Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9

Nhanh tay tải miễn phí: Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 thành phố Hải Dương năm học 2016 - 2017 vòng 2. Hy vọng, việc luyện giải trực tiếp trên đề thi cụ thể này sẽ giúp được các bạn làm quen với cấu trúc đề thi, rút kinh nghiệm cho kĩ năng làm bài thi của mình. Ngoài ra, đề thi này còn là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho quý thầy cô giáo ôn tập cho học sinh.

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 thành phố Hải Dương năm học 2016 - 2017 vòng 1

Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9 Phòng GD&ĐT Tĩnh Gia, Thanh Hóa lần 1 năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Phòng GD&ĐT Phúc Yên, Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Phòng GD&ĐT Thanh Oai, Hà Nội năm học 2016 - 2017

PHÒNG GD&ĐT TP HẢI DƯƠNG ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 - VÒNG 2
NĂM HỌC 2016 – 2017
Môn thi: Lịch sử
Thời gian làm bài: 150 phút

A. LỊCH SỬ VIỆT NAM

Câu 1 (2,0 điểm)

Bằng hiểu biết của em về phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản đầu thế kỉ XX, em hãy lí giải vì sao Phan Bội Châu là nhà lãnh đạo tiêu biểu nhất cho khuynh hướng đó.

Câu 2 (2,0 điểm)

Phân tích chính sách văn hóa, giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam trước và sau Chiến tranh thế giới I. Vì sao trước những chính sách về văn hóa, giáo dục đó nhân dân ta vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc?

Câu 3 (2,0 điểm)

Từ việc hoàn thành nội dung của các sự kiện trong bảng sau:

Thời gian

Nội dung sự kiện

6/1925

7/1928

6/1929

8/1929

9/1929

Em hãy phân tích hoạt động và ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn trên.

B. LỊCH SỬ THẾ GIỚI

Câu 4 (2,0 điểm)

Bằng hiểu biết chung về các nước Đông Nam Á:

a. Hãy làm rõ biến đổi lớn nhất của các nước Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.

b. Việt Nam đứng trước những thuận lợi và khó khăn nào khi ASEAN trở thành Cộng đồng khu vực (12/2015)?

Câu 5 (2,0 điểm)

So sánh điểm giống, khác nhau giữa Nhật Bản và Tây Âu trong quá trình khôi phục kinh tế sau Chiến tranh thế giới II.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9

PHÒNG GD&ĐT TP HẢI DƯƠNG HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 - VÒNG 2
NĂM HỌC 2016 – 2017
Môn thi: Lịch sử
Thời gian làm bài: 150 phút

I. Hướng dẫn chung

1. Thí sinh trả lời theo cách riêng nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản như trong Hướng dẫn chấm, thì vẫn cho điểm như hướng dẫn qui định

2. Ở từng câu, từng ý chỉ cho điểm tối đa khi:

  • Trả lời đúng, có diễn giải cụ thể
  • Diễn đạt tốt, chữ viết rõ ràng, đúng chính tả.

3. Sau khi cộng điểm toàn bài, không làm tròn số, để điểm lẻ đến 0,25

II. Đáp án và thang điểm

Câu 1. Phan Bội Châu là nhà lãnh đao tiêu biểu nhất cho khuynh hướng dân chủ tư sản.

* Trình bày hoạt động yêu nước tiêu biểu của Phan Bội Châu

  • Năm 1904, Phan Bội Châu cùng một số nhà yêu nước lập ra Duy tân hội với mục đích là đánh đuổi thực dân Pháp, lập ra một nước Việt Nam độc lập.
  • Đầu năm 1905, Phan Bội Châu sang Nhật nhờ giúp khí giới, tiền bạc để đánh Pháp nhưng người Nhật chỉ hứa đào tạo cán bộ cho cuộc bạo động vũ trang sau này. Hội Duy tân phát động thành viên tham gia phong trào Đông du,..
  • Phong trào Đông du phát triển mạnh, thuận lợi, số học sinh sang Nhật có lúc lên tới 200 người.
  • Tháng 9 năm 1908, thực dân Pháp câu kết với Nhật và yêu cầu trục xuất những người yêu nước Việt Nam.
  • Tháng 3 năm 1909, Phan Bội Châu buộc phải rời Nhật Bản, phong trào Đông Du tan rã, hội Duy tân ngừng hoạt động.

* Giải thích Phan Bội Châu là nhà lãnh đao tiêu biểu nhất cho khuynh hướng dân chủ tư sản vì:

  • Ông xác định đúng kẻ thù là thực dân Pháp, giải quyết được mâu thuẫn lớn nhất trong xã hội là mâu thuẫn dân tộc.
  • Biện pháp đấu tranh là bạo động vũ trang phù hợp với truyền thống đấu tranh của dân tộc...
  • Với chủ trương cầu viện, cầu học Phan Bội Châu đã bước đầu hướng cách mạng Việt Nam ra thế giới, gắn vấn đề dân tộc với vấn đề thời đại, tạo mối liên hệ giữa cách mạng trong nước với bên ngoài.
  • Phan Bội Châu đã viết nhiều tác phẩm như: Hải ngoại huyết thư, Việt Nam vong quốc sử...khích lệ lòng yêu nước, tố cáo tội ác thực dân Pháp

Câu 2

1. Phân tích chính sách văn hóa, giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam trước và sau Chiến tranh thế giới I.

* Chính sách văn hóa, giáo dục trước Chiến tranh thế giới I.

  • Pháp duy trì chế độ giáo dục thời phong kiến, một số kì thi có thêm môn Tiếng Pháp.
  • Pháp mở một số trường học nhằm đào tạo lớp người bản xứ phục vụ cho công việc cai trị. Pháp cũng cho mở một số cơ sở văn hóa y tế....

* Chính sách văn hóa, giáo dục sau Chiến tranh thế giới I.

  • Khuyến khích các hoạt động mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội như: cờ bạc, rượu chè...
  • Mở trường học một cách hạn chế, chủ yếu là các trường tiểu học, các trường trung học chỉ có ở một số thành phố lớn (Hà Nội, Huế, Sài Gòn) và một số tỉnh lị; các trường đại học cao đẳng ở Hà Nội thực chất chỉ là những trường chuyên nghiệp.
  • Sách báo xuất bản công khai tuyên truyền cho chính sách "khai hóa" của thực dân, gieo rắc ảo tưởng hòa bình hợp tác với đế quốc và phong kiến.

Nhận xét: Các chính sách văn hóa giáo dục của thực dân Pháp trước và sau Chiến tranh thế giới I không thay đổi, đều thi hành triệt để chính sách văn hóa nô dịch, phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa.

2. Nhân dân ta vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc vì:

  • Thực dân Pháp hạn chế mở trường học, tiếng Pháp là môn tự nguyện, nhân dân vẫn chủ yếu học chữ Hán và Quốc ngữ nên nhân dân vẫn duy trì nền văn hóa lâu đời.
  • Nền văn hóa Việt Nam có bề dày lịch sử mang đặc sắc riêng của dân tộc Việt ........
  • Nhân dân có tinh thần yêu nước, tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc và luôn có ý thức lưu giữ từ đời này qua đời khác.

Câu 3

1. Hoàn thành nội dung của các sự kiện trong bảng:

  • 6/1925: Thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên
  • 7/1928: Tân Việt Cách mạng Đảng ra đời
  • 6/1929: Đông Dương Cộng Sản đảng thành lập
  • 8/1929: An Nam Cộng sản đảng ra đời
  • 9/1929: Thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn

2. Phân tích hoạt động và ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đối với cách mạng Việt Nam

* Hoạt động:

  • Mở các lớp huấn luyện chính trị để đào tạo cán bộ cách mạng.
  • Năm 1925 xuất bản báo Thanh Niên làm cơ quan tuyên truyền của Hội.
  • Năm 1927: tập hợp những bài giảng của Người ở Quảng Châu in thành cuốn Đường Kách mệnh vạch ra phương hướng cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
  • Tác phẩm Đường Kách mệnh và báo Thanh niên được đưa về nước giữa lúc phong trào yêu nước và dân chủ đang sôi nổi từ Nam ra Bắc trên cơ sở giai cấp công nhân đang lớn mạnh nên càng có điều kiện đi sâu vào quần chúng.
  • Một số người được cử đi học Trường đại học Phương Đông ở Liên Xô, học quân sự ở Trung Quốc, phần lớn về nước hoạt động.
  • Hội đã xây dựng được cơ sở khắp cả nước, một số tổ chức đoàn thể của quần chúng như Công hội, Nông hội, Hội học sinh...cũng được tổ chức.
  • Năm 1928 Hội có chủ trương vô sản hóa đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ đồn điền, cùng sống và lao động với công nhân để tự rèn luyện đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tổ chức và lãnh đạo công nhân đấu tranh.

* Ảnh hưởng:

  • Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát triển mạnh cuốn hút nhiều Đảng viên trẻ tiên tiến đi theo làm cho nội bộ Tân Việt diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai xu hướng tư sản và vô sản. Cuối cùng xu hướng vô sản chiếm ưu thế. Một số Đảng viên tiên tiến của Tân Việt chuyển sang Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, còn lại tích cực tiến tới thành lập một chính đảng kiểu mới. Tháng 9 năm 1929 Đảng Tân Việt thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn.
  • Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát triển mạnh, các sách báo của Hội được bí mật đưa về nước, chủ nghĩa Mác-Lê-nin được truyền bá sâu rộng vào phong trào cách mạng Việt Nam, đặc biệt phong trào công nhân.
  • Dưới ảnh hưởng của Hội, phong trào cách mạng phát triển đòi hỏi cần phải có 1 Đảng cộng sản để tổ chức và lãnh đạo các lực lượng yêu nước đấu tranh chống đế quốc và phong kiến. Vì vậy đến năm 1929 trên cở đó thành lập Đông Dương Cộng sản đảng (6/1929) và An Nam Cộng sản đảng (8/1929)

=> Tóm lại: Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã có ảnh hưởng tích cực đến cách mạng Việt Nam, là sự chuẩn bị quan trọng về tổ chức cho sự ra đời của Đảng.

Câu 4

a. Biến đổi lớn nhất của các nước Đông Nam Á từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.

* Biến đổi lớn nhất là: Sau Chiến tranh thế giới II, các nước Đông Nam Á đã giành được độc lập.

  • Trước Chiến tranh thế giới II, hầu hết các nước Đông Nam Á đều là thuộc địa, nửa thuộc địa của các nước thực dân phương Tây (trừ Thái Lan).
  • Tháng 8 năm 1945, ngay khi Nhật đầu hàng, các nước giành độc lập như: In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Lào
  • Nhiều nước Đông Nam Á tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược trở lại của các nước đế quốc như In-đô-nê-xi-a, Việt Nam...
  • Mĩ trao trả độc lập cho Phi-lip-pin (1946), Anh trao trả độc lập cho Miến Điện (1948), Mã Lai (1957), Pháp công nhận nền độc lập của 3 nước Đông Dương (1954)...

=> Như vậy đến giữa những năm 50 của thế kỉ XX, hầu hết các nước Đông Nam Á giành được độc lập dân tộc, các nước từ thân phận thuộc địa trở thành những quốc gia độc lập...

b. Việt Nam đứng trước những thuận lợi và khó khăn khi ASEAN trở thành Cộng đồng khu vực:

* Thuận lợi:

  • Tạo điều kiện hội nhập về kinh tế - văn hóa...
  • Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài khối ASEAN...
  • Chuyển giao công nghệ, học tập tiến bộ KHKT...

* Khó khăn:

  • Sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt...
  • Khó khăn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tránh nguy cơ hòa tan...

Câu 5 So sánh điểm giống, khác nhau giữa Nhật Bản và Tây Âu trong quá trình khôi phục kinh tế sau Chiến tranh thế giới II.

* Giống nhau:

  • Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Tây Âu và Nhật Bản đều bị tàn phá nặng nề:
    • Nhật Bản bại trận, mất hết thuộc địa, kinh tế bị tàn phá, khó khăn bao trùm đất nước: thất nghiệp, thiếu thốn lương thực thực phẩm, lạm phát...
    • Tây Âu: dù là chiến thắng hay chiến bại đều bị thiệt hại nặng nề: công nghiệp đình trệ, nông nghiệp suy giảm, nợ nần...
  • Nhật Bản và Tây Âu đều nhờ sự ảnh hưởng và viện trợ của Mĩ để khắc phục kinh tế:
    • Nhật Bản: Dưới chế độ quân quản của Mĩ, Nhật Bản tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế
    • Tây Âu: năm 1948, 16 nước Tây Âu như Anh, Pháp, Tây Đức... nhận viện trợ kinh tế của Mĩ theo kế hoạch phục hưng châu Âu do Mĩ vạch ra với số tiền khoảng 17 tỉ USD

* Khác nhau:

  • Nhật Bản tiến hành cải cách dân chủ với nhiều nội dung tiến bộ như: cải cách ruộng đất, xóa bỏ chủ nghĩa quân phiệt, trừng trị tội phạm chiên tranh, giải giáp các lực lượng vũ trang, giải thể các công ti độc quyền, ban hành các quyền tự do dân chủ...
  • Cải cách Nhật mang tính tự lực tự cường, là một nhân tố quan trọng giúp Nhật Bản phát triển mạnh mẽ sau này.
  • Tây Âu từ 1948 đến 1951 các nước Tây Âu nhận viện trợ của Mĩ khôi phục kinh tế, các nước Tây Âu phải tuân thủ các điều kiện do Mĩ đưa ra, tham giá vào khối quân sự NATO (1949).
  • Các nước Tây Âu ngày càng lệ thuộc vào Mĩ, sau khi khôi phục kinh tế, các nước Tây Âu có xu hướng liên kết khu vực.
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!