Đề thi giữa học kì 2 lớp 11 môn Sinh
Đề thi giữa học kì 2 môn Sinh học lớp 11 trường THPT Trung An, Cần Thơ năm học 2015 - 2016 được Tìm Đáp Án sưu tầm và đăng tải, gồm phần thi trắc nghiệm và tự luận cùng đáp án đi kèm. Đây là đề ôn thi học kì 2 hữu ích, giúp các bạn luyện tập và củng cố kiến thức môn Sinh hiệu quả.
Đề thi học kì 2 môn Sinh học lớp 11 trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định
Đề thi giữa học kì 2 môn Sinh học lớp 11 trường THPT Đào Duy Từ, Thanh Hóa
Câu hỏi ôn tập thường gặp môn Sinh học lớp 11
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP CẦN THƠ TRƯỜNG THPT TRUNG AN ĐỀ CHÍNH THỨC (Đề thi có 2 trang) | ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II NĂM HỌC: 2015 - 2016 MÔN: SINH HỌC – LỚP 11 THPT Thời gian làm bài: 45 phút, không kể phát đề |
Mã đề 1
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN (16 CÂU, 4 ĐIỂM)
Câu 1. Khi tế bào thần kinh ở trạng thái nghỉ ngơi, phía trong màng mang điện tích:
A. dương B. trung tính
C. âm D. lúc âm, lúc dương tùy nồng độ ion
Câu 2. Trình tự các giai đoạn của điện thế hoạt động là:
A. mất phân cực → đảo cực → tái phân cực B. tái phân cực → mất phân cực → đảo cực
C. mất phân cực → tái phân cực → đảo cực D. đảo cực → mất phân cực → tái phân cực
Câu 3. Điểm khác biệt của sự lan truyền xung thần kinh trên sợi trục có bao miêlin so với sợi trục không có bao miêlin là:
A. chậm và tiêu tốn nhiều năng lượng B. nhanh và ít tiêu tốn năng lượng
C. chậm và ít tiêu tốn năng lượng D. nhanh và tiêu tốn nhiều năng lượng
Câu 4. Điều kiện hóa đáp ứng là:
A. hiện tượng động vật phớt lờ khi kích thích lặp lại nhiều lần mà không kèm theo sự nguy hiểm
B. sự hình thành mối liên kết giữa một hành vi và một phần thưởng
C. hiện tượng con non di chuyển theo vật chuyển động mà chúng nhìn thấy đầu tiên
D. sự hình thành mối liên kết thần kinh mới dưới tác động của các kích thích đồng thời
Câu 5. Quá trình sinh trưởng thứ cấp là do hoạt động của mô phân sinh:
A. đỉnh thân B. đỉnh rễ C. bên D. lóng
Câu 6. Đặc điểm đúng với sinh trưởng sơ cấp là:
A. làm gia tăng chiều cao của cây, có ở cả cây một lá mầm và hai lá mầm
B. làm gia tăng chiều cao của cây, chỉ có ở cây hai lá mầm
C. làm gia tăng chiều ngang của cây, có ở cả cây một lá mầm và hai lá mầm
D. làm gia tăng chiều ngang của cây, chỉ có ở cây hai lá mầm
Câu 7. Khi trời nắng nóng, các khí khổng của lá đóng lại dưới tác động của hoocmôn:
A. auxin B. xitôkinin C. êtilen D. axit abxixic
Câu 8. Hoocmôn nào sau đây có tác dụng làm cho quả chín nhanh?
A. gibêrelin B. êtilen C. xitôkinin D. auxin
Câu 9. Hoocmôn ra hoa florigen được sinh ra ở:
A. lá B. hoa C. quả D. rễ
Câu 10. Phitôcrôm Pđx có tác dụng:
A. Làm cho hạt nảy mầm, khí khổng mở, ức chế hoa nở.
B. Làm cho hạt nảy mầm, hoa nở, khí khổng mở.
C. Làm cho hạt nảy mầm, hoa nở, khí khổng đóng.
D. Làm cho hạt nảy mầm, kìm hãm hoa nở và khí khổng mở.
Câu 11. Ecđixơn có tác dụng:
A. Gây ức chế sự lột xác của sâu bướm, kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.
B. Gây ức chế sự lột xác của sâu bướm, kìm hãm sâu biến thành nhộng và bướm.
C. Gây lột xác của sâu bướm, kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.
D. Gây lột xác của sâu bướm, ức chế sâu biến thành nhộng và bướm.
Câu 12. Nhận xét nào sau đây là đúng:
A. Thụ tinh kép chỉ có ở thực vật bậc thấp. B. Thụ tinh kép chỉ có ở thực vật hạt trần.
C. Thụ tinh kép chỉ có ở thực vật hạt kín. D. Thụ tinh kép xảy ra ở tất cả thực vật.
Câu 13. Hoocmôn sinh trưởng GH được sinh ra ở:
A. buồng trứng B. tinh hoàn C. tuyến giáp D. tuyến yên
Câu 14. Ý nghĩa sinh học của hiện tượng thụ tinh kép ở thực vật hạt kín là:
A. tiết kiệm vật liệu di truyền (sử dụng cả 2 tinh tử)
B. hình thành nội nhũ cung cấp chất dinh dưỡng cho phôi phát triển
C. hình thành nội nhũ chứa các tế bào tam bội
D. hình thành nội nhũ cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của phôi và thời kì đầu của cây con
Câu 15. Khoai tây sinh sản sinh dưỡng bằng:
A. thân rễ B. thân củ C. lá D. cành
Câu 16. Tại sao khi tiến hành ghép cành thì nên cắt bỏ hết lá trên cành ghép?
A. Để cành ghép không bị mất sức
B. Giúp cành ghép không bị mất nước
C. Để dòng mạch gỗ dễ dàng di chuyển từ gốc ghép lên cành ghép
D. Để cành ghép mọc lại lá mới tốt hơn
PHẦN II. TRẮC NGHIỆM TỰ LUẬN (4 câu, 6 điểm)
Câu 1. Trình bày quá trình truyền tin qua xinap. (1,5 điểm)
Câu 2. Tập tính là gì? Thế nào là tập tính bẩm sinh và tập tính học được? (1,5 điểm)
Câu 3. Hãy nhìn hình và nhận xét vai trò của xitokinin đối với sự hình thành chồi trong mô callus. (1,0 điểm)
Câu 4. Hãy cho biết các giai đoạn phát triển của bướm? Những đặc điểm nào trong quá trình phát triển của bướm giúp em biết được bướm là động vật phát triển qua biến thái hoàn toàn? Kể một số động vật khác cũng có hình thức phát triển qua biến thái hoàn toàn. (2,0 điểm)
Đáp án đề thi giữa học kì 2 lớp 11 môn Sinh
PHẦN TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN SINH HỌC 11
1. C 2. A 3. B 4. D 5. C 6. A 7. D 8. B
9. A 10. B 11. C 12. C 13. D 14. D 15. B 16. B
PHẦN TRẮC NGHIỆM TỰ LUẬN SINH HỌC 11
Câu 1. (1,5 đ - 0,25 đ/ý)
Xung thần kinh truyền đến tận cùng của mỗi sợi thần kinh,/ tới các chùy xinap sẽ làm thay đổi tính thấm đối với Ca2+ /→ Ca2+ tràn từ dịch mô vào dịch bào ở chùy xinap /→ vỡ các bóng chứa chất trung gian hóa học vào khe xinap/ các chất trung gian hóa học đến gắn vào thụ thể ở màng sau xinap /→ làm thay đổi tính thấm màng sau xinap tạo thành xung thần kinh truyền đi tiếp.
Câu 2. (1,5 đ - 0,25 đ/ý)
- Tập tính: là một chuỗi những phản ứng của động vật trả lời kích thích từ môi trường (bên trong hoặc bên ngoài cơ thể), /nhờ đó động vật thích nghi với môi trường sống để tồn tại và phát triển./
- Tập tính bẩm sinh: là tập tính từ khi sinh ra đã có, được di truyền từ bố mẹ,/ đặc trưng cho loài./
- Tập tính học được: là tập tính được hình thành trong quá trình sống của cá thể,/ thông qua học tập và rút kinh nghiệm./
Câu 3. (1,0 đ – 0,25 đ/ý)
Xét mối tương quan giữa 2 hoocmôn kích thích trong điều tiết sự phát triển của mô callus: auxin và kinetin
- Để mô callus sinh trưởng phải bổ sung vào môi trường nuôi cấy cả 2 loại hoocmôn auxin và kinetin
- Khi tương quan nồng độ nghiêng về auxin thì mô callus ra rễ
- Khi tương quan nồng độ nghiêng về kinetin thì mô callus ra chồi
- Nếu chỉ bổ sung vào môi trường nuôi cấy 1 loại hoocmôn là kinetin thì mô callus không sinh trưởng
Câu 4. (2,0 đ)
- Bướm phát triển qua các giai đoạn: bướm trưởng thành -> trứng -> sâu bướm -> nhộng -> bướm (0,5đ)
- Những đặc điểm nhận biết bướm phát triển qua biến thái hoàn toàn:
- Hình thái của con non là sâu khác biệt hoàn toàn so với con trưởng thành là bướm (0,5đ)
- Thức ăn của con non khác so với con trưởng thành: sâu bướm ăn lá cây, bướm hút mật hoa (0,5đ)
- Một số động vật khác cũng có hình thức phát triển qua biến thái hoàn toàn: ruồi, muỗi, ếch... (0,5đ)