Đề thi học kì 2 môn Lịch sử lớp 8

Đề thi học kì 2 lớp 8 môn Lịch sử - Đề 7 do TimDapAnbiên soạn nhằm hỗ trợ học sinh trong quá trình củng cố lý thuyết môn Lịch sử 8 và làm quen các dạng đề kiểm tra học kì 2 khác nhau.

Đề thi học kì 2 lớp 8 môn Lịch sử - Đề 7

I. TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng.

Câu 1. Cuộc đấu tranh của nhân dân Nhật Bản có tác dụng như thế nào đối với quá trình quân phiệt hóa bộ máy nhà nước ở Nhật?

A. Làm phá sản quá trình quân phiệt hóa.
B. Làm chậm lại quá trình quân phiệt hóa.
C. Làm tăng nhanh quá trình quân phiệt hóa.
D. Làm chuyển đôi quá trình quân phiệt hóa sang phát xít hóa.

Câu 2. Tổng số vốn đầu tư của Nhật vào Trung Quốc chiếm bao nhiêu phần trăm?

A. Chiếm 62%.
B. Chiếm 72%.
C. Chiếm 82%.
D. Chiếm 92%.

Câu 3. Quá trình phát xít hóa ở Nhật Bản diễn ra trong khoảng thời gian nào?

A. Thập niên 20 của thế kỉ XX.
B. Thập niên 30 của thế kỉ XX.
C. Thập niên 40 của thế kỉ XX.
D. Thập niên 50 của thế kỉ XX.

Câu 4. Vì sao Nhật Bản tiến hành xâm lược, bành trướng ra bên ngoài?

A. Nhật chưa có thuộc địa.
B. Nhật tham vọng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình,
C. Nhật thiếu nhiên liệu, thiếu thị trường.
D. Nhật muốn làm bá chủ thế giới.

Câu 5. Phong trào Ngũ tứ mở đầu cho cao trào cách mạng ở Trung Quốc chống các thế lực nào?

A. Đế quốc và phong kiến.
B. Đế quốc và tư sản mại bản.
C. Tư sản và phong kiến.
D. Tất cả các thế lực trên.

Câu 6. Trong phong trào Ngủ tứ, quần chúng giương cao khẩu hiệu đấu tranh gì?

A. "Trả quyền độc lập cho người Trung Quốc".
B. "Các nước đế quốc rút khỏi Trung Quốc",
C. "Trung Quốc của người Trung Quốc".
D. "Phế bỏ các điều ước đã kí với nhà Thanh".

Câu 7. Phong trào nào đã mở đầu cho cao trào Cách mạng chống đế quốc, chống phong kiến ở châu Á?

A. Cách mạng Mông Cổ.
B. Phong trào Ngũ tứ ở Trung Quốc,
C. Cách mạng Ấn Độ.
D. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở Thổ Nhĩ Kì.

Câu 8. Kết quả lớn nhất của cuộc cách mạng Mông cổ 1921-1924 là gì?

A. Đảng Nhân dân Mông Cổ thành lập.
B. Thoát khỏi sự lệ thuộc vào phong kiến Trung Quốc,
C. Đưa giai cấp công nhân lên nắm chính quyền.
D. Nhà nước dân chủ nhân dân Mông cổ thành lập.

II. TỰ LUẬN

Câu 1. Theo em, khẩu hiệu đấu tranh của phong trào Ngũ tứ có điều gì mới so với khẩu hiệu: “Đánh đổ Mãn Thanh” trong cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc (1911)?

Câu 2. Nguyên nhân bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai?

Đáp án Đề thi học kì 2 Lịch sử 8

I. TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8
Đáp án B C B C A C B D

II. TỰ LUẬN.

Câu 1. Khẩu hiệu dấu tranh của phong trào Ngũ tứ có điều mới so với khẩu hiệu “Đánh đổ Mãn Thanh” trong cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc (1911) là:

Khẩu hiệu đấu tranh của phong trào Ngũ tứ (4/5/1919):

  • “Trung Quốc của người Trung Quốc”;
  • “Phế bỏ Hiệp ước 21 điều” (Hiệp ước nhằm xâu xé Trung Quốc); “Ngoại tranh quốc quyền, nội trừ quốc tặc”...

Khẩu hiệu thời kì Ngũ tứ vừa mang tính chất chống đế quốc, vừa mang tính chất chống phong kiến, so với cách mạng Tân Hợi 1911, phong trào Ngũ tứ có tiến bộ hơn độc lập dân tộc đã được thể hiện trong nội dung khẩu hiệu đấu tranh, còn cách mạng Tân Hợi trước đó chỉ dừng lại ở tính chất chống phong kiến “Đánh đổ Mãn Thanh”. Phong trào Ngũ tứ tạo điều kiện dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc (7/1921).

Câu 2. Nguyên nhân bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai:

- Mâu thuẫn về quyền lợi giữa các nước đế quốc sau Chiến tranh thế giới thứ nhất lại tiếp tục nảy sinh (đế quốc Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản mất hết thuộc địa “bất mãn” âm mưu dùng vũ lực để chia lại thế giới).

- Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đã dẫn đến sự ra đời và lên cầm quyền của chủ nghĩa phát xít ở Đức, I-ta-li-a và Nhật Bản, đẩy nhân loại đứng trước một cuộc chiến tranh thế giới mới.

- Chính sách thoả hiệp, “dung dưỡng” của các nước phương Tây (Anh, Pháp) đã tạo điều kiện cho bọn phát xít phát động chiến tranh.

- Các nước đế quốc hình thành hai khối đối lập nhau.

  • Anh, Pháp, Mĩ thi hành chính sách thoả hiệp nhượng bộ nhằm đẩy khối phát xít tấn công Liên Xô, đỉnh cao của chính sách này là Hiệp ước Muy-nich, “bán đứng” Tiệp Khắc cho Đức. Tuy vậy thấy chưa đủ sức tấn công Liên Xô, Hít-le tấn công các nước châu Âu trước.
  • Ngày 1-9-1939, phát xít Đức tân công Ba Lan, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ.

Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học học kì 2 lớp 8 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc.

Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!



Xem thêm