáo tội ác của xã hội thực dân và nửa phong kiến.
  • Giá trị nhân đạo: Nhà văn miêu tả số phận bất hạnh và cảm thông sâu sắc với bi kịch của người nông dân của. Đồng thời ông còn khẳng định sức sống bất diệt của thiên lương. Lương thiện, khát khao hạnh phúc là bản tính tự nhiên, tốt đẹp và mạnh mẽ của con người. Không thế lực bào tàn nào có thể hủy diệt. Từ đó, nhà văn kêu gọi mọi người hãy luôn tin vào con người, tin vào bản chất tốt đẹp của mỗi người và cùng nhau xây đắp phần Người trong mỗi con người để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

=> Bằng tấm lòng yêu thương trân trọng với những người khốn khó, Nam Cao đã phát hiện được những phần sâu kín nhất trong tâm hồn của họ. Đó là những gì còn sót lại của tình người, sự khát khao hạnh phúc, ước muốn yêu thương và nhất là quyền được làm người lương thiện. Bi kịch của Chí chính là tiếng kêu cứu thiết tha của những con người bất hạnh: Hãy đấu tranh chống lại các thế lực đen tối để con người được sống lương thiện và hạnh phúc

4) Sáng tạo (0,25 điểm)

  • Điểm 0,25: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

5) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm): Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!