Đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11
Đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 năm học 2014 - 2015 trường THPT Châu Thành 1, Đồng Tháp có đáp án là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 11, giúp các bạn ôn tập và củng cố kiến thức, từ đó, chuẩn bị tốt nhất cho kì thi học kì 1 sắp diễn ra. Chúc các bạn học tốt.
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017
Đề kiểm tra Học kỳ I lớp 11 năm 2012 - 2013, THPT Lê Thánh Tông tỉnh Gia Lai
Đề kiểm tra học kì 1 môn Lịch sử lớp 11 năm học 2009 - 2010 trường THPT Chơn Thành, Bình Phước
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỒNG THÁP ĐỀ CHÍNH THỨC (Đề gồm có 01 trang) | KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ I Năm học 2014 - 2015 Môn thi: NGỮ VĂN – Lớp 11 Thời gian: 90 phút (không kể thời gian phát đề) Ngày thi: 22/12/2014 |
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (3,0 điểm)
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
(Thương vợ - Trần Tế Xương, Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục, trang 29, 30)
Đọc bài thơ trên và thực hiện các yêu cầu sau:
Câu I. Thông tin sau về bài thơ ĐÚNG hay SAI? (1,0 điểm)
Thông tin | Trả lời |
a. Tác giả bài thơ là người thành công về đường khoa bảng. | ĐÚNG/SAI |
b. Có 2 thành ngữ trong bài thơ trên. | ĐÚNG/SAI |
c. Sáng tạo từ ngữ mới mẻ, hiện đại là thành công của bài thơ. | ĐÚNG/SAI |
d. Bài thơ viết về bà Tú nhưng cho thấy nhân cách cao đẹp của nhà thơ. | ĐÚNG/SAI |
Câu II. Hai câu thơ: "Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông" sử dụng biện pháp nghệ thuật nào? Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó? (0,5 điểm)
Câu III. Câu thơ "Lặn lội thân cò khi quãng vắng" gợi nhớ đến câu ca dao nào? (0,5 điểm)
Câu IV. Viết đoạn văn ngắn nêu bật vẻ đẹp của nhân vật bà Tú trong bài thơ. (1,0 điểm)
II. PHẦN RIÊNG – Tự chọn: (7,0 điểm)
Thí sinh chỉ chọn một trong hai câu sau (câu V.a hoặc V.b)
Câu V.a. Theo chương trình Chuẩn (7,0 điểm)
Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Khuyến trong bài thơ Câu cá mùa thu (Thu điếu).
Câu V.b. Theo chương trình Nâng cao (7,0 điểm)
Chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
Đáp án đề kiểm tra học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (3,0 điểm)
Câu 1 (1,0 điểm)
a. Sai
b. Đúng
c. Sai
d. Đúng
Câu 2 (0,5 điểm)
- Biện pháp nghệ thuật: Đảo ngữ.
- Tác dụng: Nhấn mạnh, làm nổi bật sự vất vả của bà Tú.
Câu 3 (0,5 điểm)
Câu thơ: "Lặn lội thân cò khi quãng vắng" gợi nhớ đến câu ca dao: "Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non".
Câu 4 (1,0 điểm) Đoạn văn cần có các ý chính sau:
- Đảm đang, tháo vát, tần tảo nuôi chồng con.
- Giàu lòng vị tha, hi sinh thầm lặng vì hạnh phúc gia đình.
II. PHẦN RIÊNG – Tự chọn (7,0 điểm)
Câu V.a (7,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận một tác phẩm thơ. Bài viết phải có bố cục hợp lí; diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Nguyễn Khuyến và bài thơ Câu cá mùa thu, thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý chính:
* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
* Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Khuyến qua bài thơ
- Tâm trạng ưu tư trước thời thế
- Bài thơ có nhan đề là Câu cá mùa thu nhưng không chú ý vào việc câu cá mà thực ra là để đón nhận trời thu, cảnh thu vào cõi lòng.
- Cõi lòng nhà thơ yên tĩnh, vắng lặng. Vì vậy, việc cảm nhận cảnh vật đạt đến sự tinh diệu của nó.
- Sự tĩnh lặng của ngoại cảnh và tâm cảnh đem đến sự cảm nhận về một nỗi cô quạnh, uẩn khúc trong tâm hồn nhà thơ. Bài thơ xuất hiện nhiều gam màu xanh và phần nhiều là gam màu lạnh. Cái lạnh của trời thu, cảnh thu hay cái lạnh từ tâm hồn nhà thơ tỏa ra cảnh vật?
- Tấm lòng yêu thiên nhiên đất nước thể hiện qua sự cảm nhận tinh tế vẻ đẹp của mùa thu đất nước.
- Tác giả cảm nhận mùa thu bằng nhiều giác quan, miêu tả từ nhiều điểm nhìn khác nhau.
- Phải là người gắn bó sâu sắc và tha thiết yêu quê hương đất nước, Nguyễn Khuyến mới cảm nhận và thể hiện được những biến thái tinh vi của đất trời như thế.
* Nghệ thuật
- Nghệ thuật tả cảnh và bộc lộ tâm trạng.
- Nghệ thuật sử dụng tiếng Việt.
* Đánh giá
- Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Khuyến qua bài thơ Câu cá mùa thu tiêu biểu cho vẻ đẹp của các nhà nho chân chính đương thời. Qua bài thơ, người đọc nhận ra ở Nguyễn Khuyến một tâm hồn gắn bó với quê hương đất nước, một tấm lòng yêu nước thầm kín nhưng không kém phần sâu sắc.
Câu V.b (7,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận một vấn đề trong tác phẩm truyện. Bài viết phải có bố cục hợp lí; diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Thạch Lam và truyện ngắn Hai đứa trẻ, thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý chính:
* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
* Giải thích khái niệm "chất thơ"
Là vẻ đẹp, chất trữ tình thi vị toát ra từ tác phẩm, tạo nên sức hấp dẫn riêng, thường đem lại cảm giác man mác, nhẹ nhàng, nhiều dư vị cho người đọc.
* Chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ
- Ngôn ngữ miêu tả giàu hình ảnh, nhịp điệu và cảm xúc.
- Âm điệu buồn và những cảm xúc mơ hồ thường gặp trong thơ.
- Chất thơ còn ẩn trong những vẻ đẹp hồn nhiên của cuộc sống đời thường bình dị mà trái tim nhạy cảm của nhà văn đã thâu nhận, dựng lên một không gian trữ tình mang hồn quê Việt.
* Đánh giá
- Chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ tạo là một phương diện hấp dẫn của truyện ngắn này.
- Chất thơ ấy là biểu hiện đặc sắc trong bút pháp nghệ thuật Thạch Lam: sự khám phá hiện thực bằng phương cách trữ tình, tạo một dư vị nên thơ cho tác phẩm.
* Biểu điểm câu V.a:
- Điểm 7,0: Phân tích sâu sắc, thuyết phục các khía cạnh vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ. Bố cục chặt chẽ, hợp lí. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa phân tích nội dung và nghệ thuật. Văn viết trôi chảy, mạch lạc, giàu hình ảnh, cảm xúc. Không mắc lỗi hoặc mắc lỗi không đáng kể về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 5,0 – 6,0: Phân tích được những khía cạnh cơ bản vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ. Bố cục chặt chẽ, hợp lí. Có chú ý về mặt nghệ thuật của tác phẩm nhưng chưa sâu. Văn viết trôi chảy, mạch lạc. Còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 3,0 – 4,0: Phân tích khá tốt một trong hai biểu hiện vẻ đẹp trong tâm hồn nhà thơ. Có ý thức xây dựng bố cục bài văn nhưng chưa chặt chẽ. Phân tích nghệ thuật còn hạn chế. Mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 1,0 – 2,0: Chưa hình thành được các luận điểm, diễn đạt lủng củng, vụng về. Mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề hoặc bỏ giấy trắng.
* Biểu điểm câu V.b:
- Điểm 7,0: Hiểu khái niệm chất thơ và phân tích sâu sắc, thuyết phục những biểu hiện của chất thơ trong tác phẩm. Văn viết trôi chảy, mạch lạc, giàu hình ảnh, cảm xúc. Không mắc lỗi hoặc mắc lỗi không đáng kể về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 5,0 – 6,0: Cơ bản hiểu khái niệm chất thơ. Phân tích được những biểu hiện của chất thơ trong tác phẩm. Văn viết trôi chảy, mạch lạc. Còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 3,0 – 4,0: Giải thích khái niệm chất thơ chưa đầy đủ. Phân tích được những biểu hiện quan trọng của chất thơ trong tác phẩm. Văn viết trôi chảy, mạch lạc. Còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 1,0 – 2,0: Chưa hiểu khái niệm chất thơ, do đó, chưa triển khai được thành các luận điểm, diễn đạt lủng củng, vụng về. Mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề hoặc bỏ giấy trắng.