Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9
Tìm Đáp Án hiểu được rằng việc tìm kiếm được những tài liệu hay và chất lượng để phục vụ cho quá trình ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử là điều không hề dễ dàng chính vì vậy chúng tôi đã sưu tầm và xin được gửi tới bạn: Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 tỉnh Thái Nguyên năm học 2015 - 2016.
Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016
Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Phòng GD&ĐT Đoan Hùng, Phú Thọ năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng A
Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Sở GD&ĐT Nghệ An năm học 2015 - 2016 bảng B
UBND TỈNH THÁI NGUYÊN SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ CHÍNH THỨC |
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS NĂM HỌC 2015 - 2016 MÔN LỊCH SỬ Thời gian: 150 phút không kể thời gian phát đề |
Câu I (5,0 điểm). Trong những năm 1919 - 1925, cách mạng Việt Nam có những lực lượng chủ yếu nào tham gia phong trào dân tộc, dân chủ? Phong trào đấu tranh của các lực lượng đó diễn ra như thế nào?
Câu II (3,0 điểm). Dựa vào bảng dữ liệu dưới đây, hãy nêu những công lao của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Thời gian | Nội dung |
Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 | Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương |
19/5/1941 | Theo sáng kiến của Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh được thành lập. |
22/12/1944 | Theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập |
6/1945 | Theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, Khu Giải phóng Việt Bắc được thành lập. |
Từ ngày 14 đến ngày 15/8/1945 | Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (Tuyên Quang), thông qua kế hoạch Tổng khởi nghĩa, quyết định những vấn đề đối nội, đối ngoại sau khi giành được chính quyền. |
Từ ngày 16 đến ngày 17/8/1945 | Đại hội Quốc dân được tiến hành ở Tân Trào. Đại hội tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ Lâm thời sau này) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. |
2/9/1945 | Tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới rằng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. |
Nguồn: Lịch sử 9, Nhà xuất bản Giáo dục, 2005.
Câu III (4,0 điểm). Công cuộc xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong năm đầu sau Cách mạng tháng Tám 1945 đã diễn ra như thế nào? Nêu ý nghĩa của những kết quả đạt được đó.
Câu IV (4,0 điểm). Tại sao tháng 6/1950 Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định mở Chiến dịch Biên giới? Có đúng không khi cho rằng: "Chiến dịch Biên giới thu - đông 1950 đánh dấu bước ngoặt của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược"? Vì sao?
Câu V (4,0 điểm). Trật tự hai cực I-an-ta được hình thành như thế nào? Tại sao lại gọi là "Trật tự hai cực"?
--------------Hết--------------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN LỊCH SỬ LỚP 9
I. Hướng dẫn chung
1. Thí sinh trả lời theo cách riêng (về bố cục và câu chữ) nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản như trong hướng dẫn chấm thì vẫn cho đủ điểm
2. Thí sinh vận dụng được kiến thức cơ bản từ những tài liệu ngoài SGK thì được khuyến khích cho thêm điểm, nhưng không được vượt quá điểm của từng câu và của toàn bài
3. Sau khi cộng điểm toàn bài để điểm lẻ đến 0,25 điểm
II. Hướng dẫn chấm chi tiết
Câu 1. Trong những năm 1919 - 1925, cách mạng Việt Nam có những lực lượng chủ yếu nào tham gia phong trào dân tộc, dân chủ?...
1. Các lực lượng chủ yếu tham gia phong trào dân tộc, dân chủ giai đoạn 1919 - 1925: Tư sản dân tộc, tiểu tư sản trí thức, công nhân, người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài.
2. Phong trào đấu tranh
a. Hoạt động của tư sản dân tộc: Phát động phong trào chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa (1919); đấu tranh chống độc quyền cảng Sài Gòn và xuất cảng lúa gạo ở Nam Kì của tư bản Pháp (1923)...
b. Hoạt động của tiểu tư sản trí thức: Tập hợp trong các tổ chức chính trị như Việt Nam Nghĩa đoàn, Hội Phục Việt, Đảng Thanh niên... Sự kiện nổi bật là cuộc đấu tranh đòi trả tự do cho Phan Bội Châu (1925) và để tang Phan Châu Trinh (1926)...
c. Phong trào đấu tranh của công nhân: Năm 1920, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn đã thành lập Công hội đỏ (bí mật) do Tôn Đức Thắng đứng đầu. Năm 1922, đấu tranh của công nhan viên chức các sở công thương của tư bản Pháp ở Bắc Kì... Đỉnh cao là cuộc đấu tranh của thợ máy xưởng Ba Son - Gài Gòn (8/1925)...
d. Hoạt động của những người Việt Nam ở nước ngoài: Tiêu biểu là hoạt động cách mạng theo khuynh hướng vô sản của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp và hoạt động của tổ chức Tâm tâm xã tại Trung Quốc với sự kiện tiếng bom của Phạm Hồng Thái tại Sa Diện (Quảng Châu - Trung Quốc)...
Câu 2. Dựa vào bảng dữ liệu dưới đây....
Bảng dữ liệu đã thể hiện vai trò của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với cách mạng tháng Tám là:
1. Nguyễn Ái Quốc là người chuẩn bị, triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương góp phần hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chỉ đạo đấu tranh của Đảng.
2. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có vai trò trong việc chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng tháng Tám 1945
- Chuẩn bị về lực lượng chính trị: Tiêu biểu là sáng kiến dẫn đến sự ra đời của Mặt trận Việt Minh - một hình thức mặt trận có quy mô và tổ chức rộng khắp cả nước, là một trung tâm đoàn kết đấu tranh chống Pháp - Nhật để giành độc lập.
- Chuẩn bị về lực lượng vũ trang: Tiêu biểu nhất là chỉ thị dẫn đến sự ra đời của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân – đội quan chính qui cách mạng đầu tiên...
3. Vai trò trong việc xây dựng căn cứ địa cách mạng: Tiêu biểu là việc ra chỉ thị thành lập Khu Giải phóng Việt Bắc - căn cứ địa cách mạng lớn nhất của cả nước, hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này...
4. Vai trò trong việc chuẩn bị về bộ máy lãnh đạo cách mạng: Tiêu biểu là việc Đại hội Quốc dân Tân Trào (16 - 17/8/1945) quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ Lâm thời sau này) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch...
5. Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng dự đoán chính xác thời cơ, kịp thời để ra chủ trương đúng đắn, phát động toàn dân nổi dậy Tổng khởi nghĩa và là linh hồn của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945...
6. Hồ Chí Minh là người soạn thảo và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...
Câu 3. Công cuộc xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...
1. Công cuộc xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân
- Ngày 8/9/1945, Chính phủ Lâm thời công bố lệnh Tổng tuyển cử trong cả nước. Ngày 06/01/1946, hơn 90% cử tri cả nước nô nức đi bầu những đại biểu chân chính của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước...
- Ngày 02/3/1946, Quốc hội khoá 1 họp phiên đầu tiên và đã nhất trí xác nhận thành tích của Chính phủ Lâm thời trong ngày đầu xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lập ra Ban Dự thảo Hiến pháp và thông qua danh sách Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
- Sau ngày bầu cử Quốc hội, khắp các địa phương từ tỉnh đến xã ở Trung Bộ và Bắc Trung Bộ đã tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Ủy ban hành chính các cấp được thành lập thay cho Ủy ban nhân dân...
- Ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) được thành lập để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân
2. Ý nghĩa
- Giáng một đòn mạnh vào âm mưu chia rẽ, lật đổ và xâm lược của đế quốc và tay sai, tạo cơ sở pháp lí vững chắc của một nhà nước cách mạng để thực hiện nhiệm vụ đối nội, đối ngoại trong thời kì mới đầy khó khăn, thử thách...
- Biểu dương sức mạnh và ý chí sắt đá của khối đại đoàn kết toàn dân...
Câu 4. Vì sao tháng 6/1950 Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định mở Chiến dịch Biên giới....
1. Tháng 6/1950, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định mở chiến dịch Biên giới. Chủ trương trên xuát phát từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam lúc đó:
- Tình hình thế giới và Đông Dương thay đổi, có nhiều thuận lợi cho ta mà trong đó tiêu biểu là thắng lợi cách mạng Trung Quốc, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1/10/1949), tạo điều kiện cho cách mạng Việt Nam liên lạc, nối liền với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa...
- Đứng trước hoàn cảnh thế giới có lợi cho cuộc kháng chiến của ta, bất lợi cho Pháp, đế quốc Mĩ ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Nhờ sự giúp đỡ của Mĩ, thực dân Pháp có âm mưu quân sự mới thông qua kế hoạch Rơ-ve. Pháp đã xây dựng được tuyến phòng thủ trên Đường số 4, khóa chặt biên giới Việt - Trung và thiết lập Hành lang Đông - Tây, hòng cắt đứt con đường liên lạc giữa Việt Bắc với đồng bằng Liên khu III và Liên khu IV. Trên cơ sở đó, chúng chuẩn bị mở cuộc tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc lần thứ hai...
2. Nhận định "Chiến dịch Biên giới thu - đông 1950 đánh dấu bước ngoặt của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược" là hoàn toàn đúng đắn.
Giải thích: Thắng lợi này có một ý nghĩa chiến lược quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và thực dân Pháp, đẩy quân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động về chiến lược; tạo ra một chuyển biến căn bản cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đưa cuộc kháng chiến sang một giai đoạn mới đó là giai đoạn quân và dân ta nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ...
Câu 5. Trật tự hai cực I-an-ta được hình thành như thế nào?...
a. Giới thiệu khái quát về hoàn cảnh triệu tập Hội nghị: Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra cho các nước Đồng minh... Trong bối cảnh đó một hội nghị quốc tế được triệu tập từ ngày 4 - 11/2/1945 tại Ianta với sự tham dự của nguyên thủ 3 cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh tại Ianta (Liên Xô)
b. Các quyết định quan trọng của Hội nghị
- Xác định mục tiêu chung là tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật, Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật ở châu Á. Quyết định thành lập tổ chức Liên hợp quốc nhằm duy trì hòa bình, an ninh thế giới.
- Phân chia khu vực ảnh hưởng giữa hai cường quốc Liên Xô và Mĩ:
- Ở Châu Âu: Liên Xô chiếm đóng và kiểm soát vùng Đông Đức, phía Đông châu Âu (Đông Âu); vùng Tây nước Đức và Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ, Anh.
- Ở Châu Á: Do việc Liên Xô tham chiến đánh Nhật, nên Mĩ, Anh đã chấp nhận những điều kiện của Liên Xô là duy trì nguyên trạng nền độc lập của Mông Cổ, trả lại cho Liên Xô phía nam đảo Xakhalin... Triều Tiên được công nhận là quốc gia độc lập nhưng tạm thời quân đội Liên Xô và Mĩ chia nhau kiểm soát và đóng quân ở Bắc và Nam vĩ tuyến 38. Các vùng còn lại của châu Á (Đông Nam Á, Nam Á...) vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây.
c. Hệ quả của Hội nghị Ianta: Việc giải quyết vấn đề các nước phát xít và khu vực phát xít chiếm đóng, thành lập tổ chức Liên hợp quốc và phân chia phạm vi ảnh hưởng của các nước thắng trận tại Hội nghị Ianta đã tạo ra khuôn khổ của một trật tự thế giới mới, hoàn toàn khác trước (không còn hoàn toàn bị chủ nghĩa đế quốc chi phối, mà đã có sự tham gia tích cực của các lực lượng dân chủ đứng đầu là Liên Xô và việc giải quyết các vấn đề an ninh thế giới dựa trên cơ chế an ninh tập thể thông qua Liên hợp quốc...
d. Gọi đó là "trật tự hai cực" là vì: Trật tự thế giới được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trên cơ sở những quyết định của Hội nghị Ianta, thế giới được phân chia thành hai lực lượng đối lập, hai phe, Liên Xô và Mĩ là hai cường quốc đứng đầu hai cực