Đề thi cuối học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4

Đề thi cuối học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4 năm học 2015 - 2016 trường Tiểu học Long Mỹ, Hậu Giang được Tìm Đáp Án sưu tầm và đăng tải là tài liệu học tập hữu ích dành cho các em học sinh lớp 4, giúp các em ôn tập kiến thức Tiếng Việt học kì 1, đạt kết quả tốt trong bài thi định kì cuối kì I sắp tới. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học kì 1 môn Toán lớp 4 trường tiểu học Long Mỹ, Hậu Giang năm 2015 - 2016

Đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4 trường tiểu học Trung Đô, Nghệ An năm 2015 - 2016

Trường TH LONG MỸ
KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I
NĂM HỌC: 2015-2016
Môn: TIẾNG VIỆT 4

I. Đọc hiểu:

Cánh diều tuổi thơ

Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều.

Chiều chiều, trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả diều thi. Cánh diều mềm mại như cánh bướm. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên trời. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,... như gọi thấp xuống những vì sao sớm.

Ban đêm, trên bãi thả diều thật không còn gì huyền ảo hơn. Có cảm giác diều đang trôi trên dải Ngân Hà. Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ. Có cái gì cứ cháy lên, cháy mãi trong tâm hồn chúng tôi. Sau này tôi mới hiểu đấy là khát vọng. Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời và bao giờ cũng hi vọng khi tha thiết cầu xin: "Bay đi diều ơi! Bay đi!" Cánh diều tuổi ngọc ngà bay đi, mang theo nỗi khát khao của tôi.

Theo Tạ Duy Anh

Dựa vào nội dung bài đọc, em hãy khoanh tròn chữ cái đặt trước ý trả lời đúng nhất cho các câu hỏi dưới đây:

1. Tác giả đã chọn những chi tiết nào để tả cánh diều?

a. Cánh diều mềm mại như cánh bướm.

b. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng.

c. Trên cánh diều có sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè.

d. Tất cả các chi tiết trên.

2. Trò chơi thả diều đem lại cho trẻ em những niềm vui lớn thế nào?

a. Chúng tôi hò hét nhau thả diều thi, vui sướng đến phát dại nhìn lên trời.

b. Nhìn lên bầu trời đêm huyền ảo, các bạn nhỏ thấy lòng cháy lên, cháy mãi khát vọng.

c. Suốt một thời mới lớn, bạn nhỏ đã ngửa cổ chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời, bao giờ cũng hi vọng, tha thiết cầu xin: "Bay đi diều ơi! Bay đi!"

3. Qua các câu mở bài, kết bài, tác giả muốn nói điều gì về cánh diều tuổi thơ?

a. Cánh diều đem đến bao niềm vui lớn cho tuổi thơ.

b. Cánh diều khơi gợi những ước mơ đẹp cho tuổi thơ.

c. Cánh diều là kĩ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ.

4. Từ "mềm mại" trong câu "Cánh diều mềm mại như cánh bướm." thuộc từ loại:

a. Danh từ.

b. Động từ.

c. Tính từ.

5. Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của từ nghị lực?

a. Sức mạnh tinh thần làm cho con người kiên quyết trong hành động, không lùi bước trước mọi khó khăn.

b. Chắc chắn, bền vững khó phá vỡ.

c. Có tình cảm rất chân tình, sâu sắc.

d. Làm việc liên tục, bền bỉ.

6. Dòng nào dưới đây là "Câu kể Ai làm gì?".

a. Chúng tôi là học sinh lớp 4.

b. Chúng tôi hò hét nhau thả diều thi.

c. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên trời.

7. Ghi ra chủ ngữ, vị ngữ trong câu: "Bầu trời đẹp như một thảm nhung khổng lồ".

Chủ ngữ:...........................................................................

Vị ngữ:..............................................................................

8. Ghi lại nội dung chính của bài:

II. Chính tả: (2 điểm)

Mùa đông trên rẻo cao

Mùa đông đã về thực sự rồi. Mây từ trên cao theo các sườn núi trườn xuống, chốc chốc lại gieo một đợt mưa bụi trên những mái lá chít bạc trắng. Hoa rau cải hương vàng hoe, từng vạt dài ẩn hiện trong sương bên sườn đồi. Con suối lớn ồn ào, quanh co đã thu mình lại, phô những dải sỏi cuội nhẵn nhụi và sạch sẽ... Trên những ngọn cơi già nua, những chiếc lá vàng cuối cùng còn sót lại đang khua lao xao trước khi từ giã thân mẹ đơn sơ.

Theo MA VĂN KHÁNG

III. Tập làm văn: (3 điểm)

Hãy tả một đồ dùng học tập của em.

Đáp án đề thi cuối học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4

I. ĐỌC HIỂU (4 điểm)

Câu 1 2 3 4 5 6
Đáp án D A B C A B
Điểm 0,5 0,5 0,5 0,5 0,5 0,5

Câu 7: (0,5 điểm)

  • Chủ ngữ: Bầu trời
  • Vị ngữ: đẹp như một thảm nhung khổng lồ.

Câu 8: (0,5 điểm)

Nói lên niềm vui sướng và những khát vọng tốt đẹp mà trò chơi thả diều mang lại cho đám trẻ mục đồng.

II. CHÍNH TẢ (2 điểm)

Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ, đúng đoạn văn: 2 điểm.

  • Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai- lẫn phụ âm đầu, vần, thanh; không viết hoa đúng quy định) mỗi lỗi trừ 0.2 điểm.
  • Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày bẩn,... bị trừ 0,2 điểm toàn bài.
  • Điểm toàn bài viết trừ không quá 1 điểm.

III. Tập làm văn (3 điểm)

* Bài viết đảm bảo các yêu cầu sau được 3 điểm:

  • Viết được bài văn tả đồ dùng học tập đủ 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài) đúng yêu cầu đã học; độ dài bài viết từ 15 câu trở lên (0,5 điểm)
  • Lời văn rõ ràng, mạch lạc, sử dụng dấu câu hợp lí: (1 điểm)
  • Biết sử dụng hiệu quả các biện pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa,... trong văn miêu tả. (0,5 điểm)
  • Bài văn tả sinh động, biết kết hợp hài hòa các yếu tố trên, giàu cảm xúc và có sức thuyết phục, chữ viết sạch sẽ: (1 điểm)
  • Tùy theo mức độ sai sót về ý, về diễn đạt và chữ viết, có thể cho các mức điểm: (2,5 – 2 – 1,5 – 1)
Nếu bạn không thấy đề thi được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!