Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11

Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Thống Nhất A, Đồng Nai năm học 2016 - 2017. Đây là tài liệu hay dành cho quý thầy cô và các bạn học sinh lớp 11 nhằm phục vụ việc ôn tập và củng cố lại kiến thức để chuẩn bị cho kì thi giữa học kì 1 sắp tới. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Marie Curie, TP. Hồ Chí Minh năm học 2015 - 2016

Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Liễn Sơn, Vĩnh Phúc năm học 2015 - 2016

SỞ GD&ĐT ĐỒNG NAI
TRƯỜNG THPT THỐNG NHẤT A
ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ 1 NĂM HỌC 2016 - 2017
MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 11
Thời gian làm bài: 90 phút

I. Đọc - hiểu (3,0 điểm)

Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

"Vũ trụ nội mạc phi phận sự,
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng.
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên"

(Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục)

1) Văn bản trên được trích từ tác phẩm nào? Của ai? (1,0 điểm)

2) Vì sao biết rằng việc làm quan là gò bó, mất tự do (vào lồng) nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn ra làm quan? (1,0 điểm)

3) Chỉ ra và cho biết tác dụng của những biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản (1,0 điểm)

II. Làm văn (7,0 điểm)

Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương.

Đáp án đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11

SỞ GD&ĐT ĐỒNG NAI
TRƯỜNG THPT THỐNG NHẤT A
ĐÁP ÁN ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ 1
NĂM HỌC 2016 - 2017
MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 11

I. Đọc - hiểu

1/ Văn bản trên được trích từ tác phẩm nào? Của ai? 1,0

Văn bản trên được trích trong tác phẩm Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ.

2/ Vì sao biết rằng việc làm quan là gò bó, mất tự do (vào lồng) nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn ra làm quan? 1,0

Biết rằng việc làm quan là gò bó, mất tự do nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn ra làm quan vì đó là cách tốt nhất giúp ông thể hiện tài năng và thực hiện lí tưởng (trí quân trạch dân) của mình.

3/ Chỉ ra và cho biết tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản? 1,0

  • Những biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản:
    • Liệt kê những danh vị, chức vụ: Thủ khoa, Tham tán, Tổng đốc, đại tướng, Phủ doãn.
    • Điệp từ "khi"
  • Tác dụng: Thể hiện niềm tự hào của tác giả vì ông đã tạo dựng được một sự nghiệp lẫy lừng, hơn đời.

II. Làm văn: Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ. 7,0

1/ Yêu cầu về kĩ năng

  • Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, phân tích hình ảnh một nhân vật trong tác phẩm thơ
  • Bài có bố cục 3 phần rõ rệt; diễn đạt mạch lạc, lập luận chặt chẽ; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu; trình bày bài sạch sẽ, chữ viết rõ ràng.

2/ Yêu cầu về kiến thức

Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Trần Tế Xương và bài thơ Thương vợ, học sinh có thể trình bày vấn đề theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các ý sau:

a/ Mở bài: Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận. 0,5

b/ Thân bài.

  • Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ: 4,0
    • Hình ảnh người phụ nữ với gánh nặng gia đình trên vai. (Học sinh phân tích hai câu đề và hai câu thực để thấy được công việc làm ăn nhọc nhằn, vất vả, đầy hiểm nguy và gánh nặng mà bà Tú phải đảm đương để mưu sinh)
    • Hình ảnh người phụ nữ với số kiếp vất vả và món nợ tình phải trả trong cuộc đời. (Học sinh phân tích các hình ảnh lặn lội thân cò, eo sèo mặt nước, thành ngữ một duyên hai nợ, năm nắng mười mưa để thấy được điều đó)
    • Hình ảnh người phụ nữ đức hạnh vẹn toàn: Chịu thương chịu khó, đảm đang tháo vát, trọn vẹn trách nhiệm làm vợ làm mẹ; cam chịu, chấp nhận, không một lời oán thán, chì chiết. (Học sinh phân tích các từ ngữ nuôi đủ, âu đành phận, dám quản công...) để thấy được đức hạnh và vẻ đẹp tâm hồn của bà Tú.
  • Nhận xét, đánh giá: 2,0
    • Hình ảnh bà Tú hiện lên qua cảm nhận của người chồng là nhà thơ Trần Tế Xương nên rất khách quan, sinh động. Tú Xương đã khắc họa hình tượng người vợ của mình bằng sự thấu hiểu, lòng yêu thương chân thành, sâu sắc và bằng cả tài năng của một người nghệ sĩ tài hoa.
    • Bà Tú là một trong những hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời trung đại, tiếp nối đề tài quen thuộc của văn học dân gian và trở thành tiền đề để đề tài này tiếp tục phát triển trong văn học hiện đại.

c/ Kết bài: Khẳng định hình ảnh bà Tú là một hình ảnh đẹp, để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc về người phụ nữ Việt Nam. 0,5

3/ Lưu ý

  • Chỉ cho điểm tối đa khi học sinh đạt được cả yêu cầu về kỹ năng và kiến thức.
  • Giáo viên cần vận dụng linh hoạt biểu điểm cho phù hợp với thực tế làm bài của học sinh.
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!



Xem thêm